Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Đề bài
Phần I. Trắc nghiệm
Đọc:
Tàn nhang
Trong một góc công viên, rất nhiều trẻ con đang xếp hàng chờ được một họa sĩ trang trí lên mặt để trở thành những “người da đỏ” hay “người ngoài hành tinh” ... Một cậu bé cũng nắm tay bà chờ đến lượt mình. Mặt cậu bé có rất nhiều đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức.
- Cậu lắm tàn nhang thế, làm gì có chỗ nào trên mặt mà vẽ ! – Cô bé xếp hàng sau cậu bé nói to.
Ngượng ngập, cậu bé cúi gằm mặt xuống. Thấy vậy, bà cậu ngồi xuống bên cạnh:
- Sao cháu buồn thế? Bà yêu những đốm tàn nhang trên mặt cháu mà! Hồi nhỏ, lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy! – Rồi bà cụ đưa những ngón tay nhăn nheo vuốt má cậu bé:
- Tàn nhang cũng xinh lắm, chắc chắn chú họa sĩ sẽ thích những vết tàn nhang của cháu!
Cậu bé mỉm cười:
- Thật không bà?
- Thật chứ! – Bà cậu đáp. – Đấy, cháu thử tìm xem thứ gì đẹp hơn những đốm tàn nhang!
Cậu bé nhìn bà, suy nghĩ một chút rồi thì thầm :
- Những nếp nhăn, bà ạ!
(KD)
Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng
Câu 1: Cậu bé và nhiều trẻ em khác chờ trong công viên để làm gì?
A. Chờ đến lượt chơi một trò chơi
B. Chờ được phát quà
C. Chờ được người họa sĩ vẽ lên mặt
D. Chờ được người họa sĩ tặng tranh
Câu 2: Điều gì xảy ra khiến cậu bé buồn bã, ngượng ngập?
A. Đến lượt cậu thì họa sĩ hết màu vẽ
B. Bị cô bé xếp hàng sau chê mặt cậu nhiều tàn nhang quá chẳng còn chỗ nào mà vẽ
C. Bị người họa sĩ chê xấu không vẽ
D. Bị một cô bé chen vào giữa hàng
Câu 3: Bà cậu bé đã an ủi cậu bằng cách nào?
A. Nói rằng những nốt tàn nhang cũng rất đáng yêu và chú họa sĩ chắc chắn sẽ thích
B. Nói rằng chẳng việc gì phải xấu hổ vì ai mà chẳng có điểm yếu
C. Nói rằng cô bé kia thậm chí còn xấu hơn cậu nhiều
D. Nói rằng cậu không có tàn nhang
Câu 4: Theo em, tàn nhang là gì?
A. Là những nốt mẩn đỏ trên da, thường xuất hiện ở mặt
B. Là những vết sẹo dài trên da
C. Là những vết nứt trên da vào mùa khô
D. Là những đốm nâu nhỏ trên da
Câu 5: Câu trả lời cuối cùng của cậu bé muốn nói lên điều gì?
A. Cậu rất thích những người có nếp nhăn
B. Cậu thấy nếp nhăn rất đẹp
C. Trong đôi mắt cậu, những nếp nhăn của bà rất đẹp và cậu rất yêu những nếp nhăn đấy
D. Cậu thấy bà mình có rất nhiều nếp nhăn
Câu 6: Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
A. Hãy luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương
B. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
C. Trông mặt mà bắt hình dong
D. Phải biết yêu thương bà của mình
Phần II. Tự luận
Câu 1: Nghe – viết:
Trăng lên
Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.
Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm mát.
Thạch Lam
Câu 2: Đặt câu cảm cho các tình huống sau:
a. Cô giáo ra một bài toán khó, cả lớp chỉ có mỗi một bạn làm được. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự thán phục
b. Gia đình em có việc đột xuất, em không thể tham gia chuyến thăm quan cùng các bạn trong lớp. Đặt một câu cảm để thể hiện sự tiếc nuối.
c. Rất lâu rồi em mới gặp lại Nam – người bạn thân của em. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự mừng rỡ.
Câu 3: Sắp xếp các từ ghép dưới đây vào ô phù hợp
bạn học, bạn hữu, bạn đường, bạn đời, anh em, anh cả, em út, chị dâu, anh rể, anh chị, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu
Từ ghép tổng hợp | Từ ghép phân loại |
|
|
Câu 4: Em hãy viết một bài văn tả quang cảnh trường em vào buổi sáng.
-------- Hết --------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần I. Trắc nghiệm
Câu 1: Cậu bé và nhiều trẻ em khác chờ trong công viên để làm gì? A. Chờ đến lượt chơi một trò chơi B. Chờ được phát quà C. Chờ được người họa sĩ vẽ lên mặt D. Chờ được người họa sĩ tặng tranh |
Phương pháp:
Em đọc kĩ câu đầu của câu chuyện để chọn đáp án đúng nhất:
“Trong một góc công viên, rất nhiều trẻ con đang xếp hàng chờ được một họa sĩ trang trí lên mặt để trở thành những “người da đỏ” hay “người ngoài hành tinh”
Cách giải:
Cậu bé và nhiều trẻ em khác trong công viên để chờ được người họa sĩ vẽ lên mặt.
Chọn C.
Câu 2: Điều gì xảy ra khiến cậu bé buồn bã, ngượng ngập? A. Đến lượt cậu thì họa sĩ hết màu vẽ B. Bị cô bé xếp hàng sau chê mặt cậu nhiều tàn nhang quá chẳng còn chỗ nào mà vẽ C. Bị người họa sĩ chê xấu không vẽ D. Bị một cô bé chen vào giữa hàng |
Phương pháp:
Em đọc kĩ đoạn sau để chọn đáp án đúng nhất:
“Một cậu bé cũng nắm tay bà chờ đến lượt mình. Mặt cậu bé có rất nhiều đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức.
- Cậu lắm tàn nhang thế, làm gì có chỗ nào trên mặt mà vẽ ! – Cô bé xếp hàng sau cậu bé nói to.
Ngượng ngập, cậu bé cúi gằm mặt xuống.”
Cách giải:
Điều khiến cậu bé buồn bã, ngượng ngập là bị cô bé xếp hàng sau chê mặt cậu nhiều tàn nhang quá chẳng còn chỗ nào mà vẽ
Chọn B.
Câu 3: Bà cậu bé đã an ủi cậu bằng cách nào? A. Nói rằng những nốt tàn nhang cũng rất đáng yêu và chú họa sĩ chắc chắn sẽ thích B. Nói rằng chẳng việc gì phải xấu hổ vì ai mà chẳng có điểm yếu C. Nói rằng cô bé kia thậm chí còn xấu hơn cậu nhiều D. Nói rằng cậu không có tàn nhang |
Phương pháp:
Em đọc kĩ lời nói của bà với cậu bé để chọn đáp án đúng nhất:
“Sao cháu buồn thế? Bà yêu những đốm tàn nhang trên mặt cháu mà! Hồi nhỏ, lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy!”
Cách giải:
Bà cậu bé đã an ủi cậu bằng cách nói rằng những nốt tàn nhang cũng rất đáng yêu và chú họa sĩ chắc chắn sẽ thích.
Chọn A.
Câu 4: Theo em, tàn nhang là gì? A. Là những nốt mẩn đỏ trên da, thường xuất hiện ở mặt B. Là những vết sẹo dài trên da C. Là những vết nứt trên da vào mùa khô D. Là những đốm nâu nhỏ trên da |
Phương pháp:
Em suy nghĩ và chọn đáp án đúng nhất
Cách giải:
Tàn nhang là những đốm nâu nhỏ trên da
Chọn D.
Câu 5: Câu trả lời cuối cùng của cậu bé muốn nói lên điều gì? A. Cậu rất thích những người có nếp nhăn B. Cậu thấy nếp nhăn rất đẹp C. Trong đôi mắt cậu, những nếp nhăn của bà rất đẹp và cậu rất yêu những nếp nhăn đấy D. Cậu thấy bà mình có rất nhiều nếp nhăn |
Phương pháp:
Em đọc kĩ câu trả lời cuối cùng của cậu bé và suy nghĩ xem lời nói ấy muốn thể hiện điều gì?
“Những nếp nhăn, bà ạ!”
Lời giải chi tiết:
Câu trả lời cuối cùng của cậu bé muốn nói rằng trong đôi mắt cậu, những nếp nhăn của bà rất đẹp và cậu rất yêu những nếp nhăn đấy.
Chọn C.
Câu 6: Câu chuyện muốn nói với em điều gì? A. Hãy luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương B. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn C. Trông mặt mà bắt hình dong D. Phải biết yêu thương bà của mình |
Phương pháp:
Em suy nghĩ xem câu chuyện muốn nói điều gì?
Cách giải:
Câu chuyện muốn nói rằng Hãy luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương.
Chọn A.
Phần II. Tự luận
Câu 1: Nghe – viết: Trăng lên Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm mát. Thạch Lam |
Phương pháp:
Em viết đoạn văn vào vở, giấy kiểm tra
Cách giải:
Em chủ động hoàn thành bài chính tả.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả
- Trình bày sạch đẹp
Câu 2: Đặt câu cảm cho các tình huống sau: a. Cô giáo ra một bài toán khó, cả lớp chỉ có mỗi một bạn làm được. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự thán phục b. Gia đình em có việc đột xuất, em không thể tham gia chuyến thăm quan cùng các bạn trong lớp. Đặt một câu cảm để thể hiện sự tiếc nuối. c. Rất lâu rồi em mới gặp lại Nam – người bạn thân của em. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự mừng rỡ. |
Phương pháp:
Em đọc kĩ các tình huống và đặt câu để bộc lộ cảm xúc phù hợp.
Cách giải:
a. Cô giáo ra một bài toán khó, cả lớp chỉ có mỗi một bạn làm được. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự thán phục
=> Ôi cậu giỏi thật đấy!
b. Gia đình em có việc đột xuất, em không thể tham gia chuyến thăm quan cùng các bạn trong lớp. Đặt một câu cảm để thể hiện sự tiếc nuối.
=> Thật tiếc vì không được đi tham quan cùng mọi người!
c. Rất lâu rồi em mới gặp lại Nam – người bạn thân của em. Đặt một câu cảm để bày tỏ sự mừng rỡ.
=> Ôi lâu lắm rồi tớ mới được gặp cậu!
Câu 3: Sắp xếp các từ ghép dưới đây vào ô phù hợp bạn học, bạn hữu, bạn đường, bạn đời, anh em, anh cả, em út, chị dâu, anh rể, anh chị, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu
|
Phương pháp:
Em đọc kĩ các từ ngữ và sắp xếp vào ô phù hợp
Cách giải:
Từ ghép tổng hợp | Từ ghép phân loại |
Anh em, anh chị, ruột thịt, hòa thuận, thương yêu | Bạn học, bạn hữu, bạn đường, bạn đời, anh cả, em út, chị dâu, anh rể |
Câu 4: Em hãy viết một bài văn tả quang cảnh trường em vào buổi sáng. |
Phương pháp:
Em dựa vào dàn ý sau để hoàn thành bài văn.
Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh mà em quan sát ngôi trường vào buổi sáng
- Lí do em đi học sớm hơn mọi ngày là gì?
- Khung cảnh trường vào buổi sáng như thế nào?
Thân bài:
a. Tả ngôi trường
- Không gian im lặng, yên tĩnh vì học sinh chưa đến
- Cây cối trong sân trường trầm ngâm
- Những lớp học vắng tanh
- Gió buổi sớm dịu nhẹ, mát mẻ, thổi bay những chiếc lá khô trên sân trường
- Tiếng chim hót buổi sớm lanh lảnh
b. Tả hoạt động của con người
- Các cô, các bác lao công quét sân
- Bác bảo vệ đi tắt đèn hành lang từng dãy lớp học
- Các bạn học sinh đến ngày một đông
- Tiếng chào nhau ríu rít
Kết bài: Nêu lên suy nghĩ của em về khung cảnh ngôi trường vào buổi sáng
- Em thấy khung cảnh trường mình vào buổi sáng có gì đặc biệt hơn so với bình thường?
- Tình cảm của em đối với ngôi trường
Cách giải:
Bài tham khảo 1:
Sáng nay bố có việc phải đi làm sớm nên đã đưa em đi học sớm hơn mọi ngày. Lần đầu tiên em được ngắm nhìn ngôi trường của mình vào buổi sáng sớm. Đó quả thật là một trải nghiệm thú vị!
Buổi sớm, cảnh vật xung quanh trường lặng im, yên tĩnh đến lạ. Cây cối trong sân trường mang vẻ trầm ngâm, chỉ nhẹ nhàng đung đưa chứ chẳng rộn ràng như mọi khi. Các lớp học vắng tanh, đèn ở các hành lang vẫn còn bật. Những làn gió dịu nhẹ thổi bay những chiếc lá khô trên sân trường. Những chú chim hót líu lo, thi nhau chuyền từ cành này sang cành khác.
Lúc này, các bác, các cô lao công cũng đang làm công việc của mình. Bác bảo vệ thì bắt đầu đi đến hành lang của từng dãy phòng học để tắt đèn. Sân trường cũng bắt đầu lác đác có những bạn học sinh đến. Tiếng chào nhau ríu rít ngày một nhiều. Chẳng mấy chốc, sân trường đã lại đông vui và nhộn nhịp.
Em rất thích quang cảnh của buổi sớm mai vì nó thật yên bình. Chắc chắn em sẽ có những buổi đến sớm khác để tận hưởng không khí dễ chịu, yên bình của trường học vào buổi sớm.
Bài tham khảo 2:
Sáng nào cũng vậy, em đều đến trường sớm, thường là cùng lúc với mấy bạn trực nhật. Mới chỉ bước vào trong đường Trần Phú, em đã nhìn thấy ngôi trường thân quen thấp thoáng đằng xa, sau hàng điệp già xanh um. Ngôi trường nằm ngay ở đoạn giữa của đường Trần Phú. Cách trăm mét, em đã nhìn thấy hàng chữ to tướng màu xanh dương: Trường Tiểu học Trần Phú.
Trong trường, lác đác một vài bạn trực nhật đang mở cửa phòng học để quét dọn. Làn gió sớm mát rượi thổi qua làm em khoan khoái, dễ chịu khi bước đi trên hàng hiên rộng của dãy lớp học. Sáu phòng học nối tiếp nhau, cùng một kiểu kiến trúc, cùng một kiểu trang trí. Phòng học nào cũng có một cửa ra vào từ hai cửa sổ quay ra hành lang. Cửa sổ có chấn song sắt. Cánh cửa sổ và cánh cửa ra vào đều sơn một màu xanh xám, làm nổi rõ nền vôi vàng của bức tường mới được quét lại trong hè. Nếu không đục tên bảng lớp gắn ngay trên cửa ra vào thì ngay chúng em cũng dễ nhầm lớp.
Ngoài sân, hàng cây phượng vĩ chạy dọc phía trước dãy lớp học nở hoa đỏ chói. Đối diện với dãy lớp học là khu văn phòng. Từ cổng vào, khách đến trường sẽ gặp ngay Văn phòng. Kế bên là phòng làm việc của Ban Giám hiệu. Rồi đến Thư viện. Và cuối cùng là phòng đợi cũng là phòng họp của thầy cô giáo. Dãy lớp học có một tầng lầu, còn dãy Văn phòng này chỉ có tầng trệt.
Trường em không có vườn trường. Chỉ có một sân chơi nằm giữa hai dãy Văn phòng và lớp học nói trên. Sân cũng chẳng lấy gì làm rộng. Mỗi sáng thứ hai chào cờ, học sinh mười hai lớp chúng em còn đủ chỗ xếp hàng. Chứ giờ tập thể dục giữa buổi, sân chỉ đủ chỗ cho tám lớp tập. Bốn lớp khác phải đứng ngay trên hành lang trước lớp. Cũng may mà hành lang khá rộng, đứng tập tương đối thoải mái.
Em đã vào học trường này từ lớp Một. Ngôi trường đã ghi tại bao kỉ niệm của tuổi cắp sách đến trường. Hàng cây phượng vĩ trước sân hiện nay có công chăm sóc của chúng em. Mỗi lần đến trường, em cảm thấy thân quen như về nhà mình. Thật thế! Các thầy cô giáo hầu như không hề thay đổi. Em gặp lại cả các cô đã dạy em từ lớp dưới. Rồi các bạn học cùng trường, cùng lớp. Số các bạn đã ra trường cũng nhiều. Nhưng số các bạn nhỏ mới vào hàng năm cũng không ít. Còn số các bạn cùng trang lứa với em, gặp nhau suốt ba năm qua ở trường này thật nhiều không thể kể hết. Ngôi trường từ lâu đã thực sự là nhà của em. Em tha thiết yêu ngôi nhà lớn này của em!
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved