Admin FQA
30/12/2022, 13:18
ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 - 2020
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
Phần 1(6.5 điểm)
Trong bài thơ “Ánh trăng”, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:
... Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(Theo SGK Ngữ Văn 9, tập 1, trang 156, NXB Giáo dục, 2016)
Câu 1 (1 điểm) Xác định thời điểm ra đời của bài thơ “Ánh trăng”, liên hệ với cuộc đời Nguyễn Duy để phát biểu chủ đề của bài thơ. Theo em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam ta?
Câu 2 (0,75 điểm) Phân tích những ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh trăng trong đoạn thơ trích dẫn.
Câu 3 (3,5 điểm) Dựa vào hai khổ thơ, em hãy viết một đoạn văn Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp khoảng 10 - 12 câu để làm rõ cảm xúc và những suy ngẫm của tác giả. Trong đoạn có sử dụng hợp lí một thán từ và một câu bị động (gạch chân và chú thích rõ)
Câu 4 (1,25 điểm) Trong chương trình Ngữ văn THCS, em còn đực học một bài thơ khác cũng miêu tả cuộc gặp gỡ không lời giữa người và trăng. Đó là bài thơ nào? Chép chính xác bài thơ đó. Hãy chỉ ra điểm khác nhau về ý nghĩa cuộc gặp gỡ trong hai bài thơ thơ.
Phần II (3,5 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Tôi muốn nói với các bạn câu chuyện làm Việt luận(a) và học Việt văn(b), luôn thể giãi bày hết nỗi khổ tâm của người anh các bạn đã đeo một cái “nghiệp” vào người: “nghiệp” dạy tiếng mẹ đẻ.
Nỗi buồn thứ nhất là thấy các bạn có quan niệm học “tủ”. Ông thầy dạy giỏi đối với các bạn là ông thầy giảng và soạn sách đúng “tủ”.
Nói làm sao cho các bạn hiểu rằng trong 7, 8 năm trời, nào nhận xét, đọc sách, xem truyện, giảng văn.... nào tập dùng chữ, đặt câu, dàn ý, làm bài, tôi thiết tưởng một học sinh, với khiếu thông minh, trí nhớ trung bình, không có lí do gì phải nhẩm bút trước một đề văn trong kì thi viết.
Sự học mà đã hạ xuống là học “tủ” thì chúng tôi cũng không còn cần làm việc cùng các bạn nữa. Sao không có một “hãng” nào đó in ra độ 500 bài làm văn sẵn để học sinh cứ việc mang về học thuộc như con vẹt, rồi đem nguyên văn chép lại cho hội đồng chấm thi duyệt xem chép sai hay đúng, việc gì còn phải lôi thôi bày đặt ra chương trình học tập để bắt trẻ em ngày ngày phải đến trường.
(a) Làm Việt Luận: tập làm văn bằng tiếng Việt
(b) Học Việt văn: học văn học Việt Nam.
(Theo Nghiêm Toản, Luận văn thị phạm. Dẫn theo Ngữ văn 8, tập II, trang 97+98, NXB Giáo dục, 2016)
Câu 1 (1,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính và chỉ rõ những cảm xúc dược tác giả biểu hiện trong đoạn trích. Qua đó, em học tập được điều gì khi thuyết phục người khác về một vấn đề?
Câu 2 (2,0 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 1/2 trang giấy thi làm rõ nhận định: chúng ta không nên học vẹt, học tủ.
(Giám thị coi kiểm tra không giải thích gì thêm)
PHẦN I | Câu 1: *Phương pháp: Đọc, hiểu *Cách giải: - Thời điểm: tại Thành phố Hồ Chí Minh, 1978 (Ba năm sau ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước). - Liên hệ với cuộc đời nhà thơ: trưởng thành trong khánh chiến chống Mỹ; hòa bình lập lại, sống và làm việc tại TP HCM => Chủ đề: Nhắc nhở về thái độ, tình cảm với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. - Đạo lí sống: ân nghĩa thủy chung. Câu 2: *Phương pháp: Đọc, tìm ý, phân tích *Cách giải: - Trăng biểu tượng cho quá khứ vẹn nguyên, đẹp đẽ không phai mờ. - Trăng biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống. - Trăng biểu tượng cho người bạn – nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc. Câu 3: *Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận *Cách giải: Học sinh hoàn thành đoạn văn Tổng – phân – hợp: *Mở đoạn: đạt yêu cầu về nội dung, hình thức. *Thân đoạn: biết bám vào ngữ liệu, khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật (giọng điệu, ngôn ngữ thơ, cách sử dụng các hình ảnh…) có dẫn chứng, lí lẽ để làm rõ cảm xúc và những suy ngẫm của tác giả: - Khổ 5: + Tư thế ngắm trăng. + Qúa khứ ùa về. => Xúc động, thiết tha. - Khổ 6: + Những ý nghĩa của biểu tượng vầng trăng. + Nhận ra mình bội bạc. => Suy ngẫm: con người có thể vô tình, lãng quên nhưng thiên nhiên quá khứ luôn tròn đầy, bất diệt. *Kết đoạn: Tổng kết. Câu 4: *Phương pháp: nhớ lại kiến thức *Cách giải: - Bài thơ: Vọng nguyệt (Ngắm trăng) – Hồ Chí Minh - Điểm khác nhau: + Ánh trăng: cuộc gặp gỡ khiến nhân vật trữ tình xúc động => Suy nghĩ về thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”. + Ngắm trăng: cuộc gặp gỡ cho thấy sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên => Tình yêu thiên nhiên, phong thái ung dung của Bác.
|
PHẦN II | Câu 1: *Phương pháp: Đọc, hiểu *Cách giải: - Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. - Những cảm xúc được tác giả thể hiện: nỗi buồn, sự khổ tâm của một nhà giáo trước lối học văn và làm văn của học sinh. - Học tập được: + Phải có luận điểm, hệ thống luận cứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ. + Có yếu tố biểu cảm để cách thuyết phục có lí, có tình. + Từ ngữ rõ ràng, trong sáng. Câu 2: *Phương pháp: giải thích, phân tích, bình luận *Cách giải: Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý: - Yêu cầu hình thức: + Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn. + Đoạn văn khoảng nửa trang. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn. + Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả. - Yêu cầu nội dung: Đoạn văn nêu được cách hiểu học vẹt, học tủ; từ đó thấy được hậu quả từ việc học vẹt, học tủ và có những liên hệ với bản thân. |
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved