logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

41. Đề số 41 - Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Admin FQA

30/12/2022, 13:18

Đề bài

Câu 1:  

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

…Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bụt

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…

(Ngữ Văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.143)

a. Nhận biết

Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Thông hiểu

Trong các từ nhóm trên, từ nào được dùng với nghĩa gốc, từ nào được dùng với nghĩa chuyển. Giải thích nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ nhóm trong đoạn thơ.

c. Thông hiểu

Nêu hiệu quả nghệ thuật của từ nhóm trong đoạn thơ trên.

Câu 2: Vận dụng cao

Hãy viết một đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch từ 12 đến 15 câu trình bày suy nghĩ của em về lối sống giản dị, trong đó có sử dụng một phép liên kết (gạch chân dưới phương tiện liên kết và tên phép liên kết được sử dụng)

Câu 3: Vận dụng cao

Về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long có ý kiến cho rằng: Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp.

Hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr 180) để làm sáng tỏ ý kiến trên

Lời giải chi tiết

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Bếp lửa

Cách giải:

Đoạn thơ trên trích trong văn bản “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt.

b.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Phương pháp phân tích, lí giải.

Cách giải

- Từ nhóm trong câu thơ 1,3 được dùng theo nghĩa gốc, từ nhóm trong câu thơ 2,,4 được dùng theo nghĩa chuyển.

+ Nghĩa gốc: là động từ thể hiện một hành động làm cho lửa bén, cháy bén, cháy lên ngọn lửa và một bếp lửa hoàn toàn có thật có thể cảm nhận bằng mắt thường.

+ Nghĩa chuyển: (hình ảnh bếp lửa và bà) khơi dậy niềm yêu thương, những kí ức đẹp cho cháu. Bà đã truyền hơi ấm tình người, khơi dậy trong tâm hồn cháu tình yêu thương gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà đã khơi dậy cả những kí ức, kỉ niệm tuổi thơ ấu trong cháu để cháu luôn nhớ về nó cũng có nghĩa là nhớ về cội nguồn, dân tộc.

c.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Từ nhóm được điệp lại 4 lần trong đoạn thơ trên nhằm: Nhóm lên ngọn lửa của tình người nồng ấm giữa cuộc đời thiếu thốn. Nhóm lên ngọn lửa tâm hồn cháu để cháu biết yêu thương khoai sắn ngọt bùi, cháu biết vui trước niềm vui bình dị nhất.

Câu 2.

Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm đoạn văn nghị luận xã hội.

Cách giải:

*Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.

- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

- Đoạn văn đáp ứng yêu cầu về hình thức từ 8 đến 10 câu và có sử dụng phép thế.

*Yêu cầu về nội dung:

Giới thiệu vấn đề: Lối sống giản dị.

1. Giải thích vấn đề:

- Lối sống giản dị là lối sống không cầu kì, xa hoa, kiểu cách, sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Sống giản dị còn là không lãng phí, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài.

- Biểu hiện: Giản dị trong sinh hoạt (trong cách ăn mặc), giản dị trong quan hệ với mọi người, giản dị trong lời ăn, tiếng nói.

2. Bàn luận, mở rộng

- Tại sao con người cần có lối sống giản dị?

+ Của cải, vật chất là thành quả lao động của con người. Bởi vậy mình cần phải xây dựng và rèn luyện cho mình lối sống giản dị và tiết kiệm. Đó cũng là cách biểu hiện sự tôn trọng những giá trị lao động.

+ Lối sống giản dị là truyền thống tốt đẹp của cha ông bao đời, chúng ta cần phát huy bền vững. Hơn nữa, người sống giản dị sẽ nhận được sự cảm thông và giúp đỡ của những người xung quanh.

+ Lối sống giản dị giúp con người tiết kiệm thời gian, sức lực và làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa, chân thành và gắn bó. Nó cũng là cách di dưỡng những phẩm giá tốt đẹp của nhân cách và tinh thần con người.

+ Lối sống giản dị cũng giúp chúng ta hướng đến những giá trị đích thực, biết trân trọng những gì có ở xung quanh mình và vun đắp những điều có ý nghĩa.

- Làm sao để rèn luyện lối sống giản dị?

+ Tăng cường học tập, tích lũy tri thức để bản thân trở thành những người thực sự hiểu biết.

+ Trong sinh hoạt, nên mua sắm những gì cần thiết, điều chỉnh sinh hoạt hợp lí với điều kiện cá nhân, gia đinh và xã hội.

+ Nói năng điềm đạm, nhẹ nhàng; ứng xử hài hòa trong các mối quan hệ.

+ Biết giúp đỡ, chia sẻ với những người xung quanh một cách nhiệt tình và chân thành.

- Phê phán lối sống xa hoa, kiểu cách.

- Bài học liên hệ bản thân: Em đã làm gì để rèn luyện lối sống giản dị?

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung:

- Tác giả:

+ Sáng tác từ thời kì kháng chiến chống Pháp và nhanh chóng trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam.

+ Thành công ở truyện ngắn và kí.

+ Tác phẩm của Nguyễn Thành Long tập trung phản ánh vẻ đẹp của con người Việt Nam mới trong lao động và trong chiến đấu.

+ Lối viết vừa chân thực, giản dị, vừa giàu chất trữ tình.

- Tác phẩm: Được viết vào mùa hè năm 1970 – là kết quả chuyến công tác lên Lào Cai của tác giả.

- Anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của nhiều nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư… Từ những điểm nhìn ấy tác giả dần khám phá, khắc họa những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn anh.

2.  Phân tích vấn đề

Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp”.

=> Nhận xét đã khẳng định vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường của anh thanh niên trong cuộc sống cũng như trong lao động.

a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:

- Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.

+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.

+ Anh là người có trái tim biết yêu thương, sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe,; Trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư.

- Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:

+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình: trồng hoa trước nhà.

+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.

b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.

- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:

+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.

+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”

+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.

- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:

+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.

+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.

-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.

- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:

+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)

+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét => tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.

+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.

=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.

c. Nghệ thuật khắc họa nhân vật

- Ngôi kể: ngôi thứ 3, điểm nhìn trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ, ngoài ra còn có điểm nhìn của cô kĩ sư và bác lái xe.  Khiến cho câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật. Qua cách nhìn và cảm xúc của các nhân vật, hình ảnh người thanh niên hiện lên rõ nét và đáng mến hơn.

- Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa.Tạo tình huống ấy khiến tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là để nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực.

3. Tổng kết

- Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình dị, mà tiêu biểu là anh thanh niên. 

- Truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

 

Nguồn: Sưu tầm

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved