Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Câu 1
Câu 1 (trang 107 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Qua “lời con hổ ở vườn bách thú”, tác giả Nhớ rừng gửi gắm tâm sự gì ? Vì sao bài thơ nhận được sự đồng cảm rộng rãi của công chúng trong xã hội đương thời ?
Lời giải chi tiết:
- Qua “lời con hổ ở vườn bách thú” tác giả đã gửi gắm tâm sự về thời đại lúc bấy giờ: Chán ghét những sự tầm thường, giả dối và cuộc sống tù túng mà thực dân đã làm đối với nhân dân ta. Qua đó thể hiện khao khát về sự tự do cho dân tộc.
- Bài thơ nhận được sự đồng cảm rộng rãi nơi công chúng bởi vì: Bài thơ được viết khi hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, dưới ách cai trị của Pháp xã hội trở nên nhố nhăng, tầm thường, ngột ngạt, bức bí, tâm lí chung của con người Việt Nam khi ấy chính là mong ước được thoát khỏi ách kìm kẹp của Pháp, sống một cuộc đời tự do.
Câu 2
Câu 2 (trang 107 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Qua hai cảnh miêu tả ông đồ, tác giả thể hiện niềm tâm sự gì?
Lời giải chi tiết:
Qua hai cảnh miêu tả Ông đồ thời “đắc ý” và thời “tàn tạ”, tác giả thể hiện niềm tự hào về một nét đẹp văn hóa truyền thống một thời của dân tộc đó là chữ thư pháp. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện niềm xót xa bởi nhưng giá trị văn hóa một thời ngày càng bị mai một và lãng quên. Đó chính là tâm sự hoài cổ của một con người nặng lòng với những nét đẹp cổ truyền xưa.
Câu 3
Câu 3 (trang 108 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Quê hương của Tế Hanh:
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng.
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giường to như mảnh hồn làng
Rướn thận trắng bao la thâu góp gió...
Lời giải chi tiết:
"Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió..."
Những câu thơ trên đã cho thấy vẻ đẹp của người lao động vùng biển nói riêng, của người dân lao động Việt Nam nói chung. "Trời trong, nắng nhẹ, sớm mai hồng", thiên nhiên đang hết sức ủng hộ cho việc ra khơi của ngư dân. Thiên nhiên thuận lợi, trong lành và đầy chất thơ đã làm nền để tô đậm lên vẻ đẹp của "dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá". Những chàng trai khỏe mạnh, rắn rỏi của vùng biển mang theo sức mạnh, ý chí của mình để ra khơi. Họ là những người anh hùng đi chinh phục biển cả chăng? Chiếc thuyền được so sánh với hình ảnh con tuấn mã. Phép so sánh này khiến cho con thuyền trở nên kì vĩ, hùng dũng. Đó không phải là chiếc xe tam mã mĩ lệ như trong thơ Puskin, cũng không phải con tàu lãng mạn như trong thơ Chế Lan Viên. Một loạt những động từ, tính từ mạnh như "hăng", "phăng", "mạnh mẽ", "giương to", "rướn" đã tô đậm lên vẻ mạnh mẽ của con thuyền, hay chính của những ngư dân ra biển. Con thuyền ấy rẽ sóng, mang theo ước mong về một mùa cá bội thu. Thật độc đáo khi thi sĩ so sánh cánh buồm như mảnh hồn làng. Phải là một con người có tâm hồn tinh tế và tình yêu tha thiết với quê hương thì mới cất lên câu thơ hay như thế. Mảnh hồn làng ấy phải chăng chính là mảnh hồn của tình yêu quê hương xứ sở? Như vậy, đoạn thơ trên đã khắc họa được vẻ đẹp dũng mãnh của ngư dân làng chài và sức mạnh rướn thân trắng vượt qua biển rộng của con thuyền.
Câu 4
Câu 4 (trang 108 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Phân tích quan hệ giữa trăng và người trong bài Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. Mở đầu bài thơ là ngục trung (trong tù), kết thúc là thi gia (nhà thơ), điều đó cho em cảm nhận được gì về con người Hồ Chí Minh trong bài thơ?
Lời giải chi tiết:
Trăng và người trong tác phẩm Ngắm trăng của Bác có mối quan hệ vô cùng khăng khít, gắn bó. Bác ngắm trăng trong cảnh tù ngục không rượu không hoa với lòng nung nấu căm thù giặc. Nhưng với Bác hoàn cảnh không thể làm phai mờ đi tình cảm của Bác đối với trăng. Đây chính là cuộc vượt ngục về tinh thần của Bác. Ở đó ta thấy được rõ mối giao hòa tuyệt đẹp giữa người và trăng: Người nhìn ra cửa sổ để ngắm nhìn vầng trăng, còn ánh trăng cũng xuyên qua cửa sổ để tìm đến nhà thơ. Qua đây đã cho thấy tình yêu thiên nhiên tha thiết và mối quan hệ gắn bó giữa Bác và vầng trăng.
Câu 5
Câu 5 (trang 109 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Qua các bài Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta, hãy làm rõ truyền thống tinh thần yêu nước với những biểu hiện cụ thể, riêng biệt trong từng thời điểm lịch sử ở mỗi bài.
Lời giải chi tiết:
Truyền thống yêu nước, sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào trong “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” là sự phát triển liên tục, ngày càng phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn. Trước hết là ý thức về quốc gia độc lập, thống nhất với việc dời đổa chốn trung tâm trời đất thể hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, bền vững đời sống nhân dân thanh bình, triều đại thịnh trị. Đồng thời cũng thể hiện khí phách của một dân tộc tự lực, tự cường. Đến “hịch tướng sĩ”, tình yêu nước được thể hiện ở những biểu hiện riêng, đó là lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược bởi trong giai đoạn này, đất nước đang trong hiểm họa xâm lược của kẻ thù lớn mạnh quân Mông – Nguyên, vì thế yêu nước cần được biểu hiện ở những hành động cụ thể. Cuối cùng là “Nước Đại Việt ta”, lòng yêu nước được phát triển cao nhất qua tư tưởng nhân nghĩa vì dân trừ bạo và quan niệm toàn diện, sâu sắc về sự tồn tại độc lập, chủ quyền của dân tộc. Mỗi tác phẩm mang đến một nội dung khác nhau nhưng qua đây ta thấy rõ được sự phát triển của tinh thần yêu nước, ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc.
Câu 6
Câu 6 (trang 110 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Hãy chứng minh rằng, sự thống nhất giữa lí lẽ và tình cảm đã tạo nên sức thuyết phục lớn lao của các văn bản nghị luận: Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta.
Lời giải chi tiết:
Sự thống nhất giữa lí lẽ và tình cảm đã tạo nên sức thuyết phục lớn lao của các văn bản nghị luận Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta:
- “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là sự tỏ bày ý định từ Hoa Lư ra thành Đại La. Bằng một lý lẽ ngắn gọn nhưng sắc sảo, cùng với dẫn chứng thiết thực, nhà vua đã khẳng định: không thể không chuyển dời. Trước tiên, tác giả dẫn ra một loạt các tấm gương triều đại đã từng dời đô khiến cho đất nước ngày càng thịnh trị, sau đó đưa ra bài học mất nước vì không chịu dời đô của những triều đại trước. Từ những cơ sở thực tiễn ấy, Lý Công Uẩn đã đưa ra căn cứ để tìm một nơi “trung tâm của trời đất”, một nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi” đúng nơi Nam Bắc Tây Đông. Có thể nói, với trí tuệ anh minh tuyệt vời, Lý Công Uẩn đã bày những lí lẽ vô cùng thuyết phục. Phần đầu nhà vua đưa ra những lý lẽ thuyết phục là nhờ những bằng chứng sử sách. Nhưng phần sau nhà vua đã đưa ra những suy nghĩ của riêng mình về miền đất mà vua định lập đô, không chỉ là cho ta thoả mãn về lí trí mà quan trọng hơn là bị thuyết phục bằng tình cảm. Ta bắt gặp ở đây 1 giọng nói đầy nhân từ, tấm lòng lo cho dân cho nước rất mực. Những điều vua nói cách đây cả ngàn năm nhưng hôm nay nhìn lại vẫn giữ nguyên tính chân lí của nó.
- “Hịch tướng sĩ” cũng là một tác phẩm có sức thuyết phục vô cùng lớn. Trước tiên thể hiện ở những lập luận vô cùng chặt chẽ, sắc bén. Các luận điểm được trình bày rất cụ thể: Để khích lệ tinh thần yêu nước, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược, tác giả đã khích lệ lòng căm thù ngoại xâm bằng cách chỉ ra những tội ác dã man của kẻ thù, nỗi nhục của kẻ mất nước, khích lệ tinh thần trung quân ái quốc, ý thức ân nghĩa thủy chung, khích lệ ý chí lập công danh, vì đất nước cũng là vì chính mình, khích lệ ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng trước điều hơn lẽ thiệt. Không chỉ thuyết phục bằng lí lẽ mà tác giả còn thể hiện thuyết phục bằng tình cảm với những lời lẽ tha thiết nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng bảo ban, lấy ân tình chủ tới, lấy nỗi nhục mất nước của cả dân tộc để đánh và tâm lí của những binh sĩ dưới quyền.
- “Nước Đại Việt ta” là áng văn hay khẳng định niềm tự hào, chủ quyền độc lập của dân tộc thông qua những lí lẽ và dẫn chứng vô cùng thuyết phục. Trước tiên tác giả đưa ra tiền đề nhân nghĩa đó là yên dân và trừ bạo để khẳng định cuộc chiến của ta là chính nghĩa, vì dân mà đứng lên diệt trừ bạo tàn. Tiếp đến là lời khẳng định về độc lập dân tộc qua một loạt những lí lẽ thuyết phục về văn hiến, lãnh thổ, chủ quyền, phong tục tập quán, lịch sử, con người. Những yếu tố này là hiển nhiên mà không ai có thể chối cãi, nếu cố tình vi phạm sẽ gặp những thất bại thảm hại. Những lí lẽ ấy được thể hiện với một giọng điệu cứng rắn nhưng cũng đầy cảm xúc đem đến sự thuyết phục cao nơi người đọc.
Câu 7
Câu 7 (trang 111 VBT Ngữ văn 8, tập 2)
Ngòi bút châm biếm, đả kích mạnh mẽ, sắc sảo trong bài Thuế máu được bắt nguồn từ lòng yêu nước mãnh liệt và tư tưởng nhân đạo sâu sắc của tác giả. Em có tán thành nhận định ấy không ? Vì sao ?
Lời giải chi tiết:
Ngòi bút châm biếm, đả kích mạnh mẽ, sắc sảo trong bài “Thuế máu” được bắt nguồn từ lòng yêu nước mãnh liệt và tư tưởng nhân đạo sâu sắc của tác giả. Điều này hoàn toàn chính xác bởi vì:
- Sự châm biếm, đả kích chính sách và bộ máy cai trị độc ác, giả dối của thực dân Pháp, là sự xuất phát từ lòng yêu nước tư tưởng nhân đạo đối với đồng bào.
- Lòng yêu nước và tư tưởng nhân nghĩa còn được thể hiện trong việc lựa chọn các vấn đề phê phán như chính sách bắt lính phục vụ cho chiến tranh của bọn thực dân, trong việc đưa ra những sự thật không thể chối cãi của những cách sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ châm biếm sắc sảo. Tác giả đã vô cùng căm phẫn trước những hành động bạo tàn của kẻ thù đối với đồng bào mình nên đã lên án một cách gay gắt trong văn bản.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved