Admin FQA
30/12/2022, 13:18
Đề bài
Câu 1. (2 điểm) Trình bày ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 -1954)?
Câu 2. (2 điểm) Nêu diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh. Hãy phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ?
Câu 3. (2 điểm) So sánh sự giống và khác nhau giữa chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” và chiến lược "Chiến tranh cục bộ”.
Câu 4. (2 điểm) Tại sao lại khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương?
Câu 5. (2 điểm) Nêu những Hiệp định ta đã kí với Pháp và Mĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mĩ (1954 - 1975)? Ý nghĩa lịch sử của các Hiệp định?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 126 – 127.
Cách giải:
1. Ý nghĩa lịch sử:
* Trong nước:
- Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta.
- Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN, tạo cơ sở để nhân dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
* Thế giới:
- Giáng đòn nặng nề vào tham vọng xâm lược, âm mưu nô dịch của chủ nghĩa đế quốc sau chiến tranh thế giới thứ hai.
- Góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trước hết là ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.
2. Nguyên nhân thắng lợi:
* Chủ quan:
- Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự và đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.
- Có hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước, có Mặt trận dân tộcthống nhất được củng cố và mở rộng.
- Có lực lượng vũ trang ba thứ quân sớm được xây dựng và không ngừng lớn mạnh, có hậu phương rộng lớn được xây dựng vững chắc về mọi mặt.
* Khách quan:
- Sự liên minh ba nước Đông Dương.
- Sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân khác, của nhân dân Pháp và loài người tiến bộ.
Câu 2:
Phương pháp: sgk trang 162-164, suy luận.
Cách giải:
1. Diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4): Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh".
- 5 giờ chiều 26/4, quân ta nổ súng mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh.
- 10 giờ 45 ngày 30/04, xe tăng ta tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
- 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
2. Ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ
- Kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước.
- Mở ra kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc: kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.
Câu 3.
Phương pháp: So sánh, nhận xét.
Cách giải:
* Giống nhau:
- Cả hai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đều là chiến lược thực dân kiểu mới của Mĩ thực hiện ở miền Nam Việt Nam.
- Đều nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta.
- Đều gây đau thương, tan tóc cho nhân dân ta.
* Khác nhau:
Nội dung | “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965) | “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968) |
Lực lượng | Sử dụng quân đội Sài Gòn là chủ yếu. | Sử dụng quân viễn chinh Mĩ là chủ yếu |
Phạm vi thực hiện | Miền Nam Việt Nam. | Miền Nam và kết hợp đánh phá miền Bắc |
Câu 4.
Phương pháp: sgk trang 124-125, suy luận.
Cách giải:
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định việc chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương vì:
- Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làm phá sản hoàn toàn “kế hoạch Na-va ” - kế hoạch nhằm tìm “lối thoát trong danh dự” của Pháp.
- Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ta buộc Pháp kí Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 102, 126, 153 - 154, suy luận
Cách giải:
* Từ 1945 - 1975, ta đã kí với Pháp và Mĩ các hiệp định: Hiệp định Sơ bộ (3-6-1946), Tạm ước (14-9-1946), Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và Hiệp định Pa-ri (1973).
* Ý nghĩa lịch sử của các Hiệp định:
- Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946.
+ Thể hiện thiện chí hòa bình của Chính phủ và nhân dân ta.
+ Tạo được một thời gian hòa hoãn cần thiết để nhân dân ta khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài mà ta biết trước không thể tránh khỏi.
- Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954:
+ Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Việt Nam và Đông Dương.
+ Là văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương.
+ Buộc Pháp rút hết quân đội về nước; Mĩ thất bại trong âm mưu kéo dài, mở rộng ở Đông dương; miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng XHCN.
+ Góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình trên phạm vi thế giới.
- Hiệp định Pa-ri 1973:
+ Là kết quả đấu tranh kiên cường cùa quân dân ta ở hai miền Nam Bắc.
+ Mĩ phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản cơ bản của nhân dân ta, phải rút quân về nước. Đó là thắng lợi quan trọng, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved