logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của khổ thơ thứ 2 trong bài Tây Tiến - Quang Dũng

Admin FQA

30/12/2022, 13:16

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí. “Tây Tiến” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.

- Giới thiệu đoạn trích: Đoạn trích thuộc phần hai của bài thơ, là hồi ức của Quang Dũng về những đêm liên hoan văn nghệ và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng.

2. Thân bài

Trái ngược với đoạn thơ mở đầu bài thơ, thiên nhiên và con người miền Tây trong đoạn thơ này là một thế giới khác. Đó là những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển, tài hoa, tinh tế, thấm đẫm chất thơ, chất nhạc, chất hào hoa, lãng mạn của Quang Dũng.

a. Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan văn nghệ:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

- Với nét vẽ khỏe khoắn, mê say, Quang Dũng dẫn ta vào một đêm liên hoan văn nghệ. Đây là những kỉ niệm đẹp, hấp dẫn nơi xứ lạ, một đêm liên hoan văn nghệ hiếm có giữa binh đoàn Tây Tiến và nhân dân địa phương. Cảnh ấy thực mà như mơ, vui tươi mà sống động.

+ Cả doanh trại bừng sang dưới ánh lửa đuốc bập bùng, tưng bừng hân hoan như một ngày hội. Trong ánh đuốc lung linh, kì ảo, trong âm thanh réo rắt của tiếng khèn, những cô gái Thái lộng lẫy, rực rỡ trong bộ trang phục lạ, dáng điệu e thẹn, tình tứ trong vũ điệu đậm sắc màu dân tộc đã thu hút hồn vía của những chàng trai Tây Tiến.

b. Cảnh chia ly trên sông nước:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

- Cảnh thơ mộng trữ tình của sông nước miền Tây được nhà thơ diễn tả qua những chi tiết: trên sông, chiều sương giăng mắc mênh mang kì ảo, dòng sông trôi lặng tờ mang đậm sắc màu cổ tích, có dáng người mềm mại, uyển chuyển đang lướt trên con thuyền độc mộc, hoa đôi bờ đong đưa theo dòng nước như vẫy chào tạm biệt người ra đi…

- Cảnh đẹp như mộng lại như tranh, chỉ vài nét chấm phá mà tinh tế, tài hoa: Quang Dũng không tả mà chỉ gợi, cảnh thiên nhiên không phải là vô tri vô giác, mà phảng phất trong gió trong cây như có hồn người: "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ".

"Hồn lau" trong thơ của Quang Dũng cũng là "hồn lau" của biệt li phảng phất một chút buồn nhưng không xao xác, xé rách, lãng quên mà đầy nỗi nhớ thương, lưu luyến. Nỗi nhớ thương, lưu luyến đó đã được nhà thơ thể hiện trong những từ ngữ như "có nhớ", "có thấy". Tình yêu đối với cỏ cây, hoa lá, dòng sông, dáng người… đã làm cho cuộc sống đầy hi sinh, gian khổ của những người lính có thêm nhựa sống. Bốn câu thơ làm hiện lên bức tranh thủy mặc nhưng lại không tĩnh tại mà sống động, thiêng liêng.

3. Kết bài:

- Với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã đưa người đọc trở về với hoài niệm năm xưa, để được sống lại với những giây phút bình yên hiếm có của thời chiến tranh. Đặc biệt là bốn câu thơ sau như đưa người đọc vào thế giới cổ tích với dòng sông huyền thoại, với thế giới của cái đẹp, của cõi mơ, của cõi âm nhạc du dương; chất thơ, chất nhạc, chất họa thấm đẫm, quyện hòa đến mức khó mà tách biệt.

- Quả không hổ danh là một nghệ sĩ đa tài với những câu thơ xuất thần, Quang Dũng đã dâng hiến cho người đọc những dòng thơ, những giây phút ngất ngây, thi vị.

 

 

 

Bài mẫu

 Bài tham khảo số 1

     Tây Tiến là bài hát của tình thương mến, là khúc ca chiến trận của anh Vệ quốc quân năm xưa, những anh hùng buổi đầu kháng chiến “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” (Nhớ — Hồng Nguyên), những tráng sĩ ra trận với lời thề “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

       Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, bên bờ sông Đáy thương yêu: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc — Sáo diều khuya khoắt thổi đèn trăng’’ (Đôi mắt người Sơn Tây - 1949). Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập vào năm 1947, hoạt động và chiến đấu ở thượng nguồn sông Mã, miền Tây Hòa Bình, Thanh Hóa sang sầm Nưa, trên dải biên cương Việt — Lào. Quang Dũng là một đại đội trưởng trong đoàn binh Tây Tiến, đồng đội anh nhiều người là những chàng trai Hà Nội yêu nước, dũng cảm, hào hoa. Bài thơ Tây Tiến nói lên nỗi nhớ của tác giả sau một thời gian xa rời đơn vị: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! - Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi...”.

       Bài thơ gồm có bốn phần. Phần đầu nói về nỗi nhớ, nhớ sông Mã, nhớ núi rừng miền Tây, nhớ đoàn binh Tây Tiến với những nẻo đường hành quân chiến đấu vô cùng gian khổ... Đoạn thơ trên đây gồm có 16 câu thơ, là phần hai và phần ba của bài thơ ghi lại những kỉ niệm đẹp một thời gian khổ, những hình ảnh đầy tự hào về đồng đội thân yêu.

       Ở phần đầu, sau hình ảnh “Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, người đọc ngạc nhiên, xúc động trước vần thơ ấm áp, man mác, tình tứ, tài hoa:

                                                       Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

                                                      Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

       Bát cơm tỏa khói nặng tình quân dân, tỏa hương của “thơm nếp xôi”, hương của núi rừng, của Mai Châu.. và hương của tình thương mến.

       Mở đầu phần hai là sự nối tiếp cái hương vị “thơm nếp xôi” ấy. “Hội đuốc hoa” đã trở thành kỉ niệm đẹp trong lòng nhà thơ, và đã trở thành hành trang trong tâm hồn các chiến binh Tây Tiến:

                                                      Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

                                                      Kìa em xiêm áo tự bao giờ

                                                      Khèn lên man điệu nàng e ấp

                                                      Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

       “Đuốc hoa” là cây nến đốt lên trong phòng cưới, đêm tân hôn, từ ngữ được dùng trong văn học cũ: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa” (Truyện Kiều). Quang Dũng đã có một sự nhào nặn lại: hội đuốc hoa - đêm lửa trại, đêm liên hoan trong doanh trại đoàn binh Tây Tiến. “Bừng” chỉ ánh sáng của đuốc hoa, của lửa trại sáng bừng lên; cũng còn có nghĩa là tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười tưng bừng rộn rã. Sự xuất hiện của “em", của “nắng” làm cho hội đuốc hoa mãi mãi là ki niệm đẹp một thời chinh chiến. Những thiếu nữ Mường, những thiếu nữ Thái, những cô gái Lào xinh đẹp, duyên dáng “e ấp”, xuất hiện trong bộ xiêm áo rực rỡ, cùng với tiếng khèn "man điệu” đã "xây hồn thơ” trong lòng các chàng lính trẻ. Chữ “kìa” là từ để trỏ, đứng đầu câu “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” như một tiếng trầm trồ, ngạc nhiên, tình tứ. Mọi gian khổ, mọi thử thách, như đã bị đẩy lùi và tiêu tan.

       Xa Tây Tiến mới có bao ngày, thế mà nhà thơ “nhớ chơi vơi”, nhớ “hội đuốc hoa”, nhớ “Châu Mộc chiều sương ấy". Hỏi “người đi” hay tự hỏi mình “có thấy” và “có nhớ”. Bao kỉ niệm sâu sắc và thơ mộng lại hiện lên và ùa về:

                                                      Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

                                                      Có thấy hn lau nẻo bến bờ

                                                      Có nhớ dáng người trên độc mộc

                                                      Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

       Chữ “ấy” bắt vần với chữ “thấy”, một vần lưng thần tình, âm điệu câu thơ trĩu xuống như một nốt nhất, một sự nhắc nhở trong hoài niệm nhiều bâng khuâng. Nữ sĩ xưa nhớ kinh thành Thăng Long là nhớ “hồn thu thảo”, nay Quang Dũng nhớ là nhớ “hồn lau”, nhớ cái xào xạc của gió, nhớ những cờ lau trắng trời. Có “nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi” thì mới có nhớ và “có thấy hồn lau” trong kỉ niệm. “Có thấy”... rồi lại “có nhớ”, một lối viết uyển chuyển tài hoa, đúng là “câu thơ trước gọi câu thơ sau” như những kỉ niệm trở về... Nhớ cảnh (hồn lau) rồi nhớ người (nhớ dáng người) cùng con thuyền độc mộc “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Hình ảnh “hoa đong đưa” là một nét vẽ lãng mạn gợi tả cái “dáng người trên độc mộc” trôi theo thời gian và dòng hoài niệm. Đoạn thơ gợi lên một vẻ đẹp mơ hồ, thấp thoáng, gần xa, hư ảo trên cái nền “chiều sương ấy”. Cảnh và người được thấy và nhớ mang nhiều man mác, bâng khuâng. Bút pháp, thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn để lại dấu ấn tài hoa qua đoạn thơ này.

       Giữa những “bến bờ”, “độc mộc”, “dòng nước lũ” là “hồn lau”, là “dáng người”, là “hoa đong đưa” tất cả được phủ mờ bởi màn trắng mỏng của một “chiều sương” hoài niệm. Tưởng là siêu thực mà lãng mạn, tài hoa.

       Hai đoạn thơ trên đây thể hiện cốt cách và bút pháp lãng mạn, hồn thơ tài hoa của Quang Dũng. Nếu “thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” thì Tây Tiến đã cho ta cảm nhận về ấn tượng ấy. Tây Tiến đã mang vẻ đẹp độc đáo của một bài thơ viết về người lính - anh bộ đội Cụ Hồ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Bài thơ hội tụ mọi vẻ đẹp và bản sắc của thơ ca kháng chiến ca ngợi chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.


Xem các bài văn tham khảo tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3




Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua để lại những dâu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn dân tộc.
Hình ảnh miền Tây Bắc của Tổ Quốc trong bài thơ Tây Tiến Thơ Quang Dũng vừa có hơi hướng cổ điển vừa mới mẻ hiện đại. Ông có một hồn thơ tài hoa ,tinh tế đa cảm. “Tây tiến” là bài thơ đặc sắc của Quang Dũng.
"Máu thịt và linh hồn của văn học là hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng ngôn từ”. Hãy bình luận ý kiến trên - Ngữ Văn 12 "Máu thịt và linh hồn của văn học là hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng ngôn từ”. Hãy bình luận ý kiến trên - Ngữ Văn 12
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa…Sông Mã gầm lên khúc độc hành” Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa…Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Bình giảng khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Đoạn thơ viết về chân dung người lính trong bài thơ Tây Tiến là đoạn thơ độc đáo nhất. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được nhà thơ kết hợp vận dụng sáng tạo trong miêu tả và biểu lộ cảm xúc, tạo nên những câu thơ “có hồn”.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved