Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Câu 1
Trả lời câu hỏi 1 Bài đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon-da, SBT trang 23 Ngữ văn 6 Cánh diều
Trong đoạn trích, tác giả Hon-đa nhớ lại những việc gì trong thời thơ ấu của mình?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Trong đoạn trích, tái hiện về những kỉ niệm thời thơ ấu của tác giả Hon-đa do chính ông là người kể chuyện. Tác giả Hon-đa nhớ rằng mình học không tốt lắm, học kém môn thực vật và sinh vật - thích thú với pin, cân, ống nghiệm và máy móc, chỉ cần có cơ hội cậu liền tham gia tất cả những hoạt động có liên quan đến máy móc.
Câu 2
Trả lời câu hỏi 2 Bài đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon-da, SBT trang 23 Ngữ văn 6 Cánh diều
Em hiểu như thế nào về câu nêu trong mục Chuẩn bị, bài Thời thơ ấu của Hon-đa (SGK Ngữ văn 6, tập một): “Qua đây, có thể nói: Tuổi thiếu niên là thời gian chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn trưởng thành của đời người.”
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của bản thân
Lời giải chi tiết:
"Qua đây” chính là qua trích đoạn hồi kí của tác giả Hon-đa. Nội dung đoạn trích cho thấy từ tuổi thiếu niên, Hon-đa đã bộc lộ thiên hướng và các biểu hiện của sự say mê, sở trường, năng lực của bản thân,... Nếu được chăm sóc, khơi gợi, khích lệ, động viên thì năng lực đó sẽ phát triển rất tốt vào tuổi trưởng thành.
Câu 3
Trả lời câu hỏi 3 Bài đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon-da, SBT trang 23 Ngữ văn 6 Cánh diều
(Câu hỏi 3, SGK) Đặc điểm của thể hồi kí được thể hiện ở văn bản này như thế nào? Hãy chỉ ra một số biểu hiện cụ thể.
Phương pháp giải:
Nhớ lại đặc điểm thể loại hồi kí và chỉ ra biểu hiện có trong văn bản
Lời giải chi tiết:
Đặc điểm của thể kí được thể hiện trong bài:
- Sự chân thực của câu chuyện về thông tin, số liệu, chi tiết về nhân vật;
- Sự việc, số liệu, thời gian chính xác, ngay câu mở đầu, tác giả viết: “Tôi sinh năm 1906 tại làng Kô-mi-ô, quận I-qua-ta, nay là thành Ten-ri-u, thuộc thành phố Ha-ma-mát-su tỉnh Si-du-ô-ca.”
- Ngôi kể thứ nhất phù hợp bộc lộ được những suy nghĩ tình cảm lồng ghép trong mỗi câu chuyện.
Câu 4
Trả lời câu hỏi 4 Bài đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon-da, SBT trang 23 Ngữ văn 6 Cánh diều
(Câu hỏi 4, SGK) Qua đoạn trích hồi kí trên, em thấy những dấu hiệu sớm bộc lộ thiên hướng về kĩ thuật của Hon-đa có liên quan gì đến sự nghiệp của ông sau này?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích chỉ ra những biểu hiện đã sớm bộc lộ thiên hướng sáng chế kĩ thuật của nhân vật “tôi”, người kể chuyện. Những đam mê kĩ thuật ấy đã giúp ông sau này trở thành kĩ sư máy móc, sáng lập nên một hãng xe máy, xe hơi nổi tiếng khắp thế giới – hãng Hon-đa.
Câu 5
Trả lời câu hỏi 5 Bài đọc hiểu: Thời thơ ấu của Hon-da, SBT trang 23 Ngữ văn 6 Cánh diều
Tìm một bài hồi kí viết về thời thơ ấu và chỉ ra các đặc điểm của thể hồi kí trong bài viết đó.
Phương pháp giải:
Tham khảo sách báo, internet
Lời giải chi tiết:
Trong lòng mẹ
Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen.
Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về. Trong đó nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn và những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa. Tôi nói “nghe đâu” vì tôi thấy người ta bắn tin rằng mẹ và em tôi xoay ra sống bằng cách đó.
Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:
- Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?
Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến... Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà. Tôi cũng đã cười đáp lại cô tôi:
- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.
Cô tôi hỏi luôn, giọng vẫn ngọt:
- Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu?
Rồi hai con mắt long lanh của cô tôi chằm chặp đưa nhìn tôi. Tôi lại im lặng, cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi đã cay cay. Cô tôi liền vỗ vai tôi cười mà nói rằng:
- Mày dại quá cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ.
Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ. Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhưng không phải vì thấy mẹ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có những cảm giác đau đớn ấy. Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm trốn tránh như một kẻ giết người lúng túng với con dao vấy máu của nó. Tôi cười dài trong tiếng khóc, hỏi cô tôi:
- Sao cô biết mợ con có con?
Cô tôi vẫn cứ tươi cười kể các chuyện cho tôi nghe. Có một bà họ nội xa vào trong ấy cân gạo về bán. Bà ta một hôm đi qua chợ thấy mẹ tôi ngồi cho con bú ở một bên rổ bóng đèn. Mẹ tôi ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi, thấy thế bà ta thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ tôi vội quay đi, lấy nón che...
Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quá vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.
Cô tôi bỗng đổi giọng, lại vỗ vai tôi, nhìn vào mặt tôi, nghiêm nghị:
- Vậy mày hỏi cô Thông - tên người đàn bà họ nội xa kia - chỗ ở của mợ mày, rồi đánh giấy cho mợ mày, bảo dù sao cũng phải về. Trước sau cũng một lần xấu, chả nhẽ bán xới mãi được sao?
Tỏ sự ngậm ngùi thương xót thầy tôi, cô tôi chập chừng nói tiếp:
- Mấy lại rằm tháng tám là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày cũng phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ?
Nhưng đến ngày giỗ thầy tôi, tôi không viết thư gọi mẹ tôi cũng về. Mẹ tôi về một mình đem rất nhiều quà bánh cho tôi và em Quế tôi. Chiều hôm đó, tan buổi học ở trường ra, tôi chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giống giống mẹ tôi. Tôi liền đuổi theo, gọi bối rối:
- Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!...
Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là một trò cười tức bụng cho lũ bạn tôi chúng nó khua guốc inh ỏi và nô đùa ầm ĩ trên hè. Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.
Xe chạy chậm chậm... Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và, khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:
- Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.
Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi nói. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.
Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì. Trong những phút rạo rực ấy, cái câu nói của cô tôi lại nhắc lại:
- Mày dại quá! Vào Thanh Hóa đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và bế em bé chứ.
Nhưng bên tai ù ù của tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa...
(Trích hồi kí Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng)
Các đặc điểm của thể hồi kí trong bài viết:
- Người kể trong đoạn trích Trong lòng mẹ kể theo ngôi thứ nhất.
- Đoạn trích ghi chép lại những sự việc được quan sát bởi người kể: những lời nói xấu, độc địa của bà cô, khoảnh khắc gặp lại người mẹ – những điều có thực mà tác giả đã trải qua.
- Thời gian câu chuyện diễn ra được xác định: rằm tháng Tám này là giỗ đầu cậu mày;
- Địa điểm gặp gỡ: Chiều hôm đó, tan buổi học ở trường…
- Có sự có mặt của Hồng và bà cô trong cuộc nói chuyện; mẹ và Hồng trong lúc gặp nhau sau bao ngày xa cách.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved