logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Phân tích văn bản Nắng đã hanh rồi

Admin FQA

02/10/2023, 00:12

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Mẫu 1

Lời giải chi tiết:

Bằng hồn thơ trong trẻo, giàu cảm xúc, các tác phẩm của nhà thơ Vũ Quần Phương đều ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Trong đó, bài thơ "Nắng đã hanh rồi", trích từ tập "Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian" với những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật đã phác họa rõ nét bức tranh thiên nhiên mùa đông.

Nhan đề bài thơ gợi cho ta sự chuyển biến của tiết trời "Nắng đã hanh rồi". Đất trời, vạn vật đang dần chuyển mình, bước vào thời điểm nắng hanh vừa nóng, vừa lạnh. Giây phút đắm mình trong thời tiết đặc trưng chỉ có ở đồng bằng Bắc Bộ mỗi độ đông đến, chủ thể trữ tình đã vẽ lên cảnh sắc:

"Nắng đã vàng hanh như phấn bay

Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày

Trước sân mây trắng về đông lắm"

Không còn là ánh nắng chói chang của ngày hè, vàng như mật ong của trời thu, nắng hanh mùa đông đến thật đặc biệt. Nó vẫn mang sắc vàng thường thấy nhưng lại giống "phấn bay", nhẹ nhàng điểm xuyết trong tiết trời giá lạnh. Nhà thơ cũng thật tinh tế khi cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên bằng thính giác. Từng đàn sếu vọng lại tiếng kêu như nhắc nhở, báo hiệu đông về. Và ở ngoài kia, những con sông đầy ắp phù sa nay đã gày mòn, ốm yếu. Thu lại tầm nhìn, chủ thể trữ tình phát hiện khoảng sân trước mắt "mây trắng về đông lắm". Bầu trời một màu ảm đạm, khoác lên mình sắc trắng của mây. Từ đây, không gian như được mở rộng, trở nên cao và xa. Đứng trước khung cảnh hiu hắt, u buồn, chủ thể trữ tình càng thêm khắc khoải nỗi suy tư "Em ở xa nhà, em có hay". Câu thơ đồng thời là lời thắc mắc, hoài nghi của "anh" với tự lòng mình và người "em" xa nhà.

Bức tranh thiên nhiên mùa đông tiếp tục được khơi gợi qua:

"Em có hình dung những mái tranh

Nắng lên khói ủ mộng yên lành

Vườn sau tre mía xôn xao lá"

Chủ thể trữ tình tiếp tục gợi nhắc cho "em" về hình ảnh thân quen của quê nhà. Đó là những mái nhà tranh đơn sơ đang hòa mình trong cái nắng hanh trời đông. Đó còn là ngọn khói nhẹ nhàng vấn vương, quấn quýt quanh căn nhà thân thương. Khung cảnh sau vườn cũng trở nên sôi động nhờ tiếng xôn xao như lời thì thầm của lá "tre mía xôn xao lá". Từ hình ảnh thú vị ấy, chủ thể trữ tình như muốn gửi gắm tới "em" tình cảm sâu nặng "Anh chẳng là cây cũng trĩu cành". Lắng nghe, ngắm nhìn cảnh vật quanh mình, "anh" vẫn cảm thấy trống trải, đơn điệu về tâm hồn. Bởi thế, đến với khổ thơ thứ ba, "anh" đã có lời mời gọi:

"Em có cùng anh lên núi không

Có nghe thầm thĩ tiếng rừng thông

Nắng chiều ngả bóng thông in đất

Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong"

Câu hỏi "Em có cùng anh lên núi không" không chỉ mang ý nghĩa mời mọc mà còn bộc lộ cảm xúc khát khao được ở gần người em xa nhà. Cảnh chiều tĩnh lặng, u hoài chất chứa bao tâm tư ở "anh". Bên rừng thông, tiếng thầm thì nhỏ nhẹ vọng về, không biết "em" có nghe thấy không. m thanh quen thuộc của quê hương càng làm "anh" thêm da diết nỗi nhớ em. Đứng trước không gian rộng lớn của núi rừng ấy, chủ thể trữ tình lại cảm thấy thật lẻ loi, cô đơn. Nếu như nắng nhẹ nhàng buông xuống, ngả bóng vào cây thông rồi in xuống mặt đất thì "anh" vẫn một mình đứng đó. Giờ đây, trong anh là bao ngổn ngang cùng nỗi nhớ thương "em" sâu sắc nhưng chẳng biết ngả vào đâu. Có thể thấy, nhà thơ đã vô cùng tinh tế khi mượn trạng thái ở sự vật để gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của chủ thể trữ tình.

Đông qua, xuân tới, một năm sẽ đến với bao chờ mong tha thiết:

"Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua

Một năm năm tới, lại năm qua

Mà sao nắng cứ như tơ ấy

Rung tự trời cao xuống ngõ xa"

Điệp từ "xuân sắp" như muốn nhấn mạnh, khẳng định giây phút chuyển mùa từ đông sang xuân sắp tới gần. Phải chăng, đây cũng là lúc "anh" và "em" sum họp bên nhau? Nhưng thời gian có vẻ trôi lững thững quá. Ngoài kia, nắng vàng vẫn nhẹ nhàng buông xuống nhân gian như từng sợi tơ.

Với lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cho người đọc thấy được những rung cảm trong tình yêu, trong sự giao hòa cùng đất trời. Bên cạnh đó, các biện pháp tu từ như so sánh "nắng đã vàng hanh như phấn bay", đảo ngữ "Vườn sau tre mía xôn xao lá" kết hợp cùng rất nhiều hình ảnh quen thuộc, gần gũi "nắng lên khói ủ", "mái tranh", "mây trắng", "nắng hanh" như tô đậm cảnh sắc bức tranh thiên nhiên mùa đông yên bình, êm ả.

Có thể thấy, khung cảnh thiên nhiên trong tiết trời mùa đông hiện lên thật chân thực qua bài thơ "Nắng đã hanh rồi". Từ đây, ta cũng cảm nhận được những tình cảm chân thành của nhà thơ trong tình yêu, trong cuộc sống gắn bó, hòa hợp với tự nhiên.

Mẫu 2

Lời giải chi tiết:

Trong nền văn học Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ viết về đề tài thiên nhiên vô cùng phong phú, một nhà thơ có hồn thơ trong sáng, giàu chất thơ có thể kể đến Vũ Quần Phương với bài thơ “Nắng đã hanh rồi” lấy trong tập "Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian" đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên trong mùa đông lạnh giá.

      Ngày từ đầu bài thơ, “Nắng đã hanh rồi” đó là sự chuyển biến của mùa trong năm, mọi khung cảnh đang chuyển mình, vào thời kì nắng hanh, điều đặc trưng chỉ có ở miền Bắc được tác giả phác họa lên cảnh sắc tươi đẹp:

"Nắng đã vàng hanh như phấn bay

Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày

Trước sân mây trắng về đông lắm"

      Ở khổ thơ này, tác giả đã cho thấy sự chuyển tiếp rõ ràng sang đông, đã không còn những ánh nắng của ngày hè chói chang, những phấn bay của đàn ong, cảnh sắc đặc biệt để mùa đông đến thật đẹp và bình yên. Tiếng kêu văng vẳng tiếng vọng của đàn sếu như báo hiệu tín hiệu đầu tiên của mùa đông sắp tới. Đâu đó con sông đang vơi dần đi những giọt nước, ốm yếu dần. Trước mắt tác giả đã hiện ra những mảng mới trước sân, “mây trắng về đông lắm”. Đông sang, bầu trời âm u hơn những đám mây trắng. Tất cả cảnh vật như được lấp đầy một màu đông sang, những cái nắng chói chang của mùa hè đã qua đi để lại những cảnh sắc thiên nhiên đó mà chuyển sang một mùa đông mới.

      Mùa đông trong không gian bầu trời âm u với làn mây trắng như vậy, khung cảnh như hiện lên màu sắc mới, riêng biệt mà chỉ mùa đông mới có, tác giả nhắc đến chủ thể trữ tình “em” độc đáo trong bài thơ:

"Em có hình dung những mái tranh

Nắng lên khói ủ mộng yên lành

Vườn sau tre mía xôn xao lá"

      Nhân vật trữ tình “em” được tác giả khắc họa vô cùng độc đáo, thân quen của quê nhà, những mái nhà đơn sơ trong cái nắng hanh khi đông vừa về, tất cả đã hòa mình vào mùa đông. Tác giả sử dụng ngọn khói rất đỗi thân thương và tràn đầy bình yên của quê hương, những làn gió vấn vương, trải quanh căn nhà thân thương và tràn đầy ấm áp. Đâu đó, khu vườn với khung cảnh xôn xao của lá tre tạo nên âm thanh tràn đầy màu sắc thu hút chủ thể trữ tình.

      Tình cảm của anh dành cho nhân vật trữ tình “em” được tác giả nói lên trong khổ thơ này:

"Em có cùng anh lên núi không

Có nghe thầm thì tiếng rừng thông

Nắng chiều ngả bóng thông in đất

Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong"

      Khổ thơ này, tác giả đã dùng hình ảnh anh - em song song để biểu thị ý nghĩa về mặt trời mọc mà còn để bộc lộ những cảm xúc khát khao, mong muốn được ở cạnh người em khi xa nhà. Trong rừng, tiếng thì thầm của cây thông nhỏ nhẹ ùa về, liệu em có nghe thấy những tiếng thì thầm đó và nhớ đến anh trong buổi chiều âm u và đầy tâm tư nơi anh. Đó là nỗi nhớ của anh dành cho em, với không gian rộng lớn như vậy, nhân vật trữ tình lại cảm thấy trống vắng, lẻ loi. Ánh nắng chiều tà ngả bóng hàng thông, bao nhớ nhung ùa về mà chỉ anh còn đứng một mình nơi đây đợi em, đợi người em yêu thương của anh. Nhà thơ đã gửi gắm biết bao tâm tư, tình tế khi mượn trạng thái của những sự vật xung quanh đầy thân thuộc và gần gũi với con người.

      Thế rồi mùa đông sắp qua đi, xuân lại đến với bao hi vọng, niềm vui mới:

"Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua

Một năm năm tới, lại năm qua

Mà sao nắng cứ như tơ ấy

Rung tự trời cao xuống ngõ xa"

      Đông qua, xuân đến, tác giả lại miêu tả thời khắc chuyển giao của mùa xuân, điệp từ “xuân sắp” có thể đây là thời điểm thích hợp để sum vầy, để anh em ta được ở bên nhau sau những ngày tháng xa cách. Có lẽ thời gian đã trôi quá chậm để đến thời điểm giao khắc đó. Ánh nắng ngoài kia vẫn đong đầy, nhẹ nhàng buông xuống từ trời cao đầy suy tư của nhân vật trữ tình.

      Những lời thơ chan chứa cảm xúc ấm áp đã lay động trái tim bao độc giả yêu thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã khắc họa những khung bậc và rung cảm trong tình yêu đầy chan chứa. Ngoài ra, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật độc đáo, những lời thơ đầy tính truyền cảm kết hợp với hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, “mây trắng”, “nắng hanh” tạo nên một tổng thể thẩm mĩ đầy tinh tế và sáng tạo. Từ đó, ta cảm nhận được ở tác giả Vũ Quần Phương tình yêu quê hương, tình cảm chân thành trong tình yêu và gắn bó với cuộc sống hòa hợp vào thiên nhiên.

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved