logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Tổng hợp 10 đề thi học kì 1 Văn 7 chân trời sáng tạo có đáp án

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Đề 1

Đề 1

Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Tháng tư lại về với nắng tươi rực rỡ. Khắp phố phường, sắc xanh non mỡ màng của lá bàng, lá sấu, bằng lăng làm bừng sáng cả không gian. Chầm chậm đạp xe trên phố, chợt thoảng thơm trong gió một làn hương ngọt ngào, khiến lòng nôn nao khó tả. Ghé vào gánh hàng hoa quen thuộc của bà lão ngồi dưới tán bàng đầu con phố nhỏ, tôi nhận ra ngay những bông hoa móng rồng đầu mùa vàng rộm nổi bật trên nền xanh mướt của lá chuối tươi. Bà lão mỉm cười hồn hậu nhìn tôi ôm cả gói hoa lên hít hà và nhẹ nhàng đặt vào giỏ xe với biết bao nâng niu, trìu mến.

Mỗi mùa hoa là một lần bà nội tôi phải ngồi phân xử đúng sai cho bọn trẻ, bởi đứa thì bảo hoa móng rồng thơm mùi chuối tiêu trứng cuốc, đứa lại bảo thơm mùi mít chín. Tôi thì đứng ngay dưới gốc cây, nhắm tịt cả hai mắt lại hít lấy hít để rồi bảo giống mùi vani của thứ bánh kẹo trên phố tôi đã từng ăn. Cuộc tranh cãi chỉ đến hồi kết thúc khi bà sai chúng tôi vin những cành cây mềm mại rủ xuống, nhẹ nhàng hái hoa cho vào rổ.

[…] Bao năm rồi, bà tôi giờ không còn nữa. Hoa móng rồng vẫn nở thơm vườn nhà mỗi độ giao mùa. Chúng tôi ngày càng xa quê, nhưng màu hoa ấy, làn hương ấy luôn là một phần nằm sâu trong nỗi nhớ quê hương. Để mỗi tháng tư về, tôi lại tìm đến gánh hàng của bà lão vừa từ làng hoa bên kia sông qu chuyến đồ sớm sang phố, mang chút hồn quê thảo thơm đến với mọi người.

(Lam Hồng, Hoa móng rồng, Theo

http://www.baonamdinh.vn/

ngày 15/4/2015)

Câu 1 (0.25 điểm): Văn bản trên đã viết theo thể loại gì?

A. Nghị luận văn học

B. Tản văn và tùy bút

C. Nghị luận xã hội

D. Thơ

Câu 2 (0.25 điểm): Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 3 (0.25 điểm): Đối tượng chính mà văn bản đề cập?

A. Hoa móng rồng

B. Bọn trẻ

C. Bà tôi

D. Bà bán hàng

Câu 4 (0.25 điểm): Điều gì khiến người viết thấy lòng nôn nao khó tả?

A. Vì nắng mới vàng tươi rực rỡ

B. Vì sắc xanh non của lá bàng, lá sấu, bằng lăng

C. Vì làn hương ngọt ngào thoảng thơm trong gió

D. Vì thương nhớ về bà của mình

Câu 5 (0.25 điểm): Hương hoa móng rồng được cảm nhận như thế nào?

A. Giống mùi mít chín

B. Giống mùi chuối tiêu trứng cuốc

C. Giống hương vani của bánh kẹo

D. Ngọt ngào tùy cảm nhận mỗi người

Câu 6 (0.25 điểm): Trong câu văn Hoa móng rồng vẫn nở thơm vườn nhà mỗi độ giao mùa. có những phó từ nào?

A. Hoa, vườn

B. Vẫn, mỗi

C. Nở, thơm

D. Hoa, mùa

Câu 7 (0.25 điểm): Nội dung đoạn trích được tổ chức theo trình tự nào sau đây?

A. Từ quá khứ đến hiện tại

B. Từ hiện tại ngược về quá khứ

C. Theo mạch cảm xúc

D. Không có trình tự

Câu 8 (0.25 điểm): Có nhận xét cho rằng: Văn bản trên đã miêu tả thiên nhiên mơ mộng, từ ngữ rất giàu hình ảnh, nhịp điệu và cảm xúc về con người và sự việc chân thực. Điều đó đúng hay sai?

A. Đúng

B. Sai

Câu 9 (1.0 điểm): Nhận xét của em về tình cảm của tác giả được thể hiện qua đoạn trích

Câu 10 (1.0 điểm): Em hãy viết 5 – 7 dòng để chia sẻ cảm xúc của em về loài hoa hoặc loài cây mà em ấn tượng nhất.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta rất nhiều điều tuyệt vời. Được sinh ra trong cõi đời đã là một niềm hạnh phúc, nhất là khi bên cạnh chúng ta có những người luôn yêu thương và dõi theo ta trên mọi nẻo đường. Em hãy viết bài văn biểu cảm về người thân yêu nhất.

Đề 2

Đề 2

Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Mồ côi

Con chim non rũ cánh

Đi tìm tổ bơ vơ

Quanh nẻo rừng hiu quạnh

Lướt mướt dưới dòng mưa.

 

Con chim non chiu chít

Lá động khóc tràn trề

Chao ôi buồn da diết

Chim ơi biết đâu về.

 

Gió lùa mưa rơi rơi

Trên nẻo đường sương lạnh

Đi về đâu em ơi

Phơi thân tần cô quạnh!

Em sưởi trong bàn tay

Cho lòng băng giá ấm

Lìa cành lá bay bay

Như mảnh đời u thảm!

 

Con chim non không tổ

Trẻ mồ côi không nhà

Hai đứa cùng đau khổ

Cùng vất vưởng bê tha

 

Rồi ngày kia rã cánh

Rụi chết bên đường đi…

Thờ ơ con mắt lạnh

Nhìn chúng: “Có hề chi!”

Huế, tháng 10-1937

Nguồn: Tố Hữu, Từ ấy, NXB Văn học, 1959

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Thể thơ bốn chữ

B. Thể thơ bảy chữ

C. Thể thơ năm chữ

D. Thể thơ lục bát

Câu 2. Đối tượng biểu cảm của bài thơ là gì?

A. Con chim non mồ côi

B. Em bé mồ côi

C. Con chim non và em bé

D. Tất cả trẻ em mồ côi

Câu 3. Dòng nào nói đúng nhất giọng điệu chung của bài thơ Mồ côi?

A. Giọng điệu thiết tha trìu mến

B. Giọng điệu nghiêm trang, chừng mực

C. Giọng điệu vui đùa, dí dỏm

D. Giọng điệu buồn thương, phiền muộn

Câu 4. Từ mồ côi có nghĩa là gì?

A. Là bị mất cha và/hoặc mất mẹ từ khi còn bé dại

B. Là trẻ em sống trong các làng trẻ SOS, các trung tâm bảo trợ xã hội

C. Là trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường học tập

D. Là trẻ em phải làm việc kiếm sống từ khi chưa đủ tuổi lao động

Câu 5. Khổ thơ sau đây sử dụng cách gieo vần như thế nào?

Con chim non không tổ

Trẻ mồ côi không nhà

Hai đứa cùng đau khổ

Cùng vất vưởng bế tha

A. Vần chân

B. Vần lưng

C. Vần hỗn hợp

D. Vần liền

Câu 6. Từ ngữ nào sau đây là ngôn ngữ vùng miền?

A. Con chim non

B. Buồn da diết

C. Trẻ mồ côi

D. Có hề chi

Câu 7. Em bé mồ côi đã làm gì khi gặp chú chim non đáng thương?

A. Đi tìm mẹ cho chim non

B. Đặt chim non về tổ của mình

C. Mang chim non về nuôi

D. Sưởi ấm cho chim trong tay mình

Câu 8. Hoàn cảnh của em bé mồ côi và chú chim non có gì giống nhau?

A. Cùng không nhà, không tổ

B. Cùng vất vưởng, bê tha

C. Cùng đói ăn, rách mặc

D. A và B là phương án đúng

Câu 9. Sau khi đọc bài thơ, em có nhận xét gì về tâm hồn, tình cảm của tác giả?

Câu 10. Em hãy viết khoảng 3 - 5 dòng nêu suy nghĩ của mình về vai trò của sự sẻ chia trong cuộc sống.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Viết bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em yêu thích.

Đề 3

Đề 3

Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Chủ nghĩa hiện thực phát triển trong khoảng mười lăm năm (1930 – 1945) nhưng đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… Tác phẩm của họ là những bức tranh đậm nét về đời sống xã hội đem lại giá trị nhận thức cao cho người đọc. Khi nhắc đến những tác phẩm: Bước đường cùng, Tắt đèn, Bỉ vỏ, Số đỏ, Chí Phèo… Nguyễn Khải đánh giá là “những tác phẩm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. Bức tranh xã hội lúc đó ảm đạm, nhiều bi kịch, nhiều tệ nạn xã hội, làng quê xơ xác, tiêu điều, người nông dân bị đẩy đến đường cùng để rồi liều lĩnh, biến chất, trở thành nạn nhân của xã hội. Ở thành thị, các phogn trào do thực dân đề xướng như “Âu hóa”, “Vui vẻ trẻ trung”, thi thể thao, cải cách y phục… ngày càng lộ rõ chân tướng và tạo ra nhiều nghịch cảnh. Dòng văn học hiện thực phê phán đã phanh phui, bóc trần bộ mặt xã hội đó.

Các nhà văn hiện thực, lớp trí thức mới vốn xuất thân từ tầng lớp trung lưu, thậm chí trong những gia đình nghèo, vất vả kiếm sống. Vì thế mà họ gần gũi, thấu hiểu và đứng về phía người lao động để miêu tả qua những trang viết.

Về quan hệ giữa văn học và cuộc sống, Nam Cao đã có những luận điểm sâu sắc. Trong tác phẩm “Trăng sáng” nhân vật Điền đã đi từ quan điểm nghệ thuật lãng mạn đến quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”. Còn trong “Đời thừa”, qua nhân vật Hộ, Nam Cao khẳng định thiên chức nhà văn. Hộ hiểu rất rõ trách nhiệm của người cầm bút, Hộ có lương tâm nghề nghiệp nhưng vì miếng cơm manh áo mà anh phải đi ngược lại nhưng sau đó anh tự cảm thấy tủi nhục vì phải sống đời thừa.

(Trương Văn Quỳnh, Theo http://vanban.laocai.gov.vn/)

 

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Thuyết minh

Câu 2. Các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 có nội dung nổi bật nào sau đây?

A. Vạch trần các thủ đoạn vơ vét, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến

B. Cổ vũ nhân dân đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc

C. Phản ánh chân thực đời sống xã hội, đem lại giá trị nhận thức cao cho người đọc

D. Đề cập những xu hướng xây dựng xã hội hiện đại phù hợp cho con người

Câu 3. Em hiểu đánh giá của nhà văn Nguyễn Khải về các tác phẩm lớn thời kì 1930 – 1945 là “những tác phẩm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” nghĩa là gì?

A. Tâng bốc giá trị của các tác phẩm văn học thời kì này

B. Khẳng định các tác phẩm văn học thời kì này hay hơn các thời kì trước đó

C. Khẳng định giá trị to lớn của các tác phẩm văn học thời kì này

D. A và C đều đúng

Câu 4. Theo người viết, nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà văn hiện thực thời kì 1930 – 1945 “gần gũi, thấu hiểu và đứng về phía người lao động để miêu tả qua những trang viết” là gì?

A. Vì các nhà văn rất yêu người lao động

B. Vì xuất thân gần gũi với nhân dân lao động

C. Vì đó là xu thế tất yếu của văn học thời kì này

D. Vì họ ghét tầng lớp địa chủ, tư sản

Câu 5. Câu văn Nguyễn Khải đánh giá là “những tác phẩm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” là yếu tố nào trong văn bản?

A. Là câu dẫn dắt vấn đề

B. Là ý kiến của người viết

C. Là lí lẽ của người viết

D. Là bằng chứng người viết đưa ra

Câu 6. Điền và Hộ trong bài viết là ai?

A. Là bút danh của tác giả

B. Là tên các nhà văn

C. Là tên nhân vật văn học

D. Là tên người đọc tác phẩm

Câu 7. Vì sao người viết nhắc nhiều đến Nam Cao, các tác phẩm và nhân vật của Nam Cao?

A. Vì Nam Cao là người gần gũi với tác giả nên được ưu ái

B. Vì Nam Cao là người sáng tác duy nhất của dòng văn học hiện thực

C. Vì Nam Cao là tác giả tiêu biểu phản ánh mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống thông qua tác phẩm, nhân vật văn học

D. B và C đều đúng

Câu 8. Câu văn Vì thế mà họ gần gũi, thấu hiểu và đứng về phía người lao động để miêu tả qua những trang viết. được mở rộng thành phần gì?

A. Thành phần trạng ngữ

B. Thành phần chủ ngữ

C. Thành phần vị ngữ

D. Không có thành phần mở rộng

Câu 9. Đọc văn bản, em hiểu thêm được điều gì về văn học hiện thực phê phán nước ta giai đoạn 1930 – 1945?

Câu 10. Em hiểu thế nào về quan niệm sáng tác của nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”?

Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)

Câu 1. Xác định các từ ngữ địa phương theo vùng miền bằng cách đánh dấu chéo (X) vào ô phù hợp

Từ ngữ

Miền Bắc

Miền Nam

Miền Trung

Ba má

 

 

 

Đìa

 

 

 

Thức quà

 

 

 

Răng rứa

 

 

 

Mô tê

 

 

 

Khóm

 

 

 

Dứa

 

 

 

Lợn

 

 

 

O

 

 

 

Cây viết

 

 

 

Câu 2. Trong cuộc sống đã rất nhiều lần em mang lại niềm vui, sự hạnh phúc cho cha mẹ và người thân mỗi khi em đạt được điểm giỏi, làm được việc tốt, … Hãy viết một đoạn văn biểu cảm về niềm vui của người thân trong một lần như vậy.

Đề 4

Đề 4

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Tháng Ba – Hoàng Vân

Tháng ba mùa giáp hạt

Đến rong rêu cũng gầy

Mẹ bưng rá vay gạo

Cha héo hắt đường cày

 

Áo nâu may dịp tết

Bây giờ mực tím dây

Bần dưới sống ăn đữo

Khoai mậm non cả ngày

Tháng ba mưa dầm đất

Rét Nàng Bân tím trời

Kéo cảnh vun lửa đốt

Trẻ và trâu cùng cười

 

Tháng ba, tháng ba ơi!

Mùa xa… ngày thơ dại

Lúa lên xanh ngoài bãi

Sữa ướp đòng sinh đôi

 

Câu 1. Bài thơ trên thuộc thể loại nào?

A. Bốn chữ

B. Năm chữ

C. Tự do

D. Tứ tuyệt

Câu 2. Xác định nội dung chính của bài thơ trên và dấu hiệu nhận biết

A. Người mẹ, vì có hình ảnh Mẹ bưng rá vay gạo

B. Tình yêu quê hương, vì có hình ảnh lúa lên xanh ngoài bãi

C. Ký ức tuổi thơ đói nghèo, vì rất nhiều hình ảnh gợi cuộc sống thiếu đói trong mùa giáp hạt

D. Cuộc sống đói nghèo, vì phỉa ăn bần, ăn khoai mậm

Câu 3. Xác định ngắt nhịp (chính) của bài thơ?

A. Nhịp 3/2 và 2/3

B. Nhịp 1/4 và 4/1

C. Nhịp thơ linh hoạt

D. Khó xác định

Câu 4. Vì sao tháng ba mùa giáp hạt lại khốn khó?

A. Khi giao mùa (giữa xuân và hạ)

B. Mùa xuân đi chơi không làm

C. Thời kỳ đói khổ nhất trong năm

D. Khi lúa mùa cũ ăn hết, lúa mới chưa thu hoạch nên đói khổ

Câu 5. Xác định nội dung của khổ thơ thứ nhất?

A. Cảnh vật ảm đạm trong tháng ba

B. Mẹ đi vay gạo nấu cơm

C. Cha cày đồng mệt mỏi

D. Cuộc sống khốn khó mùa giáp hạt

Câu 6. Tuổi thơ hồn nhiên trong đói nghèo thể hiện rõ ở khổ thơ nào, dòng thơ nào?

A. Khổ 1, dòng thơ: Đến rong rêu cũng gầy

B. Khổ 2, dòng thơ: Bây giờ mực tím dây

C. Khổ 3, dòng thơ: Trẻ và trâu cùng cười

D. Khổ 4, dòng thơ: Lúa lên xanh ngoài bãi

Câu 7. Những câu thơ nào thể hiện rõ nhất nỗi buồn của đất trời trong tháng ba mùa giáp hạt?

A. Tháng ba mưa dầm đất/ Rét Nàng Bân tím trời

B. Tháng ba, tháng ba ơi! Mùa xa… ngày thơ dại!

C. Mẹ bưng rá vay gạo/ Cha héo hắt đường cày

D. Bần dưới sông ăn đỡ/ Khoai mậm non cả ngày

Câu 8. Niềm hy vọng vào vụ mùa bội thu được thể hiện ở chi tiết, hình ảnh nào?

A. Tháng ba, tháng ba ơi!

B. Lúa lên xanh; Sữa ướp đòng sinh đôi

C. Kéo cành vun lửa đốt

D. Áo nâu may dịp tết

Câu 9. Người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ là?

A. Người mẹ tần tảo

B. Người bố vất vả

C. Lũ trẻ hồn nhiên

D. Một người có tuổi thơ sống ở vùng quê nghèo khó

Câu 10. Nhà thơ dành tình cảm yêu thương sâu sắc cho đối tượng nào?

A. Những đứa trẻ hồn nhiên

B. Con người vất vả, nghèo khó của quê hương

C. Cha mẹ nghèo khó của mình

D. Quê hương

Câu 11. Khổ thơ cuối đã thể hiện được những điều gì?

A. Yêu thương, gắn bó với quê hương; niềm vui vào vụ mùa mới

B. Nhớ thương kí ức đã xa; niềm vui lúa đã trổ bông

C. Tháng ba đã lùi xa; ngày gặt đang đến gần

D. Vui sướng vì lúa đang sinh sôi nảy nở

Câu 12. Bức thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ là?

A. Hãy nhớ tích trữ lương thực vì tháng ba là mùa giáp hạt

B. Đừng quên những ngày bố mẹ phải nhọc nhằn

C. Đừng quên ngày phải ăn bần, ăn khoai mầm

D. Cuộc sống còn vất vả, hãy sống lạc quan và hy vọng

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Những bạn trẻ trong bài thơ đã sống như thế nào trong tháng ba, mùa giáp hạt?

Câu 2.

a. Xác định những câu thơ có chứa nghệ thuật nhân hóa và nêu tác dụng

b. Xác định 2 khổ thơ có sự tương phản trong bài và nêu tác dụng

Câu 3. Viết bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em đã được học, được đọc

Đề 5

Đề 5

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Lòng hào hiệp

(Trích Tâm hồn cao thượng – Edmond de Amicis)

Giờ vào lớp, ông Perboni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crotxi khốn nạn – tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. – Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỷ què mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crotxi những khi đứng đợi con ở trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Crotxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perboni ở ngoài bước vào.

Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.

Thầy giáo lên bục cau mày hỏi:

- Ai ném lọ mực?

Chẳng ai hé răng. Thầy gắt:

- Ai? Ai ném?

Lúc ấy bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Garone đứng dậy nói quả quyết:

- Thưa thầy, con.

Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thầy hiểu ngay và ôn tồn nói:

- Không. Không phải con.

Xong thầy lại nói:

- Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha.

Crotxi đứng lên nói:

- Thưa thầy, các anh ấy chọc con, đánh và chửi con… Con mất trí… Con trót ném…

Thầy nói tiếp:

- Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên.

Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu. Thầy mắng:

- Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh đã xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện!

Nói xong thầy xuống giữa lớp, lại chỗ anh Garone ngồi. Thấy thầy đến, anh cúi đầu. Ông Perboni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói:

Con có một trái tim cao thượng đáng khen!

Anh Garone nhân dịp ấy cúi vào tai thầy nói nhỏ mấy câu. Lập tức thầy quay lại chỗ 4 kẻ tội nhân và đột nhiên bảo:

- Thôi! Tha cho các anh

Câu 1. Những dấu hiệu cho biết văn bản trên là truyện ngắn?

A. Nhân vật ít

B. Dung lượng ngắn (gần 2 trang)

C. Ít sự việc (diễn ra trong thời gian rất ngắn)

D. Tất cả đáp án trên

Câu 2. Đâu là đề tài của truyện ngắn?

A. Bạn bè

B. Thầy trò

C. Học đường

D. Ứng xử

Câu 3. Dòng nào sắp xếp đúng các trình tự kể?

A. Chế giễu Crotxi; Crotxi ném lọ mực vào Phranti nhưng lại trúng thầy giáo; Crotxi nhận lỗi, thầy mắng các bạn chế giễu nặng lời; Garone nói nhỏ với thầy thầy tha cho hội chế giễu.

B. Chế giễu Crotxi; Crotxi ném lọ mực vào Phranti nhưng lại trúng thầy giáo; thầy truy tìm và Garone nhận lỗi, thầy không tin; Crotxi nhận lỗi, thầy mắng các bạn chế giễu nặng lời; Gareno nói nhỏ với thầy, thầy tha cho hội chế giễu.

C. Chế giễu Crotxi; Crotxi ném lọ mực vào Phranti nhưng lại trúng thầy giáo; Garone nói nhỏ với thầy, thầy tha cho hội chế giễu; Crotxi nhận lỗi, thầy mắng các bạn chế giễu nặng lời.

D. Crotxi ném lọ mực vào Phranti; Crotxi nhận lỗi, thầy mắng các bạn chế giễu nặng lời.

Câu 4. Nhân vật chính của truyện ngắn là ai?

A. Garone, Crotxi

B. Phranti

C. Ông Perboni

D. Gareni

Câu 5. Vì sao Crotxi ném lọ mực vào Phranti?

A. Phranti chế giễu Crotxi và mẹ của cậu ấy bằng cả lời lẽ và hành động.

B. Vì Crotxi không được ai bênh vực

C. Vì lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, không kìm nén nổi sự tức giận

D. Vì bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ…

Câu 6. Phranti và những người chế giễu Crotxi đã phạm phải lỗi gì?

A. Không tôn trọng sự khác biệt

B. Kỳ thị người khác

C. Lấy việc giễu cợt người khám là trò vui

D. Tất cả đáp án trên

Câu 7. Vì sao Garone nhận lỗi? Việc ấy có tác dụng gì?

A. Vì thầy truy hỏi gắt gao, vì bị kích thích vì lòng thương bạn. Hành động đó đã làm mọi người sửng sốt.

B. Vì thầy truy hỏi gắt gao, vì bị kích thích vì lòng thương bạn. Hành động đó đã khiến Crotxi nhận lỗi; những kẻ chế giễu Crotxi hối hận.

C. Vì bị kích thích vì lòng thương bạn. Hành động đó đã khiến những kẻ chế giễu Crotxi hối hận.

D. Vì bị kích thích vì lòng thương bạn. Hành động đó đã khiến mọi người công nhận Garone là người hào hiệp.

Câu 8. Vì sao thầy giáo mắng hội chế giễu bạn nặng nề lại bất ngờ tha bổng cho họ?

A. Vì họ im lặng nghe mắng mà không cãi

B. Vì Crotxi đã nhận lỗi rồi

C. Vì Garone đã nhận lỗi, nói nhỏ với thầy, vì thái độ của các bạn mắc lỗi

D. Tất cả đáp án trên

Câu 9. Sự việc nào khắc họa rõ nét nhân vật chính và chủ đề của tác phẩm?

A. Crotxi nhận lỗi, thầy mắng các bạn chế giễu nặng lời

B. Crotxi ném lọ mực vào Phranti

C. Garone nhận lỗi; Garone nói nhỏ với thầy, thầy tha cho hội chế giễu

D. Crotxi nhận lỗi

Câu 10. Tác phẩm trên đã đề cập được những vấn đề gì?

A. Tôn trọng sự khác biệt, nhận lỗi, hãy hào hiệp

B. Chế giễu người khác là một hành động cần lên án

C. Ứng xử nơi học đường của giáo viên, học sinh

D. Tất cả đáp án trên

Câu 11. Truyện kể ngôi thứ mấy? Ngôi kể ấy đã thể hiện được điều gì?

A. Ngôi thứ 3, đảm bảo tính khách quan cho câu chuyện

B. Ngôi thứ 3, phù hợp để diễn tả nỗi tức giận của Crotxi

C. Ngôi thứ 3, bao quát được không khí lớp học, làm nổi bật sự hào hiệp

D. Ngôi thứ 3, khiến chân dung nhân vật rõ nét hơn

Câu 12. Câu chuyện kết thúc bất ngời bởi:

A. Không khí đang căng thẳng, thầy bất ngờ tuyên bố tha bổng

B. Độc giả tò mò điều Garone nói với thầy là gì?

C. Tại sao thầy lại tha bổng hội mắc trọng tội: chế giễu bạn?

D. A và B đúng

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. a. Nếu được gặp Crotxi, em sẽ nói gì với bạn ấy?

b. Nếu có mặt trong lớp học của Crotxi, khi bạn ấy bị chế giễu, em sẽ làm gì?

c. Em có đồng tình với việc thầy giáo mắng các bạn mắc lỗi nặng nề, rồi lại tha bổng không?

Câu 2. Em hãy viết bài văn (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc.

Đề 6

Đề 6

Phần I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Chót trên cành cao vót

Mấy quả sấu con con

Như mấy chiếc khuy lục

Trên áo trời xanh non.

 

Trời rộng lớn muôn trùng

Đóng khung vào cửa sổ

Làm mấy quả sấu tơ

Càng nhỏ xinh hơn nữa.

 

Trái con chưa đủ nặng

Để đeo oằn nhánh cong.

Nhánh hãy giơ lên thẳng

Trông ngây thơ lạ lùng.

 

Cứ như thế trên trời

Giữa vô biên sáng nắng

Mấy chú quả sấu non

Giỡn cả cùng mây trắng

 

Mấy hôm trước còn hoa

Mới thơm đây ngào ngạt,

Thoáng như một nghi ngờ,

Trái đã liền có thật.

Ôi! từ không đến có

Xảy ra như thế nào?

Nay má hây hây gió

Trên lá xanh rào rào.

 

Một ngày một lớn hơn

Nấn từng vòng nhựa một

Một sắc nhựa chua giòn

Ôm đọng tròn quanh hột…

 

Trái non như thách thức

Trăm thứ giặc, thứ sâu,

Thách kẻ thù sự sống

Phá đời không dễ đâu!

 

Chao! cái quả sâu non

Chưa ăn mà đã giòn,

Nó lớn như trời vậy,

Và sẽ thành ngọt ngon

 

(Trích trong tập “Tôi giàu đôi mắt” (1970), trong “Những tác phẩm thơ tiêu biểu và nổi tiếng”, Xuân Diệu)

Câu 1: Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?

A. Bốn chữ

B. Năm chữ

C. Bảy chư

D. Tám chữ

Câu 2: Trong bài thơ có sử dụng biện pháp tu từ gì?

A. So sánh

B. Nhân hóa và So sánh

C. Nhân hóa và Ẩn dụ

D. So sánh, Nhân hóa, Ẩn dụ.

Câu 3: Trong bốn khổ thơ đầu, nhà thơ đã miêu tả những quả sấu non bằng những hình ảnh nào?

A. Những quả sấu non như những chiếc khuy lục, nhỏ xinh, ngây thơ, đũa giỡn cùng mây trắng.

B. Những quả sấu non nhỏ xinh, ngây thơ.

C. Những quả sâu non nhí nhảnh.

D. Những quả sâu non như chiếc khuy lục.

Câu 4: Tại sao tác giả lại cảm thấy những quả sấu tơ “Càng nhỏ xinh hơn nữa”?

A. Vì chúng ở trên cao.

B. Vì chúng là những quả sấu non.

C. Vì chúng chưa lớn.

D. Vì chúng là “khuy lục” của áo trời mà trời thì rộng lớn.

Câu 5: Em hiểu từ “Giỡn” trong câu thơ “Giỡn cả cùng mây trắng” có nghĩa là gì?

A. Vui

B. Đùa

C. Chơi

D. Nghịch

Câu 6: Cảm xúc của tác giả về sự sinh thành từ hoa đến trái của quả sấu là cảm xúc gì?

A. Vui sướng

B. Bất ngờ

C. Ngạc nhiên và thích thú

D. Phấn khởi

Câu 7: Khi gọi tên quả sấu bằng những tên khác nhau “quả sấu con con”, “quả sấu tơ”, “trái con”, “mấy chú quả sấu con” tác giả muốn thể hiện dụng ý gì?

A. Thể hiện những quả sấu còn non, nhỏ bé, xinh xắn, ngây thơ, vui nhộn.

B. Thể hiện sự gần gũi.

C. Thể hiện sự vui đùa.

D. Thể hiện thân thiết.

Câu 8: Nhận xét nào sau đây nói đúng nhất nội dung của bài thơ trên?

A. Miêu tả quả sấu non trên cao.

B. Miêu tả quá trình phát triển của quả sấu.

C. Miêu tả sức sống kì diệu của quả sấu.

D. Miêu tả quả sấu non và sức sống kì diệu, mạnh mẽ của nó. Qua đó, tác giả cho người đọc hiểu được sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 9: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ sau và cho biêt tác dụng của biện pháp tu từ ấy?

Trái non như thách thức

Trăm thứ giặc, thứ sâu,

Thách kẻ thù sự sống

Phá đời không dễ đâu!

Câu 10: Qua bài thơ, tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc điều gì?

Phần II: TẬP LÀM VĂN (4 điểm)

Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.

Đề 7

Đề 7

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

EM BÉ THÔNG MINH

Ngày xưa, có ông vua nọ sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi nhiều nơi, đến đâu quan cũng ra những câu đố oái oăm để hỏi mọi người. Đã mất nhiều công tìm kiếm nhưng viên quan vẫn chưa thấy có người nào thật lỗi lạc.

Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Quan bèn dừng ngựa hỏi:

- Này, lão kia! Trâu của lão một ngày cày được mấy đường?

Người cha đứng ngẩn ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy, tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn lại quan rằng:

- Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.

Viên quan nghe cậu bé hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Quan thầm nghĩ, nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu mất công. Quan bèn hỏi tên họ, làng xã, quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.

Nghe chuyện, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng, để biết chắc hơn, vua cho thử lại. Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội. Khi dân làng nhận được lệnh vua thì ai nấy đều tưng hửng và lo lắng, không hiểu thế là thế nào. Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn, vẫn không có cách gì giải quyết cả. Từ tren xuống dưới, mọi người đều coi đây là một tai họa. Việc đến tai em bé con nhà thợ cày, em liền bảo cha:

- Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho cha con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.

- Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Con đừng có làm dại mà bay mất đầu, con ạ.

Nhưng đứa con quả quyết:

- Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc.

Người cha vội ra đình trình bày câu chuyện với dân làng. Mọi người nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén.

Sau đó mấy hôm, hai cha con khăn gói tìm đường vào kinh. Đến hoàng cung, con bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì nhè lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng khóc um lên. Vua sai lính điệu em bé vào, phán hỏi:

- Thằng bé kia, ngươi có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?

- Tâu đức vua – em bé vờ vĩnh đáp – mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ.

Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán:

- Ngươi muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha ngươi, chứ cha ngươi là giống đực, làm sao mà đẻ được!

Em bé bỗng tươi tỉnh:

- Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!

Vua cười, bảo:

- Ta thử đấy thôi mà! Thế làng các ngươi không biết đem trâu ấy ra thịt mà ăn với nhau à?

- Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp, biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.

Vua và đình thần chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn còn muốn thử một lần nữa.

Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé nhờ cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

- Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu. […]

Câu 1. Nhân vật nổi bật trong truyện cổ tích Em bé thông minh là ai?

A. Viên quan

B. Em bé

C. Vua

D. Cha em bé

Câu 2. Sự thông minh của em bé được thể hiện qua việc gì?

A. Xin con trâu và thúng gạo làm lộ phí vào kinh

B. Lẻn được vào sân rồng và khóc um lên

C. Cùng cha khăn gói tìm đường vào kinh

D. Hoá giải được các câu đố oái oăm của quan, vua

Câu 3. Truyện Em bé thông minh kể về cuộc đời của kiểu nhân vật nào?

A. Nhân vật bất hạnh

B. Nhân vật có tài năng

C. Nhân vật ngốc nghếch

D. Nhân vật thông minh

Câu 4. Cách trả lời của em bé trong truyện có điểm nào đáng chú ý?

A. Hỏi lại người thách đố bằng một tình huống khó tương tự

B. Hỏi lại người hỏi bằng câu hỏi cần nhiều thời gian mới có đáp án

C. Trả lời vòng vo, không tập trung vào câu hỏi của người hỏi

D. Trả lời thẳng vào các câu thách đố kèm theo sự hài hước, trẻ thơ

Câu 5. Việc tạo ra những tình huống thách đố khác nhau đã giúp cho câu chuyện như thế nào?

A. Có màu sắc hoang đường, kì ảo

B. Có sắc thái hài hước, hồn nhiên

C. Trở nên hấp dẫn, không nhàm chán

D. Trở nên căng thẳng, dữ dội hơn

Câu 6. Chi tiết cuối văn bản “Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn. Lập tức, vua cho gọi cả hai cha con vào, ban thưởng rất hậu" cho thấy điều gì?

A. Vua rất đồng cảm với hai cha con em bé

B. Vua đã chấp nhận thua em bé thông minh

C. Vua rất quý trọng những người thông minh

D. Vua rất thương yêu những người dân nghèo

Câu 7. Qua nội dung câu chuyện, tác giả dân gian muốn đề cao điều gì nhất?

A. Sự sáng suốt, thận trọng của nhà vua

B. Sự lém lỉnh, hồn nhiên của em bé

C. Sự hấp dẫn về nội dung của các câu đố

D. Sự thông minh, trí khôn của con người

Câu 8. Truyện Em bé thông minh khác với truyện Thạch Sanh ở điểm nào?

A. Không có các chi tiết đời thường

B. Không có các chi tiết thần kì

C. Kết thúc có hậu

D. Có nhân vật vua

Câu 9. Điểm giống nhau giữa truyện Em bé thông minh và truyện Thạch Sanh là:

A. Có nhân vật anh hùng

B. Có nhân vật gian ác

C. Thể hiện ước mơ của nhân dân về những người có tài năng

D. Thể hiện ước mơ của nhân dân về cuộc sống hạnh phúc

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Trình bày đặc điểm của văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

Câu 2. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Em bé thông minh

Đề 8

Đề 8

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu dưới đây và trả lời các câu hỏi:

CON CÒ TRONG CA DAO

(1) Trong ca dao dân ca Việt Nam, có rất nhiều bài nói đến con cò. Những câu ca dao hay và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…”: con cò bay lả bay la, con cò bay bổng bay cao, con cò lặn lội bờ ao, con cò trắng bạch như vôi, con cò vàng, con cò kì, con cò quăm… Tại sao trong khi hát, nhân dân lao động Việt Nam lại hay nói nhiều đến loài chim ấy mà không nói đến loài chim khác?

(2) Trong các loài chim kiếm ăn ở đồng ruộng, chỉ có con cò thường gần nhiều với người nông dân hơn cả. Những lúc cày cuốc, cấy hái, người nông dân Việt Nam thường thấy con cò bên họ: con cò lội theo luống cày, con cò bay trên đồng lúa bát ngát, con cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông, rỉa cánh, ngắm nghía người nông dân làm lụng.

(3) Bạn thân nhất của người nông dân trong lao động và sản xuất là con trâu. Nhưng trâu phải cái nặng chình chịch, đi đứng vững vàng thật, nhưng chậm chạp, sống một cuộc đời gò bó, vất vả, không mấy lúc thảnh thơi, cho nên chỉ những lúc nghĩ đến cuộc đời nhọc nhằn, cực khổ của mình, người nông dân mới liên hệ đến con trâu, con vật tiêu biểu nhất cho sức sản xuất nơi đồng ruộng.

(4) Còn những lúc người dân lao động Việt Nam xúc cảm, tâm trí muốn vươn lên, muốn ca hát cho tâm hồn bay bổng thoải mái trong khi làm lụng, thì chỉ có con cò gợi hứng cho họ nhiều. Con cò rắng bạch kia tuy ngày đêm lặn lội, nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh. Nó cũng vất vả, nhưng có vẻ trong trắng, thanh cao, có những lúc nó vẫy vùng thoải mái, nó sống một cuộc đời mà người dân lao động nước ta thời xưa hằng mong ước.

(Theo Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2002)

Câu 1. Mục đích chính của đoạn trích trên là gì?

A. Cung cấp thông tin về con cò và người nông dân

B. Bày tỏ tình cảm của người viết với con cò

C. Giải thích vì sao trong ca dao hay nhắc tới con cò

D. Giới thiệu, thuyết minh về con cò và người nông dân

Câu 2. Phương án nào sau đây thể hiện rõ yếu tố nghị luận trong đoạn trích trên?

A. Nhân vật và sự việc

B. Lí lẽ và bằng chứng

C. Lời kể và người kể

D. Thời gian và địa điểm

Câu 3. Câu nào sau đây là câu nêu vấn đề để bàn luận?

A. Trong ca dao dân ca Việt Nam, có rất nhiều bài nói đến con cò

B. Tại sao trong khi hát, nhân dân lao động lại hay nói nhiều đến con còn?

C. Những câu ca dao hay và cổ nhất của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…”

D. Bạn thân nhất của người nông dân trong lao động và sản xuất là con trâu

Câu 4. Ý nào sau đây nêu đúng nhiệm vụ của đoạn (1) trong văn bản trên?

A. Giải thích vấn đề cần bàn luận

B. Nêu vấn đề cần bàn luận

C. Chứng minh ý kiến của người viết

D. Nêu cảm nghĩ của người viết

Câu 5. Nội dung chính của đoạn (2) là gì?

A. Nói về sự gắn bó giữa con cò và người nông dân

B. Ca ngợi cuộc sống của con cò và người nông dân

C. Miêu tả đặc điểm và tính cách của loài cò

D. Miêu tả cuộc sống lao động của người nông dân

Câu 6. Ý chính của đoạn (3) là gì?

A. Khẳng định con trâu là người bạn thân nhất của người nông dân

B. Miêu tả đặc điểm công việc và tính cách chậm chạp của con trâu

C. Giải thích vì sao và khi nào người nông dân mới liên hệ đến con trâu

D. Chứng minh con trâu là tiêu biểu nhất cho sức sản xuất nơi đồng ruộng

Câu 7. Câu nào sau đây nên được ý chính của đoạn (4)?

A. Con cò mới là người bạn thân nhất của người nông dân khi lao động

B. Con cò tuy ngày đêm lặn lội nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh

C. Cuộc sống của con cò cũng vấy vả nhưng có vẻ trong trắng, thanh cao

D. Con cò phù hợp với tâm trạng muốn ca hát khi làm lụng của nông dân

Câu 8. Dòng nào nêu bằng chứng làm sáng tỏ cho lí lẽ: “Những câu ca dao hay và có lẽ cũng rất cổ của ta, hầu hết mở đầu bằng “con cò…”?

A. Những lúc cày cuốc, cấy hái, người nông dân thường thấy con cò bên họ

B. Con cò bay lả bay la, con cò bay bổng bay cao, con cò lặn lội bờ ao…

C. Con cò lội theo luống cày, con cò bay trên đồng lúa bát ngát…

D. Con cò trắng kia tuy ngày đêm lặn lội, nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh

Câu 9. Viết một đoạn văn (khoảng 3 – 4 dòng) để trả lời cho câu hỏi: “Vì sao văn bản trên là văn bản nghị luận?”.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Nối các từ ngữ có ý nghĩa giống nhau ở 2 cột.

A

B

1. quả quất

a. trái cây

2. đọi

b. quả dứa

3. tất

c. bát

4. trái thơm

d. vớ

5. hoa quả

đ. trái tắc

 

Câu 2. Em hãy viết bài văn khoảng 500 đến 600 chữ, phân tích đặc điểm của một nhân vật văn học đã làm thay đổi cách nhìn của bản thân về cuộc sống.

Đề 9

Đề 9

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

SÂN NHÀ – Nguyễn Ngọc Tư

Má buồn thiệt buồn khi nhắc lại hồi con gái má chừng mười, mười hai tuổi, “nhà mình nghèo quá, má không lo cho bây được đủ đầy…”. Tôi cười giòn, trời đất, thiệt thòi gì đâu, má quên rồi sao? Những củ khoai lang còn ấm má mang về khi tan chợ, những bộ quần áo mới má thắt thẻo chắt mót từng lọn rau, bó cải để sắm cho con, chiếc xe đạp nhỏ – món quà từ tháng lương của ba để con tới trường… Và con có cả một vạt sân vàng nắng…

Tôi nhớ, sân nhà mình chỉ nhỏ bằng hai tàng cây trứng cá. Nó lọt thỏm giữa ngôi nhà xam xám thấp tè và những giồng rau xanh biếc ngoài kia. […]. Ranh giới giữa sân với vườn rau là những cái mương nhỏ tạo thành do má tôi lấy đất lên giồng. Sát hàng ba có một luốn hẹ kiểng, trổ bông tím rập rờn suốt hai mùa nắng, mưa. Nhà tôi nghèo nên trồng loại bông coi cũng bình thường quá đỗi, lúc Tết, cũng chỉ thêm bông vạn thọ, mồng gà… bởi những cây hoa bình dị ấy chính tay tôi gieo trồng giáp biên sân. Bữa hai chín Tết, má phơi lá chuẩn bị gói bánh, tôi ngẩn ngơ nhìn “bức tranh” sân của mình, trời đất, sao mà đẹp dữ vậy không biết, viền quanh những tàu chuối xanh rờn là hàng trăm đóa hoa vàng rực rỡ. Tôi đứng ở đó, tự hào nhìn sự sống nở hoa từ bàn tay nhỏ nhoi, xương xẩu của mình (bàn tay xưa rày chỉ biết cầm đũa ăn cơm và… chơi chuyền).

Rồi hoa tàn, rồi mùa nắng hết. Mưa bắt đầu xập xoài, báo mùa đang đi tới. Tôi lóp ngóp xách rổ chận bắt mấy con cá rô ốm nhách, dài nhằng, mình đầy nhớt xăng xái lóc lên sân. Mặt sân đã ngấm mưa, đất vỡ ra, tràn xuống những chỗ nẻ […]. Chà chà, chỉ cần đủ ba nắng, sân – thiên – đường của mình lại ráo hoảnh, sạch bong cho mà coi.

Bây giờ nhớ lại, thấy lạ, lạ quá chừng… Sân nhà mình hồi ấy có rộng mấy đâu, chỉ có khoảng trời là lồng lộng phía trên đầu, nhưng đã đi hết cả tuổi thần tiên rồi, sao tôi vẫn còn nhớ tiếc. Chứ không à? Những đứa bạn dễ thương, những trò chơi tuổi nhỏ, cái xích đu tự tạo mắc lên cành cây bằng mấy cọng dây chuối, con dế gáy te te hoài dưới tấm đá chẻ bên góc nhà, tôi nhớ cả tiếng má rầy khi tôi trốn ngủ trưa lén ra sân gạch đụi nhảy dây. […]. Coi lại, hồi nhỏ, tôi lang thang ngoài sân, vườn nhiều hơn trong nhà, trên mình đầy sẹo lớn nhỏ… Lúc tan bạn ròi, còn một mình, tôi vẫn thường thẩn thơ ở đó, mơ màng nghe bầy chim sâu, chim sẻ ríu rít cãi nhau, ngó con bướm nhỏ vỗ cánh thấp tha thấp thỏm…

Má cũng thường ra sân, nhưng không phải để thảnh thơi chơi đùa, không phải để ngắm mặt trời lặn, đón trăng lên… Buổi sớm, má ra quét lá, tiếng chổi xao xác trong tiếng gà. Buổi chiều, má hay ngồi chỗ góc sân, nghe tôi nhảy từ trên cây xuống cái phịch như ai quăng bịch muối, má than (mà cười): “Con nhỏ này chắc Mụ bà nắn lộn”… mà tay vẫn thoăn thoắt bó rau chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai. Độ gần cuối tháng mười, lúa về sân, ba má ngồi quây lúa giữa trưa, bóng hai cây trứng cá đã bị tỉa thưa cành không đủ sức ngăn bớt cái nóng bừng bừng, mồ hôi chảy dài, bê bết tóc. Mỗi lần giở đệm lúa lên, hơi nước ướt đầm mặt đất, không hiểu sao, tôi cứ tưởng đấy là mồ hôi của má ba mình. Dường như không lần nòa đứng trên mảnh sân – thiên – đường của tôi, má ba không tất tả, bận bịu, lo toan… Nên cái hồi con mời, mười hai tuổi, nhà mình nghèo, má (và cả ba) thiệt thòi nhiều nhất. Còn con lúc ấy giàu có, đầy đủ lắm, má à. Má không tin con sao?

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản thơ

B. Văn bản nghị luận

C. Văn bản hồi ký

D. Văn bản tản văn

Câu 2. Đối tượng bộc lộ cảm xúc của văn bản là:

A. Khu vườn đầy hoa

B. Trò chơi tuổi thơ

C. Sân nhà với kỷ niệm tuổi thơ

D. Những công việc vất vả của ba mẹ

Câu 3. Dòng nào dưới đây không thể hiện chất trữ tình của người viết?

A. Tôi lóp ngóp xách rổ chận bắt mấy con cá rô ốm nhách, dài nhằng, mình đầy nhớt xăng xái lóc lên sân

B. … Tôi vẫn thường thẩn thơ ở đó, mơ màng nghe bầy chim sâu, chim sẻ ríu rít cãi nhau, ngó con bướm nhỏ vỗ cánh thấp tha thấp thỏm….

C. … tôi ngẩn ngơ nhìn “bức tranh” sân của mình … viền quanh những tàu chuối xanh rờn là hàng trăm đóa hoa vàng rực rỡ.

D. Dường như không lần nào đứng trên mảnh sân – thiên – đường của tôi, má ba không tất tảm bận bịu, lo toan…

Câu 4. Phương thức biểu đạt của văn bản trên là:

A. Tự sự, trữ tình, nghị luận

B. Miêu tả, trữ tình, biểu cảm

C. Tự sự, trữ tình, biểu cảm, nghị luận

D. Miêu tả, trữ tình, biểu cảm, thuyết minh

Câu 5. Khoảng sân nhà hiện lên trong cảm xúc của “tôi” gắn với những mùa nào, với ai?

A. Gắn với mùa xuân, mùa mưa, người mẹ tần tảo giàu yêu thương

B. Gắn với việc trồng hoa

C. Gắn với việc bắt cá rô

D. Gắn với trò nhảy từ trên cây xuống

Câu 6. Câu văn nào thể hiện sự xúc động, niềm tự hào về vẻ đẹp, về sự kỳ diệu của lao động, của sự sống?

A. Lúc Tết, cũng chỉ thêm bông hoa vạn thọ, mồng gà… bởi những cây hoa bình dị ấy chính tay tôi gieo trồng giáp biên sân

B. Bởi những cây hoa bình dị ấy chính tay tôi gieo trồng giáp biên sân

C. Nó lọt thỏm giữa ngôi nhà xam xám thấp tè và giồng rau xanh biếc ngoài kia

D. “Tôi đứng ở đó, tự hào nhìn sự sống nở hoa từ bàn tay nhỏ nhoi, xương xẩu của mình”

Câu 7. Đoạn văn bản từ “Má cũng thường ra sân…” đến “bận bịu, lo toan…” thể hiện tâm trạng, cảm xúc gì của tác giả?

A. Nuối tiếc tuổi thơ bên ba má

B. Nhớ thương về hình ảnh người mẹ và công việc vất vả của ba má trên sân

C. Xúc động trước hình ảnh của ba má khi đập lúa

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 8. Câu “Mỗi lần giở đệm lúa lên, hơi nước ướt đầm mặt đất, không hiểu sao, tôi cứ tưởng đấy là mồ hôi của má ba mình” thể hiện điều gì về nhân vật “tôi”?

A. Yêu thương, thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của ba má

B. Khắc sâu hình ảnh lao động vất vả của ba má

C. Quan tâm, hiểu rõ công việc cực nhọc của ba má

D. Biế tơn sự vất vả, hi sinh của ba má từ thuở ấu thơ

Câu 9. Sự sáng tạo của Nguyễn Ngọc Tư trong tản văn trên là:

A. Lối viết giản dị, sâu lắng

B. Ngôn ngữ giàu sức gợi, liên tưởng sâu sắc

C. Cấu tứ mang hình thức câu chuyện, có tính đối thoại

D. Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt

Câu 10. Mục đích của tản văn trên là:

A. Khắc họa kỷ niệm tuổi thơ và giãi bày tình cảm, suy ngẫm của người viết

B. Tái hiện hình ảnh sân nhà và những ký ức tuổi thơ

C. Bày tỏ tình yêu thiên nhiên, yêu thương ba má của người viết

D. Bộc lộ sự nhớ thương, niềm biết ơn và những suy ngẫm trưởng thành từ hình ảnh sân nhà và những con người trong ký ức tuổi thơ.

Câu 11. Em hiểu câu “Nên cái hồi con mười, mười hai tuổi, nhà mình nghèo, má (và cả ba) thiệt thòi nhiều nhất. Còn con lúc ấy giàu có, đầy đủ lắm, mà à.” như thế nào?

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Tìm các từ ngữ địa phương trong đoạn văn sau và giải thích nghĩa của chúng:

Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa, sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hứng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau,... Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng.

Câu 2. Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ của một trong những hoạt động hoặc trò chơi dưới đây:

- Đọc sách và tuân thủ các quy định về mượn sách, đọc sách ở thư viện.

- Thị đấu bóng đá, bóng chuyền và quy tắc, luật lệ của các hoạt động này:

- Tham gia giao thông đúng luật lệ.

- Sử dụng an toàn các thiết bị điện ở nhà hoặc ở trường.

- Mở chai lọ bị kẹt nắp, tẩy sạch các vết ố bắn trên quần áo, vật đụng, chặt dừa lấy nước hay chế biến sinh tố,...

- Trò chơi cướp cờ hoặc trò chơi kéo co.

Đề 10

Đề 10

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

VỀ BÀI THƠ ÔNG ĐỒ CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN

Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy, cũng chỉ tám dòng, bốn mươi chữ đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này với đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người càng cho ta thấy cái thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trắng của đoạn thơ, trước khi vào bốn dòng kết:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Hãy trở lại với dòng thơ đầu bài “Mỗi năm hoa đào nở” để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn “vẫn ngồi đấy”, nhưng năm nay không còn kiên nhẫn được nữa: “Không thấy ông đồ xưa”. Ông đã cố cố bám lấy xã hội hiện đại, những người hiện đại chúng ta đã thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ, chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi. Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối? Hai dòng thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc được ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc. Về ngữ pháp, dòng thơ này rất lạ, nhưng không thấy cộm: “Những người muôn năm cũ”. “Muôn năm” thật ra chỉ vài ba năm, nhưng nói “muôn năm” mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ “muôn năm cũ” của dòng trên đội xuống chữ “bây giờ” của dòng dưới càng bâng khuâng, luyến nhớ. Dòng thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

(Theo Vũ Quần Phương, Tác phẩm văn học 1930 – 1975, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990)

Câu 1. Đoạn trích trên viết về vấn đề gì?

A. Kể chuyện của ông đồ

B. Miêu tả hình ảnh ông đồ

C. Phân tích bài thơ Ông đồ

D. Giới thiệu nhà thơ Vũ Đình Liên

Câu 2. Vì sao văn bản Về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên nêu trên là văn bản nghị luận văn học?

A. Vì văn bản tập trung miêu tả hình ảnh ông đồ

B. Vì tác giả đã phân tích cái hay của bài thơ Ông đồ

C. Vì tác giả đã kể lại câu chuyện về ông đồ viết chữ Nho

D. Vì văn bản đã gúp người đọc hiểu ông đồ là ai

Câu 3. Theo em, mục đích chính của người viết đoạn trích trên là gì?

A. Ca ngợi những người viết chữ Nho

B. Ca ngợi hình ảnh ông đồ viết chữ Nho

C. Nêu lên tình cảm buồn thảm của ông đồ

D. Chỉ ra cái hay của bài thơ Ông đồ

Câu 4. Câu nào có bằng chứng được người viết dẫn ra từ bài thơ?

A. Dòng thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

B. Về ngữ pháp, dòng thơ này rất lạ, nhưng không thấy cộm: “Những người muôn năm cũ”.

C. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ.

D. Như vậy, cũng chỉ tám dòng, bốn mươi chữ đủ nói hết những bước chót của một thời tàn.

Câu 5. Tác giả phân tích nghệ thuật dùng từ của nhà thơ ở câu nào?

A. Chữ “muôn năm cũ” của dòng trên dội xuống chữ “bây giờ” của dòng dưới càng bâng khuâng, luyến nhớ

B. Như vậy, cũng chỉ tám dòng, bốn mươi chữ đủ nói hết những bước chót của một thời tàn

C. Về ngữ pháp, dòng thơ này rất lạ, nhưng không thấy cộm: “Những người muôn năm cũ”.

D. Dòng thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi

Câu 6. Câu nào nêu nhận xét về tài năng nghệ thuật của nhà thơ Vũ Đình Liên?

A. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người mà là bóng dáng của cả một thời đại…

B. Ông đồ đã kiên nhẫn “vẫn ngồi đấy”, nhưng năm nay khoogn còn kiên nhẫn được nữa…

C. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay

D. Đến bây giờ, chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi

Câu 7. Người viết thể hiện rõ cảm xúc mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi.

A. Hãy trở lại với dòng thơ đầu bài “Mỗi năm hoa đào nở” để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa.

B. Đến bây giờ, chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi.

C. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay

D. Về ngữ pháp, dòng thơ này rất lạ, nhưng không thấy cộm: “Những người muôn năm cũ”

Câu 8. Ý kiến nào khái quát của người viết về nội dung và nghệ thuật bài thơ Ông đồ được nêu ở câu nào?

A. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta.

B. Ông đồ đã kiên nhẫn “vẫn ngồi đấy”, nhưng năm nay không còn kiên nhẫn được nữa…

C. Về ngữ pháp, dòng thơ này rất lạ, nhưng không thấy cộm: “Những người muôn năm cũ”.

D. Như vậy, cũng chỉ tám dòng, bốn mươi chữ đủ nói hết những bước chót của một thời tàn

Câu 9. Câu nào sau đây có vị ngữ được mở rộng bằng cụm chủ vị?

A. Đến bây giờ, chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi.

B. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta.

C. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, những người hiện đại chúng ta đã thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với…

D. Chữ “muôn năm cũ” của dòng trên dội xuống chữ “bây giờ” của dòng dưới càng bâng khuâng, luyến nhớ.

Câu 10. Em thích nhất đoạn nào trong văn bản Về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên (Vũ Quần Phương)? Vì sao?

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Tìm phó từ trong các câu sau. Cho biết chúng đi kèm từ loại nào và bổ sung ý nghĩa gì cho từ trung tâm.

a) Con vật khủng khiếp quá! (Véc-nơ)

b) Đúng là tàu đang đỗ ở chỗ nước trong (Véc-nơ)

c) Vòi và đuôi bạch tuộc có khả năng mọc lại. (Véc-nơ)

d) Anh đừng để tâm đến chuyện hôm nay. (Brét-bơ-ry)

Câu 2. Hãy viết một bài văn biểu cảm (độ dài khoảng 400 từ) về một người bạn hoặc về một kỉ niệm sâu sắc của em.

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved