28/02/2024
Làm sao để có câu trả lời hay nhất?
28/02/2024
28/02/2024
“Người đi tìm hình của nước” được viết với niềm xúc động, cảm xúc tự hào cũng như lòng biết ơn của Chế Lan Viên về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Bài thơ tái hiện hành trình gian truân nhưng vinh quang của vị lãnh tụ dân tộc trong suốt 30 năm.
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”
Câu thơ đầu tiên trong bài tái hiện tâm trạng quyến của Bác khi phải ra đi. Bác ra đi để “đất nước đẹp vô cùng” này có một con đường thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ. Bác ra đi mang theo nỗi đau mất nước, nỗi tủi nhục trước ách thống trị của xâm lăng. Nhưng chính nỗi đau xót ấy thôi thúc Bác quyết tâm tìm được con đường cứu dân, cứu nước.
“Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”
Câu thơ thể hiện sự cuống quýt, vội vàng muốn theo kịp chân Bác, muốn được cùng Bác sẻ chia những gian truân của cuộc hành trình. Hình ảnh con sóng trong câu thơ giúp người đọc cảm nhận rõ sự thiêng liêng của giây phút lịch sử Bác Hồ ra đi. Nó không chỉ thể hiện tình cảm lưu luyến mà hơn hết là lòng thương yêu, kính yêu của tác giả đối với Bác.
“Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”
Không gì có thể biểu đạt tốt hơn về quê hương xứ sở của ta bằng hình ảnh “hàng tre”, “làng xóm”, “bờ bãi”. Những hình ảnh quen thuộc ấy, từ bốn phía mênh mông, rộng lớn lui dần rồi khuất bóng, người ra đi hẳn đã rất cô đơn và cảm thấy bơ vơ.
Nếu các từ “dần lui”, “không một bóng” miêu tả bác từng bước từng bước rời xa quê hương, thì động từ “nhìn” thể hiện sự hụt hẫng, buồn xót xa, nhớ nhung của Bác đang cố gắng kiếm tìm những điều quen thuộc của đất nước thân yêu.
“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”
Đêm xa nước đầu tiên ấy, là “ai nỡ ngủ” hay không thể nào chợp mắt. Bởi lòng bác nhớ quê hương tha thiết. Hành trình phía trước biết sẽ tới đâu, đến bao giờ Bác mới có thể trở về quê hương, Bắc thao thức, trằn trọc.
Biển mênh mông, sóng nơi đâu cũng đều là sóng nước. Nhưng sóng quê hương thì khác. Ở ngay đây hay ở xa kia, khi không phải trời nước quê hương thì đều là xứ sở xa lạ, mọi thứ đều là ngỡ ngàng. Người ra đi ấy, nằm nghe sóng vỗ mạn tàu, mỗi một tiếng sóng xa dần là càng trở nên xa lạ, nỗi đau nhớ quê hương lại tăng thêm.
“ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương”
Hai câu thơ nghe như lời tâm sự nhẹ nhàng, nhưng trong giọng khe khẽ sâu lắng ấy là nỗi yêu nước nồng nàn, tha thiết.
“Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà”
Hai câu thơ trên của Chế Lan Viên thật giàu hình ảnh. Nó thể hiện một cách tinh tế tình yêu nước sâu nặng của Bác; nỗi trằn trọc, day dứt của Bác lo cho vận mình của dân độc đến nỗi trong chiêm bao Bác thấy “hình của nước”. Và hơn hết, Bác khao khát mà mơ về cái cỏ “xanh sắc biếc quê nhà”. Ta mới thương Bác làm sao! Từ làng quê nhiệt đới, bốn mùa cỏ cây xanh tươi, nay Bác một mình giữa trời châu Âu tuyết trắng. Nhưng Bác mơ về “hình của nước”, về sắc xanh quê hương cũng là khát khao cháy bỏng về con đường đưa đến bình yên cho quê hương.
“Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”
Hỏi có ai nặng lòng với quê hương như Người! Bác chưa từng vui, chưa từng yên lòng khi ăn một miếng ngon, khi ngắm một nhành hoa. Vì Bác biết, Tổ quốc, quê hương còn đắm chìm trong lầm than, còn oằn mình vì phải làm nô lệ dưới ách giặc Pháp thực dân.
Hình ảnh đối lập trong hai câu thơ: “miếng ngon” – đắng lòng”, “chẳng yên lòng” – “ngắm một nhành hoa” gợi lên ở người đọc niềm xúc động, cay nơi sống mũi trước những trăn trở, lo âu của Người về vận mệnh đất nước. Bác ăn không ngon, ngủ không yên khi nghĩ về đất nước đau thương. Trái tim yêu nước nồng nàn của Bác đau nỗi đau nước mất, nhà ta.
Với bao gian truân, bao thử thách, bao đêm dài nhớ quê hương da diết, Bác đã tìm ra chân lý cách mạng, con đường cứu nước:
“Luận cương đến Bác hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin”
Và có gì sung sướng hơn, hạnh phúc hơn khi Người tìm ra con đường cứu nước. Không gì khác chính là chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Chân lý cách mạng ấy đã soi sáng tâm hồn Bác và Bác đã đón nhận bằng tất cả trái tim và khối óc:
“Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách
Tưởng bên ngòai đất nước đợi mong tin”
Hình ảnh nhân hóa đã làm nền để miêu tả sự chăm chú, sự toàn tâm và cả sự hứng khởi của Bác khi gặp được lý tưởng cách mạng. Và tất cả sự đặt để ở từng trang sách ấy, là vì Bác biết “đất nước đợi mong tin”. Cũng như thời khắc Người ra đi, giây phút Bác đọc Luận cương của Lê Nin là một thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc.
Qua bao khổ ải, với bao tâm sức, Bác đã tìm ra hình của Nước. Bởi vậy, trong Người dâng trào niềm vui mãnh liệt:
“Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
Cơm áo là đây ! Hạnh phúc đây rồi !”
Đọc dòng thơ với hai câu cảm liên tiếp: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”, ta như thấy hình ảnh vui sướng của Bác khi đi lại giữa căn phòng. Nhịp thơ nhanh và mang giọng sảng khoái, nồng nhiệt và xúc động diễn tả được hạnh phúc tột cùng của Bác trong giờ phút tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.
“Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”
Đặc sắc và độc đáo quá hình ảnh ““Hình của Đảng lồng trong hình của Nước”. Nó mang một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, trên lá cờ bay phấp phới ta như thấy dáng Bác đang đứng đó vẫy tay cười. Và đó cũng là biểu tượng cho mối gắn kết giữa vận mệnh của đất nước và vận mệnh của Đảng – Đảng cộng sản Việt Nam – linh hồn của dân tộc.
Niềm xúc động mãnh liệt của Bác được truyền tới người đọc bởi cái hình ảnh đối lập của “khóc” và “cười”. Nhưng hơn thế, “khóc” và “cười” lại đồng thời, bởi vậy tạo được ấn tượng sâu sắc nơi người đọc bao thế hệ. Những giọt nước mắt trong phút đầu tiên ấy là nước mắt hạnh phúc và nụ cười của sung sướng, hân hoan. Và năm tháng qua đi, đất nước bình yên và giàu mạnh, những cuộc đời của hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ mãi cái hình ảnh ấy của Người.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved