logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Phân tích giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Admin FQA

30/12/2022, 13:15

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

- Ngôn ngữ giản dị, dân dã, có sức mạnh gợi cảm, có giá trị thẩm mĩ cao. Tác giả sử dụng những từ ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ

- Những hình tượng nghệ thuật, những liên tưởng so sánh đậm chất Nam Bộ và vì vậy cũng giàu chất hiện thực. Tác giả dùng lối ví von so sánh rất quen thuộc với cuộc sống của người làm ruộng, rất phù hợp với nếp cảm, nếp nghĩ của nông dân

- Khi khắc họa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ, người viết không sử dụng bút pháp ước lệ rất phổ biến trong văn học trung đại mà hoàn toàn sử dụng bút pháp hiện thực. 

- Nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất thành công: biểu tượng (súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ), so sánh (trông tin quan như trời hạn trông mưa, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ), đặc tả (đạp rào lướt tới, xô cửa xông vào),.. Đặc biệt phép đối được sử dụng rộng rãi, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Đối từ ngừ: trống kì/ trống giục, lướt tới / xông vào, đâm ngang/ chém ngược, hè trước/ó sau… Đối ý: ta (manh áo vải, ngọn tầm vông) địch (đạn nhỏ, đạn to, tàu sắt, tàu đồng); vũ khí thô sơ (rơm con cúi, lưỡi dao phay)/ chiến thắng lớn (đốt xong nhà dạy đạo, chém rớt đầu quan hai) v.v… Những phép đối nói trên đã khắc họa vẻ đẹp bi tráng của người nông dân nghĩa sĩ.

- Giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với những nội dung biểu đạt, trạng thái cảm xúc, trên nền âm hưởng chủ đạo là thống thiết. Khi gợi lại cuộc sống lam lũ, nghèo khó của người nông dân, giọng văn bùi ngùi, trầm lắng: cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở làng bộ.

+ Khi tái hiện trận công đồn, nhịp điệu cầu văn nhanh, mạnh, dồn dập, khắc họa những hành động khẩn trương, quyết liệt, gợi tả khí thế sôi động, tâm trạng hào hứng, hả hê: kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ.

+ Khi ca ngợi những người nghĩa sĩ xả thân vì nước, lời văn trang trọng, tự hào: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời, ai cũng mộ.

+ Giọng điệu bài văn tế khi là tiếng khóc đau thương, khi là lời khẳng định ngợi ca mang âm hưởng sử thi đã góp phần khắc họa bức tượng đài người nông dân nghĩa sĩ với vẻ đẹp bi tráng.

3. Kết bài

- Khái quảt và mở rộng vấn đề

Bài mẫu

        "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là một tác phẩm văn chương mang tính lịch sử cao, là tiếng lòng xót thương cho những vị anh hùng vô danh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Ca ngợi bức tượng đài tráng sĩ nhân dân, tác giả Nguyễn Đình Chiểu không chỉ nêu ra công lao to lớn của họ một cách đơn thuần mà còn kết hợp rất nhiều những biện pháp nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, vừa có chất trữ tình, nặng cảm xúc, vừa có chất hiện thực bình dị, bi tráng. Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm vừa là hình ảnh được xây dựng xuất chúng, vừa là thành quả lao động nghệ thuật của một cây bút tài ba, giàu lòng nhân ái.

        Đặc sắc nghệ thuật của một tác phẩm văn học là những tín hiệu nghệ thuật được sử dụng tiêu biểu, thể hiện qua từng câu thơ, câu văn nằm tạo ra sự mới mẻ, độc đáo. Các khía cạnh của nghệ thuật được xét trên cách vận dụng ngôn từ, từ ngữ mang giá trị gợi tả, gợi cảm, những hình ảnh biểu trưng riêng biệt, các biện pháp tu từ được sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt. Trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", nghệ thuật được thể hiện ở giọng điệu trữ tình, xót thương cho những người nghĩa sĩ nông dân oai hùng, quả cảm, ngôn từ gần gũi, giản dị mang âm hưởng Nam Bộ và thủ pháp xây dựng câu văn biền ngẫu đã được tác giả phối hợp, tạo nên bản anh hùng ca chói lòa, tri ân những người anh hùng đã xả thân vì nước.

        Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm này trước hết nằm ở cách lựa chọn thể loại cũng như hoàn cảnh ra đời. Xuất thân là một người có học thức cao rộng, vì chiến tranh mà phải trôi dạt về lánh tạm tại quê vợ ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu mang trong mình dòng máu yêu nước, thấu hiểu những cảnh tượng khổ đau, mất mát của nhân dân. Chính bản chất thiện lương ấy đã khiến tác giả động lòng thương cảm sâu sắc trước sự hi sinh của những người chiến sĩ nông dân. Gia đình nhỏ bỗng dưng có vợ mất chồng, con mất cha, mẹ già không nơi trông tựa, nỗi đau chồng chất khiến những câu văn càng thêm âm điệu đau buồn. Lựa chọn thể loại văn tế nhưng lại có lớp lang câu thơ, âm hưởng, vần điệu khiến tác phẩm trở nên có tính nhạc, cốt để làm nổi bật sự tiếc thương không chỉ của một con người mà là cả dân tộc dành cho những người đã khuất. Tuy nhiên, cách hành văn của Nguyễn Đình Chiểu không thê lương, u uất mà bi tráng, oai hùng. Trong nỗi đau ấy, con người vẫn như cây tre ngay thẳng, vươn mình lên cao tìm sức sống. Qua đó, tác giả đã khắc họa bức tượng đài người anh hùng nông dân, người anh hùng tuy xuất thân bình dị nhưng lại mang trong mình tình yêu Tổ quốc và lòng dũng cảm mãnh liệt.

        Vẻ đẹp người chiến sĩ nhân dân ra trận tạo nên nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Giới thiệu người chiến sĩ, tác giả không nhắc đến áo gươm mũ giáp được trang bị đầy đủ, mà là những người nông dân "cui cút làm ăn", "toan lo nghèo đói", "chưa quen cung ngựa, nào tới trường nhung", "chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ". Những người dân thật thà, chân phương như vậy, chỉ biết "Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm", chưa một lần tiếp xúc với giáo gươm, khiên trống". Đối mặt với cảnh lãnh thổ quốc gia bị lâm nguy, họ sẵn sàng đứng lên hô hào, sẵn sàng "tuy là mất tiếng vang như mõ", đối đầu với quân địch đã xác định tư tưởng vững vàng, không sợ chết. Tác giả lựa chọn cách giới thiệu rất thân quen, từ những công việc nhà nông quen thuộc để khắc họa hình tượng tráng sĩ xả thân vì nước. Khi thấy bè lũ xâm lược ngày càng lấn lướt, quan trên lại tỏ thái độ phớt lờ, bao biện, những người nông dân thiện lương lại có cảm giác "muốn tới ăn gan", "muốn ra cắn cổ", "ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ". Chẳng phải tự nhiên mà họ lại thay đổi tâm trạng như vậy, chính vì lòng trung thành, thương yêu dân tộc và đất nước đã nhen lên ngọn lửa hận thù đối với bè lũ cướp nước, bán nước. Bài văn tế chạm đến cảm xúc của người đọc một phần do cách xây dựng hình tượng nhân vật cụ thể và mang tính biểu trưng. Giống như chàng Đăm Săn trong những sử thi cổ, tinh thần dũng mãnh của những người chiến sĩ Cần Giuộc là khát khao, ước vọng của nhân dân về khởi nghĩa nông dân giành thắng lợi, khẳng định sức mạnh quần chúng và tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc.

        Xét về khía cạnh nghệ thuật, không thể quên nhắc đến cách vận dụng câu từ trong tác phẩm. Một tác phẩm chỉ trọn vẹn giá trị nghệ thuật khi giao tiếp với người đọc thành công qua câu chữ. Với mục đích thể hiện sự tôn kính trong ngày lễ tế, các chiến sĩ đã hi sinh, tác giả lựa chọn ngôn từ vừa trang nghiêm, đúng hình thức, lại vừa quen thuộc, mang âm hưởng Nam Bộ đặc trưng. Các thán từ như "Hỡi ôi", "Khá thương thay", "Ôi thôi thôi!", "Ôi!", "Đau đớn bấy", "Não nùng thay!"... được sử dụng rải rác nhằm bộc lộ cảm xúc đạt tới đỉnh điểm của nhà văn, lại có tác dụng khơi gợi sự đồng cảm từ người nghe. Các từ ngữ đặc biệt mang tính địa phương như "bao tấu", "bầu ngòi", "chi nhọc", "hai hàng lụy",... khiến bài văn tế thêm tự nhiên, không hô hào sáo rỗng, lại tỏ thái độ tôn trọng quê hương gốc gác của những người đã hi sinh.

        Một yếu tố độc đáo tạo nên đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm là cách tác giả vận dụng những câu nói khai thác đời sống giản dị đời thường, chắt lọc trở thành những câu nói có giá trị nghệ thuật. Những câu văn giàu cảm xúc như "Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều", "Não nùng thay! Vợ yêu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ" hay các câu ca dao tục ngữ được lồng ghép khéo léo như "tấc đất ngọn rau ơn chúa", "bát cơm manh áo ở đời",... khiến tác phẩm có tính văn chương hơn. Khai thác chất liệu hiện thức, Nguyễn Đình Chiểu không khiến tác phẩm trở thành những câu thoại khẩu ngữ thường nhật, thay vào đó là hệ thống câu văn biểu cảm. Cùng với giọng văn oai hùng, bi tráng, nghệ thuật sử dụng ngôn từ đã khiến bài Văn tế trở nên vần điệu, lay động hơn.

        Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là âm hưởng anh hùng ca bi tráng, cơ ngợi công ơn lớn lao của những người lính nhân dân, đồng thời không quên tỏ bày nỗi xót xa đến những mất mát đau thương mà những người thân của họ phải chịu đựng. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu dùng giọng văn mang khí chất anh hùng quả cảm, nêu lên quyết tâm ngùn ngụt của người lính Cần Giuộc: "Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao", "Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ", " Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia/ Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ",... đều là những câu thơ thể hiện khí phách của người làm trai, thấy quân thù nhất định không tha, "liều mình như chẳng có", "xô cửa xông vào". Không gian trận đấu như mở ra trước mắt người đọc với những chuỗi hành động mạnh mẽ liên tiếp thể hiện tinh thần sắt đá, quật cường. Tuy lực lượng vũ trang chênh lệch cả về trang thiết bị lẫn số lượng nhưng những người chiến sĩ Cần Giuộc không lấy đó làm lý do nản chí, chùn bước.

        Lựa chọn thể loại Văn tế, tác giả đã gửi gắm nỗi niềm thương cảm, đồng thời là sự biết ơn, kính trọng sâu sắc với máu và nước mắt của những người nông dân cần cù, chịu khó. Với cách xây dựng ba phần mở, thân, kết điển hình, tác giả ca ngợi, tri ân với những hi sinh vĩ đại của người anh hùng nhân dân, bày tỏ cảm xúc tiếc thương vô bờ bến. Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm được đảm bảo bởi các yếu tố từ hình ảnh, ngôn từ đến cảm xúc, lối hành văn. Có thể nói, đây là một tác phẩm điển hình của thể loại văn xuôi có vần điệu, cấu trúc đối xứng, biền ngẫu. Không chỉ có hình tượng người anh hùng được khắc họa mà một lần nữa, sự tài hoa trong văn học của Nguyễn Đình Chiểu lại khẳng định chỗ đứng vững chắc của ông trên diễn đàn nghệ thuật.

Nguồn: Sưu tầm

 

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ Có thể nói, với bài văn tế này Nguyễn Đình Chiểu đã tạo nên bức tượng đài nghệ thuật đầu tiên về người nông dân nghĩa sĩ Việt Nam. Đó là một hình tượng rất đẹp, rất chân thực đầy tính bi tráng - bi thương mà hào hùng .
Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Khẳng định vị trí đặc biệt của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong lịch sử văn học dân tộc: lần đầu tiên dựng lên một tượng đài nghệ thuật đầy tính chất bi tráng về những người nông dân đánh giặc cứu nước.
Cảm nhận về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một bài ca yêu nước chỗng xâm lăng, là kiệt tác trong kho tàng văn tế cổ kim của dân tộc
Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện thế nào khi xây dựng hình tượng người nông dân anh hùng trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Lớp 11 Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm bất hủ trường tồn với thời gian, với lịch sử dân tộc nhờ tấm lòng nhân đạo của nhà thơ với người nông dân yêu nước.
Quan niệm về người anh hùng trong Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu - Lớp 11 Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là đỉnh điểm tư tưởng nghệ thuật trong văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved