Admin FQA
30/12/2022, 13:15
Dàn ý
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề
2. Thân bài
Về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, cái tốt trước cái xấu (từ truyện Tấm Cám). Các ý chính cần nêu là:
- Giới thiệu về những quan niệm đạo đức truyền thống liên quan đến thiện - ác, tốt - xấu trong văn học, nhất là văn học dân gian.
- Giới thiệu truyện cổ tích Tấm Cám và bài học đạo đức về sự chiến thắng của cái thiện, cái tốt.
- Bình luận:
Cuộc chiến đấu của Tấm
+ Miêu tả lại mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu trong truyện Tấm Cám.
+ Cái ác đã chà đạp lên cái thiện như thế nào? (Cám giết Tấm mấy lần? Vì sao?)
+ Cái thiện đã vùng lên đấu tranh với cái ác ra sao? (Từ thụ động đến chủ động, từ phản ứng yếu ớt đến mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào?)
+ Từ câu chuyện, rút ra bài học gì? ( Cái thiện vượt qua được cái ác không thể chỉ bằng những nhường nhịn một cách yếu hèn mà phải đấu tranh quyết liệt với nó, diệt trừ nó. Nó không thể chỉ là một cuộc đấu tranh về tinh thần được).
Thiện ác trong hiện tại
+ Cái thiện và ác vẫn luôn song hành, bởi cuộc đời luôn có những bất công.
+ Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.
+ Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.
(Lấy dẫn chứng minh họa)
--> Dù là xã hội xưa hay nay thì phần thắng cuối cùng cũng nghiêng về cái THIỆN, và cái ÁC luôn bị tiêu diệt. Những người sống ác độc luôn phải chịu những hậu quả nặng nề.
Câu chuyện dân gian còn là bài học răn dạy về cách sống, về con đường hướng thiện tránh ác của con người. Nó cũng giúp mỗi chúng ta biết cách nhường nhịn như thế nào và đấu tranh như thế nào trong mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề
Bài mẫu
Để có thể trưởng thành ai trong mỗi chúng ta cũng phải trải qua những ngày thơ ấu con trẻ, chắc hẳn trong tháng ngày ấy đa phần các bạn nhỏ đều được nghe và thấm nhuần những câu truyện cổ tích từ ngày xửa ngày xưa.“Tấm Cám” là truyện cổ tích tiêu biểu và hấp dẫn được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Tác phẩm thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả về sự chiến thắng của cái thiện dù cho ở xã hội xưa hay ngày nay.
Câu chuyện mở ra cho chúng ta thấy mâu thuẫn nhiều mặt của xã hội Việt Nam xưa kia, cụ thể trong truyện là xung đột giữa dì ghẻ-con chồng mọi mâu thuẫn đều do dì ghẻ gây nên, mâu thuẫn con chung-con riêng là chủ yếu trong đó con chung là đầu mối cuộc chiến. Cuộc đời của Tấm là hành trình tìm kiếm hạnh phúc vô cùng gian nan, trải qua nhiều thử thách cô đã tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Tấm là đại diện cho người tốt, cho cái thiện còn Cám và dì ghẻ đại diện cho người xấu, cái ác. Cuộc đấu tranh thiện ác, tốt xấu diễn ra cam go nhưng cuối cùng cái ác, cái xấu vẫn phải khuất phục trước cái thiện, cái đẹp. Đó là quy luật tồn tại. Dù ở trong xã hội nào thì chính nghĩa vẫn luôn thắng gian tà.
Tấm là một cô bé hiền lành ngoan ngoãn, mẹ mất sớm sống với dì ghẻ và em. Năm lần bảy lượt hết lần này đến lần khác mẹ con Cám luôn tìm cách hãm hại Tấm, khi cô được làm hoàng hậu họ cũng không buông tha gây ra cái chết cho nàng. Sau khi chết Tấm bốn lần hóa thân khi thành chim vàng anh lúc là cây xoan đào, khi thành khung cửi lúc là quả thị. Mỗi lần hóa thân của cô Tấm thể hiện niềm tin của người lao động vào cái thiện và mỗi lần Tấm gặp khó khăn đều có bụt xuất hiện minh chứng cho quan niệm “Ở hiền gặp lành”, hậu quả mà mẹ con Cám phải gánh chịu minh chứng cho thói đời “Ác giả ác báo”. Kết thúc chuyện là Tấm giết Cám, đặc trưng của truyện dân gian có tính truyền miệng nên có nhiều dị bản khác nhau. Có dị bản là Tấm khi được Cám hỏi: “Chị Tấm ơi, chị Tấm chị làm thế nào mà đẹp thế?” Tấm giúp Cám bằng cách sai người đào hố sâu, bảo Cám nhảy xuống và đổ nước sôi vào, Cám chết mụ dì ghẻ cũng chết theo. Có dị bản lại kể Cám chết trong hố nước sôi thì Tấm làm mắm gửi về cho mụ dì ghẻ ăn rồi mụ cũng chết khi biết sự thật. Có nhiều ý kiến cho rằng đoạn kết của truyện là quá dã man không phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam. Theo tôi ý kiến trên chưa hoàn toàn hợp lí, bởi có đi sâu tìm hiểu đặc trưng của truyện cổ tích thì mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc của dân gian. Truyện cổ tích ra đời là một hình thức nghệ thuật lí giải cho các vấn đề xã hội, theo xu hướng bảo vệ bênh vực cho những nạn nhân của xã hội trước những thay đổi lớn lao của đời sống mà con người bị đẩy vào bi kịch, thể hiện cho ước mơ của nhân dân về sự công bằng và niềm tin vào cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Tấm là hiện thân của cái thiện mẹ con Cám là đại diện cho cái ác. Tấm ra tay trừng phạt mẹ con Cám là cái thiện đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Điều đó là hoàn toàn hợp lí.
Trong xã hội ngày nay đạo lí đó vẫn luôn đúng đắn dù cho cái ác, cái xấu giờ đây được che đậy và ngụy trang bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn nhưng “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Ngay cả trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của nhà nước vẫn có những người chưa tốt tham ô, tham nhũng gây hại cho nhân dân, đất nước. Vụ án của Đinh La Thăng_cựu Bí thư tỉnh ủy thành phố Hồ Chí Minh chắc hẳn chúng ta chưa thể quên, con người ấy một thời được nhân dân tung hô, ngợi ca nhưng rồi việc tham ô cũng bị đưa ra ánh sáng, bị trừng trị dưới pháp luật với 18 năm tù. Biết bao nhiêu vụ án giết người cướp của như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương dù có giỏi mánh khóe để che đậy cũng không thể nào thoát khỏi lưới pháp luật và đạo đức. Những con người ấy xứng đáng bị lãnh án tù chung thân thậm chí là tử hình để trừng phạt tội ác cũng là để làm gương cho người khác và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước, sự công bằng của luật pháp.
Những ngày gần đây xôn xao dư luận với điểm thi của một số tỉnh tăng cao bất thường đặc biệt là vụ việc xảy ra ở tỉnh Hà Giang đang được đông đảo mọi người quan tâm. Cơ quan chức năng cho điều tra lại về việc chấm thi, rà soát điểm thi và đã được Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định đã phát hiện sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang. Những vụ việc tưởng chừng như được che đậy rất hoàn hảo nhưng cái xấu rồi cũng bị đưa ra ánh sáng và pháp luật trừng trị.
Trong cuộc sống thiện ác luôn song hành tồn tại cùng nhau đúng như câu nói của Trần Nhuận Minh:
“Cái ác vỗ vai cái thiện
Cả hai cùng cười đi về tương lai”
Như vậy qua câu chuyện Tấm Cám từ ngày xửa ngày xưa và những sự việc, những con người ở trong bóng tối được đưa ra ánh sáng, bị pháp luật trừng trị ở xã hội ngày nay minh chứng cho chân lí đạo đức ở đời cái ác luôn bị khuất phục trước cái thiện, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa. Người tốt đại diện cho cái thiện sẽ luôn có được hạnh phúc xứng đáng còn người ác làm việc xấu sớm muộn cũng bị gặp quả báo. Từ đó hình thành cho em suy nghĩ luôn phải cố gắng làm người tốt việc tốt để được sống một đời bình an, mong được đóng góp chút công sức nhỏ nhoi của mình vào công cuộc xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Nguồn: Sưu tầm
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved