Admin FQA
30/12/2022, 13:16
Đề bài : Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"
Dàn ý
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông là nhà văn có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể loại bút ký và tùy bút. Một trong những bút ký khá thành công của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông?. Trong tùy bút này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông Hương, vẻ đẹp kinh thành Huế dưới nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử đến văn hóa và tâm hồn người Huế.
- Giới thiệu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?
2. Thân bài
a) Vẻ đẹp của dòng sông Hương nhìn từ cảnh sắc thiên nhiên:
Với một tâm hồn nghệ sĩ giàu xúc cảm, giàu tưởng tượng, với một tình cảm thiết tha, gắn bó và tự hào về Huế; với một vốn ngôn từ phong phú cùng óc quan sát tinh tế và đầy sáng tạo... nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện và diễn tả sinh động vẻ đẹp đầy chất thơ của dòng sông Hương, vẻ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên của dòng sông Hương được tác giả mô tả bằng nhiều cảm nhận khác nhau:
- Khi đi qua giữa lòng Trường Sơn, sông Hương có vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại" như một cô gái Di-gan, là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn...
- Khi ra khỏi rừng: sông Hương nhanh chóng mang một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
- Khi chảy về phía lầy nam thành phố Huế: sông Hương có vẻ đẹp biến ảo như phản quang nhiều màu sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím".
- Khi lặng lẽ chảy dưới chân những dòng sông u tịch với những lăng mộ âm u và kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn thì sông Hương có vẻ đẹp “trầm mặc như triết lí cổ hủ”.
- Khi đi qua trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ: sông Hương có vẻ đẹp mang màu sắc triết lí.
- Khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long thì sông Hương có vẻ đẹp “vui tươi”.
- Khi chảy qua thành phố Huế: sông Hương có vẻ đẹp nên thơ, trữ tình dịu dàng, mềm mại như một dải lụa: “Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rút nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu ”.
- Khi rời khỏi kinh thành Huế: sông Hương có vẻ đẹp mơ màng, hư ảo khi nó đi qua những nương dâu, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ: "Rời khỏi kinh thành Huế, sông Hương chếch về phía chính Bắc, ôm lấy đảo cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Điều đặc biệt của sông Hương là sự đổi dòng đột ngột trước khi xa thành phố như lưu luyến bịn rịn trước lúc chia tay và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”. Tác giả đã cảm nhận khúc ngoặt này của dòng sông Hương một cách rất độc đáo “tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, củ một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tự tình, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng cửa nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả". Cách cảm nhận này của nhà văn đã làm cho con sông Hương không những đẹp mà còn trữ tình hơn.
b) Vẻ đẹp của sông Hương nhìn từ góc độ văn hóa:
- Sông Hương không những đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà sông Hương còn có vẻ đẹp về góc độ văn hóa. Tác giả gắn sông hương với âm nhạc cổ điển Huế: sông Hương, ấy là “một người tài tử đánh đàn lúc đêm khuya”, là một dòng sông thi ca mà những nhà thơ đều có cảm nhận. Đổ làm rõ điều này, tác giả đã liên tưởng và đưa ra một số cách cảm nhận riêng về dòng sông Hương của một số nhà thơ như tác giả đã liên tưởng đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, Cao Bá Quát lại có cách cảm nhận riêng của mình, là vẻ đẹp hùng tráng của dòng sông Hương "như kiếm dựng trời xanh”; Bà Huyện Thanh Quan thì cảm nhận dòng sông Hương bằng mối “quan hoài vạn cổ”, với bóng chiều bảng lảng, và là dòng sông Hương lại đột khởi hành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thật là Kiều.
c) Vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn lịch sử:
- Từ góc nhìn lịch sử, sông Hương không còn là cô gái “Di – gan man dại”, không còn là “người đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa” mà trở thành chứng nhân của những biến thiên lịch sử. Nhà văn ví sông Hương như “sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc” -> Sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình. Sông Hương là một bản anh hùng ca, đồng thời giữa đời thường sông Hương là một bản tình ca “Còn non, còn nước, còn dài – Còn về, còn nhớ…”.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhìn thấy từ dòng sông những dấu tích lịch sử; từng nhánh rẽ của dòng sông, đến “những cây đa, cây cừa cổ thụ” cũng hàm ẩn một phần lịch sử:
+ Nhà văn đã ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của dòng sông Hương trong lịch sử dân tộc. Từ thời đại các Vua Hùng, sông Hương là “dòng sông biên thùy xa xôi”. Trong những thế kỉ trung đại, với tên gọi Linh Giang, nó đã “oanh liệt bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt”. Sông Hương gắn liền với những chiến công Nguyễn Huệ. Sông Hương đẫm máu những cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX. Sông Hương gắn liền với cuộc Cách mạng tháng 8 với những chiến công rung chuyển. Và sông Hương cùng những di sản văn hóa Huế oằn mình dưới sự tàn phá của bom Mỹ… -> Chất trữ tình của tùy bút giảm đi, nhường chỗ cho chất phóng sự với những sự kiện lịch sử cụ thể.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
Có ai về xứ Huế mộng mơ mà không một lần ngắm nhìn dòng sông Hương huyền diệu. Con sông đã làm nên nét đặc trưng của xứ Huế. Bởi vậy mà, nó đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật trong đó có văn chương. Và một trong những tác phẩm nổi tiếng về sông Hương chính là tùy bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nổi bật của tác phẩm này là hình tượng sông Hương đẹp, đầy màu sắc.
Trước hết, sông Hương là "bản trường ca của rừng già". Sông Hương gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Con sông toát lên vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt vừa hùng tráng trữ tình như bản trường ca bất tận của thiên nhiên: "rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Câu văn dài gợi dậy cái dư vang của trường ca. "Sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Digan phóng khoáng man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng". Đây là một liên tưởng thú vị độc đáo. Bằng việc ví sông Hương với cô gái Digan, tác giả đã khắc sâu vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh mẽ. Sông Hương hiện lên như một con người có cá tính, có tâm hồn với vẻ đẹp hoang dại đầy tình tứ. Khi ra khỏi rừng, "sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Cách gọi này giúp người đọc có thêm một cách nhìn, một sự hiểu biết về vẻ đẹp hùng vĩ đầy chất thơ. Sông Hương còn là một đấng sáng tạo. Nó đã tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng xứ sở.
Vào giữa lòng thành phố, sông Hương "vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc". "Sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình". Sông Hương phẳng lặng đã khiến cho cảnh vật phố Huế trở nên mộng mị, ảo diệu, nhẹ nhàng. Sông Hương như "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế". Sông Hương như một giai điệu chậm rãi khiến cho mọi cảnh vật, mọi thứ xô bồ như một phút lặng. Sông Hương còn được ví với "tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Tác giả đã gợi đến một nét đẹp văn hóa của Huế gắn với dòng sông thơ mộng: nhã nhạc cung đình Huế. Nhã nhạc phải được biểu diễn trên sông vào đêm khuya mới cảm nhận hết được vẻ đẹp âm nhạc và màu săc văn hóa đặc trưng ở nơi đây.
Khi rời khỏi thành phố, sông Hương như một "người tình thủy chung". Khúc ngoặt về hướng Đông của dòng sông trong con mắt của người nghệ sĩ là biểu hiện của nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo. Nhà văn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở lại gặp Kim Trọng để nói lời thề trước khi đi xa.
Dòng sông Hương là dòng sông của lịch sử, của thi ca. Trong lịch sử, sông Hương mang vẻ đẹp của một bản anh hùng ca, ghi dấu bao chiến công oanh liệt của dân tộc. Từ dòng sông biên thùy của các vua Hùng, đến bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt thời trung đại. Thế kỉ mười tám nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bị tráng của thế kỉ mười chín với máu của các cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám của những chiến công rung chuyển. Không chỉ lịch sử mà còn là thi ca. Dòng sông không bao giờ tự lặp lại mình. Nó luôn mang vẻ đẹp mới. Nó có khả năng khơi nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn nghệ sĩ. Một cảm hứng vô tận, nhiều sắc màu.
Hình tượng sông Hương hiện lên trong tác phẩm càng khiến cho bạn đọc yêu thêm dòng sông và muốn được đến thăm thú, nhìn ngắm vẻ đẹp của dòng sông. Đó chính là thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nguồn: Sưu tầm
Xem bài văn tham khảo tại đây:
Bài tham khảo số 2
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved