logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Bình giảng đoạn thơ : Thưa rằng ....phi anh hùng.

Admin FQA

30/12/2022, 13:18


“Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga"

Con này tì tất tên là Kim Liên.

Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế  ấy cũng phi anh hùng.”   

Nếu đọc “Truyện Kiều”, người đọc vô cùng sảng khoái với hành động khuấy nước chọc trời của Từ Hải thì đọc “Lục Vân Tiên" người đọc lại vô cùng hả hê với hành động đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga của Lục Vân Tiên. Một anh học trò trên đường đi thi, “giữa đường gặp sự bất bằng”, “bẻ cây làm gậy" đánh tan bọn cướp cứu người lương thiện. Để cho cái thiện toàn thắng là một cách nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu biểu dương sức mạnh của chính nghĩa, của vị nghĩa.

Khi “ tả đột hữu xông" đánh cướp, Lục Vân Tiên chỉ biết cứu dân, dẹp bọn “ hồ đồ hại dân", hành động anh hùng của Vân Tiên thật là trọn vẹn (nếu Vân Tiên biết mình đánh để cứu người đẹp, thì lòng dũng cảm của người anh hùng bị hoài nghi). Nhưng gieo cái gì thì gặt cái đó. Sau khi “dẹp rồi lũ kiến chồm ong”, người được chàng cứu nạn lại là một giai nhân.

Đoạn thơ dưới đây, nhà thơ kể lại cuộc hội ngộ buổi đầu giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, anh hùng và giai nhân:

"... Thưa rằng: tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con này tì tất tên là Kim Liên.

…..

Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Trước đoạn đối thoại này là thái độ ngạc nhiên của Lục Vân Tiên khi nhìn thấy trong xe hai tiểu thư đẹp như mộng. Chàng hỏi:

“Tiểu thư con gái nhà ai,

Đi đâu đến nỗi mang tai bất kì.

Chẳng hay tên họ là chi,

Khuê môn phận gái việc gì đến đây?

Trước sau chưa hãn dạ này,

Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra ?”

Nguyệt Nga trả lời ngay vào điều mà Vân Tiên cần biết ấy là tên tuổi của nàng: "... Thưa rằng: tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con này tì tất tên là Kim Liên."

Lời thưa của tiểu thư lễ độ, tỏ ra là con nhà gia giáo. Nàng chọn đại từ "tôi" trung hòa về tình cảm, lịch thiệp mà không suồng sã. Lời lẽ của nàng chân thật:

"Quê nhà ở quận Tây Xuyên,

Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê. ”

Thì ra tiểu thư là con của một viên quan tri phủ. Tất nhiên là qua lời kể. Lục Vân Tiên mới hay. (Nếu Lục Vân Tiên biết trước là cứu con quan thì người ta cũng dễ nghi lòng dũng cảm của người anh hùng. Người ta có thể luận rằng vì cứu con quan nên anh chàng mới đánh hăng như vậy...)

Có một chi tiết rất khó nói, vậy mà Kiều Nguyệt Nga lại nói trôi chảy và tự nhiên:

"Sai quan đem bức thư về,

Rước tôi qua đó định bề nghi gia. "

Nói ra lời đó, chứng tỏ nàng là một người chân thật. Lời thành thật của nàng gây ra mội chút kịch tính trong buổi đàm thoại. Anh học trò Vân Tiên làm sao khỏi bị “sốc" trước sự “định bề nghi gia" của người cha như vậy. Kịch tính càng tăng lên thêm khi tiểu thư càng thành thật:

'"Làm con đâu dám cãi cha,”

Trái tim người anh hùng cảm thấy êm ái là khi nghe Kiều Nguyệt Nga "bình công" xứng đáng cử chỉ dũng cảm của chàng:

"Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi."

Vân Tiên chưa kịp đáp thì Kiều Nguyệt Nga tiếp lời, tìm cách đền ân cho chàng:

“Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Chút tôi liễu yếu đào tơ,

Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần.

Hà Khê qua đó cũng gần

 Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng."

Từ cách xưng hô nhún nhường (tiện thiếp) cho đến cử chỉ “lạy" rất thành kính chứng tỏ Kiều Nguyệt Nga hết sức thấm thía với cử chỉ nghĩa hiệp của Vân Tiên. Lời mời mọc của nàng cũng khéo léo:

"Gặp đây đương lúc giữa đàng, của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không?”

Trong lời phân bua của Nguyệt Nga, cái gì cũng không "của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không", vậy mà có, có cái còn quí hơn của tiền, bạc vàng là tấm lòng thành của kẻ chịu ơn, là cái tình của nhi nữ.

Lục Vân Tiên nghe Kiều Nguyệt Nga giãi bày hẳn là mát lòng, mát dạ, nhưng với tư cách là một anh học trò, bụng đầy chữ của thánh hiền thì từng lời của Nguyệt Nga có chỗ không tránh khỏi nữ nhi thường tình:

“Vân Tiên nghe nói liền cười,

Làm ơn há để cùng người trả ơn.''

Nụ cười của Vân Tiên là nụ cười của một người anh hùng, hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi. Lời nói "làm ơn há để trông người trả  ơn" cũng chân thành. Hành động đánh cướp cứu dân của Vân Tiên là hành động cao cả, thể hiện lý tưởng của người anh hùng:

"Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng."

Người Nam Bộ thích Lục Vân Tiên chính là lý tưởng vì nghĩa này.

Đây là một đoạn truyện hay trong “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Bằng lối kể chuyện nôm na mà chân thật, tác giả đã dựng lên cuộc gặp gỡ sinh động giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, anh hùng và giai nhân. Lòng biết ơn chân thành của Kiều Nguyệt Nga và thái độ vì nghĩa của Lục Vân Tiên tạo ra sức hấp dẫn của đoạn thơ. Người đọc “'Lục Vân Tiên", nếu còn một chút gì để nhớ thì chính là ở cái triết lý này đây:

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng."

Nguyễn Đức Quyền.

 Trích:

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Giới thiệu truyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên”.
Phân tích nét nổi bật của tính cách nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu Nói đến Nguyễn Đình Chiểu không những là nói đến một nhà thơ yêu nước tiêu biểu nhất của thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX mà ông còn được nhân dân biết đến như một nhà thơ lớn, ca ngợi đạo lí làm người, đề cao tiết hạnh của người phụ nữ, ca ngợi lòng trung hiếu và hành động vị nghĩa của nam giới mà tác phẩm Lục Vân Tiên là một minh chứng hùng hồn.
Tính cách hiệp nghĩa của Lục Vân Tiên Lục Vân Tiên là con người nghĩa hiệp mà hành động một mình với chiếc gậy thô sơ, đã đánh tan bọn cướp Phong Lai là một minh chứng. Hình ảnh Lục Vân Tiên sống mãi trong lòng người dân Việt Nam qua các thế hệ như một tấm gương về tính cách nghĩa hiệp của chàng.
Cảm nhận về nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Được khắc họa qua mô típ ở truyện Nôm truyền thống: một chàng trai học giỏi, cứu một cô gái thoát khỏi hiểm nghèo, từ ân nghĩa đến tình yêu. Lục Vân Tiên thuộc nhân vật lí tưởng. Gặp tình huống bất bình này là một thử thách đầu tiên, cũng là một cơ hội để chàng hành động.
Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga Trích Truyện Lục Vân Tiên - Nguỵễn Đình Chiểu. Những chữ quân tử tạm ngồi đối lập với tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa, chút tôi... không chỉ nói lên thái độ mang ơn, chịu ơn mà còn bộc lộ rõ nét sự thùy mị, nết na của người con gái trước ân nghĩa là một đấng tu mi nam tử. Nhưng cao đẹp nhất là phẩm chất ân tình được bộc lộ sâu sắc trong nguyện vọng và cách trả ơn của Kiều Nguyệt Nga.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved