logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 8- Đề số 9

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Đề bài

TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, với sự hình thành hai giai cấp mới, đó là:

A. Giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến.

B. Giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

C. Giai cấp tư sản va giai cấp tiểu tư sản.

D. Giai cấp tư sản và giai cấp nông dân.

Câu 2. Phong trào giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ có ý nghĩa quốc tế như thế nào?

A. Làm cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Mĩ phát triển.  

B. Giải phóng nhân dân Bắc Mĩ khỏi ách đô hộ của thực dân Anh.

C. Mang tính chất là một cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

D. Cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhiều nước.

Câu 3. Thực dân Anh đã thực hiện chính sách cai trị nào sau đây đối với người In-đi-an ở Bắc Mĩ trong hai thế kỉ XVII - XVIII?

A. đưa đi làm nô lệ ở phía tây xa xôi. 

B. bắt khai khẩn đất hoang và lập đồn điền.

C. dồn vào vùng đất phía tây xa xôi.

D. lợi dụng làm bia đỡ đạn trên chiến trường.

Câu 4. Vì sao người nông dân ở Anh trong thế kỉ XVII phải ra thành thị bán sức lao động cho tư bản hay di cư sang nước ngoài?

A. Họ bị mất ruộng đất.

B. Họ bị địa chủ bóc lột tàn nhẫn

C. Họ muốn tìm cuộc sống no đủ hơn. 

D. Họ dần bị tư sản hóa.

Câu 5. Cuối tháng 8 – 1789 đã diễn ra sự kiện lịch sử gì quan trọng đối với nước Pháp?

A. Cách mạng Pháp giành thắng lợi hoàn toàn.

B. Nền chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh được thành lập.

C. Thông qua Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân quyền.      

D. Thông qua Tuyên ngôn Độc lập.

Câu 6. Trong các biện pháp sau của phái Gia-cô-banh, biện pháp nào mang lại quyền lợi thiết thực nhất cho người nông dân?

A. Giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. 

B.  Quy định giá bán tối đa các mặt hàng thiếu yếu.

C. Thực hiện chính sách trưng thu lúa mì.

D. Quy định mức lương tối đa cho công nhân.

Câu 7. Vào thế kỉ XVIII, mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội Pháp là

A. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân trong Đẳng cấp thứ ba với phong kiến, nhà thờ.           

B. Mâu thuẫn giữa nông dân với quý tộc phong kiến.

C. Mâu thuẫn giữa đẳng cấp thứ ba với đẳng cấp tăng lữ.  

D. Mâu thuẫn giữa công nhân, nông dân với chế độ phong kiến.

Câu 8. Nhân lúc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang suy yếu, các thuộc địa của hai nước này ở khu vực Mĩ Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, dẫn đến sự ra đời của

A.  nhiều quốc gia dân tộc dân chủ. 

B. một loạt quốc gia tư sản mới.

C. nhiều quốc gia vô sản mới. 

D. một loạt của các quốc gia tư bản mới.

Câu 9. Giai cấp vô sản ở các nước tư bản ngay từ khi hình thành đã đấu tranh chống lại ách thống trị của giai cấp tư sản dưới hình thức

A. đòi quyền lợi về kinh tế và chính trị.

B. nêu khẩu hiệu đòi chia ruộng đất.

C. đập phá máy móc, khởi nghĩa vũ trang. 

D.  đưa dân nguyện gửi tới chính phủ.

Câu 10. Sau Chiến tranh Pháp - Phổ, "Chính phủ vệ quốc" ra đời là Chính phủ lâm thời của

A.  giai cấp tư sản. 

B.  giai cấp vô sản

C. tầng lớp quý tộc phong kiến. 

D. liên minh giai cấp công nhân và nông dân.

Câu 11. Những chính sách của Công xã Pa-ri đưa ra

A. không thực hiện được.

B. hoàn toàn thực hiện được.

C. được thực hiện triệt để.  

D. không tiến bộ.

Câu 12. Đâu không phải là cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở châu Âu trong thế kỉ XIX?

A. Cách mạng tư sản Hà Lan.

B. Cuộc đấu tranh thống nhất Italia.

C. Cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức.

D. Cải cách nông nô ở Nga.

Câu 13. Vì sao nói Mĩ là xứ sở các các “ông vua công nghiệp”?

A. Hình thành các Các-ten không lồ. 

B. Hình thành các tập đoàn kinh tế lớn.

C. Hình thành các Tơ-rớt khổng lồ.

D. Hình thành các Xanh-đi-ca khổng lồ.

Câu 14. Các công ty độc quyền của Mĩ được hình thành trong tình hình kinh tế như thế nào?

A. Phát triển mạnh cả về công nghiệp và nông nghiệp.       

B. Mĩ đã trở thành đế quốc có diện tích thuộc địa lớn nhất.

C. Sản xuất công nghiệp đứng hàng thứ tư thế giới.           

D. Chính sách bành trướng của Mĩ đạt nhiều thành quả.

Câu 15. Nêu những quyết định quan trọng của Quốc tế thứ hai?

A. Sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp công nhân; lấy ngày 1-5 là ngày Quốc tế lao động

B. Sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản; đòi tăng lương, giảm giờ làm; lấy ngày 1-5 là ngày Quốc tế lao động

C. Thỏa hiệp với Tư sản; đòi tăng lương, giảm giờ làm; lấy ngày 1-5 là ngày Quốc tế lao động

D. Lấy ngày 1-5 là ngày Quốc tế lao động; sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản

Câu 16. Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1905 – 1907 là

A. Cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở Mát-xcơ-va (12-1905).

B. Phong trào đấu tran của công nhân trong năm 1906.

C. Cuộc nổi dậy của nông dân đánh phá dinh cơ của địa chủ phong kiến (5-1905)

D. 14 vạn công nhân Pê-téc-bua đưa bản yêu sách lên nhà vua (1905).

Câu 17. Hạn chế lớn nhất của các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng là

A. Chưa vạch ra con đường đúng đắn để xây dựng xã hội mới

B. Chưa thấy được bản chất của giai cấp Tư sản

C. Chưa đề ra được phương pháp đấu tranh cho giai cấp công nhân

D. Chưa đánh giá đúng vai trò của giai cấp công nhân và vai trò của quần chúng nhân dân lao động

Câu 18. Ý nào sau đây không phản ánh chính xác về tình hình văn học thế kỉ XVIII – XIX?

A. Ở Đức, Si -lơ, Gớt ca ngợi cuộc đấu tranh vì tự do của nhân dân.   

B. Nhà thơ Bai-rơn là người Đức.

C. Thế kỉ XIX, nhiều nhà văn vạch trần bộ mặt xã hội tư bản, đấu tranh cho sự tự do chính nghĩa.

D. Chủ nghĩa hiện thực phê phán xuất hiện và trở thành trào lưu văn học tiến bộ.

Câu 19. Nhà bác học Puôc-kin-giơ (Séc) là người khám phá ra

A.  thuyết vạn vật hấp dẫn    

B. định luật bảo toàn vật chất và năng lượng 

C. bí mật sự phát triển của thực vật và đời sống của mô động vật  

D. thuyết tiến hoá và di truyền

Câu 20. Thành tựu quan trọng nhất trong nền nông nghiệp đầu thế kỉ XIX là gì?

A. Sử dụng phân hóa học, máy kéo, máy cày, tăng hiệu quả làm đất và năng suất cây trồng.

B. Áp dụng nhùng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất.

C. Áp dụng phương pháp canh tác mới.   

D.  Máy móc được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp.

II. TỰ LUẬN

Câu 21. Trình bày tiền đề dẫn đến bùng nổ Cách mạng Pháp năm 1789.

Câu 22. Vì sao chế độ cộng hòa ở Anh lại được thay thế bằng chế độ quân chủ lập hiến?

Câu 23. Trình bày những hiểu biết về Mác và Ăng-ghen và chỉ ra điểm giống nhau trong tư tưởng của hai ông.

Lời giải chi tiết

 

1. B

2. D

3. C

4. A

5. C

6. A

7. A

8. B

9. C

10. A

11. A

12. A

13. C

14. A

15. B

16. A

17. D

18. B

19. C

20. A

 

Câu 1

Phương pháp: SGK Lịch sử 8, trang 3

Cách giải:

Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, với sự hình thành hai giai cấp mới, đó là: Giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

Chọn: B

Câu 2

Phương pháp: sgk trang 9.

Cách giải:

- Đáp án A, B: ý nghĩa đối với nhân dân Bắc Mĩ.

- Đáp án C: tính chất, hình thức của cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ.

- Đáp án D: ý nghĩa quốc tế của phong trào giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ, đặc biệt là đối với phong trào đấu tranh giành độc lập vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX.

Chọn: D

Câu 3

Phương pháp: sgk trang 7.

Cách giải:

Trong hai thế kỉ XVII – XVII, thực dân Anh đã tiêu diệt hoặc dồn người In-đi-an vào vùng đất phía tây xa xôi.

Chọn: C

Câu 4

Phương pháp: sgk trang 5, suy luận.

Cách giải:

Từ thế kỉ XVII, ở Anh số đông địa chủ là quý tộc vừa và nhỏ chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản. Họ rào đất, đuổi tá điền, biến ruộng trở thành đồng cỏ, thuê nhân công nuôi cừu, lấy lông cừu cung cấp cho thị trường. Họ trở thành tầng lớp quý tộc mới, có thế lực lớn về kinh tế => Nông dân bị mất ruộng đất kéo ra thành thị làm thuê, hay di cư sang Tây bán cầu.

Chọn: A

Câu 5

Phương pháp: sgk trang 13.

Cách giải:

Cuối tháng 8-1789, Quốc hội thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nêu khẩu hiệu nổi tiếng: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”.

Chọn: C

Câu 6

Phương pháp: sgk trang 16, suy luận.

Cách giải:

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền cách mạng Gia-cô-banh đã thi hành nhiều biện pháp tích cực, đặc biệt là giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân như:

- Đất công xã mà quý tộc phong kiến chiếm đoạt, được lấy chia cho nông dân.

- Ruộng đất tịch thu của Giáo hội và quý tộc trốn ra nước ngoài được chia thành những khoảng nhỏ bán cho nông dân.

Đối với người nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, nông dân cày cấy và thu hoa lợi trên mảnh đất đó. Chính vì thế, chính sách trên mang lại quyền lợi thiết thực nhất cho người nông dân.

Chọn: A

Câu 7

Phương pháp: sgk trang 12, suy luận.

Cách giải:

Vào thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến ở Pháp ngày càng suy yếu. Số nợ của nhà nước vay của tư sản không thể trả được nên nhà vua phải thu nhiều thuế. Công, thương nghiệp định đốn làm cho nhiều công nhân và thợ thủ công thất nghiệp. Cộng thêm vào đó là tình trạng phân biệt giữa các đẳng cấp trong xã hội, đặc biệt là đời sống của Đẳng cấp thứ ba ngày càng khổ cực => Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân trong Đẳng cấp thứ ba với phong kiến, nhà thờ ngày càng gay gắt, đây là mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội Pháp trong thế kỉ XVIII => Nhân tố đưa đến bùng nổ Cách mạng tư sản Pháp.

Chọn: A

Chú ý khi giải:

Mâu thuẫn cơ bản trên cũng đồng thời là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mới với quan hệ sản xuất cũ.

Câu 8

Phương pháp: sgk trang 23. 

Cách giải:

Do tác động của Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ và Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, nhân lúc thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang suy yếu, các thuộc địa của hai nước này ở khu vực Mĩ Latinh đã nổi dậy đấu tranh giành độc lập, dẫn đến sự ra đời của một loạt các quốc gia tư sản mới.

Chọn: B

Câu 9

Phương pháp: sgk trang 22. 

Cách giải:

Giai cấp vô sản là những người làm thuê, bị áp bức, bóc lột. Ngay từ đầu họ đã đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản với các hình thức đập phá máy móc, nêu yêu cầu về quyền lợi, khởi nghĩa vũ trang.

Chọn: C

Câu 10

Phương pháp:  sgk trang 36.

Cách giải:

Sau Chiến tranh Pháp – Phổ, “Chính phủ vệ quốc”, ngày 4-9-1870, chính phủ lâm thời tư sản được thành lập mang tên “Chính phủ vệ quốc”. Đây là chính phủ của giai cấp tư sản. Chính phủ này mâu thuẫn với quần chúng nhân dân.

Chọn: A

Câu 11

Phương pháp: sgk trang 37, 38, suy luận.

Cách giải:

Công xã Pa-ri là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản trên thế giới, tuy không thực hiện được những chính sách đề ra (do cuộc niến chiến xảy ra ngay sau đó), nhưng có thể nói, với tất thảy những gì làm được, Công xã Pa-ri 1871 xứng đáng là dấu son chói lọi trong lịch sử thế giới cận đại. Đánh giá vai trò lịch sử của Công xã Pa-ri, năm 1908, V.I. Lê-nin cho rằng Công xã Pa-ri là kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản vĩ đại nhất trong thế kỷ XIX.

Chọn: A

Câu 12

Phương pháp: sgk trang 24 – 26, suy luận. 

Cách giải:

Những cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở châu Âu trong thế kỉ XIX bao gồm:

- Từ 1859 – 1870: cuộc đấu tranh thống nhất Italia.

- Từ 1864 – 1871: cuộc đấu tranh thống nhất Đức.

- Năm 1861: cải cách nông nô ở Nga.

Đáp án A: Cách mạng tư sản Hà Lan diễn ra từ thế kỉ XVI.

Chọn: A

Câu 13

Phương pháp: sgk trang 42, suy luận.

Cách giải:

Kinh tế công nghiệp phát triển vượt bậc => hình thành các tổ chức độc quyền là những tơrớt, đứng đầu là những ông vua công nghiệp lớn ví dụ như: “vua dầu mỏ” Rôc-phe-lơ, “vua thép” Moóc-gan, “vua ô tô” Pho...Đây là lí do gọi Mĩ là xứ sở của các “ông vua công nghiệp”.

Chọn: C

Chú ý khi giải:

Đây cũng đồng thời là nội dung quy định đế quốc Mĩ có đặc điểm là: đế quốc của những “tơ-rớt khổng lồ”.

Câu 14

Phương pháp: sgk trang 42, suy luận.

Cách giải:

Các công ty độc quyền của Mĩ được hình thành trong tình hình kinh tế nước này có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và nông nghiệp. 

- Công nghiệp: từ năm 1870 trở đi, công nghiệp Mĩ phát triển mạnh, vươn lên vị trí số 1 thế giới. Công nghiệp phát triển mạnh đã dẫn đến sự tập trung tư bản cao độ. Nhiều công ti độc quyền ớ Mĩ ra đời như "vua dầu mỏ" Rốc-phe-lơ, "vua thép" Moóc-san. "vua ô tô" Pho,... đã chi phối toàn bộ nền kinh tế Mĩ.

- Nông nghiệp: nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại áp dụng phương thức canh tác hiện đại, Mĩ vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước, vừa xuất khẩu cho thị trường châu Âu.

Chọn: A

Câu 15

Phương pháp: sgk trang 47

Cách giải:

Ngày 14/7/1889 Quốc tế thứ hai thành lập, Đại hội thông qua những quyết định quan trọng: sự cần thiết phải thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở mỗi nước; đấu tranh đòi ngày làm 8h; lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp VS thế giới (ngày quốc tế lao động)

Chọn: B

Câu 16

Phương pháp: sgk trang 50.

Cách giải:

Đỉnh cao của cuộc đấu tranh 1905 – 1907 là cuộc khởi nghĩa vũ trang bùng nổ ở Mát-xcơ-va tháng 12-1905. Các chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu vô cùng anh dùng trong gần hai tuần lễ. Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa bị thất bại vì lực lượng quá chênh lệch.

Chọn: A

Câu 17

Phương pháp: phân tích, suy luận

Cách giải:

Các nhà kinh tế theo chủ nghĩa xã hội không tưởng không tìm ra được lối thoát thật sự mà còn nằm trong vòng bế tắc, vì họ không phát hiện ra được những quy luật kinh tế khách quan vận động trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Do đó họ không vạch ra được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, họ không thấy được vai trò của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động.

-> Hạn chế lớn nhất đó là chưa thấy được vai trò của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động (giai cấp lãnh đạo, lực lượng tham gia). Đây là điều cốt lõi của 1 cuộc đấu tranh

Chọn: D

Câu 18

Phương pháp: sgk trang 54, 55, suy luận.

Cách giải:

- Các đáp án A, C D: đều đúng khi phản ánh về thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỉ XVIII - XIX

Đáp án B: nhà thơ Bai-rơn là người Anh, không phải là người Đức.

Chọn: B

Câu 19

Phương pháp:  sgk trang 52.

Cách giải:

Năm 1837, nhà bác học Puôc-kin-giơ (Séc) khám phá bí mật sự sự phát triển của thực vật và đời sống của mô động vật. Ông là người đầu tiên chứng minh rằng, đời sống của mô sinh vật là sự phát triển của tế bào và sự phân bào.

Chọn: C

Câu 20

Phương pháp: sgk trang 52.

Cách giải:

Nông nghiệp thế kỉ XVIII cũng có những tiến bộ về kĩ thuật và phương pháp canh tác. Sang đến thế kỉ XIX, phân hóa học được sử dụng. Máy kéo chạy bằng hơi nước, máy cày nhiều lưỡi, máy gặt đập được sử dụng rộng rãi.

Chọn: A

TỰ LUẬN

Câu 21

Phương pháp: sgk trang 10, 11.

Cách giải:

1. Kinh tế

- Nông nghiệp: nghèo nàn, lạc hậu.

- Công nghiệp: xuất hiện yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa (công trường thủ công), gặp phải sự kìm hãm của chế độ phong kiến.

2. Chính trị - xã hội

- Vẫn là nước theo chế độ quân chủ chuyên chế.

- Sự tồn tại của chế độ ba đẳng cấp.

+ Đẳng cấp quý tộc và tăng lữ, có nhiều quyền lực.

+ Đẳng cấp thứ ba (nông dân, thị dân nghèo, giai cấp tư sản)

=> Mâu thuẫn giữa các đẳng cấp diễn ra gay gắt.

3. Tư tưởng

- Xuất hiện những tư tưởng tiến bộ của các “nhà khai sáng”.

Câu 22

Phương pháp: Dựa vào sgk trang 6 để suy luận trả lời.

Cách giải:

- Sau khi vua Sác-lơ I bị xử tử, Anh trở thành nước cộng hòa, cách mạng đạt tới đỉnh cao.

- Tuy nhiên, quần chúng nhân dân là động lực chính của cách mạng lại không được hưởng chút quyền lợi gì, vì vậy nhân dân lại tiếp tục đấu tranh. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tư sản và quý tộc mới đã trao trọng trách cho Crôm-oen với tước Bảo hộ công. Nền độc tài quân sự được thiết lập (năm 1653).

- Sau khi Crôm-oen qua đời, nước Anh rơi vào tình trạng không ổn định về chính trị dẫn tới sự thỏa hiệp giữa Quốc hội với lực lượng phong kiến cũ.

- Chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập ở Anh (tháng 12-1688).

⟹ Như vậy, với chế độ quân chủ lập hiến ở Anh, quyền lực chủ yếu thuộc về Quốc hội (tầng lớp tư sản, quý tộc mới).

Câu 23

Phương pháp: sgk trang 30, 31, so sánh.

Cách giải:

* Về cuộc đời và hoạt động của Mác và Ăng-ghen

- C. Mác sinh năm 1818 trong một gia đình trí thức gốc Do Thái ở thành phố Tơ-ri-ơ (Đức). Từ nhỏ, Mác nổi tiếng thông minh; năm 23 tuổi đỗ Tiến sĩ Triết học. Mác vừa nghiên cứu khoa học, vừa cộng tác với các báo có khuynh hướng cách mạng. Bị trục xuất khỏi Đức, năm 1843 Mác sang Pa-ri tiếp tục nghiên cứu và tham gia phong trào cách mạng ở Pháp.

- Phri-đrích Ăng-ghen sinh năm 1820 trong gia đình chủ xưởng giàu có ở thành phố Bác-men, thuộc vùng công nghiệp phát triển nhất của Đức lúc đó, Hiểu rõ thủ đoạn làm giàu của giai cấp tư sản, ông tỏ ra khinh ghét chúng. Năm 1842, ông sang Anh và đi sâu tìm hiểu nỗi khổ của những người công nhân, công bố nhiều bài viết, trong đó có cuốn "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh".

- Năm 1844, Ăng-ghen từ Anh sang Pháp và gặp Mác. Cũng từ đây bắt đầu tình bạn lâu dài, bền chặt và cảm động giữa hai nhà lí luận cách mạng lỗi lạc.

* So sánh:

Trong quá trình hoạt động, Mác và Ăng-ghen đều có nhận thức đúng đắn về giai cấp vô sản, đó là giai cấp bị chủ nghĩa tư bản bóc lột và họ chính là giai cấp sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử giải phóng loài người khỏi ách áp bức bóc lột đó nếu họ được trang bị lí luận cách mạng.

 

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Đề kiểm tra học kì 1 - Đề số 3 Đề kiểm tra học kì 1 sử 8 - Đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra học kì 1 - Đề số 4 Đề kiểm tra học kì 1 sử 8 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra học kì 1 - Đề số 6 Đề kiểm tra học kì 1 sử 8 - Đề số 6 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 8 - Đề số 7 Đề kiểm tra học kì 1 sử 8 - Đề số 7 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề kiểm tra học kì 1 Lịch sử 8- Đề số 10 Đề kiểm tra học kì 1 sử 8 - Đề số 10 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved