Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Chuyện cổ tích về loài người (Trang 9 – TV4/T2)
2. Bốn anh tài (tiếp) (Trang 13 – TV4/T2)
3. Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (Trang 21 – TV4/T2)
4. Sầu riêng (Trang 34 – TV4/T2)
5. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Trang 48 – TV4/T2)
6. Đoàn thuyền đánh cá (Trang 59 – TV4/T2)
7. Khuất phục tên cướp biển (Trang 66 – TV4/T2)
8. Thắng biển (Trang 76 – TV4/T2)
9. Con sẻ (Trang 90 – TV4/T2)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
CÔ GIÁO VÀ HAI EM NHỎ
Nết sinh ra đã bất hạnh với bàn chân trái thiếu ba ngón. Càng lớn, đôi chân Nết lại càng teo đi và rồi Nết phải bò khi muốn di chuyển.
Khi em Na vào lớp Một, ở nhà một mình Nết buồn lắm, chỉ mong Na chóng tan trường về kể chuyện ở trường cho Nết nghe. Na kể rất nhiều về cô giáo: tà áo dài của cô trắng muốt, miệng cô cười tươi như hoa, cô đi nhẹ nhàng đến bên từng học sinh dạy các bạn viết, vẽ...Nghe Na kể, Nết ước mơ được đi học như Na.
Trong một tiết học vẽ, cô giáo cầm vở vẽ của Na. Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái. Na giải thich: “ Em vẽ một cô tiên đang gõ đôi đũa thần chữa đôi chân cho chị em, để chị em cũng được đi học”. Cô giáo ngạc nhiên khi biết chị gái Na bị tật nguyền. Tối hôm ấy, cô đến thăm Nết. Biết Nết ham học, mỗi tuần ba buổi tối, cô dạy Nết học.
Còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Mấy hôm nay, cô giáo thường kể cho 35 học trò của mình về một bạn nhỏ. Đôi chân bạn ấy không may bị tê liệt nên bạn phải ngồi xe lăn nhưng bạn vẫn quyết tâm học. Có lúc đau tê cứng cả lưng nhưng bạn vẫn cố viết và viết rất đẹp. Năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em. Nghe cô kể, mắt Na sáng lên, Na vui và tự hào về chị mình lắm.
Bố mẹ Nết rơm rớm nước mắt khi biết nhà trường sẽ đặc cách cho Nết vào học lớp Hai. Còn Nết, cô bé đang hình dung cách cô giáo cùng các bạn nhỏ xúm xít đầy chiếc xe lăn.
Theo Tâm huyết nhà giáo
1. Nết là một cô bé? (0,5 điểm)
A. Thích chơi hơn thích học.
B. Có hoàn cảnh bất hạnh.
C. Yêu mến cô giáo.
D. Thương chị.
2. Hoàn cảnh của bạn Nết có gì đặc biệt? (0,5 điểm)
A. Bị tật bẩm sinh và càng lớn đôi chân càng teo đi .
B. Gia đình Nết khó khăn không cho bạn đến trường.
C. Nết mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
D. Nết học yếu nên không thích đến trường.
3. Vì sao cô giáo lại biết được hoàn cảnh của Nết mà giúp đỡ bạn? (0,5 điểm)
A. Vì cô gặp Nết đang ngồi xe lăn trên đường đi dạy về .
B. Vì Na đã kể cho cô nghe về hoàn cảnh của chị mình.
C. Vì ba mẹ đến trường kể cho cô nghe và xin cho Nết đi học.
D. Vì cô đọc được hoàn cảnh của nết trên báo.
4. Cô giáo đã làm gì để giúp Nết? (0,5 điểm)
A. Mua cho bạn một chiếc xe lăn.
B. Cho Nết sách vở để đến lớp cùng bạn.
C. Đến nhà dạy học, kể cho học trò nghe về Nết, xin cho Nết vào học lớp Hai
D. Nhờ học sinh trong lớp kèm cặp cho Nết việc học ở nhà cũng như ở trường.
5. Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì? (1 điểm)
6. Em học được điều gì từ bạn Nết qua câu chuyện trên? (1 điểm)
7. Câu: “Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái.” thuộc kiểu câu kể nào? (1 điểm)
8. Trong giờ học, một bạn bên cạnh nói chuyện không nghe cô giảng bài, em đặt một câu khiến đề nghị bạn giữ trật tự trong giờ học: (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Thắng biển
Một tiếng reo to nổi lên, rồi ầm ầm hơn hai chục thanh niên cả nam lẫn nữ, mỗi người vác một vác củi vẹt, nhảy xuống dòng nước đang cuốn dữ. Họ khoác vai nhau thành một sợi dây dài, lấy thân mình ngăn dòng nước mặn. Nước quật vào mặt, vào ngực, trào qua đầu hàng rào sống. Họ ngụp xuống, trồi lên, ngụp xuống. Trong đám thanh niên xung kích, có người ngã, có người ngạt. Nhưng những bàn tay khoác vai nhau vẫn cứng như sắt, và thân hình họ quấn chặt lấy những cọc tre đóng chắc, dẻo như chão. Tóc dài các cô quấn chặt vào cổ các cậu con trai, mồ hôi như suối, hòa lẫn với nước chát mặn. Đám người không sợ chết đã cứu được quãng đê sống lại.
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả một cây cho bóng mát
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) B. Có hoàn cảnh bất hạnh.
2. (0.5 điểm) A. Bị tật bẩm sinh và càng lớn đôi chân càng teo đi .
3. (0.5 điểm) B. Vì Na đã kể cho cô nghe về hoàn cảnh của chị mình.
4. (0.5 điểm) C. Đến nhà dạy học, kể cho học trò nghe về Nết, xin cho Nết vào học lớp Hai
5. (1 điểm)
Gợi ý:
Chúng ta cần phải biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh mình, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
6. (1 điểm)
Gợi ý:
Em học được ở bạn Nết sự kiên trì vượt qua khó khăn để học tập thật tốt dù bị tật nguyền;
Em học tập ở bạn Nết lòng lạc quan, vượt lên chính mình, chăm chỉ học hành ...
7. (1 điểm)
Câu đã cho thuộc kiểu câu kể Ai làm gì?
8. (1 điểm)
Gợi ý:
- Bạn ơi, bạn hãy giữ trật tự khi ở trong giờ học nhé!
- Hãy tập trung vào bài học bạn nhé!
- Đừng nói chuyện trong giờ học bạn nhé!
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung:
A. Mở bài (0.75 điểm)
Giới thiệu về cây mà em muốn tả
B. Thân bài (2.5 điểm)
- Tả bao quát cây (0.75 điểm)
- Tả chi tiết từng bộ phận của cây (1.25 điểm)
- Kỉ niệm của em với cây hoặc công dụng của cây (0.75 điểm)
C. Kết bài (0.75 điểm)
Tình cảm của em đối với cây
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Trong sân trường của chúng tôi có rất nhiều loại cây xòe tán rộng che bóng mát như bằng lăng, phượng vĩ,.... Mỗi loài cây một dáng, một sắc, một vẻ điểm tô cho ngôi trường nhưng cây bàng vẫn luôn ghi một dấu ấn vô cùng khó phai trong lòng tôi.
Cây bàng sừng sững xòe ra những tán lá rộng, che mát cho cả một góc sân trường. Nhìn từ xa thật giống một chiếc ô màu xanh khổng lồ. Cây cao chừng 5, 6 mét, to bằng một vòng tay người lớn ôm mới xuể. Bao bọc quanh thân là một lớp vỏ dày đặc, xù xì, sứt sẹo. Cây bàng đã trải qua biết bao năm tháng nắng mưa, dấu vết của thời gian đều hằn in trên thân cây bàng.
Gốc bàng rất lớn. Dưới gốc là nhừng chiếc rễ trồi lên, bò lan xung quanh như những con trăn khổng lồ. Trên thân bàng là những cành lớn, cành nhỏ vươn đều ra bốn phía. Lá bàng xanh mơn mởn tỏa bóng mát rượi. Lũ học trò như chúng tôi rất thích ngồi dưới gốc cây học bài hoặc cùng nhau vui chơi.
Mùa xuân, cành nào cũng xum xuê lá. Lá xanh đậm, bóng nhẫy. Lẫn trong những vòm lá xanh ấy là những chùm hoa li ti năm cánh vàng mơ thật đẹp. Sau một thời gian, những chùm hoa ấy dần dần nhường chỗ cho những quả bàng lòng thòng rũ xuống. Quả bàng hình dẹt và nhọn đầu, lúc còn non căng mọng một màu xanh thẫm. Vào những ngày nắng to, cây bàng tỏa bóng mát cho chúng tôi vui chơi. Chim chóc rộn ràng cất tiếng hót, chọn những vòm lá xanh um để trú ngụ. Vào giờ ra chơi, chúng em thường ngồi lên những chiếc rễ lớn để ôn bài. Đầu hè, quả bàng chín màu mật ong. Rồi thu đến, lá bàng chuyển sang màu đỏ và lần lượt rời cành theo từng cơn gió. Trên nền trời lạnh lẽo, cành bàng trơ trụi trông thật buồn. Sang đông, trên những cành bàng nhú lên vài búp là non trông thật đẹp.
Cây bàng đã gắn bó với chúng em nhiều kỉ niệm. Biết bao lần cùng nhau học tập,vui chơi cũng dưới gốc cây. Cây bàng như là chứng nhân cho những năm tháng học tập dưới mái trường của em, mai này dù có đi đâu xa chăng nữa, em sẽ vẫn luôn nhớ về nơi này, nơi có thầy cô bè bạn và có cây bàng sững sững tỏa bóng mát ôm ấp chúng em một thời ngây ngô.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved