logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Tập làm văn - Kể chuyện trang 88

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Chọn viết theo một trong các đề bài gợi ý sau :

Đề 1

Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tấm lòng nhân hậu.

Phương pháp giải:

Dàn bài tham khảo:

A. Mở bài: Giới thiệu về người có tấm lòng nhân hậu

B. Thân bài: Kể lại câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của người đó.

C. Kết bài: Suy nghĩ của em về người và câu chuyện vừa kể

Lời giải chi tiết:

     Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng Cụ tổ bên ngoại của Trừng", người họ Phạm, húy là Bân, có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh để phụng sự Trần Anh Vương.

     Ngài thường đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ lúa gạo. Gặp kẻ tật bệnh cơ khổ, ngài cho ở nhà mình cấp cơm cháo, chữa trị. Dầu bệnh có dầm dề máu mủ, ngài cũng không hề né tránh. Bệnh nhân tới chữa đến khi khỏe mạnh rồi đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng người. 

     Bỗng liền năm đói kém, dịch bệnh nổi lên, ngài dựng thêm nhà cho những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở, cứu sống hơn ngàn người. Ngài được người đương thời trọng vọng.

     Một lần có người gõ cửa, mời gấp:

     - Nhà có người đàn bà, bỗng nhiên nguy kịch, máu chảy như xối, mặt mày xanh lét.

     Nghe vậy, ngài theo người đó đi ngay. Nhưng ra tới cửa thì gặp sứ giả do vương sai tới, bảo rằng:

     - Trong cung có bậc quý nhân bị sốt, vương triệu đến khám.

     Ngài nói:

     - Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống của người nhà người này chỉ ở trong khoảnh khắc. Tôi hãy cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ.

     Quan Trung sứ tức giận nói:

     - Phận làm tôi sao được như vậy? Ông định cứu mạng người ta mà không cứu mạng mình chăng?

     Ngài đáp:

     - Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát. Tội tôi xin chịu.

     Nói rồi đi cứu người kia. Họ quả được cứu sống. Lát sau ngài đến yết kiến, vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày tỏ lòng thành của mình. Vương mừng nói:

     - Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ của ta thật xứng với lòng ta mong mỏi.

     Về sau, con cháu của ngài làm quan lương y đến hàm ngũ phẩm, tứ phẩm có tới hai ba vị. Người đời đều khen ngợi họ không để sa sút nghiệp nhà.

     Hồ Nguyên Trừng (Nam ông mộng lục lưu Đàm - La Sơn soạn dịch, chú giải, Nguyên Dãng Na giới thiệu, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1999). Chú thích: Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) con trưởng của Hồ Quý Ly, là quan dưới triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đem về Trung Quốc. Nhờ có tài chế tạo vũ khí, ông được làm quan trong triều nhà Minh tới chức Thượng thư (tương đương với chức Bộ trưởng ngày nay). Ông qua đời trên đất Trung Quốc. Nam Ông mộng lục là tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng viết trong thời gian ở đây.

(1) Trừng: tức Hồ Nguyên Trừng.

(2) Húy: ở đây là tên của người đã chết, thường kiêng không nói đến.

(3) Gia truyền: truyền từ đời này sang đời khác trong phạm vi gia đình.

(4) Thái y lệnh: chức quan trông coi việc chữa bệnh trong cung vua.

(5) Phụng sự: phục vụ hết lòng. 

16) Trần Anh Vương tức Trần Anh Tông, làm vua từ năm 1293 đến năm 1314

(Vương: vua; tức cao nhất trong triều đình ngày xưa).

17) Cơ khổ: đói khổ (cơ: đói). 

(8) Trọng vọng: hết sức coi trọng và ngưỡng mộ.

(9) Quý nhân: ở đây có nghĩa là người ở bậc cao sang và được tôn kính.

(10) Vương phủ: nơi ở và làm việc của các bậc vua chúa, quý tộc phong kiến xưa.

(11) Trung sứ: một chức quan phục vụ công việc của triều đình.

(12) Tiểu thần: người bề tôi ở bậc nhỏ, thấp, nói theo kiểu nhún nhường.

(13) Chúa thượng: từ dùng để gọi vua chúa một cách tôn kính thời phong kiến.

(14) Yết kiến: ra mắt người bề trên.

(15) Lương y: thầy thuốc giỏi.

(16) Con đỏ: dịch nghĩa hai từ xích tử mà ngày xưa vua chúa dùng để chỉ những người dân thường.

(17) Ngũ phẩm: phẩm hàm bậc năm. Tứ phẩm: phẩm hàm bậc bốn (phẩm: một hình thức chỉ cấp bậc của quan lại ở thời phong kiến. Có chín bậc phẩm hàm. Cao nhất là nhất phẩm - phẩm hàm bậc nhất. Thấp nhất là cửu phẩm - phẩm hàm bậc chín. Trong mỗi phẩm lại có hai loại: chính, tòng.)

Đề 2

Kể lại câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca bằng lời của cậu bé An-đrây-ca.

Phương pháp giải:

A. Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện

B. Thân bài: Kể lại câu chuyện theo lời kể của An-đrây-ca.

C. Kết bài: Kể kết cục của câu chuyện.

Lời giải chi tiết:

     Ông tôi đã yên nghỉ lâu rồi nhưng tôi thì cứ nhớ mãi, nhớ về hình ảnh của ông từ những ngày nào. Và có lẽ, nhớ nhất trong tôi là những ngày cuối đời của ông, ngày ấy đã để lại trong lòng tôi một nỗi dằn vặt ray rứt không nguôi. 

     Hồi ấy, tôi sống với mẹ và ông. Năm tôi lên chín thì ông tôi đã chín mươi sáu tuổi.

     Một buổi chiều nọ, ông tôi rất yếu. Ông nói với mẹ tôi:

     - Bố khó thở lắm!

     Nghe ông nói vậy, mẹ sai tôi đi mua thuốc, còn mẹ ở nhà canh chừng ông. Tôi vội chạy đi ngay nhưng dọc đường gặp mấy đứa bạn ở xóm chơi đá bóng rủ tôi nhập cuộc. Tôi thích quá nên quên hẳn lời mẹ dặn. Những pha bóng quyết liệt đã làm tôi không nhớ đến người ông đang bị bệnh. Chơi bóng một lúc, tôi chợt nhớ đến việc đi mua thuốc cho ông nên liền chạy đến cửa hàng mua thuốc, sau đó tôi chạy một mạch về nhà. Bước vào phòng ông nằm, tôi hoảng hốt thấy mẹ khóc nấc lên. Thì ra ông tôi đã tắt thở. Tôi nghẹn ngào nhìn ông rồi òa lên khóc. Tôi kể lại sự vô tâm của mình cho mẹ nghe. Mẹ an ủi tôi:

     - Không, con không có lỗi, chẳng thuốc nào cứu ông được. Ông đã ngừng thở từ khi con ra khỏi nhà.

     Nghe mẹ nói thế nhưng tôi luôn dằn vặt trong lòng. Chỉ vì tôi ham mê bóng đá, mua thuốc về chậm nên ông mất. Cả đêm đó, tôi ngồi khóc rấm rức dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi bây giờ, tôi đã lớn khôn và vẫn luôn tự trách mình:

     - Giá như tôi đừng ham chơi, mua thuốc về kịp thì ông tôi còn sống thêm được ít năm nữa.

     Dù dằn vặt và nghiêm khắc với lỗi lầm của bản thân mình thì ông tôi cũng không còn sống nữa. Tôi đã rút ra bài học đầu đời thật cay đắng.

Đề 3

Kể lại câu chuyện "Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi bằng lời của một chủ tàu người Pháp hoặc người Hoa.

Phương pháp giải:

- Nội dung: kể lại câu chuyện "Vua tàu thuỷ" Bạch Thái Bưởi.

- Yêu cầu: Kể bằng lời kể của một chủ tàu người Pháp hoặc người Hoa.

Lời giải chi tiết:

     Tôi là một chủ tàu người Pháp và đã từng có mệnh danh là “Vua tàu thủy" nhưng tôi đã nhường mệnh danh ấy cho một bậc “anh hùng kinh tế" cùng thời. Bậc anh hùng đó là Bạch Thái Bưởi - một con người giàu ý chí và nghị lực. Phẩm chất này đã tôn anh lên ngôi vua mà tôi đã ngưỡng mộ - “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi.

     Anh mồ côi cha từ bé, phải theo mẹ quẩy gánh hàng rong. Nhờ khôi ngô tuấn tú nên đã được nhà họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học.

     Năm 21 tuổi, Bạch Thái Bưởi làm thư kí cho một hãng buôn. Sau một thời gian ngắn, anh đứng ra kinh doanh độc lập. Anh mở tiệm buôn gỗ, buôn ngô, mở tiệm cầm đồ, lập nhà in, khai thác mỏ... Có lúc anh mất trắng tay, sản nghiệp không còn nhưng anh không nản chí. Anh tiếp tục làm lại. gây dựng lại cơ nghiệp của mình.

     Bạch Thái Bưởi mở công ty vận tải đường thủy vào lúc những con tàu của người Hoa đã độc chiếm các đường sông miền Bắc.

     Thấy vậy, tôi thầm nghĩ:

     - Anh ta chỉ sống được non tháng thôi. Khách đâu mà chở ?

     Nhưng tôi đã nhầm. Bạch Thái Bưởi cho người đến các bến tàu diễn thuyết. Trên mỗi chiếc tàu, anh đều dán dòng chữ “Người ta thì đi tàu ta”. Anh còn treo một cái ống để khách nào đồng tình với anh thì vui lòng bỏ ống tiếp sức cho chủ tàu. Lúc ấy, tôi đã hình dung sự thất bại của mình. Đúng như dự đoán, khách đi tàu tôi mỗi ngày một ít. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của khách đi tàu đã ủng hộ anh. Khách đi tàu của anh mỗi ngày một đông. Tiền đồng, tiền hào, tiền xu của khách đã tiếp sức ủng hộ anh. Còn tôi thì bị thua lỗ. Cuối cùng tôi phải bán tàu lại cho anh ấy. Anh đã phát triển thịnh vượng hơn. Anh có đến ba mươi chiếc tàu lớn nhỏ, mỗi chiếc tàu đều mang những cái tên lịch sử như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị,... Anh còn mua nhiều xưởng sửa chữa tàu, mỗi xưởng đều có kĩ sư giỏi trông nom.

     Với ý chí vươn lên, Bạch Thái Bưởi nhanh chóng trở thành bậc anh hùng kinh tế. Anh như một vị vua trong giới doanh nhân phục vụ đường biển.

     Tôi thật khâm phục ý chí, nghị lực và cách làm việc của anh.

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved