logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Phân tích hình tượng chiếc thuyền ngoài xa

Admin FQA

20/09/2023, 20:39

Dàn ý:

I. Mở bài

Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu ra những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ, cách nhìn về cuộc đời qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Và có lẽ, hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.

II. Thân bài

- Tên truyện ngắn là “Chiếc thuyền ngoài xa”, và quả thật, hình ảnh chiếc thuyền gần như xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện mà nhà văn mang đến cho người đọc. Bắt đầu từ yêu cầu của người trưởng phòng “lắm sáng kiến” đối với nhân vật xưng “tôi” – người nghệ sỹ nhiếp ảnh: “…Chúng ta sẽ mang đến cho mỗi gia đình một bộ sưu tập về thuyền và biển, không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật”. Tiếp đó là hình ảnh chiếc thuyền “mới đóng xong vẫn còn thơm mùi gỗ lẫn mùi dầu rái”, rồi tiếp theo nữa là “một nhóm chừng dăm bảy chiếc thuyền vó vừa tắt đèn” và cuối cùng tập trung vào “một chiếc thuyền lướt vó …đang chèo thẳng vào trước mặt tôi”. Đây chính là “Chiếc thuyền ngoài xa”.

- Hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” được nhà văn khắc hoạ rất ấn tượng: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Hình ảnh đó mang một “vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích” – vẻ đẹp của “một bức tranh bằng mực Tàu của một danh hoạ thời cổ”, và tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta thu vào một tấm ảnh mà nó “được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”.

 

- Hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” giờ đã hoá thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét, bố cục…và khi thưởng thức bức ảnh đó, những người sành nghệ thuật thể có cái cảm giác “trở nên bối rối”, cảm thấy “trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và “khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”…như cái cảm giác mà “tôi” đã từng có.

- Song, dù có là người sành nghệ thuật đến đâu, cũng không ai khám phá ra được: Đó là những con nguời, những cuộc đời, những số phận đầy trớ trêu, nghịch lý đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống quay quắt bên trong chiếc thuyền ấy. Một người vợ nhẫn nhục cam chịu một cách tự nguyện những trận đòn thịnh nộ của anh chồng với “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” chỉ vì chiếc thuyền ấy, gia đình ấy (với trên dưới mười con người) cần có ông ta chèo chống lúc phong ba; Một đứa con trai yêu mẹ đến nỗi định giết cả bố mình… Cái sự thật bên trong ấy chỉ được người thợ chụp ảnh nhận ra khi “chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ tôi đứng”, Tức là ở một khoảng cách gần, rất gần!

 

- Với chi tiết này, câu chuyện dường như đã mở ra hai hình ảnh, hai thế giới khác hẳn: Chiếc thuyền ngoài xa mang lại vẻ đẹp hoàn mỹ cho một tấm ảnh, còn chiếc thuyền khi đến gần lại làm vỡ ra một hiện thực nghiệt ngã đến xót xa của số phận con người.

Vậy nên, có thể nói hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” đích thực là một ẩn dụ nghệ thuật hoàn toàn có dụng ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giải mã hình tượng ẩn dụ đó, người đọc sẽ nhận ra một thông điệp mà nhà văn truyền đi, rằng cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

 

- Chính vì thế, cho dù chỉ là một bức ảnh “hoàn toàn thế giới tĩnh vật” (hay nói đúng hơn là vẫn có con người nhưng đó chỉ là “những bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng”) nhưng nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta – cũng là người đã trực tiếp nhận ra những số phận ẩn tàng bên trong nó – bao giờ cũng như thấy “một người đàn bà bước ra ” sau mỗi lần suy tư, ngắm nhìn thành quả nghệ thuật mà mình tạo ra nhờ cái giây phút “trời cho” ấy.

III. Kết bài

- Trước Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nam Cao từng quan niệm “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối… Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” (Trăng sáng). Là người đi sau, Nguyễn Minh Châu không lặp lại quan niệm đó, vì hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” mang vẻ đẹp nghệ thuật thực sự chứ không hề là “ánh trăng lừa dối”. Điều mà nhà văn muốn người đọc lưu tâm là cần phải có cái nhìn đa chiều, phổ quát mới có thể cảm nhận hết cái gai góc, phức tạp của cuộc đời này, bởi như ông đã nói “con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự”.

- Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng từng phát biểu “Sáng tác văn học là quá trình đi tìm hạt ngọc ẩn sâu bên trong tâm hồn con người”. Thông điệp phát đi từ hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông chính là sự bổ sung hết sức thuyết phục cho quan niệm đó.

 
 
Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Nêu suy nghĩ về hai ý kiến về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng, nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp.
Những giá trị về nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu Năm 1983, khi Chiếc thuyền ngoài xa ra đời, đất nước vẫn chưa thoát khỏi dư chấn của chiến tranh, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, số phận cá nhân nằm im dưới lớp băng hà của “giấc mơ đại tự sự”.
Phân tích nhân vật người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa Hình ảnh người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu - Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người có ngoại hình xấu xí.
Truyện Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật nào đã để lại cho anh, chị ấn tượng sâu sắc nhất ? Anh, chị hãy hoá thân vào nhân vật, giãi bày những tình cảm, suy nghĩ của nhân vật với thế hệ trẻ hôm nay Nhân ngày mồng 8 tháng 3, tôi được mời tới trường THPT Thanh Chương 1 để tham dự Lễ mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ. Với tư cách là một nghệ sĩ có tên trong tác phẩm các cháu được học trong chương trình Ngữ Văn, tôi được hân hạnh mời lên lên phát biểu với các bạn nữ sinh cùng tất cả học sinh toàn trường.
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bức tranh” và đặc biệt là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết vào những năm đầu thời kì đổi mới.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved