Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Đề bài
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài "Vệ sĩ của rừng xanh " trích trong tác phẩm "Thú rừng Tây Nguyên"của Thiên Lương
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Con viết bài cảm nhận về bài văn theo dàn bài như sau:
A. Mở bài: Giới thiệu về bài văn (tên tác phẩm, tác giả, thể loại, viết về điều gì,...)
B. Thân bài: Cảm nhận về bài văn trên phương diện nội dung, nghệ thuật qua đó làm nổi bật thông điểm ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải.
C. Kết bài: Cảm nhận của em về bài văn
Lời giải chi tiết
Tác phẩm "Thú rừng Tây Nguyên" của Thiên Lương như "một bảo tàng xanh hoang dã " nơi cao nguyên miền Trung đất nước ta. Bài "Vệ sĩ của rừng xanh" là một trang văn đẹp, đầy lí thú trong tác phẩm này.
Tuổi thơ chúng ta, ai đã nhìn thấy chim đại bàng mà Thiên Lương đã phong tặng cho danh hiệu cao quý: "Vệ sĩ của rừng xanh".
Tác giả cho biết ở Trường Sơn, Tây Nguyên có 2 loại đại bàng, được phân biệt bằng màu sắc về bộ lông, về mỏ và đôi chân. Có đại bàng lông đen, mỏ đỏ, chân vàng. Lại có đại bàng lông màu xanh cánh trả, mỏ đỏ, chân vàng. Cả hai loại đều đẹp.
Đại bàng rất to lớn, rất vĩ đại. Con chim khổng lồ này cân nặng tới 30kg; sải cánh rất dài tới 3 mét; mỏ dài tới 40 phân, rất cứng; đôi chân như đôi móc hàng của cần cẩu. Lông cánh đại bàng ngắn nhất cũng phải tới 45 phân. Móng vuốt đại bàng vừa sắc vừa nhọn có thể "cào bong gỗ như ta tước lạt giang vậy". Những số đo, những kích thước ấy, chỉ số ấy đã khẳng định vệ sĩ đại bàng xứng đáng là "đường đường một đấng anh hào" của Trường Sơn hùng vĩ.
Đại bàng rất khỏe. Khi nó vỗ cánh bay lên trời cao" nom như một chiếc tàu lượn". Có cách nào so sánh hay hơn? Nhiều tài liệu khác cho biết, đại bàng có thể bay lượn trong gió bão, có thể bay một mạch được vài chục dặm mà không cần đậu xuống nghỉ ngơi. Đại bàng khỏe vì bộ xương cánh rất đặc biệt: "tròn dài như ống sáo, và trong như thủy tinh" - chắc đó là thứ thủy tinh siêu bền, cứng và dẻo hơn thép. Khi đại bàng vỗ cánh tung lên trời cao " tạo nên luồng gió phát ra những tiếng kêu vi vút vi vút. Bởi thế, anh chiến sĩ đã gọi đó là dàn nhạc giao hưởng trên bầu trời".
Đại bàng là giống chim cao quý vì nó tượng trưng cho những đức tính tốt đẹp của người dân miền núi như lòng khát khao tự do, tinh thần dũng cảm và hiền lành đáng yêu. Đại bàng tuy được các loài chim trên Trường Sơn "nghiêng mình cúi chào", nhưng nó không bao giờ cậy khỏe để " bắt nạt " các giống chim khác. Đó là phong cách hiệp sĩ!
Bài "Vệ sĩ của rừng xanh" là một bài văn tả loài vật đặc sắc. Bố cục bài văn rất chặt chẽ. Sau khi giới thiệu 2 loại đại bàng, tác giả tả chi tiết cụ thể các bộ phận của đại bàng và hoạt động của nó bàng nhiều kích thước, bằng những so sánh rất đắt, rất sáng tạo. Đặc tính và biểu tượng của đại bàng được tác giả nói lên với lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Đọc bài "Vệ sĩ của rừng xanh", ta không chỉ học tập được nghệ thuật miêu tả loài vật mà còn cảm thấy vô cùng thú vị khi được "khám phá" một nét đẹp của Trường Sơn hùng vĩ, mảnh đất tươi đẹp của đất nước mến yêu.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved