Admin FQA
30/12/2022, 13:15
"Thơ thơ" (1938) là tập thơ đầu trong sự nghiệp văn chương của Xuân Diệu, một thi sĩ tài hoa, phong tình trong phong trào "Thơ mới" (1932-1941). Những bài thơ viết về mùa thu của Xuân Diệu trong "Thơ thơ” thật đẹp mà buồn, một nỗi buồn trong sáng, thơ mộng, thoáng cô đơn lẻ loi. Bên cạnh hình ảnh thiếu nữ đa tình, giai nhân lẻ bóng, cảnh sắc mùa thu được nhà thơ cảm nhận và diễn đạt mới mẻ, phong tình, hào hoa.
Thơ viết về mùa thu trong "Thơ thơ" tiêu biểu nhất cho hồn thơ Xuân Diệu là bài "Đây mùa thu tới". Bài thơ thất ngôn có bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ là một nét thu mộng mơ, cảnh thu và tình thu man mác. Khổ một là dáng liễu và lá thu buổi thu sơ. Khổ hai nói về vườn thu trong gió thu. Khổ ba tả trời thu, núi thu và sông thu. Khổ bốn là hình ảnh thiếu nữ bâng khuâng trước cảnh thu buồn chia li...
Sau dáng liễu là hình ảnh vườn thu:
"Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".
Hoa mùa thu thường được các thi sĩ nói đến là hoa cúc: "Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ - Con thuyền buộc chặt mối tình nhà" ("Thu hứng" - Đỗ Phủ - Thơ dịch);. "Mưa thu tưới ba đường cúc - Gió xuân đưa một lảnh lan" ("Ngôn chí-25-
Ức Trai),... Câu thơ đầu đoạn, Xuân Diệu nói về hoa thu "đã rụng cành", đã lìa cành, một nét đẹp tàn phai, gợi buồn. Thi sĩ không dùng số đếm: "hai ba", "dăm ba" mà lại viết “hơn một” loài hoa đã rụng cành". Một cách nói mới về cách dùng số từ để diễn tả hoa lác đác tàn rụng trong vườn buổi đầu thu khi mùa thu tới.
Câu thơ thứ hai nói về sắc thu trong vườn:
"Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh".
Một chữ “rũa” thần tình, độc đáo là chiếc lá thu. Trên cái nền xanh của lá, mỗi ngày đêm thu qua xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, màu hồng; cứ loang dần, lấn dần, tiệm tiến, cho đến buổi thu phân, thu mạt, cả vườn thu đã vàng rực, đỏ rực. Và ta mới hay "Thu đến cây nào chẳng lạ lùng..." (Nguyễn Trãi). Hình ảnh "sắc đỏ rũa màu xanh" gợi tả một nét thu, một sắc thu, cho thấy cách nhìn, cách tả, cách cảm xúc của Xuân Diệu rất nhạy cảm và tinh tế. Mới hôm nào đó, sắc thu chỉ mới là "Với áo mơ phai dệt lá vàng", mà nay đã thay đổi "Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh". Chữ ''rũa" nhuần nhụy và biểu cảm hơn chữ "rủa" mà có một số người hay nói đến.
Màu vàng đặc trưng cho sắc thu ở nước ta. Có nắng vàng, trăng vàng, hoa cúc vàng, lá vàng... được nói đến nhiều trong thơ:
"Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng"
(Truyện Kiều)
"Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"
(Thu điếu)
"Sắc đâu nhuộm ố quan hà,
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương "
(Cảm thu tiễn thu)
"Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô"
(Tiếng thu)
Sau hình ảnh "Với áo mơ phai dệt lá vàng", Xuân Diệu nói đến sắc đỏ trong vườn thu. "Sắc đỏ" đã đối chọi, tương phản với "màu xanh" gợi tả chiếc lá thu trong vườn đang biến đổi dần trước bàn tay kì diệu của hóa công.
Từ sắc thu, lá thu, nhà thơ nói đến nhánh thu trong làn gió thu lành lạnh: "Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh".
Thi sĩ Tản Đà có viết về gió thu và lá thu: "Một dãy lau cao lùn gió chạy - Mấy cây thưa lá sắc vàng pha" (Thăm mả cũ bên đường). Xuân Diệu không viết "làn gió" mà lại nói "luồng", cũng là cách tả gió thu đang luồn trong các hàng cây, các luống hoa trong vườn. Bốn từ "run rẩy rung rinh" có giá trị gợi tả đắc sắc. Gió nhè nhẹ, nên cây cỏ mới rung rinh khẽ lay động. Từ láy "run rẩy" vừa tạo hình vừa gợi cảm giác. Làn gió thu lạnh làm cho lá cây, nhánh cây run mình rùng mình. Không hề nói đến lạnh mà vẫn cảm được cái lạnh. Không chỉ thế, ta như đang nhìn thấy những chiếc lá thu rơi. Nghệ thuật sử dụng từ láy và phụ âm “r" thật thần tình đã tạo nên vần thơ giàu hình tượng và nhạc điệu, mang ý vị xúc giác. Giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng "lối diễn tả bằng cảm giác đó là ảnh hưởng từ thơ tượng trưng Pháp thế kỉ XIX". Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", ông Hoài Thanh có nhận xét:
"Trong cảnh mùa thu rất quen với thi nhân Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến" những luồng run rẩy rung rinh lá"... cùng cái "cành biếc run run chân ý nhỉ". Nghe đàn dưới trăng thu, chỉ Xuân Diệu mới thấy "Lung linh bóng sáng bỗng rùng mình",... Qua đó, ta thấy nhà phê bình đã chỉ ra cái mới, cái thần thái trong những vần thơ tuyệt bút của Xuân Diệu.
Câu thơ "Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh" gợi lên một dáng thu khô gầy, trơ trụi. Lác đác trong vườn có "đôi nhánh khô gầy" rụng hết lá, khẳng khiu nhỏ bé "gầy", chất nhựa cạn kiệt như "khô" lại. Vì là thu mới tới, buổi đầu thu, nên trong vườn mới có hiện tượng "đôi nhánh khô gầy...". Cách sử dụng số từ rất tinh tế, thể hiện một cách quan sát tỉ mỉ, chính xác: "Hơn một", "đôi" làm nổi bật bước đi của mùa thu và hiện tượng biến đổi của hoa cỏ, cây lá. Hình ảnh "xương mỏng manh" đã cực tả dáng vẻ khô gầy, trơ trụi, tàn tạ của một nhánh cây nhỏ bé trong vườn hoa. Phải chăng đó là một nhành mai của một gốc lão mai ? Từ láy "mỏng manh" phối hợp cùng các từ ngữ: "nhánh, khô, gầy, xương" - gợi lên cái hồn thu tàn tạ, tiêu sơ qua hình ảnh đôi nhánh cây nhỏ bé, trụi lá xác xơ đang "run rẩy rung rinh" trước những luồng gió thu lành lạnh. Xuân Diệu tả ít mà gợi nhiều, làm hiện lên cái thần thái của cây cỏ. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du tả một dáng thu tàn tạ buồn khi gia đình Vương Ông gặp tai bay vạ gió:
"Trông chừng khói ngất song thưa
Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng".
Đọc những vần thơ Kiều ấy, từ cái dáng "hoa trôi giạt thắm" đến cái nét "liễu xơ xác vàng" ta mới cảm thấy cái hay, cái đẹp mà buồn, cái mới mẻ, cái tinh tế, tài hoa trong thơ tả mùa thu của Xuân Diệu.
Cảnh thu được nói đến trong khổ thơ thứ 2 "Đây mùa thu tới" phải chăng là cảnh thu vườn hoa Ngọc Hà hơn 60 năm về trước ? Thơ còn đó mà thi nhân nay đã đi xa...
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved