Nguyễn Dung Truyện ngắn “Mây trắng còn bay” ra đời vào năm 1975, vào thời kì đất nước trong giai đoạn đổi mới toàn diện. Chiến tranh vừa qua đi, nhưng dấu tích vẫn còn đó. Câu chuyện cất lên như một bản nhạc hiện thực về cuộc sống thời chiến, thể hiện qua nhân vật “tôi”, tiếp viên hàng không, “tay vận complet” và nhân vật “bà cụ”.
Ấn tượng tới người đọc về truyện ngắn của tác giả Bảo Ninh chính là nhan đề tác phẩm. Trên khung cảnh các nhân vật đều trong chuyến bay, hình ảnh máy bay bay qua từ vùng đất này sang vùng đất khác, bay lượn trên những đám mây trắng xóa, có chăng là ngụ ý của Bảo Ninh khi lấy hình ảnh “mây trắng” làm tiêu đề? Hình ảnh vừa gợi lên sự bình yên, vừa tạo sự bồng bềnh thơ mộng dường như muốn bày tỏ đến sự chảy trôi của thời gian. Bầu trời bình yên được đổi lại bằng một quá khứ tàn khốc.
Lấy đề tài trong thời kì hậu chiến, truyện ngắn khai thác chủ đề nỗi đau của người mẹ Việt Nam anh hùng sau chiến tranh một cách tinh tế và xúc động. Bảo Ninh không chỉ là một nhà văn mà còn là một người lính dũng cảm trên mặt trận. Nhờ vậy, những trang viết về chiến tranh của ông hiện lên chân thực, cụ thể hơn ai hết. Lấy không gian trên một chuyến bay từ Hà Nội vào Quảng Trị, truyện ngắn đã khắc họa nhân vật bà cụ với hình hài nhỏ bé, yếu đuối đang trên đường vào thăm nơi con trai mình đã hi sinh ba mươi năm về trước. Qua ngòi bút tài hoa, tỉ mỉ và uyển chuyển của Bảo Ninh, hình ảnh người mẹ già đáng thương giữ gìn tấm ảnh đã ố màu của con, chuẩn bị bàn thờ nhỏ và đồ lễ chu đáo đã gây ấn tượng mạnh mẽ, xúc động cho độc giả. Từ đó, tác giả gửi gắm bài học về đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.Với những nét miêu tả chân thực, chúng ta có thể dễ dàng hình dung hình ảnh người mẹ chân chất, có phần “quê mùa” hiện lên qua tác phẩm. Bà có thân hình nhỏ bé, teo tóp như chìm lấp vào ghế, lưng còng, hai bàn tay gầy guộc, tất cả đều tạo nên vẻ ngoài lam lũ, vất vả và khắc khổ của một người phụ nữ Việt Nam xưa “Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế”. Bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm, ngồi im và ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Bà ngạc nhiên khi lần đầu được đi máy bay và lo sợ khi gặp thời tiết xấu. Khi được nhìn thấy những đám mây ngoài ô cửa sổ, bà đã “thốt kêu lên” một cách đầy ngạc nhiên “Mây ngay ngoài, các bác kìa!”. Cảnh tượng trước mắt lần đầu bà thấy và nó không giống như những gì bà từng được nghe kể: “vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trôi cao được hơn mây bác nhỉ?”. Cách so sánh của bà lão cũng giản dị, thân thuộc với những người dân quê “Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Y thể cây lá ngoài vườn”. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cùng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Bà không muốn nhận khay đồ ăn, mà dồn hết tất cả các thứ trên khay vào chiếc làn mây, chỉ xin cốc nước lọc và nhờ cô tiếp viên mở cửa sổ máy bay. Những cử chỉ của bà càng tô lên những nét đặc trưng của tầng lớp nông dân ở làng quê Việt Nam: xởi lởi, cởi mở, tiết kiệm, chắt chiu. Cách xưng hô “thưa các bác”, “mấy bác nhỉ”,... làm cho nhân vật bà cụ hiện lên với sự e dè, khép nép với những người khách xung quanh. Qua đó, người đọc càng xót thương cho sự nhọc nhằn, vất vả của bà cụ. Bởi lẽ, suốt cuộc đời cực khổ của mình, đây là lần đầu tiên người mẹ ấy được đi máy bay.Bà cụ không chỉ là người phụ nữ nông thôn có phần “quê mùa” mà còn là người mẹ mang trong mình vết thương chiến tranh. Cuộc sống “ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó”, vậy bà lão đi chuyến bay có vé cả triệu để làm gì? Trong cuộc đối thoại với cô tiếp viên hàng không, bà hỏi “Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?” đã hé lộ mục đích của bà. Sông Bến Hải - con sông thuộc tỉnh Quảng Trị, là nhân chứng của lịch sử chiến đấu hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đau thương, mất mát của dân tộc ta trong những năm tháng chống Mĩ ác liệt. Bà lão đến thăm con.
Bầu không khi của chuyến bay bỗng thay đổi vì lời nói đầy gắt gỏng của tay vận complet “Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!”. Không chỉ nhân vật “tôi”, cô tiếp viên hay những hành khách xung quanh mà bản thân người đọc bỗng chốc giật mình trước sự thay đổi mạch truyện. Sự đối lập gay gắt giữa người đàn ông sang trọng đang tức giận “Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?” và bà cụ nhỏ bé, sợ sệt. Lời nói của bà cụ khiến mọi người như lặng đi: “Van bác…”, “Bác ơi, van bác… Chẳng là, bác ạ, bữa nay là giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất”. Người mẹ vốn đã có “hình vóc bé nhỏ, teo tóp” lại ngồi “lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc”. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương mà nó để lại đã khắc sâu trên nhân hình và trong trái tim của người mẹ. Nỗi đau đơn của người mẹ mất con dù cho thời gian qua đi cũng không thể nào chữa lành.