logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 3

Admin FQA

30/12/2022, 13:16

Đề bài

Câu 1. Ngày 23-9-1945, ở Nam Bộ đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng?

A. Thực dân Pháp xả súng vào nhân dân Nam Bộ

B. Thực dân Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu chính quyền Nam Bộ đầu hàng

C. Thực dân Pháp chính thức nổ xâm lược Việt Nam lần thứ hai

D. Thực dân Pháp hoàn thành quá trình xâm lược Nam Bộ

Câu 2. Từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 6-3-1946, Đảng và chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện chủ trương gì với Trung Hoa Dân Quốc?

A. Tạm thời hòa hoãn

B. Đấu tranh vũ trang

C. Đấu tranh chính trị

D. Đấu tranh ngoại giao

Câu 3. Từ ngày 6-3 đến trước ngày 19-12-1946, Đảng và chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện chủ trương gì với thực dân Pháp

A. Kháng chiến chống Pháp

B. Vừa đánh vừa đàm

C. Hòa để tiến

D. Đầu hàng

Câu 4. Trước hành động bội ước của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có chủ trương gì vào ngày 12-12-1946?

A. ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến

B. ra chỉ thị Kháng chiến - kiến quốc

C. quyết định phát động cả nước kháng chiến

D. ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Câu 5. Chiến thắng nào của quân nhân Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp lần thứ hai đã tạo điều kiện cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài?

A. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16

B. Chiến dịch Việt Bắc thu - đông

C. Chiến dịch Biên giới thu - đông

D. Chiến dịch trung du và đồng bằng Bắc Bộ

Câu 6. Mục tiêu cơ bản của thực dân Pháp khi mở cuộc tiến công lên Việt Bắc vào cuối năm 1947 là

A. triệt đường liên lạc quốc tế của ta

B. tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, lập chính phủ bù nhìn

C. tiêu diệt lực lượng kháng chiến của Việt Nam, nhanh chóng kết thúc chiến tranh

D. Khóa chặt biên giới Việt - Trung

Câu 7. Chiến thắng nào đánh dấu quân đội Việt Nam đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ?

A. Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947

B. Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950

C. Chiến dịch Hòa Bình đông - xuân 1951-1952

D. Chiến dịch Tây Bắc thu - đông 1952

Câu 8. “Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng cho chúng” là một trong những nội dung cơ bản của kế hoạch quân sự nào?

A. Kế hoạch Valuy

B. Kế hoạch Rơve

C. Kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi

D. Kế hoạch Nava

Câu 9. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch Nava do Pháp - Mĩ đề ra và thực hiện từ năm 1953 ở Việt Nam là

A. Xoay chuyển cục diện chiến tranh

B. Giành lại thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ

C. Nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong danh dự

D. Buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh

Câu 10. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và xác định phương hướng chiến lược của ta trong đông xuân 1953-1954 là

A. Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào nơi địch tương đối yếu

B. Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào nơi địch mạnh nhất

C. Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào nơi có vị trí quan trong mà địch tương đối yếu

D. Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào nơi bố phòng sơ hở của địch

Câu 11. Hiệp định Giơnevơ (1954) đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia bao gồm

A. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

B. Độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

C. Độc lập, chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ

D. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Câu 12. Từ cuối 1953 đến đầu 1954, khối cơ động chiến lược của quân Pháp đã bị phân tán ra những vị trí nào?

A. Lai Châu, Điện Biên Phủ, Xê-nô, Luông- pha-băng

B. Điện Biên Phủ, Xê-nô, Plâyku, Luông-pha-băng

C. Điện Biên Phù, Thà khẹt, Plâyku, Luông-pha-băng

D. Đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ, Xê-nô, Plâyku, Luông-pha-bang

Câu 13. Nguyên nhân chủ yếu nào khiến Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 2-9-1945 đến trước ngày 6-3-1946 chủ trương tạm thời hòa hoãn với Trung Hoa Dân Quốc?

A. Do Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Nam dưới danh nghĩa quân Đồng Minh

B. Do Việt Nam cần tập trung kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ

C. Do Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Nam chỉ đòi các quyền lợi về kinh tế

D. Do Trung Hoa Dân Quốc không thể ở lại Việt Nam lâu dài

Câu 14. Tại sao Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)?

A. Do Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt

B. Do hành động bội ước và xâm lược của thực dân Pháp

C. Do nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng để nổi dậy

D. Do sự tác động của cục diện hai cực, hai phe trên thế giới

Câu 15. Ý nghĩa quan trọng nhất của chiến thắng Việt Bắc thu - đông (1947) là

A. Chứng tỏ sự trưởng thành của quân đội

B. Làm phá sản hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh; buộc địch phải bị động chuyển sang đánh lâu dài

C. Bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc và cơ quan đầu não.

D. Chứng tỏ khả năng quân dân ta có thể đẩy lùi những cuộc tiến công quân sự lớn của kẻ thù

Câu 16. Con đường nào được mệnh danh là “con đường chết” của thực dân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947?

A. Đường số 4

B. Đường số 3

C. Đường số 2

D. Ngã ba sông Gâm- sông Lô

Câu 17. Đâu không phải nguyên nhân để Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở chiến dịch Biên giới thu- đông năm 1950?

A. Để tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi

B. Để làm thất bại âm mưu của Pháp- Mĩ

C. Để đưa cuộc kháng chiến phát triển sang một giai đoạn mới

D. Để làm phá sản âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp

Câu 18. Tại sao có thể khẳng định Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta?

A. Đảng vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo cách mạng

B. Đã hoàn thiện được đường lối đấu tranh, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với cuộc kháng chiến

C. Đã giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương

D. Đã đưa Đảng ra hoạt động công khai, tiếp tục nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Câu 19. Sự phát triển của hậu phương từ sau chiến thắng Biên giới thu - đông năm 1950 đến trước đông - xuân 1953-1954 có tác động như thế nào đến cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Việt Nam?

A. Tạo cơ sở để xây dựng chế độ mới sau này

B. Tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn

C. Tạo bước ngoặt của cho cuộc kháng chiến chống Pháp

D. Cho thấy sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo

Câu 20. Đâu không phải là những biện pháp được thực hiện trong kế hoạch Nava trước khi kế hoạch này bị đảo lộn?

A. Tăng cường viện binh cho Đông Đương

B. Tập trung 44 tiểu đoàn quân cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ

C. Mở các cuộc tiến công vào Ninh Bình, Thanh Hóa để phá kế hoạch tiến công của ta

D. Tập trung lực lượng xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Câu 21. Nội dung nào sau đây không phải ý nghĩa của kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1946 - 1954)?

A. Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỉ ở Việt Nam

B. Mở ra kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội

C. Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc

D. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Câu 22. Những hoạt động ngoại giao của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1946 phản ánh điều gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc?

A. Sử dụng ngoại giao để phục vụ cho cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự

B. Sử dụng ngoại giao như một sách lược điều đình sự bùng nổ cuộc chiến tranh

C. Thể hiện thiện chí giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình

D. Phản ánh xu thế phát triển của thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai

Câu 23. Sự dính líu của Mĩ vào cuộc chiến tranh Đông Dương và việc Liên Xô cũng các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tác động như thế nào đến tính chất cuộc chiến tranh Đông Dương?

A. Chiến tranh Đông Dương trở thành một vấn đề quốc tế, chịu tác động của cục diện 2 cực

B. Cuộc chiến tranh Đông Dương phát triển lên quy mô lớn

C. Chiến tranh Đông Dương trở nên khốc liệt hơn

D. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn mới

Câu 24. Những thắng lợi của quân dân Việt Nam trên tất cả các mặt quân sự- chính trị- kinh tế- văn hóa…trong những năm 1950-1953 đã cho thấy sự đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc thực hiện đường lối nào?

A. Độc lập dân tộc- chủ nghĩa xã hội

B. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến bảo vệ tổ quốc

C. Kháng chiến - kiến quốc

D. Dựng nước đi đôi với giữ nước

Câu 25. Điểm giống nhau giữa kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi và kế hoạch Rơve của Pháp là

A. Tiếp tục thống trị lâu dài Việt Nam

B. Nhanh chóng kết thúc chiến tranh

C. Muốn xoay chuyển cục diện chiến tranh

D. Phô trương sức mạnh, thanh thế

Câu 26. Đâu không phải là luận điểm để chứng minh Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)?

A. Là trận đánh huy động đến mức cao nhất nỗ lực của cả Pháp và Việt Nam

B. Là trận đánh ác liệt nhất, các bên tham chiến giằng co quyết liệt từng vị trí

C. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh

D. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đưa cuộc kháng chiến phát triển sang một giai đoạn mới

Câu 27. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương là một bước tiến so với hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 không xuất phát từ lí do nào sau đây?

A. Là văn bản pháp lý quốc tế nên có tính đảm bảo hơn

B. Công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam

C. Quyền dân tộc cơ bản được công nhận ở một nửa đất nước

D. Đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu 28. “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!” Đoạn trích trên đã phản ánh tính chất gì của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1954)?

A. Tính chính nghĩa

B. Tính nhân dân

C. Tính toàn diện

D. Tính trường kì

Câu 29. Đâu là điểm khác biệt cơ bản giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945?

A. Nhiệm vụ - mục tiêu

B. tính chất và hình thức hoạt động

C. Động lực cách mạng

D. Mối quan hệ quốc tế

Câu 30. Bài học kinh nghiệm lớn nhất Việt Nam rút ra được từ hội nghị Giơnevơ cho các cuộc đấu tranh ngoại giao sau này là gì?

A. Vấn đề của Việt Nam phải do Việt Nam tự quyết định

B. Không để thời gian thực thi hiệp đinh quá dài

C. Không được tạo ra những vùng chia cắt riêng biệt trên lãnh thổ

D. Phải có sự ràng buộc về trách nhiệm thi hành các hiệp định

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

1. C

2. A

3. C

4. A

5. A

6. C

7. B

8. C

9. C

10. C

11. A

12. B

13. B

14. B

15. B

16. A

17. D

18. B

19. B

20. D

21. B

22. C

23. A

24. C

25. B

26. D

27. C

28. A

29. B

30. A

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 125.

Cách giải:

Đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp cho quân đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Chọn đáp án: C

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 127.

Cách giải:

Tránh trường hợp phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 6-3-1946, Đảng và Chính phủ chủ trương tạm thời hòa hoãn, tránh xung đột với quân Trung Hoa Dân Quốc

Chọn đáp án: A

Chú ý:

Từ ngày 6-3-1946 đến trước ngày 19-12-1946, Đảng ta chủ trương hòa với Pháp bằng việc kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) để loại bỏ được một kẻ thù là Trung Hoa Dân quốc.

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 128.

Cách giải:

Hiệp ước Hoa-Pháp (28-2-1946) đã đặt Việt Nam đứng trước sự lựa chọn một trong hai con đường: hoặc cầm súng chiến đấu chống thực dân Pháp, không cho chúng đổ bộ ra miền Bắc; hoặc hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp. Trong bối cảnh đó, ngày 3-3-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, do Hồ Chí Minh chủ trì đã chọn giải pháp “hòa để tiến”. Ngày 6-3-1946, tại Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ.

Chọn đáp án: C

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 130.

Cách giải:

Trước hành động bội ước của thực dân Pháp, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.

Chọn đáp án: A

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 132.

Cách giải:

Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã tạo điều kiện cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài, bước đầu làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.

Chọn đáp án: A

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 133.

Cách giải:

Tháng 3-1947, Chính phủ Pháp cử Bô lae làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của Việt Nam, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Chọn đáp án: C

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 138.

Cách giải:

Với thắng lợi của chiến dịch Biên giới thu-đông 1950, quân đội Việt Nam đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến

Chọn đáp án: B

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 139.

Cách giải:

Dựa vào viện trợ Mĩ, cuối năm 1950, Pháp đề ra và thực hiện kế hoạch Đờlátđơ Tátxinhi, mong muốn kết thúc nhanh chiến tranh. Kế hoạch gồm 4 điểm:

- Gấp rút tập trung quân Âu - Phi xây dựng một lực lượng cơ động mạnh, phát triển nguỵ quân, xây dựng “quân đội quốc gia”.

- Xây dựng phòng tuyến công sự xi măng cốt sắt (boong ke), lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn chủ lực ta và kiểm soát ta đưa nhân, tài, vật lực ra vùng tự do.

- Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để tăng cường lực lượng của chúng.

- Đánh phá hậu phương của ta (biệt kích, thổ phỉ, gián điệp, chiến tranh tâm lý, chiến tranh kinh tế).

Chọn đáp án: C

Câu 9.

Phương pháp: sgk trang 146.

Cách giải:

Với sự giúp đỡ của Mĩ, Pháp đã đề ra và thực hiện kế hoạch Nava với hi vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quân sự quyết định để kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Chọn đáp án: C

Câu 10.

Phương pháp: sgk trang 47.

Cách giải:

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và xác định phương hướng chiến lược của ta trong đông xuân 1953-1954  là “tập trung lực lượng, mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán lực lượng mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”.

Chọn đáp án: C

Câu 11.

Phương pháp: sgk trang 154.

Cách giải:

Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Chọn đáp án: A

Chú ý:

Hiệp định Giơnevơ (1954) là kết quả của quá trình đấu tranh giành quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta. Nếu như trong Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) Pháp mới chỉ công nhân nhân tố thống nhất thì đến Hiệp định Giơ ne vơ Pháp đã buộc phải công nhận đầy đủ các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Câu 12.

Phương pháp: sgk trang 147.

Cách giải:

Cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953-1954 khiến cho khối cơ động chiến lược của Nava bị phân tán ra 4 vị trí:  Điện Biên Phủ, Xê-nô, Plâyku, Luông-pha-băng.

Chọn đáp án: B

Câu 13.

Phương pháp: sgk trang 127, suy luận.

Cách giải:

Nguyên nhân chủ yếu để từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 6-3-1946, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tạm thời hòa hoãn với Trung Hoa Dân Quốc là do Việt Nam đang tập trung kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, nên cần tránh trường hợp phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng lúc.

Chọn đáp án: B

Câu 14.

Phương pháp: sgk trang 130, 131, suy luận.

Cách giải:

Mặc dù đã kí Hiệp định Sơ bộ ((6-3-1946) và Tạm ước 14-9-1946, thực dân Pháp vẫn đẩy mạnh việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa. Quân Pháp đã gây ra các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi như khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội…Đặc biệt ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán các lực lượng tự vệ chiến đấu, để quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự Hà Nội. Nếu yêu cầu đó không được chấp nhận, chậm nhất là sáng ngày 20-12-1946, chúng sẽ hành động. Trước tình thế đó, Hội nghị bất thường ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp trong hai ngày 18 và 19-12-1946, quyết định phát động cả nước kháng chiến.

=> Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) là do hành động bội ước và xâm lược của Pháp.

Chọn đáp án: B

Câu 15.

Phương pháp: sgk trang 134, suy luận.

Cách giải:

Mục tiêu cơ bản của cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp là nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, thắng lợi của quân dân Việt Nam trong chiến dịch Việt Bắc thu - đông đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”; buộc địch phải bị động chuyển sang “đánh lâu dài”.

Chọn đáp án: B

Câu 16.

Phương pháp: sgk trang 134, suy luận.

Cách giải:

Ở mặt trận hướng đông, quân dân ta phục kích chặn đánh địch trên Đường số 4, tiêu biểu là trận phục kích ở đèo Bông Lau (30-10), đánh trúng đoàn xe cơ giới của địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của chúng. Đường số 4 trở thành “con đường chết”, địch ở vào thế bị động

Chọn đáp án: A

Câu 17.

Phương pháp: sgk trang 136, suy luận.

Cách giải:

Để tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi; để làm thất bại âm mưu của Pháp - Mĩ (kế hoạch Rơve) và để đưa cuộc kháng chiến phát triển sang một giai đoạn mới, tháng 6-1950, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở chiến dịch Biên giới thu- đông năm 1950.

Chọn đáp án: D

Câu 18.

Phương pháp: sgk trang 140, suy luận.

Cách giải:

Đại hội Đại biểu lần II của Đảng (1951) lại đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta vì đại hội đã hoàn thiện được đường lối đấu tranh, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với cuộc kháng chiến trong bối cảnh lịch sử mới.

Chọn đáp án: B

Câu 19.

Phương pháp: sgk trang 141 – 143, suy luận.

Cách giải:

Sự phát triển của hậu phương từ sau chiến thắng Biên giới thu - đông năm 1950 đến trước đông - xuân 1953-1954 đã tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để cuộc kháng chiến của quân và dân ta nhanh chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn

Chọn đáp án: B

Câu 20.

Phương pháp: sgk trang 146, suy luận.

Cách giải:

Để thực hiện kế hoạch Nava, thực dân Pháp đã tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh đưa từ Pháp và Bắc Phi sang, đồng thời xin Mĩ tăng thêm viện trợ. Từ thu - đông 1953, Nava tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn cơ động, tiến hành những cuộc càn quét nhằm bình định vùng chiếm đóng, mở rộng hoạt động thổ phỉ, biệt kích ở vùng rừng núi biên giới phía Bắc, mở cuộc tiến công lớn vào Ninh Bình, Thanh Hóa…để phá kế hoạch tiến công của ta.

Chọn đáp án: D

Chú ý:

Pháp chuyển sang chọn Điện Biên Phủ là trung tâm điểm của kế hoạch Nava là sau khi kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản do các cuộc tiến công chiến lược đông – xuân 1953 – 1954 của Việt Nam. Nội dung ban đầu của kế hoạch Nava không có nội dung này.

Câu 21.

Phương pháp: sgk trang 156, suy luận.

Cách giải:

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) mới giải phóng được một nửa đất nước. Miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) thắng lợi.

Chọn đáp án: B

Câu 22.

Phương pháp: nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Những hoạt động ngoại giao của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1946 cho thấy thiện chí giải quyết những xung đột bằng biện pháp hòa bình, chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng khi cả hai không thể tiếp tục thương lượng được nữa. Những biện pháp ngoại giao này được thể hiện cụ thế đối với Trung Hoa Dân quốc và Pháp:

- Từ ngày 2-9-1945 đến 6-3-1946: hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc để tập trung đánh Pháp ở miền Nam. Cụ thể là nhượng cho quân Trung Hoa Dân quốc một số quyền lợi về chính trị và kinh tế.

- Từ ngày 6-2-1946 đến trước ngày 19-12-1946:

+ Kí với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) nhằm hòa với Pháp để đuổi quân Trung Hoa Dân quốc ra khỏi nước ta.

+ Kí với Pháp bản Tạm ước (14-9-1946) nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa.

Chọn đáp án: C

Câu 23.

Phương pháp: nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Sự dính líu của Mĩ vào cuộc chiến tranh Đông Dương và việc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khiến cho cuộc Chiến tranh Đông Dương không chỉ còn là vấn đề giữa Pháp - Việt Nam mà đã trở thành một vấn đề quốc tế, chịu tác động của cục diện 2 cực, 2 phe.

Chọn đáp án: A

Câu 24.

Phương pháp: phân tích, nhận xét.

Cách giải:

Ngày 25-11-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị Kháng chiến - kiến quốc. Thực hiện chỉ thị đó, đến những năm 1950 - 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện trên tất cả các mặt quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa

Chọn đáp án: C

Câu 25.

Phương pháp: so sánh, nhận xét.

Cách giải:

- (sgk trang 136): Trong kế hoạch Rơve, Pháp âm mưu chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn tiến công Việt Bắc lần thứ hai, mong giành thắng lợi để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. 

- (sgk trang 139): Dựa vào viện trợ của Mĩ, cuối năm 1950, Pháp đề ra kế hoạch Đờlát đơ Tátxinhi, mong muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

=> Điểm giống nhau giữa kế hoạch Đờ lát đơ Tátxinhi và kế hoạch Rơve là muốn nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Chọn đáp án: B

Câu 26.

Phương pháp: phân tích, nhận xét.

Cách giải:

Trận quyết chiến chiến lược là một trận đánh tập trung những nỗ lực cao nhất của các bên tham chiến. Kết quả của trận đánh sẽ quyết định chiều hướng cuộc chiến tranh. Pháp- Mĩ đã tập trung mọi nỗ lực để xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điêm mạnh nhất Đông Dương. Còn về phía Việt Nam đã huy động đến mức cao nhất sức người, sức của. Đây là trận đánh ác liệt nhất, các bên tham chiến giằng co quyết liệt từng vị trí. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của kẻ thù, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

Chọn đáp án: D

Câu 27.

Phương pháp: phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương là một bước tiến so với hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 ở chỗ: nó là một văn bản pháp lý quốc tế công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; được các cường quốc và các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng. Trong khi đó hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 mới chỉ công nhận quyền tự do của Việt Nam nằm trong khối liên hiệp Pháp và không có tính ràng buộc nên thực dân Pháp có thể dễ dàng phá hoại hiệp định.

Đáp án C: quyền dân tộc cơ bản mới chỉ được công nhận ở miền Bắc không phải luận điểm chứng minh cho sự tiến bộ của Hiệp định Giơnevơ (1954) so với Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946).

Chọn đáp án: C

Câu 28.

Phương pháp: Liên hệ.

Cách giải:

Đoan trích “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!” trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến- phải đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Chọn đáp án: A

Câu 29.

Phương pháp: so sánh, liên hệ.

Cách giải:

Điểm khác biệt cơ bản giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945 là về tính chất và hình thức hoạt động.

- Đảng Lao động Việt Nam đã trở thành đảng cầm quyền, hoạt động công khai, hợp pháp.

- Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ là đảng lãnh đạo và phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

Chọn đáp án: B

Câu 30.

Phương pháp: Liên hệ.

Cách giải:

Bài học kinh nghiệm lớn nhất của mà Việt Nam rút ra được từ hội nghị Giơnevơ cho các cuộc đấu tranh ngoại giao sau này là vấn đề của Việt Nam phải do Việt Nam tự quyết định thông qua các cuộc đàm phán song phương trực tiếp. Vì hội nghị Giơnevơ năm 1954 là hội nghị do các nước lớn là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tổ chức để giải quyết vấn đề Đông Dương và Việt Nam chỉ là nước được mời tham dự hội nghị nên những quyết định của hội nghị không xuất phát từ lợi ích của dân tộc Việt Nam mà xuất phát từ quyền lợi của các nước lớn.

Chọn đáp án: A

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 1 Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 12 - Đề số 1 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 2 Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 12 - Đề số 2 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 4 Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 12 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 5 Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 12 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra 45 phút phần 2 - Đề số 6 Đề kiểm tra 45 phút phần 2 lịch sử 12 - Đề số 6 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved