logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Giải bài tập 2 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 14 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức

Admin FQA

21/09/2023, 08:39

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1

Nêu cảm nhận chung nhất của bạn về văn bản Yêu và đồng cảm.

Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80)

- Dựa vào trải nghiệm của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Bạn có thể nêu cảm nhận chung nhất của mình về văn bản từ các góc độ khác nhau:

- Đặc điểm và tính chất của văn bản (Cũng thuộc loại văn bản nghị luận nhưng văn bản này có điểm độc đáo gì trong cách triển khai, làm sáng tỏ luận đề?).

- Nội dung được văn bản đề cập (Tác giả có kiến giải mới mẻ như thế nào về vấn để đồng cảm trong thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật và trong quan hệ giao tiếp với cuộc đời?).

- Sức thuyết phục của văn bản (Văn bản thuyết phục người đọc bằng yếu tố gì? Ở đây, sự trải nghiệm đã đóng vai trò như thế nào?).

Ví dụ: Sau khi đọc xong văn bản Yêu và đồng cảm em cảm thấy ấn tượng về đặc điểm và tính chất của văn bản. Cũng là một bài văn nghị luận nhưng văn bản này có nhiều điểm độc đáo trong cách triển khai, làm sáng tỏ luận đề. Tác giả đã mở đầu bài viết bằng một câu chuyện, điều này đã gây được sự  tò mò, hứng thú với người đọc.Tiếp đến, tác giả thuyết phục người đọc bằng những lí lẽ sắc bén nhằm khẳng định tầm quan trọng của đồng cảm. Tác giả đã đưa ra cách nhìn về sự vật dưới con mắt của những người có nghề nghiệp khác nhau để từ đó khẳng định đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ. Tác giả đã nêu lên những biểu hiện của đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật để từ đó đưa ra kết luận con người sống cần có lòng đồng cảm giống như trẻ em mới có thể thấy được thế giới hạnh phúc, nhân ái và hoà bình.

Câu 2

Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả giải thích như thế nào và từ góc độ nào? Đâu là khía cạnh được chú ý nhấn mạnh?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80)

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả lần lượt giải thích như sau:

- Đồng cảm là khả năng hiểu thấu nỗi niềm của vạn vật và biết cách chia sẻ với chúng.

- Đồng cảm là việc biết đặt mình vào vị trí, trạng thái, tình cảm của đối tượng (thậm chí hoá thân vào đối tượng) khi miêu tả, thể hiện đối tượng đó.

- Đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ.

- Đồng cảm là phẩm chất tự nhiên vốn có ở con người nhưng được bộc lộ rõ nhất trong cách giao hoà với vạn vật của trẻ em.

- Đồng cảm là phẩm chất cần được gìn giữ và phát triển để cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp.

Tác giả đã giải thích về từ đồng cảm” từ góc độ của một người sáng tạo nghệ thuật và là người luôn hướng đến một thế giới đại đồng, bình đẳng. 

Một khía cạnh của "đồng cảm” được tác giả chú ý nhấn mạnh là khía cạnh thứ ba: đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ. Nội dung của các đoạn 2, 3, 4, 6 đều góp phần tô đậm, làm rõ khía cạnh này.

Câu 3

Văn bản đã giúp bạn hiểu thêm gì về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học)?

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Văn bản đã đưa lại một số hiểu biết về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học):

- Nghệ thuật thường quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng từ góc nhìn thẩm mĩ, đưa lại cho người thưởng thức một cách cảm nhận khác về thế giới.

- Nghệ thuật được tạo nên nhờ tấm lòng đồng cảm với vạn vật và khả năng hoá thân vào mọi sinh thể (có tình), vật thể (không có tình) của người nghệ sĩ, nhằm làm phát lộ tiếng nói riêng của các đối tượng được miêu tả, thể hiện. 

- Nghệ thuật là nơi gặp gỡ giữa người sáng tác và người tiếp nhận trong niềm cảm thông, chia sẻ (“Thực ra nếu chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ, mở rộng lòng ra để biết đồng cảm nhiều hơn với vạn vật thì sẽ cảm nhận được rõ rệt những tình cảnh ấy”).

Câu 4

Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng như thế nào và nhằm mục đích gì?

Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80)

- Chú ý các yếu tố tự sự được sử dụng trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng một cách rất chủ động ở đoạn 1 (“Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc.”) và đoạn 2 (“Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này…”). 

Các câu chuyện được kể lại khá vắn tắt, đều hướng tới việc làm nổi bật nhận thức của tác giả về vấn đề đồng cảm. Nhờ đưa yếu tố tự sự thể hiện những trải nghiệm riêng vào văn bản, tác giả đã tạo được không khí trò chuyện gần gũi, thân mật, khiến độc giả cảm thấy lí lẽ thuyết phục trở nên dễ hiểu và không hề khô khan. Khi nói về nghệ thuật – một lĩnh vực chú trọng tác động vào người đọc, người xem, người nghe bằng con đường tình cảm – rõ ràng, đây là một sự lựa chọn hết sức phù hợp.

Câu 5

Nếu đánh giá khái quát của bạn về hiệu quả thuyết phục của văn bản trên phương diện lập luận.

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Văn bản đã đạt hiệu quả thuyết phục cao với những nét riêng trong cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng:

- Lí lẽ thường được nêu lên sau khi tác giả mời người đọc cùng trải nghiệm những tình huống gần gũi trong cuộc sống. Sự thực, bản thân những mẩu tự sự cũng hàm chứa lí lẽ, hay nói cách khác, ở đó lí lẽ và bằng chứng đã quyện chặt vào nhau.

- Lí lẽ thường được triển khai qua những so sánh hợp lí nhằm làm nổi bật vấn đề (ở đoạn 2, tác giả phân biệt cách nhìn nhận thế giới giữa nhà khoa học, bác làm vườn, chú thợ mộc với anh hoạ sĩ; ở đoạn 4, tác giả nêu sự khác nhau mà thống nhất giữa hoạ sĩ và nhà thơ trong việc chọn hình thức biểu hiện sự đồng cảm; ở đoạn 5 – 6, tác giả chỉ ra mức độ đồng cảm khác nhau giữa người lớn và trẻ em để nhấn mạnh việc cần học trẻ em ở cách nhìn thế giới).

– Tác giả nêu nhiều bằng chứng lấy từ hội hoạ là lĩnh vực ông rất thông thuộc, nhưng đó đều là những bằng chứng có ý nghĩa điển hình, có thể đại diện cho nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác.

Nhìn chung, cách thuyết phục của tác giả nhẹ nhàng mà thấm thía, xuất phát từ những nếm trải thực tế của một nghệ sĩ thực thụ, luôn đề cao cách sống hồn nhiên và lòng nhân ái.

Câu 6

Nêu một số bằng chứng cho thấy tác giả đã rất quan tâm tới việc đảm bảo mạch lạc và liên kết khi viết văn bản này.

Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80)

- Chú ý tới sự liên kết giữa các ý, câu, đoạn trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

Văn bản mang màu sắc của một bản phiếm đàm về nghệ thuật nhưng có sự kết nối chặt chẽ giữa các ý, câu, đoạn:

- Chuyện về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc (đoạn 1) thường xuyên được nhắc đến và phát triển trong các đoạn tiếp sau (rõ nhất là trong đoạn 3, 5, 6), tạo thành một mạch ý tưởng xuyên suốt.

- Từ “đồng cảm” liên tục xuất hiện, có thể xem là từ khoá của văn bản.

- Khái niệm “thế giới của Mĩ" cũng được dùng nhiều lần, cho thấy tác giả luôn muốn độc giả nhìn ra đặc trưng của nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

- Những ví dụ lấy từ hội hoạ được tác giả đưa vào nhiều đoạn của văn bản (đoạn 1, 2, 3, 4) gây được ấn tượng rất rõ rằng tác giả đã duy trì góc nhìn và thể hiện trải nghiệm của mình một cách nhất quán.  

Tất cả những điều nêu trên đã chứng minh tác giả luôn có ý thức làm rõ mạch lạc và liên kết trong văn bản.

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Giải bài tập 1 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 14 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức Theo bạn, những thông tin nào về bối cảnh, điều kiện ra đời của văn bản được nêu trong SGK cần được đặc biệt chú ý? Tại sao bạn lại xác định như vậy?
Giải bài tập 3 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 15 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức Làm rõ mạch triển khai nội dung đoạn văn bằng một sơ đồ đơn giản.
Giải bài tập 7 Đọc và thực hành tiếng Việt trang 16 sách bài tập Văn 10 - Kết nối tri thức Xác định câu chủ đề của đoạn trích. Vì sao bạn xác định như vậy?
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved