Admin FQA
24/07/2023, 16:41
1. Nội dung câu hỏi
Hãy thu thập và giới thiệu một số thông tin về hoạt động của Việt Nam ở Liên hợp quốc.
2. Phương pháp giải
Vận dụng các kiến thức đã học về Liên hợp quốc, tìm hiểu qua sách, báo, internet,...
3. Lời giải chi tiết
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Trong 45 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (LHQ), từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trở thành đối tác có trách nhiệm, tham gia gánh vác nhiều trọng trách, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho LHQ, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, thực hiện hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Sự phát triển của quan hệ Việt Nam và Liên hợp quốc có thể tạm chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn từ 1977-1991:
+ Do chịu tác động của Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc còn ở mức hạn chế.
+ Về chính trị: vai trò và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc bị hạn chế do bối cảnh Chiến tranh lạnh.
+ Về kinh tế: tranh thủ được các nguồn lực từ viện trợ trực tiếp không hoàn lại của hệ thống phát triển của Liên hợp quốc, giúp Việt Nam khắc phục những khó khăn kinh tế–xã hội, hậu quả chiến tranh, thiên tai, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, tạo điều kiện cho ta nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học–kỹ thuật, góp phần phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển.
- Giai đoạn từ 1991 đến nay:
+ Việt Nam tham gia tích cực và chủ động hơn trên nhiều lĩnh vực liên quan đến hoà bình an ninh, giải trừ quân bị cũng như phát triển kinh tế xã hội, dân số và bảo vệ môi trường.
+ Sự tham gia đóng góp và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc được từng bước cải thiện và nâng cao cả về chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đang phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước.
+ Lần đầu tiên tham gia vào một số chức vụ và ứng cử vào một số cơ quan của Liên hợp quốc: Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, 2000 và 2003, là thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1997-2000), Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Nông Lương khoá 33, thành viên Uỷ ban Nhân quyền (2001-2003), Hội đồng Chấp hành Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số LHQ (2000-2002), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (1991-1993, 1997-1999 và 2003-2005), Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính Thế giới (1999-2004), Liên minh Viễn thông Quốc tế (1994-1998, 1998-2002, 2002-2006)....
Đặc biệt, trong khoá họp thứ 62 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được bầu vào cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu rất cao (183/190 phiếu hợp lệ).
+ Về an ninh giải trừ quân bị :
• Tích cực tham gia vào quá trình thương lượng, là thành viên chính thức của Công ước Cấm Vũ khí Hoá học (CWC) năm 1998.
• Ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 và phê chuẩn vào năm 2006.
• Tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị (CD) từ 17/6/1996. Hàng năm, Việt Nam tham gia đều đặn vào Cơ chế Đăng kiểm Vũ khí thông thường của Liên hợp quốc nhằm thực hiện một trong các biện pháp xây dựng lòng tin với các nước và làm tốt nghĩa vụ thành viên của Liên hợp quốc.
+ Về hợp tác phát triển: Trọng tâm mới của Liên hợp quốc tại Việt Nam được thể hiện trong UNDAF - là tài liệu định hướng chung cho các hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng thời phù hợp với những lĩnh vực mà các tổ chức Liên hợp quốc quan tâm và có thế mạnh, trong đó có ưu tiên tập trung là việc phấn đấu đạt các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).
+ Hiện nay, hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc được thể hiện bằng việc đạt được 3 mục tiêu chính:
• Xây dựng các chính sách kinh tế hỗ trợ quá trình tăng trưởng mang tính công bằng, hoà nhập và bền vững.
• Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội và an sinh xã hội và tính công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ này.
• Các chính sách, luật pháp và cơ cấu quản trị quốc gia hỗ trợ một cách có hiệu quả cho sự phát triển dựa trên quyền để thực hiện các giá trị và mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved