logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

7. Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 6

Admin FQA

30/12/2022, 13:16

Đề bài

I. Đọc hiểu (5.0 điểm):

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

     Tôi tự cho mình là một người dám chấp nhận thất bại (...)

    Tôi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, và trong suốt 6 tháng trời, tôi chỉ nhận được hết cái lắc đầu này tới cái lắc đầu khác. Lại một thất bại nữa. Sự thất bại trong việc tìm việc làm tốt và lương cao khiến tôi nhận ra tôi cần phải làm tốt hơn nữa. Tôi đã dành một năm tự học và xin học bổng. Thời kỳ này áp lực lớn tới mức tóc trên đầu tôi rụng từng mảng. Tôi cao 1m74, và khi đó tôi chỉ nặng hơn 50 kg một chút. Nhưng nỗ lực của tôi cuối cùng không uổng. Tôi được nhận học bổng của viện Harvard Yenching tại trường Đại học Harvard và được nhận vào học tại Đại học Tổng hợp Texas tại Austin. Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu qua Mỹ học tiến sĩ Kinh tế. Gần 6 năm học tiến sĩ là một thời kỳ gian khổ, đặc biệt là trong giai đoạn làm luận án. (...)

      Năm 2010, tôi về Việt Nam và bắt đầu làm việc cho một Quỹ đầu tư lớn nhất nhì Việt Nam trên cương vị cố vấn kinh tế cao cấp. Nhiều người ngăn cản quyết định này. Nhiều người cho tôi là ngu ngốc. Và quả thật, tôi bị sa thải chỉ sau 3 tuần làm việc ở tập đoàn này.(...) Lần này nặng hơn vì tôi đã 33 tuổi. Nhưng chính nhờ thất bại này, sự nghiệp của tôi rẽ sang một lối đi mới. Tôi tham gia cùng các bạn bè thân hữu của mình xây dựng công ty tài chính TNK Capital, giờ là một công ty tư vấn tài chính uy tín ở Việt Nam. Từ công ty này, chúng tôi lập ra Ismart Education, một công ty tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp giáo dục số, và đầu tư vào Học viện Giáo dục Hoa Kỳ, là công ty sở hữu trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ. Đó cũng là lý do mà tôi đứng trước các bạn ngày hôm nay với tư cách Chủ tịch của trường.

     Những thất bại mà tôi gặp phải trong 20 năm qua có thể chưa phải là những thất bại lớn. Tôi có thể sẽ còn gặp thêm nhiều thất bại nữa trong những năm tới. Nhưng mỗi khi thất bại, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn và quyết tâm hơn.

     Ngày hôm nay các bạn ra trường, cũng giống như tôi ra trường hồi 15 năm trước. Dù học giỏi tới đâu, hành trang lập nghiệp của các bạn cũng giống như tôi ngày đó, vẫn còn nghèo nàn lắm. Các bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, và sẽ có nhiều thất bại. Có những thất bại sẽ làm các bạn bật khóc. Có những thất bại sẽ làm các bạn không thể khóc thành lời. Có những thất bại sẽ làm các bạn mất niềm tin và gục ngã. Có những thất bại thậm chí làm các bạn đau đến mức ước như mình chưa bao giờ được sinh ra. Trong những giờ phút ấy, hãy nhớ rằng ai cũng sẽ phải trải qua những thử thách tương tự.

Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn. (...)

(Trích Bài diễn văn gây chấn động cộng đồng mạng của Tiến sỹ Trần Vinh Dự; nguồn batdongsanexpress.vn)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 2. Hãy đặt nhan đề cho văn bản. (0.5 điểm)

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính trong những câu sau:

Có những thất bại sẽ làm các bạn bật khóc. Có những thất bại sẽ làm các bạn không thể khóc thành lời. Có những thất bại sẽ làm các bạn mất niềm tin và gục ngã. Có những thất bại thậm chí làm các bạn đau đến mức ước như mình chưa bao giờ được sinh ra. (1.0 điểm)

Câu 4. Em hiểu như thế nào về câu nói: Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn. (1.0 điểm)

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (15 đến 20 dòng) bàn về ý nghĩa của sự thất bại. (2.0 điểm)

Câu 2. Có ý kiến cho rằng nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân thật đáng khinh. Nhưng cũng có người khẳng định: đó là nhân vật đáng thương và đáng trọng. Ý kiến của anh/chị như thế nào? (5.0 điểm)

Lời giải chi tiết

I. Đọc hiểu (3.0 điểm):

1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

2. Nhan đề gợi ý: Thất bại – phép thử để thành công; thất bại là mẹ thành công; Giá trị của thất bại...

3.

- Phép điệp cấu trúc: Có những thất bại...

- Tác dụng: Nhấn mạnh ý nghĩa: Chính sự thất bại sẽ giúp mỗi người trưởng thành để đi đến thành công mai sau.

Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lý, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.

4. Giải thích câu: Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn.

→ Những thử thách khắc nghiệt, những thất bại đau đớn trong cuộc sống sẽ tôi luyện cho con người bản lĩnh cứng cỏi, để từ đó, chúng ta có thể thành công mai sau.

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (15 đến 20 dòng) bàn về ý nghĩa của sự thất bại.

* Yêu cầu về kỹ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.

* Yêu cầu về kiến thức:

- Trình bày đúng vấn đề ý nghĩa của sự thất bại, có thể triển khai một trong số các luận điểm:

+ Thất bại là kết quả không như ý muốn của mỗi con người trong hành trình chinh phục một mục tiêu nào đó của cuộc đời.

+ Thất bại giúp chúng ta nhận diện sai lầm, giúp chúng ta khắc phục khuyết điểm.

+ Thất bại là mẹ của thành công. Vì từ trong thất bại, con người được tôi luyện thêm ý chí, bản lĩnh và khát khao...

+ Một số tấm gương từng thất bại nhưng không bi quan, ngược lại bản lĩnh vượt qua thử thách, rút kinh nghiệm để thành công.

+ Hãy tập đối diện với thất bại một cách tích cực nhất.

Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lý, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.

Câu 2. Có ý kiến cho rằng nhân vật "thị" trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân thật đáng khinh. Nhưng cũng có người khẳng định: "đó là nhân vật đáng thương và đáng trọng". Ý kiến của anh/chị như thế nào?

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0.25)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Nhân vật "thị" trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân thật đáng thương và đáng trọng. (0.25)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. (4.0)

* Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và nhân vật người vợ Tràng nhặt trong nạn đói.

* Phân tích các ý kiến đánh giá về nhân vật "thị":

- Đó là nhân vật đáng khinh: Đây là ấn tượng ban đầu khi nhân vật "thị" táo bạo, đanh đá đi theo Tràng đòi ăn. Thị không giữ sĩ diện mà theo không một người đàn ông. Tuy nhiên, hành động có phần trơ trẽn ấy cần được cảm thông.

- Thị đáng thương: Thị là nạn nhân của nạn đói năm 1945. Chân dung của thị rất thê thảm. Thị bị rơi vào thân phận bị rẻ rúng phải theo không một người đàn ông xa lạ. Thị lấy phải một người đàn ông nghèo, phải ăn cháo cám...

- Thị đáng được trân trọng: Thị theo Tràng vì khao khát được sống. Lòng ham sống và khát khao hạnh phúc gia đình đã khiến thị dần hiện lên với những phẩm chất đáng trân trọng của người phụ nữ (tự trọng, nhân hậu, đảm đang...).

* Đánh giá:

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật người vợ nhặt (không đặt tên, điểm nhìn khách quan, ngôn ngữ sắc sảo...)

- Tấm lòng nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

c. Sáng tạo

- Ý mới mẻ, sâu sắc (0.25)

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25)

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved