Admin FQA
28/09/2023, 18:20
Đề thi
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I
Môn: Ngữ văn lớp 10; Năm học 2022 - 2023
Thời gian làm bài: 90 phút - Không kể thời gian phát đề
ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
“Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.
Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói:
– Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên. Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:
– Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng. Dương Trạm nói:
– Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên…”
(Trích chuyện Phạm Tử Hử lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ,2016,Tr.142)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên
A.Truyện ngắn
B.Tiểu thuyết
C.Truyền kì
D.Thơ văn xuôi
Câu 2. Theo đoạn trích, tính cách nào của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi?
A.Không ưa kiềm thúc
B.Kiêu căng
C.Nóng nảy
D.Ngang bướng
Câu 3. Xác định các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên
A.Phạm Tử Hư, Dương Trạm
B.Nguyễn Dữ, Dương Trạm
C.Người kể chuyện, Dương Trạm
D.Phạm Tử Hư, Dương Trạm, Nguyễn Dữ
Câu 4. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng?
A.Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.
B.Toan chạy đến gần sụp lạy khi thấy Đức Đế.
C.Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ.
D.Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi.
Câu 5. Từ Hán Việt “kiềm thúc” được hiểu nghĩa như thế nào?
A.Tiết kiệm
B.Kiềm chế bó buộc trong hoạt động.
C.Hối thúc, thúc giục.
D.Kiềm chế cảm xúc cá nhân
Câu 6: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích?
A.Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư.
B.Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.
C.Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt.
D.Cả B và C.
Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của đoạn trích?
A.Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý.
B.Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Tử Hư và tình nghĩa thầy trò cao quý.
C.Phê phán những học trò không biết tôn sư trọng đạo.
D.Nhắn nhủ mỗi cá nhân cần phải có đức tính tôn sư trọng đạo.
Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Chi tiết khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về cho thấy Phạm Tử Hư là người như thế nào?
Câu 9. Theo anh/chị tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào?
Câu 10. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, anh /chị có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?
VIẾT (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Đọc đoạn trích:
Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.
(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)
Thực hiện yêu cầu:
Đoạn trích “ Nhà mẹ Lê” đề cập đến vấn đề gì? Anh/ Chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ).
-----Hết-----
- Học sinh không được sử dụng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
ĐÁP ÁN KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I
Năm học: 2022 – 2023
Môn: Ngữ văn – Lớp 10
ĐỌC
Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên A. Truyện ngắn B. Tiểu thuyết C. Truyền kì D. Thơ văn xuôi |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và xác định thể loại
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích thuộc thể loại truyền kì (dùng yếu tố hoang đường, kỳ ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh đời sống hiện thực.)
→ Đáp án C
Câu 2. Theo đoạn trích, tính cách nào của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi? A. Không ưa kiềm thúc B. Kiêu căng C. Nóng nảy D. Ngang bướng |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và tìm kiếm thông tin
Lời giải chi tiết:
Tính cách của Tử Hư được Dương Trạm răn đe và sửa đổi là kiêu căng
→ Đáp án B
Câu 3. Xác định các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên A. Phạm Tử Hư, Dương Trạm B. Nguyễn Dữ, Dương Trạm C. Người kể chuyện, Dương Trạm D. Phạm Tử Hư, Dương Trạm, Nguyễn Dữ |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và xác định các nhân vật giao tiếp
Lời giải chi tiết:
Các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích trên bao gồm: Phạm Tử Hư, Dương Trạm.
→ Đáp án A
Câu 4. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng? A. Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. B. Toan chạy đến gần sụp lạy khi thấy Đức Đế. C. Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ. D. Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và tìm kiếm thông tin
Lời giải chi tiết:
Lý do khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng là do Dương Trạm là người giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi.
→ Đáp án D
Câu 5. Từ Hán Việt “kiềm thúc” được hiểu nghĩa như thế nào? A. Tiết kiệm B. Kiềm chế bó buộc trong hoạt động. C. Hối thúc, thúc giục. D. Kiềm chế cảm xúc cá nhân |
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức về từ Hán Việt và áp dụng vào đoạn trích để phân tích nghĩa của từ
Lời giải chi tiết:
Từ “kiềm thúc” trong đoạn trích nghĩa là kiềm chế bó buộc trong hoạt động
→ Đáp án B
Câu 6. Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích? A. Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư. B. Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc. C. Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt. D. Cả B và C. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, chú ý những chi tiết kì ảo và phân tích hiệu quả
Lời giải chi tiết:
Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo:
-Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.
- Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tốt.
→ Đáp án D
Câu 7. Ý nào khái quát nội dung chính của đoạn trích? A. Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý. B. Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Tử Hư và tình nghĩa thầy trò cao quý. C. Phê phán những học trò không biết tôn sư trọng đạo. D. Nhắn nhủ mỗi cá nhân cần phải có đức tính tôn sư trọng đạo. |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và khát quát nội dung
Lời giải chi tiết:
Nội dung của đoạn trích: Ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của Dương Trạm và tình nghĩa thầy trò cao quý
→ Đáp án A
Câu 8. Chi tiết khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về cho thấy Phạm Tử Hư là người như thế nào? |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích, chú ý chi tiết trên và đưa ra nhận xét về Phạm Tử Hư
Lời giải chi tiết:
Là người sống có tình, có nghĩa, biết tôn sư trọng đạo.
Câu 9. Theo anh/chị tinh thần tôn sư trọng đạo được biểu hiện như thế nào? |
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức cá nhân để trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Những biểu hiện của tinh thần tôn sư trọng đạo:
– Tôn trọng, lễ phép, chăm học.
– Luôn nghĩ về công lao thầy cô, mong muốn được đền đáp.
– Người đi học cần rèn trước hết là đạo đức
Câu 10. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, anh /chị có suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta? |
Phương pháp giải:
Chú ý hành động và tình cảm của Tử Dư dành cho người thầy của mình
Nêu suy nghĩ của bản thân về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta
Lời giải chi tiết:
Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của nhân dân ta. Truyền thống nhằm để tôn vinh, kính trọng và sự biết ơn của mỗi cá nhân đối với người thầy của mình.
VIẾT
1.Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình mẫu tử
2. Thân bài
* Giải thích khái niệm về tình mẫu tử:
- “mẫu” có nghĩa là mẹ, “tử” có nghĩa là con
→ Theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con.
- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, thể hiện sự gắn bó, yêu thương và chăm sóc, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.
* Biểu hiện của tình mẫu tử
- Mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che cho con ngay từ những ngày đầu chập chững.
- Khi lớn lên, mẹ cũng luôn sát cánh cùng con trên đường đời đầy gian lao, thử thách
- Mẹ dành cả cuộc đời lo lắng cho con mà không mong một sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, trưởng thành.
- Mẹ luôn tha thứ mọi lỗi lầm của con.
(Lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống và trong văn học)
- Sự kính trọng, quan tâm, lo lắng của con khi mẹ ốm đau bệnh tật.
* Vai trò, ý nghĩa của tình mẫu tử
- Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người bởi:
+ Đó là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.
+ Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.
+ Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm (lấy dẫn chứng thực tế)
+ Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái - truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay (dẫn chứng)
- Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh (dẫn chứng).
- Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.
- Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống
* Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử:
- Tình mẫu tử là tình cảm vô cùng bao la, rộng lớn và vĩ đại, mẹ là người đã suốt đời hi sinh vì con. Chính vì thế con cái cần biết trân trọng những tình cảm đó và phải sống làm sao để xứng đáng với tình cảm đó.
- Không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội để đền đáp lại những tình cảm cao cả mà mẹ dành cho ta. Bởi điều mà mỗi người mẹ mong muốn chỉ là con mình khôn lớn nên người.
- Không được có những hành động trái với đạo làm con như vô lễ, bất kính với mẹ, đối xử không tốt với mẹ, hay hơn cả là sử dụng bạo lực, bỏ rơi mẹ của mình. Đây như một tội ác không thể tha thứ được.
- Có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình : biết vâng lời, nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ; siêng năng học hành để không phụ công ơn nuôi dưỡng, quan tâm, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất.
- Phê phán những hành động đi ngược lại với đạo lí: mẹ bỏ rơi con hay con đối xử không tốt với mẹ, bỏ mặc mẹ.
3. Kết bài
- Khái quát lại vai trò, ý nghĩa quan trọng của tình mẫu tử.
- Rút ra bài học cho bản thân.
Ví dụ: Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi người. Cần trân trọng tình cảm ấy, sống làm sao cho thật xứng đáng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Như lời Phật răn dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved