Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Bài thơ Chuyện cổ nước mình được viết theo thể thơ: Những dấu hiệu giúp em nhận ra thể thơ đó:
Bài tập 1
Bài tập 1 (trang 49 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Bài thơ Chuyện cổ nước mình được viết theo thể thơ:
Những dấu hiệu giúp em nhận ra thể thơ đó:
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ.
Lời giải chi tiết:
- Bài thơ được viết theo thể lục bát.
- Dấu hiệu nhận biết:
+ Số tiếng, số dòng: gồm nhiều cặp lục bát nối tiếp nhau; dòng trên 6 tiếng, dòng dưới 8 tiếng.
+ Về vần: tiếng cuối của dòng sáu tiếng ở trên vần với tiếng thứ sáu của dòng tám tiếng ở dưới, tiếng cuối của dòng tám tiếng lại vần với tiếng cuối của dòng sáu tiếng tiếp theo.
+ Về nhịp: ngắt theo nhịp chẵn: 2/2/2, 2/4, 4/4.
+ Về thanh điệu: tiếng thứ sáu của dòng sáu là thanh bằng. Tiếng thứ sáu và thứ tám của dòng tám cũng phải là thanh bằng nhưng nếu tiếng thứ sáu là thanh huyền thì tiếng thứ tám là thanh ngang và ngược lại. Tiếng thứ tư của dòng sáu và dòng tám đều phải là thanh trắc.
Bài tập 2
Bài tập 2 (trang 49 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Bài thơ gợi cho em nhớ đến những câu chuyện cổ sau của Việt Nam:
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ.
Lời giải chi tiết:
+ Tấm Cám (Thị thơm thì giấu người thơm / Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà)
+ Đẽo cày giữa đường (Đẽo cày theo ý người ta / Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì)
+ Sự tích trầu cau (Đậm đà cái tích trầu cau / Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người)
Bài tập 3
Bài tập 3 (trang 49 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Vẻ đẹp tình người mà những câu chuyện cổ đã kể với nhà thơ:
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ.
Lời giải chi tiết:
- Chuyện cổ đã kể với nhà thơ những điều về vẻ đẹp tình người là: nhân hậu, sâu xa, thương người, yêu nhau, độ lượng, đa tình, đa mang, nặng sâu,….
→ Bài thơ thể hiện giá trị nhân văn của những câu chuyện cổ. Dòng thơ nào cũng hướng đến việc ca ngợi ý nghĩa của những câu chuyện cổ trong việc phản ánh những nét đẹp tình người như lòng nhân hậu, sự vị tha, độ lượng, bao dung,… Điều đó cắt nghĩa tình yêu mà nhà thơ dành cho những câu chuyện cổ được bộc lộ trực tiếp ngay trong dòng thơ đầu tiên: “Tôi yêu chuyện cổ nước tôi” .
Bài tập 4
Bài tập 4 (trang 50 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Đọc đoạn thơ ở cột bên trái và điền thông tin phù hợp vào cột bên phải trong bảng sau:
Đoạn thơ | Các tiếng cùng vần với nhau |
|
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Đoạn thơ | Các tiếng cùng vần với nhau |
Ở hiền thì lại gặp hiền Người ngay thì được phật tiên độ trì Mang theo truyện cổ tôi đi Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa. | Hiền – tiên – trì – đi – thì |
Bài tập 5
Bài tập 5 (trang 50 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Điền kí hiệu gạch chéo (/) vào những chỗ ngắt nhịp trong các dòng thơ sau:
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ bốn dòng thơ.
Lời giải chi tiết:
Mang theo truyện cổ / tôi đi
Nghe trong cuộc sống / thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, / trắng cơn mưa
Con sông chảy / có rặng dừa nghiêng soi.
Bài tập 6
Bài tập 6 (trang 50 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Nhà thơ có thể “nhận mặt ông cha” qua các câu chuyện cổ vì:
Phương pháp giải:
Nhớ lại những lời thơ và đưa ra đáp án phù hợp.
Lời giải chi tiết:
Nhận ra được, thấu hiểu được thế giới tinh thần của cha ông vẫn còn ghi dấu trong những câu chuyện từ ngàn xưa.
→ Cảm nhận được tình cảm sâu nặng, thiết tha của nhà thơ với thế giới chuyện cổ, cũng là những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa được ghi dấu trong những câu chuyện đó. Chính những câu chuyện từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã giúp người đọc thời nay nhận biết được “gương mặt” của cha ông thời xưa, hiểu được đời sống vật chất và tinh thần, tâm hồn và tính cách, phong tục tập quán và các quan niệm đạo đức, triết lí nhân sinh, … của cha ông.
Bài tập 7
Bài tập 7 (trang 50 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Bài học cuộc sống mà bài thơ gợi lên:
Phương pháp giải:
Bằng vốn hiểu biết hãy rút ra bài học cuộc sống.
Lời giải chi tiết:
Giúp người đọc cảm nhận được những bài học cuộc sống được gợi ra từ những câu chuyện cổ. Đó là bài học về đạo lí làm người: sống phải chân thành, nhân ái; phải cần cù, siêng năng; phải có trí tuệ, có chính kiến riêng của bản thân, không nghe theo lời người khác một cách thụ động, ...
Bài tập 8
Bài tập 8 (trang 50 VTH Ngữ Văn lớp 6 Tập 1)
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ từ Đời cha ông với đời tôi đến Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.
Phương pháp giải:
Viết đoạn văn đáp ứng hình thức theo yêu cầu và trình bày cảm nhận của em về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
Lời giải chi tiết:
Đoạn thơ đã để lại trong em vô vàn suy nghĩ. “Đời cha ông với đời tôi” là hai thế hệ đã xa. Hình ảnh so sánh “con sông với chân trời” không chỉ khiến lời thơ hàm súc mà dường như còn gửi gắm trong đó một nỗi niềm tiếc nuối cho thứ ta gọi là thế hệ. Khoảng cách thế hệ ấy có thể làm con người khác đi, đổi thay nhưng ở đó, ta vẫn thấy “Chỉ còn chuyện cổ thiết tha”. Đó là những tình cảm sâu nặng, tha thiết mà cha ông ta gửi gắm qua những câu chuyện cổ đồng thời cũng chính là những tình cảm của nhà thơ với chuyện cổ nước mình. Dòng thơ cuối: “Cho tôi nhận mặt ông cha của mình” tức là nhận ra được, thấu hiểu được thế giới tinh thần của cha ông vẫn còn ghi dấu trong những câu chuyện từ ngàn xưa. Chính những câu chuyện từ xa xưa, được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã giúp người đọc thời nay nhận biết được “gương mặt” của cha ông thời xưa, hiểu thấu được đời sống vật chất và tinh thần, tâm hồn và tính cách, phong tục tập quán và các quan niệm đạo đức, triết lí nhân sinh, … của cha ông. Và chúng ta của hôm nay nhất định sẽ trau dồi mình, sẽ nỗ lực và cố gắng để quê hương, để bài học trong chuyện cổ ấy mãi sáng ngời!
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved