logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

1. Lý thuyết Bài 19: Pháp luật trong đời sống xã hội

Admin FQA

30/12/2022, 13:15

1. Khái niệm pháp luật

- Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội

- Các quy tắc xử sự chung chính là nội dung của pháp luật, là chuẩn mực về những việc được làm, những việc phải làm và những việc không được làm.

- Nhà nước ban hành pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để các hoạt động trong xã hội diễn ra trong vòng trật tự. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào đó vi phạm thì sẽ bị xử lí nghiêm minh.

- Pháp luật bao gồm tất cả các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, bao gồm Hiến pháp, các luật và các văn bản dưới luật.

2. Đặc điểm của pháp luật

a. Pháp luật có tính quy phạm phổ biến, bắt buộc chung

- Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, bắt buộc đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là đặc điểm để phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.

- Mỗi quy tắc xử sự thường được thể hiện thành một quy phạm pháp luật. Các quy tắc xử sự này bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức, bất kì ai ở vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cũng phải xử sự theo.

b. Pháp luật có tính quyền lực

Pháp luật do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước. Pháp luật bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức. Người vi phạm pháp luật sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí, áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp cưỡng chế. Việc xử lí này thể hiện quyền lực nhà nước và mang tính cưỡng chế. Tính quyền lực là đặc điểm để phân biệt pháp luật với quy phạm đạo đức, trong đó việc thực hiện chủ yếu dựa vào tính tự giác, người không thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức thì sẽ bị dư luận xã hội phê phán.

c. Tính xác định chặt chẽ về hình thức

Hình thức thể hiện của pháp luật là các văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Nội dung của văn bản do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành không được trái với văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành; nội dung của tất cả các văn bản đều phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái Hiến pháp, Pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào.

3. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

a. Pháp luật là phương tiện để Nhà nước quản lí kinh tế, quản lí xã hội

- Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế rất đa dạng, cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật để mọi hoạt động kinh tế diễn ra trong vòng trật tự, ổn định và phát triển. Nhà nước quản lí kinh tế đất nước thông qua việc ban hành pháp luật, quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định cơ cấu kinh tế, các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân; quy định địa vị pháp lí của các đơn vị, tổ chức kinh tế; quy định các loại thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh.

- Nhà nước là đại diện chính thức của toàn xã hội, thông qua pháp luật, Nhà nước có điều kiện phát huy quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, mọi thành phần dân cư trong xã hội. Nhà nước quản lí xã hội về chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học và công nghệ, thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật về từng lĩnh vực và kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b. Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

- Ở nước ta, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp, được cụ thể hóa trong các luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp, thuế, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình, giáo dục,...trong đó quy định về nội dung, cách thức thực hiện quyền công dân trong lĩnh vực cụ thể. Thông qua pháp luật, nhân dân được thực hiện quyền của mình.

- Pháp luật là phương tiện để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thông qua các luật về dân sự, hình sự, hành chính, tố tụng, trong đó quy định thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại và xử lí hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved