Admin FQA
30/12/2022, 13:18
Câu 1
Câu 1 (trang 26 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Tìm nghĩa của từ "chân" trong các câu theo:
- Nghĩa gốc.
- Nghĩa chuyển ẩn dụ.
- Nghĩa chuyển hoán dụ.
(a) Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
(b) Năm em học sinh lớp 9A có chân trong đội tuyển của trường đi dự “Hội khoẻ Phù Đổng”.
(c) Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.
(Ca dao)
(d) Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Phương pháp giải:
Ôn lại nghĩa gốc, nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ (so sánh ngầm), hoán dụ (lấy bộ phận thay cho toàn thể). Sau đó điền đáp án.
Lời giải chi tiết:
- Từ chân trong câu (a) được dùng với nghĩa gốc.
- Từ chân trong câu (b) được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ.
- Từ chân trong câu (c) được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.
- Từ chân trong câu (d) được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.
Câu 2
Câu 2 (trang 27 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Có cách định nghĩa từ trà như sau:
Trà: búp hoặc lá cây chè đã sao, đã chế biến, để pha nước uống (pha trà, uống trà, trà ngon, hết tuần trà,…)
- Hãy so sánh với nghĩa của từ trà trong các trường hợp: trà a-ti-sô, trà hà thủ ô, trà sâm, trà linh chi, trà tâm sen, trà khổ qua (mướp đắng),…
- Trong các trường hợp trên, nghĩa của từ trà được chuyển theo phương thức ẩn dụ hay hoán dụ?
Phương pháp giải:
Chú ý tới nguyên liệu: a-ti-sô, hà thủ ô, sâm,... không phải là búp hay lá cây chè, nhưng đều được chế biến và đều được dùng pha nước uống.
Lời giải chi tiết:
- Cách dùng của từ trà trong: trà a-ti-sô, trà hà thủ ô, trà sâm, trà linh chi, trà tâm sen, trà khổ qua (mướp đắng) là cách dùng với nghĩa chuyển (ẩn dụ), chứ không phải với nghĩa gốc như đã giải thích.
- Trà trong những cách dùng trên có nghĩa là sản phẩm từ thực vật, được chế biến thành dạng khô, dùng để pha nước uống.
Câu 3
Câu 3 (trang 27 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Nghĩa gốc của từ đồng hồ được giải thích là: dụng cụ đo thời gian một cách chính xác (đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức,…).
Dựa vào những cách dùng từ như: đồng hồ điện, đồng hồ nước, đồng hồ xăng,... hãy nêu nghĩa chuyển của từ đồng hồ.
Phương pháp giải:
Chú ý hình dáng đồng hồ và mục đích dùng để đo điện, nước, xăng...
Lời giải chi tiết:
Dựa theo nghĩa chính của từ đồng hồ thì những cách dùng: đồng hồ điện, đồng hồ nước, đồng hồ xăng theo nghĩa chuyển phương thức ẩn dụ. Có nghĩa là những dụng cụ để đo có hình thức giống đồng hồ.
Câu 4
Câu 4 (trang 27 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Tìm ví dụ để chứng minh rằng các từ hội chứng, ngân hàng, sốt, vua là những từ nhiều nghĩa.
Phương pháp giải:
Chỉ ra nghĩa gốc của mỗi từ, sau đó nêu nghĩa chuyển trong ví dụ cụ thể.
Lời giải chi tiết:
a) Hội chứng
- Nghĩa gốc: Tập hợp nhiều triệu chứng cùng xuất hiện của bệnh:
Ví dụ: Hội chứng viêm đường hô hấp cấp rất nguy hiểm.
- Nghĩa chuyển: Tập hợp nhiều hiện tượng, sự kiện biểu hiện một tình trạng, một vấn đề xã hội, cùng xuất hiện ở nhiều nơi:
Ví dụ: Thất nghiệp và lạm phát là hội chứng của tình trạng suy thoái kinh tế.
b) Ngân hàng
- Nghĩa gốc: Tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩ vực kinh doanh và quản lí các nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng.
Ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp đang cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế.
- Nghĩa chuyển: Kho lưu trữ những thành phần, bộ phận của cơ thể sử dụng khi cần.
Ví dụ: Các nước đang phát triển ngân hàng máu để cứu các bệnh nhân.
c) Sốt
- Nghĩa gốc: tăng nhiệt độ cơ thể lên quá mức bình thường do bệnh.
Ví dụ: Cháu bé bị sốt quá cao.
- Nghĩa chuyển: Trạng thái tăng đột ngột về nhu cầu, hàng hóa nên khan hiếm, giá tăng nhanh.
Ví dụ: Cơn sốt đất đã giảm rất nhiều.
d) Vua
- Nghĩa gốc là đứng đầu nhà nước quân chủ.
Ví dụ: Vua Lí Thái Tổ dời đô về Thăng Long năm 1010.
- Nghĩa chuyển: Người được coi là hay nhất, giỏi nhất trong một lĩnh vực nhất định thường là sản xuất kinh doanh, thể thao, nghệ thuật...
Ví dụ: Pê-lê là vua bóng đá.
Câu 5
Câu 5 (trang 28 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Đọc 2 câu thơ sau:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)
Từ mặt trời trong câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp tu từ từ vựng nào? Có thể coi đây là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Chú ý phép tu từ ẩn dụ. Đấy chỉ là do nhà thơ sử dụng, không phải là nghĩa trong từ điển.
Lời giải chi tiết:
- Từ mặt trời trong câu thơ thứ hai sử dụng theo từ vựng. Đây không phải là hiện tượng phát triển của từ nhiều nghĩa.
- Từ mặt trời chỉ Bác Hồ chỉ có ý nghĩa ẩn dụ trong văn cảnh, nó mang tính chất lâm thời.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved