logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Bài tập đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên trang 3 Sách bài tập Ngữ văn 6 - Cánh diều

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Câu 1

Trả lời câu hỏi 1 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 3 Ngữ văn 6 Cánh diều

Hãy nối những từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể của nhân vật Dế Mèn ở cột bên trái với những từ ngữ nêu đặc điểm của từng bộ phận ấy ở cột bên phải: 

Phương pháp giải:

Đọc và nối ô thích hợp

Lời giải chi tiết:

Câu 2

Trả lời câu hỏi 2 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 3 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 4, SGK) Từ các chi tiết “tự hoạ” về bản thân và lời lẽ, cách xưng hô, điệu bộ, giọng điệu, thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt, chị Cốc, em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản để đưa ra nhận xét

Lời giải chi tiết:

Tính cách của nhân vật Dế Mèn kiêu căng, tự phụ, hống hách. Tính cách ấy được bộc lộ qua những chi tiết “tự hoạ" của Dế Mèn về bản thân (Ví dụ: Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu. Cho ra kiểu cách con nhà võ. Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại), lời lẽ, cách xưng hô, điệu bộ, giọng điệu, thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt (Ví dụ: “Ngẫm ra thì tôi chỉ nói lấy sướng miệng tôi. Còn Dế Choắt than thở thế nào, tôi cũng không để tai. Hồi ấy, tôi có tính tự đắc, cứ miệng mình nói tai mình nghe chứ không biết nghe ai, thậm chí cũng chẳng để ý có ai nghe mình không” hay “Chưa nghe hết câu, tôi đã hếch răng lên, xì một hơi rõ dài. Rồi, với điệu bộ khinh khỉnh, tôi mắng: Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết”); lời lẽ, thái độ với chị Cốc (Ví dụ: “Vặt lông cái Cốc cho tạo / Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn”).

Câu 3

Trả lời câu hỏi 3 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 3 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 5, SGK) Ở cuối đoạn trích, sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn đã “đứng lặng giờ lâu” và “nghĩ về bài học đường đời đầu tiên”. Theo em, đó là bài học gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Ở cuối đoạn trích, sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn đã “đứng lặng giờ lâu” và “nghĩ về bài học đường đời đầu tiên”. Bài học đó là: không nên kiêu ngạo, hung hăng, nghịch ngợm tai quái mang tai vạ đến cho người khác và cho chính bản thân mình. Đây là bài học cho mỗi bạn học sinh trong cuộc sống và học tập hằng ngày, rất dễ xảy ra ở các bạn thanh thiếu niên vì các bạn còn ít tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm sống.

Câu 4

Trả lời câu hỏi 4 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 4 Ngữ văn 6 Cánh diều

(Câu hỏi 6, SGK) Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ:

“Nhân vật trong truyện đồng thoại được nhân cách hoá trên cơ sở đảm bảo không thoát li sinh hoạt có thật của loài vật.”. Dựa vào những điều em biết về loài dế, hãy chỉ ra những điểm “có thật” như thế trong văn bản, đồng thời, phát hiện những chỉ tiết đã được nhà văn “nhân cách hoá”.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản 

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản, có nhiều chi tiết thể hiện đặc điểm và sinh hoạt có thật của loài dế. Ví dụ: đôi càng mẫm bóng, cái vuốt ở chân, hai cái răng đen nhánh, chui tọt ngay vào hang... Nhưng chủ yếu là các chi tiết đã được nhà văn “nhân cách hoá”. Ví dụ: quát mấy chị Cào Cào; ghẹo anh Gọng ; hếch răng lên, xì một hơi rõ dài, bộ điệu khinh khỉnh; lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ, bụng nghĩ thú vị; hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng; đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên,…

Câu 5

Trả lời câu hỏi 5 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 4 Ngữ văn 6 Cánh diều

Khi đọc truyện đồng thoại, em cần chú ý những gì?

Hãy dẫn ra các ví dụ cụ thể khi đọc văn bản Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí) của Tô Hoài để chứng minh đây là một truyện đồng thoại tiêu biểu.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản 

Lời giải chi tiết:

- Khi đọc truyện đồng thoại, việc đầu tiên là phải thấy được những sự kiện được kể, nhất là những sự kiện chính. Kế đó, cần phải chỉ ra được những nhân vật là các loài vật đã được nhà văn miêu tả, trong số đó, nhân vật nổi bật nhất, xuất hiện xuyên suốt câu chuyện sẽ là nhân vật chính. Tiếp theo, cần đi sâu tìm hiểu hình dạng, điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ, tính cách,... của các con vật được thể hiện trong truyện, xem chúng vừa giống loài vật ấy, vừa giống con người ở chỗ nào, từ đó, phát hiện bài học mà truyện muốn thể hiện. Cuối cùng, cần liên hệ bài học ấy với cuộc sống của bản thân em.

- Trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí) của Tô Hoài, các con vật đều có suy nghĩ, hành động, trang phục, ngôn ngữ như con người (tức là tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hoá). Ví dụ: các chi tiết miêu tả ngôn ngữ và hành động của Dế Mèn như quát mấy chị Cào Cào; ghẹo anh Gọng ; hếch răng lên, xì một hơi rõ dài, bộ điệu khinh khỉnh; lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngữ, bụng nghĩ thú vị; hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than; đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên...

Câu 6

Trả lời câu hỏi 6 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 4 Ngữ văn 6 Cánh diều

Chỉ ra và làm rõ nhà văn Tô Hoài đã rất chú ý trình tự, các chi tiết miêu tả Dế Mèn ở đoạn đầu văn bản.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Nhà văn Tô Hoài đã rất chú ý trình tự, các chi tiết miêu tả Dế Mèn ở đoạn đầu văn bản:

   Nhà văn đã miêu tả Dế Mèn rất trình tự: đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt, đôi cánh trước kia ngắn hủn hoẳn giờ thành cái áo kín xuống tận chấm đuôi, lúc đi bách bộ thì người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn, đầu to ra và nổi từng tảng, trông rất bướng, hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm làm việc, sợi râu dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng,...

Câu 7

Trả lời câu hỏi 7 Bài đọc hiểu: Bài học đường đời đầu tiên, SBT trang 4 Ngữ văn 6 Cánh diều

Đọc văn bản sau và giải thích vì sao đây là truyện đồng thoại:

RÙA ĐÁ ĐI CHƠI

    Ca sĩ chim Bách Thanh bay đến bên bờ suối thì đậu lại trên một cành diệp liễu. Cảnh vật ở đây tuyệt đẹp đã níu cánh chim lại. Bách Thanh nghe tiếng suối róc rách, tiếng lá reo bồn chồn, tiếng nai tác xa xa,... cảm hứng tràn đây, chàng cất lên một điệu hát mới, đó cũng là công việc suốt đời của chàng.

    Bác Rùa Đá đang nằm im như một tảng đá, thò đầu ra khỏi mai, lim dim mắt đón nhận từng giọt âm thanh tươi mát. Chú Hươu Sao cũng đờ ra nghe, quên cả uống nước. Không ai để ý đến gã Rắn Mốc đang cuốn cành cây dưới chân Bách Thanh như một khúc dây leo. Hắn vươn cổ, đôi mắt gian giảo láo liên. “Phốc”, Rắn Mốc bằng một cú mô thành thạo đã ngoạm chặt một chân Bách Thanh trong miệng, cắt đứt dòng âm thanh đang bay chơi vơi. Bách Thanh thét lên đau đớn.

   Bách Thanh giãy giụa đã lôi cả Rắn Mốc ngã xuống cỏ, ngay trước mặt ông Rùa Đá. Tiếng kêu của chim Bách Thanh làm rung động cả chiếc mai rùa. Bác nhích lên vài bước, và “phập”, đôi môi rắn như đá của bác đã cặp chặt lấy cổ Rắn Mốc. Rắn Mốc quằn quại quấn lấy ông Rùa Đá, ghì xiết. Nhưng miếng võ hiểm của Rắn Mốc vô hiệu trước tấm lưng trơ như đá của bác Rùa. Rắn Mốc bị cắn nát cổ, duỗi toàn thân cứng đờ như một cành cây khô. Bách Thanh gãy rời một chân, bay lên cành cây nén đau, rối rít cảm ơn: “Cháu cảm ơn bác Rùa Đá!”. Rồi Bách Thanh tha thiết mời bác Rùa Đá vào dịp Tết, tức là còn mười ngày nữa đến ăn Tết nhà mình.

 Bác Rùa Đá lẩm bẩm: “Cây sồi chân núi Bắc à? Xa đây! Cần phải đi ngay mới kịp!”. Thế là bác Rùa Đá khăn gói lên vai ra đi. Bác đi cả ngày, cả đêm, cả mưa cả nắng... Bác đem theo cả một mái nhà thì đâu chẳng là nhà! Ca sĩ Bách Thanh bay loáng một cái đã về đến nhà, Chàng báo tin vui cho vợ con. Chàng còn đặt cả bài hát cho các con hát:

        Một sớm xuân trong mát

    Cành khô cũng nở hoa

  Ông Rùa Đá tốt bụng

Sẽ đến chơi nhà ta!

     Bác Rùa Đá đang đi thì băng tan, dòng nước ào ra chảy quanh một tảng đá lớn. Trên tảng đá, một chú Thỏ Trắng đang kêu khóc gọi mẹ. Bác Rùa Đá bơi ra, cho Thỏ Trắng ngôi trên lưng, đi tìm mẹ Thỏ, bởi hang thỏ đã ngập nước. Tìm được mẹ Thỏ, trao lại Thỏ Trắng cho mẹ xong, bác lại gặp họ hàng nhà Nhím suýt chết đuối, nêu không được bác giơ lưng bịt một lỗ hổng nước đang tràn vào.

    Bác Rùa Đá vẫn chưa rời con suối mà đi được. Bãi Tự Nhiên xanh rờn cỏ có nguy cơ bị ngập nước. Hươu, Nai rủ nhau xếp đá thành đập, lái dòng nước cho chảy sang hướng khác. Bác Rùa Đá nhận chuyên chở từng khối đá lớn trên lưng...

Con đập hoàn thành, bác Rùa Đá mới khoác khăn gói lên vai, lắm bẩm: “Nhà Bách Thanh! Cây sồi chân núi Bắc! Phải đi ngay mới kịp!”.

    Bác không nghĩ rằng mùa xuân đã qua từ lâu, bởi bác cứ nhẫn nha đi, ai gặp khó khăn bác đều dừng lại giúp đỡ...

    Trên cây sồi chân núi Bắc, có hội chim Bách Thanh đón một mùa xuân mới. Ông Bách Thanh què đã chết. Các cháu Bách Thanh đang bập bẹ hát bài như nỗi chờ mong của cả dòng họ:

         Một sớm xuân trong mát

     Cành khô cũng nở hoa

   Ông Rùa Đá tốt bụng

Sẽ đến chơi nhà ta!

    Chúng không biết rằng ở dưới gốc cây sồi, ông Rùa Đá đã đến, mệt mỏi vì đường xa, tuổi tác, ông đã ngủ thiếp đi trong giọng ca trong trẻo của họ hàng nhà Bách Thanh.

(Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau Cách mạng tháng Tám, NXB Giáo dục, 1999)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản 

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện “Rùa đá đi chơi” là truyện đồng thoại vì các nhân vật đều là động vật nhưng mang đặc điểm tính cách như con người. Câu chuyện mang hàm ý ca ngợi những người đi giúp đỡ người khác, đề cao việc biết ơn những người đã cứu giúp mình.

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved