Admin FQA
30/12/2022, 13:15
Đề bài
Bình giảng đoạn thơ:
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!...
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...
Lời giải chi tiết
MỞ BÀI
THÂN HÀI
+ Bốn câu đầu:
Bốn câu này chủ động lặp lại nguyên văn bốn câu trong khổ thơ thứ nhất và được coi như một điệp khúc nhấn mạnh cảm giác đầu tiên của người tù là nỗi cô đơn vô hạn: "Cô đơn.. thân tù"
Chỉ có thể hiểu cảm giác ấy khi biết được trong những ngày trước đó người thanh niên này đang hăng say hoạt động giữa bạn bè đồng chí với bao niềm sướng tin yêu thật bồng bột hân hoan:
Đi, bạn ơi, đi! ống đủ đầy
Sống trào sinh lực, bốc men say
Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh, dù trong một phút giây!
(Đi)
Vậy mà bây giờ bỗng nhiên bị ngăn cách hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài trong hoàn cảnh ấy, một tâm hồn trẻ tuổi ham hoạt động không thể tránh khỏi sự buồn bực, cô đơn. Thực ra "Cô đơn thay’’ không chỉ là lời than thở mà còn là lời xác nhận một sự thật cay đắng nay đã được thấu hiểu bằng sự trải nghiệm của chính người tù ấy. Cô đơn vì phải xa cuộc chiến đấu của dân tộc, phải xa đồng chí, đồng bào – như thế cũng có nghĩa là cảm giác cô đơn thể hiện sự gắn bó của người chiến sĩ trẻ tuổi với phong trào cách mạng, với xã hội, với cả một thời gian sôi động bên ngoài nhà giam.
Ba câu thơ tiếp theo là hệ quả cảm cô đơn đã được nhấn mạnh ở câu thơ mở đầu. Ở ba câu thơ này, tất cả sự buồn bực, tức giận, tất cả niềm khao khát cuộc sống bên ngoài đã tập trung cao độ trong sự chú ý của thính giác. Tuy vậy không chỉ có "tai mở rộng"... lắng nghe mà người tù còn hình dung và cảm nhận cuộc sống bên ngoài bằng "lòng sôi rạo rực’' nghĩa là bằng cả tâm hồn bồn chồn khao khát tự do của người bị giam giữ. Do đó, qua ô cửa nhỏ bé lại được ráo kín bằng những song sắt kiên cố, Tố Hữu nghe mà như nhìn thấy thật hữu hình, cụ thể âm thanh đang “lăn "ngoài nhà giam mang theo bao cái náo nức của cuộc đời bên ngoài. Chính trong sự đối lập, tương phản thật gay gắt với "cảnh thân tù"quá đau khổ cô đơn, nhà thơ mới càng cảm thấy cuộc sống bên ngoài là vui sướng và tự do “ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu”?.
+ Bốn câu sau:
Bốn câu thơ này là sự cụ thể hóa những “tiếng đời" đã được nói đến ở bốn câu thơ. Ở đây có những âm thanh bình thường mà trong cuộc đời tự do ít ai để ý tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng dơi chiều dập cánh, tiếng chuông ngựa, tiếng guốc. Nhưng trong cảnh ngộ của Tố Hữu khi đó, với thính giác nhạy bén và trí tưởng tượng mạnh mẽ, với tâm trạng bồn chồn, khao khát tự do của người bị giam giữ tất cả chẳng những được đặc biệt chú ý mà còn trở nên hết sức gợi cảm: tiếng chim vui hót như ‘‘reo” (nhân hóa), tiếng gió thổi mạnh giống như thủy triều ào ào dâng lên (so sánh "ngầm gió mạnh lên triều”) tiếng dơi chiều dập cánh nghe cũng thật ‘vội vã” (cường điệu)... Nói cách khác, khi được cảm nhận qua một tâm hồn đang thấm thía nỗi buồn cô đơn và tha thiết yêu đời, yêu tự do, nhưng âm thanh của sự sống bỗng trở nên hối hả, gấp gáp và cũng hấp dẫn, sinh động hơn.
Đặc biệt tâm hồn nhạy cảm của Tố Hữu đã đón nhận và lưu giữ những âm thanh tưởng như rất dễ bị chìm lấp đi trong cái ồn ào, xáo động của buổi chiều. Đó là âm thanh "lạc ngựa", và “tiếng guốc". Trước hết qua câu thơ: “Nghe lạc.. lạnh” có thể thấy sự tinh tế và trí tưởng tượng phong phú của Tố Hữu. Ở đây có âm thanh (lạc ngựa), có hình ảnh (ngựa rùng chân bên giếng), có cảm giác về cái lạnh của buổi chiều trong nước giếng và trong cái "rùng chăn" của con ngựa. Đấy là những chi tiết hết sức gợi cảm và có liên quan với nhau: Dường như cái lạc ngựa đã vang lên cùng với cái rùng mình của con ngựa trong buổi chiều lạnh giá. Tất nhiên cả câu thơ ấy không chỉ là ngoại cảnh mà còn là tâm cảnh nó chất chứa tâm trạng của chủ thể trữ tình với nỗi cô đơn thấm thía và niềm khao khát được hòa mình vào cuộc sống bên ngoài. Gợi cảm xúc, suy nghĩ, tưởng tượng nhiều nhất là câu thơ cuối cùng: "Dưới... đi về”.
Nêu những âm thanh được miêu tả ở ba câu trên đều có vẻ văn chương (chim reo, gió mạnh lên triều, lạc ngựa, dơi chiều) thì tiếng guốc chỉ là tiếng động rất đời thường, và nếu những âm thanh ở trên chủ yếu là âm thanh của thế giới thiên nhiên thì tiếng guốc là âm thanh rất bình thường trong đời sống hàng ngày của con người đã vọng vào cái thế giới cô đơn hiu quạnh của người tù. Có thể hình dung một đường phố vắng vẻ gần nhà giam và tiếng guốc của ai đó đi qua rồi xa dần, tiếng guốc ấy không mất đi mà vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn người tù. Câu thơ giản dị, không một chút dụng công nghệ thuật nhưng vẫn có sức lay động mạnh mẽ, nó mở ra cho thấy một tấm lòng xiết bao thương mến, khao khát hướng về cuộc sống và tâm hồn nhạy cảm đã rung động theo từng âm thanh thân thuộc của đời sống con người, hơn thế đây là con người tự do. Nói cách khác trong cảnh ngộ mất tự do thì đến tiếng guốc vô cùng bình thường cũng hàm chứa niềm hạnh phúc, cũng đáng là nguyên cớ để khơi dậy niềm mạnh mẽ khao khát được hòa mình vào cuộc đời. Có lẽ vì những ý nghĩa sâu xa như thế mà Hoài Thanh đã viết "Một tiếng guốc dưới đường xa nhà thơ ghi vội, đã bao nhiêu năm rồi còn vang mãi trong thơ"(Phê bình và tiểu luận).
KẾT LUẬN
Đoạn thơ đã khẳng định được những nhu cầu căn bản, vĩnh hằng của con người nhu cầu được nghe, được thấy, được sống cuộc đời bình thường trong tự do hạnh phúc, thanh bình. Đấy cũng chính là chất nhân văn đã làm nên giá trị cao cả của bài thơ. Qua đoạn thơ, người đọc phần nào hiểu thêm được những nét đặc sắc trong nghệ thuật của Tố Hữu thuở Từ ấy trẻ trung, nhạy bén, lãng mạn, tự nhiên và chân thành...
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved