Admin FQA
17/09/2023, 17:44
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Nhân dân ta vốn có truyền thống nhân đạo. “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” không chỉ là những câu nói cửa miệng mà chính là tấm lòng sâu thẳm và hành động chí tình của những người con Lạc cháu Hồng trên dải đất hình chữ S từ bao đời nay đã cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Ngày xưa đã thế, ngày nay lại càng như thế. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã gặp ánh sáng khoa học của thời đại để tạo nên những hiệu quả to lớn đẩy lùi cái đói nghèo và những cuộc đời biết hạnh vẫn còn trong xã hội trên bước đường đi lên của đất nước.
Đất nước đang đổi mới, phát triển, đi lên nhưng cái đói nghèo và những cuộc đời bất hạnh vẫn còn hiện hữu trong xã hội - chua xót và nhức nhối! Vì sao như vậy và cần nhìn nhận hiện tượng đó như thế nào? Đi lên từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu hàng ngàn năm nay, không thể một sớm một chiều có thể xóa bỏ ngay được cái đói nghèo ấy. Lại nữa, và đây mới là nguyên nhân chủ yếu, đất nước ta đã trải qua ba mươi năm chiến tranh ác liệt, hậu quả của nó để lại không chỉ là cái đói nghèo mà còn là những cuộc đời bất hạnh của bao nhiêu con người tàn tật do chiến tranh, đặc biệt là những di chứng khôn lường của chất độc da cam đi-ô-xin mà kẻ thù đã rải xuống trên nhiều vùng đất nước và nhiễm độc vào hàng triệu con người. Nhìn nhận như vậy mới thấy được tội ác tày trời của kẻ thù xâm lược, càng nhận rõ sự đau khổ ghê gớm của “nạn nhân chiến tranh" mà nhân dân ta phải hứng chịu, càng thương yêu, chia sẻ và có trách nhiệm hơn đối với những cuộc đời bất hạnh đó. Đói nghèo và bất hạnh không còn là của riêng ai mà đã trở thành một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội đòi hỏi mọi người phải chung lưng đấu cật để cùng giải quyết, ở đây, vừa là tình thương, vừa là trách nhiệm. Tình thương giữa những con người với nhau “thương người như thể thương thân”, nhưng cũng là trách nhiệm của “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chính vì thế, chúng ta phải chống bệnh vô cảm. Phải lên án những người dửng dưng, không quan tâm đến cái đói nghèo và những cuộc đời bất hạnh vẫn còn trong xã hội nước ta. Vì chất độc da cam. nhiều cặp vợ chồng không thể có con hoặc chỉ sinh ra những quái thai vì chất độc da cam, những em bé mới ra đời đã bị tật nguyền, không nhìn thấy ánh sáng, không nghe được âm thanh, không sinh hoạt như con người bình thường, trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh suốt cuộc đời của gia đình và xã hội... Những con người như thế, lẽ nào ta có thể dửng dưng, vô cảm được, trong khi ta được sống đầy đủ, sung sướng, được ăn ngon, mặc đẹp, được vui chơi, học hành thoải mái? Theo tôi, dửng dưng, vô cảm trước những con người này là một sự thất đức, chưa nói là có quan tâm đến họ, có giúp đỡ họ không? Bởi, không là họ hàng, nhưng họ cũng là đồng bào, cùng dân tộc, và chí ít, họ cùng là con người, là đồng loại của ta; và quan trọng hơn, họ chính là “nạn nhân” của một cuộc chiến tranh tàn khốc do kẻ thù gây ra trên đất nước ta, trên quê hương của họ. Lẽ nào lại có thể vô cảm, nhẫn tâm như thế?
Đương nhiên, số người vô cảm, dửng dưng, nếu có, cũng chỉ là số ít và đó là điều đáng tiếc. Dòng máu thương người của dân tộc Việt Nam không cho phép như vậy. Và trong thực tế, cả nước đã đến với họ - những người nghèo, tàn tật, bất hạnh – để cùng sẽ chia, đùm bọc họ trong cánh tay yêu thương của mình. Nhiều tổ chức được thành lập - cấp nhà nước, cấp tỉnh, cáp hội, đoàn thể để cứu trợ; nhiều cơ quan, công ty, nhà máy, thậm chí không hiếm những cá nhân đã trở thành những “Mạnh Thường Quán”của người nghèo, người tàn tật, người bất hạnh: nhiều bà mẹ, người chị... đã trở thành những “bà tiên", “bà phật” của người nghèo ngày nay như trong cổ tích xưa, và nhiều câu chuyện đã trở thành huyền thoại như chàng thanh niên Nguyễn Hữu Ân vừa tự học đại học, vừa nuôi hai người mẹ ruột và mẹ nuôi trong bệnh viện, cô sinh viên Nguyễn Thị Oanh tự kiếm sống để vừa học vừa nuôi ba chị em nghèo khiếm thị...
Những nghĩa cử ấy, những tấm lòng ấy chắc chắn sẽ sưởi ấm, động viên nhiều cho những người nghèo, người bất hạnh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Sự giúp đỡ về vật chất, (tiền của, nhà cửa) là rất cần để tạo dựng cuộc sống cho họ. Đó là yếu tố cần thiết ban đầu. Nhưng điều quan trọng hơn là phải truyền cho họ nghị lực, niềm tin và cách sống tự lập trên chính đôi chân và bàn tay của họ. Ai đó đã nói rất đúng: “Cho con cá đã quý, nhưng cho cái cần câu để câu cá còn quý hơn”. Phải tạo cho họ một nghề nghiệp ổn định để họ tự sống và chính họ sẽ tự xóa bỏ cái đói nghèo và đẩy lùi sự bất hạnh của mình từng bước. Điều này mang ý nghĩa nhân văn lớn lao khi chính họ sẽ tự định đoạt lấy cuộc đời và hạnh phúc của họ. Trong thực tế đã có nhiều tấm gương người nghèo, người tàn tật, bất hạnh tự đi lên bằng nghị lực, niềm tin, sức mạnh của mình và họ đã trở thành những người hữu ích cho xã hội, được xã hội tôn vinh và yêu quý. Đó cũng là một tiền đề quan trọng giúp cho đất nước xóa bỏ đói nghèo, tiến lên xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn của Đảng và nhân dân ta.
Với những ý nghĩa đã phân tích trên đây, trong giai đoạn hiện nay, tình cảm, thái độ và sự quan tâm đối với cái đói nghèo và những cuộc đời bất hạnh vẫn còn trong xã hội nước ta chính là phẩm chất, lương tâm và thước đo giá trị của mồi con người chúng ta.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved