09/11/2023
Làm sao để có câu trả lời hay nhất?
09/11/2023
09/11/2023
28/11/2024
Trong nguồn mạch rộn ràng của phong trào "Thơ mới", không thoát lên tiên như Thế Lữ, không điên cuồng như Hàn Mặc Tử, không say đắm như Xuân Diệu,... Lưu Trọng Lư lặng lẽ tìm về quá khứ, cảm nhận những điều sâu lắng trong tâm hồn. Bài thơ "Nắng mới" mang dư vị man mắc, thấm đượm nghĩa tình về hình ảnh người mẹ.
Bài thơ trải dài theo mạch cảm xúc đan xen giữa quá khứ và hiện tại về người mẹ thân yêu của nhà thơ. Trong tiếng gà trưa xao xác, nắng mang bao kỉ niệm xưa chợt ùa về bên song cửa , mang một nỗi buồn man mác, thiết tha:
"Mỗi lần nắng mới hắt lên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không".
"Nắng mới" về mà nặng trĩu một nỗi buồn qua hai từ láy gợi nhiều hơn tả: “xao xác”, “não nùng”. Lời thơ giản dị, tự nhiên không chút cầu kỳ nhưng có sức lay động vào trong tiềm thức nhà thơ. Kỉ niệm xưa ùa về, khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa. Cái "mới" đã mờ dần nhường chỗ cho cái "cũ", “những ngày không” liệu rằng có phải những ngày trẻ thơ hồn nhiên vô tư của tác giả, liệu rằng có phải quá khứ ấy đã cháy lên trong lòng nhà thơ nỗi nhớ mẹ khôi nguôi.
Mạch thơ đi rất xa về quá khứ, về tận "thuở thiếu thời" với mẹ:
"Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi".
Người mẹ ấy hiện lên với hỉnh ảnh mẹ đón nắng để phơi áo trước giậu, người mẹ chưa hiện lên trực tiếp mà chỉ thấp thoáng sau màu áo đỏ. Đó có lẽ cùng là hình ảnh đẹp đẽ nhất, trìu mến thương yêu nhất mà nhà thơ còn lưu giữ, khắc sâu trong tâm trí. Niềm thương nhớ chỉ chực dâng trào, mẹ không còn nữa, chỉ còn chút kỷ niệm nhạt nhòa đọng lại trong tâm hồn non nớt, ngây thơ của đứa trẻ lên mười.
"Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa".
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh”, như một nốt nhạc ngân vang cuối bản đàn mãi không dứt. Không phải là “nụ cười” mà là “nét cười” vì cái cười ấy rất nhanh, rất nhẹ, rất kín đáo, dường như chỉ lượt qua trên khuôn mặt chứ chưa kịp đọng lại thành một nụ cười. Nhưng cũng vì thế mà nó trở lên duyên dáng như:
"Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng".
Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết: “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười”. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc, đó là hình ảnh của những người mẹ Việt Nam giàu lòng yêu thương, chịu thương chịu khó.
"Nắng mới" cũng thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn của nhà thơ, đó là lòng yêu thương, biết ơn sâu sắc với đấng sinh thành, khơi gợi bao cảm xúc trong lòng độc giả yêu thơ: “Thơ Lưu Trọng Lư không phải là một bài thơ, nghĩa là không phải là một công trình nghệ thuật mà là tiếng lòng thổn thức hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”.
09/11/2023
Nếu có ai hỏi tôi, tình cảm nào là thiêng liêng nhất trên cuộc đời này?, tôi sẽ không chần chừ mà trả lời ngay lập tức, đó là tình mẫu tử. Bởi vì mẹ chính là người sinh ra chúng ta, yêu thương chăm sóc chúng ta vô điều kiện và mong muốn những gì tốt nhất sẽ đến với chúng ta. Có lẽ bởi vì thế, mẹ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thơ ca. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được biết đến một bài thơ viết về mẹ có tên là Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư, trích từ tập Tiếng thu. Hồi bé tôi có thể đọc vanh vách bài thơ, nhưng chưa hiểu rõ ngôn từ, khi lớn lên, hiểu được bài thơ, khiến tôi càng yêu thích nó nhiều hơn. Hình ảnh người mẹ trong bài thơ Nắng mới đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, một người mẹ thật đẹp, đại diện cho vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Sau khi tác giả thả trôi tâm hồn mình về với miền kí ức xưa cũ, bức tranh thiên nhiên nơi làng quê yên bình vào độ “nắng mới”, đã hiện lên thật rõ nét và sinh động trước mắt người đọc. Trong khung cảnh yên bình đó, có người mẹ thân thương của tác giả Lưu Trọng Lư xuất hiện, người mẹ mà tác giả chỉ có thể gặp lại trong kỉ niệm. Hình ảnh mẹ thật dịu dàng, hiền từ và luôn ân cần chăm chút, lo lắng cho con cái. Mỗi khi xuân về, nắng mới lên để xua tan cái lạnh và ẩm ướt của mùa đông, mẹ trong chiếc “áo đỏ” lại mang đồ ra phơi, để cho quần áo thơm mùi nắng mới, cho con mặc vào dễ chịu. Cái nắng mới lúc đó trong tâm trí nhà thơ “reo ngoài nội”, có lẽ bởi vì còn có mẹ, nên nắng mới cũng như tâm trạng của con đều vui mừng khôn xiết. Mẹ đã xuất hiện thấp thoáng trong kí ức của con với sự ân cần chăm lo cho con từng cái áo, cái quần như vậy. Rồi mẹ hiện ra trong kí ức con thật dịu dàng và hiền từ làm sao khi có “nét cười đen nhánh sau tay áo”. Đây có lẽ là điều khiến tác giả nhớ sâu đậm nhất về dáng vẻ của mẹ. Nét cười không phải là nụ cười, có thể khiến người ta nhìn thấy rõ, mà ở đây là khuôn miệng cười mỉm thoáng qua. Chỉ với một chi tiết miêu tả mẹ như vậy, chắc chắn nhiều người đọc, trong đó có tôi sẽ cảm nhận được mẹ chính là một người phụ nữ truyền thống của Việt Nam, hiền dịu, kín đáo và nhẹ nhàng.
Chỉ với vài chi tiết đơn giản như nắng mới, chiếc áo đỏ và nét cười đen nhánh, hình ảnh người mẹ trong bài thơ Nắng mới đã được tác giả Lưu Trọng Lư khắc họa lên thật đẹp trước mắt người đọc. Đó là một người mẹ hiền dịu và luôn ân cần, chu đáo chăm sóc gia đình. Là hình ảnh quen thuộc và đáng quý của người phụ nữ Việt Nam biết bao đời nay.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved