logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay
Phân tích hình tượng sông đà ở đoạn văn sau: ... Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính là hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba là phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt thuyền trưởng cùng tất cả thủy thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. ..
Trả lời câu hỏi của Ngọc Nguyễn Thị
right
Viết câu trả lời

Làm sao để có câu trả lời hay nhất?

  • Luôn có GIẢI THÍCH các bước giải
  • Không copy câu trả lời của Timi
  • Không sao chép trên mạng
  • Không spam câu trả lời để nhận điểm
  • Spam sẽ bị khóa tài khoản
CÂU TRẢ LỜI
Timi

02/01/2024

Trợ lý học tập AI - Câu trả lời này chỉ mang tính tham khảo
Hình tượng sông Đà trong đoạn văn được miêu tả rất sống động và mạnh mẽ. Sông Đà được nhắc đến như một thế lực tự nhiên vô cùng mạnh mẽ và đầy oán trách. Tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên, tiếng thác nghe như là oán trách, van xin, khiêu khích và chế nhạo. Sông Đà rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, phá tuông rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Sau khi đi qua cái thác, sông Đà ngoặt khúc lượn và sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Các hòn đá ở đây có vẻ ngỗ ngược, nhăn nhúm méo mó hơn cả mặt nước. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Những hòn đá mới trông tưởng như đứng, ngồi, nằm tùy theo sở thích tự động của chúng. Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn đá, chúng dàn trận trên sông để tấn công cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh. Hình ảnh sông Đà trong đoạn văn mang đến cảm giác mạnh mẽ, hung dữ và đầy thách thức. Sông Đà được miêu tả như một thế lực tự nhiên không thể khống chế, đầy oán trách và khiêu khích.
hungnguyen

04/01/2024

Câu trả lời uy tín

Là nhà văn của chủ nghĩa "xê dịch", luôn luôn có ý thức "thay thực đơn cho giác quan", Nguyễn Tuân đã tìm đến với sông Đà – con sông Tây Bắc với dòng chảy đầy cá tính:

Chúng thủy giai đông tẩu

Đà giang độc bắc lưu

(Mọi con sông đều chảy về đông

Riêng sông Đà ngược lên phía bắc)

Phải chăng chính dòng chảy đầy cá tính chẳng giống với "chúng thủy" của Đà giang đã thu hút cái nhìn của người nghệ sĩ, để rồi người nghệ sĩ ấy say mê nó, tạc nó vào trang văn của mình như tạc một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa với hai vẻ đẹp đầy ấn tượng: Hùng vĩ, dữ dội và đằm thắm, trữ tình. Con sông của tạo hóa vốn đã độc lạ, con sông chảy qua trang văn Nguyễn Tuân còn độc lạ gấp nhiều lần. Với "Người lái đò sông Đà", ngòi bút Nguyễn Tuân như "tung hoành sảng khoái giữa dòng thác cuồn cuộn của ngôn từ, buộc ngôn từ dựng lên ghềnh thác, buộc nhịp điệu dựng lên sóng gió" khiến cho sự hung bạo dữ dằn của sông Đà khúc thượng nguồn hiện lên thật sống động và truyền cảm. Đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến cái thác dưới [..] Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới" là minh chứng sinh động điều đó.

Tùy bút "Sông Đà" là thành quả chuyến đi thực tế gian khổ và hào hùng của Nguyễn Tuân đến miền đất Tây Bắc xa xôi những năm 1958- 1960. Chuyến đi không chỉ nhằm thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, mà còn là cơ hội để nhà văn tìm kiếm "chất vàng" trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, phát hiện "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của tâm hồn con người Tây Bắc trong cuộc sống lao động hàng ngày của họ.

Nguyễn Tuân thích những gì gây cảm giác mãnh liệt, cái đẹp trong văn ông phải là cái đẹp tuyệt mỹ, say đắm, còn dữ dội phải đến mức khủng khiếp, ghê sợ. Và con sông Đà đã bị chi phối bởi quan niệm nghệ thuật này, nên qua sự thể hiện của nhà văn, dường như không có con sông nào có thể dữ dội, hung bạo hơn dòng chảy của sông Đà.

Sông Đà không chỉ hùng vĩ, dữ dội ở cảnh "đá bờ sông dựng vách thành", cảnh mặt ghềnh Hát Loóng "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm", cảnh những cái hút nước "xoáy tít đáy".. mà còn nguy hiểm ở trùng trùng điệp điệp những thác nước sông Đà.

Sông Đà có cả thảy bảy mươi ba cái thác như bảy mươi ba cạm bẫy luôn rình rập và sẵn sàng ăn chết bất cứ chiếc thuyền nào đi ngang qua đó. Sự chất chồng, liên tiếp của thác dữ sông Đà đã từng đi vào câu ca xưa:

"Đường lên Mường Lễ bao xa

Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh"

Trong đoạn văn trên, ngòi bút của Nguyễn Tuân chỉ dừng lại ở miêu tả một dòng thác cụ thể mà như cộng hưởng sự hùng vĩ, hiểm nguy của cả bảy mươi ba con thác khác cộng lại.

Say mê khám phá con sông, Nguyễn Tuân dõi theo dòng thác hùng vĩ của sông Đà ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Dòng thác báo hiệu sự có mặt của mình bằng âm thanh từ xa vọng lại:

"Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.."

Nguyễn Tuân đã miêu tả âm thanh của tiếng nước thác bằng một hệ thống từ ngữ phong phú, truyền cảm. Cùng với nghệ thuật nhân hóa được sử dụng một cách đắc địa, nhà văn đã truyền hồn sống cho dòng sông, biến thác nước sông Đà thực sự trở thành một loài thủy quái đang giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Khi thì nhà văn nghe thấy nó như "oán trách gì", rồi lại như là "van xin", khi lại thấy nó đang "khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo".. Nhà văn đã tung ra hàng loạt những ngôn từ sống động để miêu tả âm thanh thác nước theo những cung bậc tăng dần của cảm xúc giận dữ. Đó vừa là cách nhà văn nói đến khoảng cách rút ngắn dần khi tiếp cận con sông, vừa là cách tạo ấn tượng về sự dữ dội của sông Đà và tăng dần cảm giác hồi hộp, sợ hãi trong tâm trí người đọc.

Đặc sắc nhất là những phép so sánh kỳ thú trong một câu văn dài đầy ắp những hình ảnh dữ dội "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng..". Âm thanh thác nước bất ngờ được phóng to hết cỡ "rống lên" và được so sánh với âm thanh của tiếng hàng ngàn con trâu mộng.. gợi ấn tượng về khúc nhạc hùng tráng của thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của sự phấn khích man dại và cuồng loạn. Thật là một cảnh trí có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với người thưởng văn bởi cả nỗi sợ hãi và niềm say mê, khao khát chiêm ngưỡng.

Là một kẻ thích chơi ngông, nhà văn đã thể hiện sự tài hoa độc đáo của mình khi lấy hình ảnh gợi tả âm thanh, lấy lửa tả nước, lấy rừng tả sông, đặt những hình ảnh tương phản vốn rất "kị" nhau trong một trường liên tưởng độc đáo, thú vị. Vậy mà hiệu quả của nó thật bất ngờ, nhà văn đã khiến âm thanh của thác nước không chỉ được cảm nhận bằng thính giác, không chỉ được hình dung qua trí tưởng tượng mà còn hiện ra trong những ấn tuợng đặc biệt sống động của xúc giác, thị giác. Nguyễn Tuân phải chăng đã lục lọi đến tận cùng kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề, nhằm tìm ra những chữ nghĩa chính xác nhất, có khả năng động người đọc nhiều nhất?

Khi cái thác hiện ra trước mắt, nhà văn như reo lên đầy ngờ ngàng, thích thú: "Tới cái thác rồi" – cảm giác gặp lại sông Đà hệt như gặp lại "cố nhân" vậy. Vẫn nhìn sông Đà với con mắt say mê, Nguyễn Tuân đưa sông Đà vào trang viết với vẻ đẹp kì vĩ: "Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá" . Tính từ "trắng xóa" vừa chính xác vừa tạo hình gây ấn tượng về sự trào sôi dữ dội của dàn giao hưởng của sóng, gió, bọt nước.. Đồng thời gợi tả điệp trùng những con sóng trắng cuồn cuộn xô nhau trên mặt nước mênh mông. Cùng với hình ảnh "chân trời đá" - đá chất chồng lên đá, câu văn miêu tả của Nguyễn Tuân đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà.

Bút lực của Nguyễn Tuân đến đây kể như đã tài hoa, phóng túng tột đỉnh. Nhưng thật bất ngờ, càng dõi theo thiên tùy bút có một không hai này, ta càng thấy sự thăng hoa trong ngòi bút miêu tả và sự phong phú trong trí tưởng tượng của bậc kì tài ngôn ngữ Nguyễn Tuân.

Trong trí tưởng tượng của Nguyễn Tuân, dòng sông Tây Bắc khủng khiếp nhất, gây ám ảnh nhất với con người chính là thạch trận đá sông Đà. Ở phương diện này, sông Đà thực sự mang "diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một" đối với con người.

Bút pháp nhân hóa đã trở thành bút pháp chủ đạo có tác dụng truyền hồn sống cho dòng sông. Qua sự cảm nhận của nhà văn, loài thủy quái hung tợn mang tên Đà giang mang tâm địa vô cùng nham hiểm và xảo quyệt. Nó đã bày ra cả một trận đồ bát quái với rất nhiều cửa tử:

"Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền" .

Sử dụng thuật ngữ của quân sự, Nguyễn Tuân đã gợi dậy cái sự bí ẩn và vô cùng hiểm ác của đá trên lòng sông Đà. Đá ở đây được miêu tả trong thời gian vĩnh hằng của thiên nhiên "ngàn năm", khi thì chúng ẩn mình "mai phục", khi dữ dằn, đột ngột hiện ra sau cái dập dềnh của sóng để "nhổm cả dậy vồ lấy thuyền".

Để tận tả đá sông Đà, Nguyễn Tuân còn sử dụng rất nhiều nhân hóa, nhờ đó, người đọc có thể hình dung ra từng diện mạo con người trong những hình thù đá vô tri. Tùy theo hình dạng, kích thước của đá và cách nhìn của nhà văn mà đá sông Đà được miêu tả trong những cảm nhận khác nhau, khi thì "ngỗ ngược", "nhăn nhúm méo mó" bởi sự gồ ghề, lúc to lớn qua dáng "bệ vệ oai phong lẫm liệt", khi này là tảng đá với những cạnh sắc nhọn hất ngược lên đem đến cảm nhận về sự "xấc xược" trong cái "hất hàm" thách thức, lúc khác lại là tảng đá nhẵn xanh xuôi chảy từ trên xuống qua hình ảnh "thằng đá tướng.. tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng..". Nguyễn Tuân đã dùng hết sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để tạo diện mạo và linh hồn cho từng thớ đá vô tri. Đọc tới đây, có lẽ không ít độc giả phải ngậm ngùi vì vốn ngôn từ của mình còn quá ít ỏi, và trí tưởng tượng của mình còn quá nghèo nàn so với bậc kì tài Nguyễn Tuân.

Cái độc đáo trong tưởng tượng của Nguyễn Tuân là ông hình dung sông Đà như giao việc cho từng hòn đá để sẵn sàng lật ngửa bụng bất cứ con thuyền nào qua đây. Người đọc thực sự thấy thích thú khi chứng kiến sự "bày binh bố trận" của những hòn đá "nhăn nhúm méo mó" kia. "Đám tảng, đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền" . Trận địa đá gồm "hàng tiền vệ, có hai hòn canh cửa đá trông như là sơ hở" để "dụ đối phương đi vào sâu nữa" rồi "đánh khuýp quật vu hồi lại" . Nếu chọc thủng được tuyến hai thì nhiệm vụ của những bong ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt những thuật ngữ của quân sự, võ thuật, thể thao, cùng hệ thống dày đặc những động từ mang sắc thái nhân hóa, đặt trong những câu văn ngắn, dồn dập.. khiến lòng sông Đà quãng này không khác một chiến trường với những trận "hỗn chiến" ác liệt giữa con người với thiên nhiên. Phải đọc đến đoạn ông lái đò gồng mình chiến đấu với con sông qua các cửa sinh, cửa tử, ta mới thấy hết sự dữ dội, hung hiểm của sông Đà.

Sự uyên bác về kiến thức, sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng câu chữ, sử dụng tối ưu "phép thuật" của nghệ thuật nhân hóa cùng những từ láy gợi hình đầy sức biểu cảm, những tính từ chỉ tính cách, thái độ, cảm xúc.. đã giúp Nguyễn Tuân làm hiện lên một trong những phần khủng khiếp nhất của sông Đà, đó là nước thác và thạch trận đá trên dòng sông. Kết hợp với sóng, gió và nước thác, đá sông Đà không im lìm như đặc tính vốn có tự ngàn năm mà sống động, dữ dằn, thét gào, ác hiểm khiến đá sông Đà không chỉ lộ "diện mạo" mà cả "tâm địa" của "thứ kẻ thù số một" của con người. Như vậy, với đoạn văn này nói riêng và bài tùy bút nói chung, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc lạ hóa thiên nhiên, làm cho sông Đà trở nên sống động khác thường. Khám phá vẻ đẹp sông Đà trong trang văn Nguyễn Tuân, ta không chỉ thêm yêu mến Nguyễn tuân ở tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước mà còn thêm thấm thía chân lí nghệ thuật: "Thế giới không phải được tạo lập một lần mà mỗi một lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là một lần thế giới lại được tạo lập" thêm lần nữa.

Hình tượng sông Đà trong đoạn văn trên đã thể hiện sự độc đáo trong quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân sau cách mạng. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn là người say mê khao khát cái Đẹp, nhưng ông đã biết tìm kiếm và khai thác Cái Đẹp trong lòng cuộc sống của dân tộc. Không phải là những nhân vật mang tính chất lí tưởng hóa của "Vang bóng một thời", Nguyễn Tuân tìm vẻ đẹp trong dáng hình sông núi, trong những con người đời thường bình dị. Bởi thế, ông đã tìm lên Tây Bắc, tìm đến sông Đà.

kien08

02/01/2024

Trong đoạn văn trên, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa hình tượng sông Đà bằng ngôn ngữ giàu chất tạo hình, sử dụng nhiều phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ,... để làm nổi bật vẻ đẹp hung bạo, dữ dội của dòng sông.

Vẻ đẹp hung bạo, dữ dội của sông Đà được thể hiện qua những hình ảnh, chi tiết cụ thể:

Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền.
Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé.
Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn.
Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính là hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại.
Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba là phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt thuyền trưởng cùng tất cả thủy thủ ngay ở chân thác.
Tất cả những hình ảnh, chi tiết trên đã góp phần khắc họa hình tượng sông Đà như một kẻ thù hung bạo, dữ dội, luôn rình rập, sẵn sàng nuốt chửng những con thuyền qua lại.

Vẻ đẹp hung bạo, dữ dội của sông Đà còn được thể hiện qua những thủ pháp nghệ thuật:

Sử dụng nhiều động từ mạnh, giàu sức gợi hình, gợi cảm: rống lên, oán trách, van xin, khiêu khích, gằn, chế nhạo, nhổm cả dậy, vồ lấy, mai phục, nhăn nhúm, méo mó, rung tít, trắng xóa, đứng, ngồi, nằm, chặn ngang, đòi ăn chết, dụ, đánh khuýp quật vu hồi lại, chọc thủng, tiêu diệt.
Sử dụng nhiều phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ: tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn.

Nếu bạn muốn hỏi bài tập

Các câu hỏi của bạn luôn được giải đáp dưới 10 phút

right Đặt câu hỏi ngay

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved