Admin FQA
30/12/2022, 13:17
I. TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ
1. Thế nào gọi là tóm tắt tác phẩm tự sự?
Tóm tắt tác phẩm tự sự là dùng lời văn của mình giới thiệu một cách ngắn gọn sinh động nội dung chính của tác phẩm, diễn biến của cốt truyện. Bản tóm tắt cần phản ánh trung thành tác phẩm. Chỉ được lược bớt, chứ không được bịa, được thêm vào sự việc hoặc tình tiết nào.
2. Mục đích của việc tóm tát tác phẩm tự sự
Tại sao phải tóm tắt tác phẩm tự sự?
- Tóm tắt tác phẩm tự sự là để nắm chắc cốt truyện.
- Tóm tắt tác phẩm tự sự để trên cơ sở đó có thể hiểu chủ đề, nắm được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
- Có tóm tắt được tác phẩm thì ta mới nhớ các chi tiết, tình tiết, diễn biến, nhân vật,... để trên cơ sở ấy mà phân tích nhân vật, phân tích bình luận tác phẩm. Tránh làm bài chung chung.
- Trong cuộc sống, do thời gian, do điều kiện (thiếu văn bản), ta có thể đọc các bản tóm tắt tác phẩm. Ở Ấn Độ, Pháp, Mĩ có hiện tượng nhiều cuốn sách hàng nghìn trang lại có kèm theo văn bản tóm tắt vài chục trang, một hai trăm trang để phục vụ một số đối tượng độc giả nào đó trong xã hội.
Tóm lại, tóm tắt tác phẩm là một kĩ năng quan trọng. Có năng lực phân tích và tổng hợp cao thì mới có thể tóm tắt tác phẩm tốt. Đối với nhà văn, trước khi viết một truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết cũng cần có bản tóm tắt tác phẩm, để trên cơ sở đó định hướng và phát triển câu chuyện. Đối với các hướng dẫn viên du lịch, cần biến các bảng tóm tắt thành cẩm nang để giới thiệu du khách tìm hiểu, thâm nhập và khơi nguồn cảm hứng cho họ khi tiếp cận các di tích văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh.
3. Bài tập vận dụng
Đọc văn bản sau và tóm tắt:
Trí và nhân
Thầy Tử Lộ yết kiến đức Khổng Tử.
Đức Khổng Tử hỏi: “Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?’
Thầy Tử Lộ thưa: “Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình”.
Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá là người có học vấn"
Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào, đức Khổng Tử lại hỏi người trí, người nhân là thế nào?
Thầy Tử Cống thưa: “Người trí là người biết người, người nhân là người yêu người”
Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá là người có học vấn"
Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào, đức Khổng Tử lại đem trí, nhân ra hỏi.
Thầy Nhan Hồi thưa: “Người trí là người tự biết mình; người nhân là người tự yêu mình”.
Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử.
Tóm tắt bài “Trí và nhân”
Thầy Tử Lộ, thầy Tử Cống và thầy Nhan Hồi lần lượt vào yết kiến Đức Khổng Tử. Ngài hỏi: “Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân’
Thầy Tử Lộ thưa: ‘'Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình”.
Đức Khổng Tử bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá là người có học vấn”.
Sau khi nghe thầy Tử Cống thưa “Người trí là người biết người, người nhân là người yêu người”, thì ngài bảo: “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá là người có học vấn”.
Thầy Nhan Hồi thưa: “Người trí là người tự biết mình; người nhân là người tự yêu mình". Nghe vật, đức Khổng Tử khen:" Nhà ngươi đúng là bậc sĩ quân tử”
(Lê Thành Nghĩa, 8A Trường THCS Đình Bảng- Bắc Ninh)
Bài đọc thêm
Nghiện làm quan
Tương truyền ở phủ Nam Dương thời nhà Minh có một viên thái thú, chết ngay trên công đường, nhưng hồn phách không tan. Cứ mỗi sáng mai, khi trống canh điểm, lại thấy y đội mũ sa đen, khoác áo, đeo đai lên công đường, quay về hướng Nam mà ngồi, có cả nha dịch đứng hầu. Quan ma nghe trình việc xong, nhận lễ lạy. Mặt trời sáng rực rỡ, mới dần dần biến mất.
Đến đời Ưng Thính, Thái thú họ Kiều đến nhậm chức, nghe kể chuyện này rồi cười, nói:
- Lão già này mắc bệnh nghiện làm quan. Thân dẫu đã chết mà vẫn không tự biết. Ta có cách làm cho lão sáng mắt ra.
Từ lúc trời chưa sáng, họ Kiều mặc triều phục, lên ngồi sẵn ở công đường. Đến lúc trống điểm canh cái mũ sa thấp thoáng tiến vào, thấy trên án đã có người, bóng ma lưỡng lự, hú lên một tiếng thám thiết rồi biến mất.
Từ đó quái tuyệt hẳn.
(Trích Giai thoại văn học Thanh)
Hãy tóm tắt truyện ngắn “Lão Hạc”của Nam Cao:
Vợ lão Hạc chết, lão Hạc và cậu con trai sống trên mảnh vườn ba sào. Nhà nghèo, không có tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đi làm phu đồn điền. Ngày ra đi, anh biếu bố 3 đồng bạc để ăn quà; lão khóc. Từ đó, lão Hạc sống thui thủi một mình trong túp lều nơi xó vườn. Lão làm thuê để nuôi thân. Chỉ có con chó ở bên cạnh, lão gọi là "cậu Vàng", lão quý nó như người đàn bà hiếm hoi quý đứa con cầu tự.
Hết hạn một công - ta 3 năm, anh con trai vẫn chưa về. Gần 4 năm vẫn chưa về. Lão âm thầm đợi chờ và chỉ biết tâm sự với cậu Vàng. Tiền bán hoa lợi trong vườn được đồng nào lão dành dụm lại đồng ấy. Vợ lão thắt lưng buộc bụng, tậu mảnh vườn 50 đồng; lão nói với ông giáo "Của mẹ nó tậu thì nó hưởng"...
Một trận ốm kéo dài 2 tháng 18 ngày, lão yếu đi ghê lắm. Làng mất vé sợi, lão Hạc không có việc làm. Rồi lại bão, hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Gạo mỗi ngày một kém. Mỗi ngày lão và cậu Vàng ăn hết ba hào gạo mà vẫn đói deo đói dắt. Lão Hạc phải bán con chó được 5 đồng cho thằng Xiên thằng Mục giết thịt. Sau khi bán chó, lão khóc.
Lão Hạc tâm sự với ông giáo về kiếp người khổ sở của mình; lão nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn cho cậu con trai, gửi ông giáo 30 đồng bạc để phòng khi lão chết "gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu dành nhờ hàng xóm”
Từ đó, lão Hạc ăn khoai, ăn cú ráy, củ chuối, sung luộc,... chế tạo được món gì ăn món ấy.
Lão Hạc xin Binh Tư cái bả chó... Cái chết của lão Hạc thật dữ dội, hai mắt long lên sòng sọc, bọt mép sùi ra,... vật vã đến 2 giờ đồng hồ rồi mới chết. Chỉ có ông giáo và Binh Tư mới hiểu được cái chết đau đớn và bất thình lình của lão Hạc.
Ông giáo nhìn thi thể lão Hạc rồi khẽ hứa giữ gìn mảnh vườn cho lão và sẽ trao lại trọn vẹn cho anh con trai lão khi hắn trở về.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved