Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Câu 1
Trả lời câu hỏi 1 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 25 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
Trong các câu sau, câu nào chứa trạng ngữ chỉ địa điểm?
A. Em gái tôi tên là Kiều Phương, nhưng tôi quen gọi nó là Mèo bởi vì mặt nó luôn bị chính nó bôi bẩn.
B. Theo chú Tiên Lê thì những bức tranh của Kiều Phương rất độc đáo, có thể đem đóng khung treo ở bất cứ phòng tranh nào.
C. Trong gian phòng lớn tràn ngập ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường.
D. Bố, mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính.
Phương pháp giải:
Đọc và xác định
Lời giải chi tiết:
Đáp án C
Câu 2
Trả lời câu hỏi 2 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 25 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
Câu nào sau đây là lời của nhân vật trong văn bản Bức tranh của em gái tôi?
A. Tôi quyết định bí mật theo dõi em gái tôi.
B. Vớ được bạn gái, nó mừng quýnh lên.
C. Nhưng mọi bí mật của Kiều Phương cuối cùng cũng bị bại lộ.
D. Này, em không để chúng nó yên được à?
Phương pháp giải:
Đọc và xác định
Lời giải chi tiết:
Đáp án D
Câu 3
Trả lời câu hỏi 3 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 25 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
Theo em, trong văn bản Bức tranh của em gái tôi có đoạn nào tả cảnh sinh hoạt không? Hãy chỉ ra đoạn văn đó (nếu có).
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Trong truyện Bức tranh của em gái tôi có những đoạn tả cảnh sinh hoạt. Ví dụ, đoạn (2) trong SGK, từ “Nhưng mọi bí mật của Mèo cuối cùng cũng bị bại lộ" đến “Chủ còn hứa sẽ giúp em gái tôi để nó phát huy tài năng”. Đoạn văn này tả lại cảnh chủ Tiến Lê đến thăm gia đình Kiều Phương, phát hiện ra tài năng hội hoạ của em và tình cảm, thái độ của mọi người khi biết về tài năng đó.
Câu 4
Trả lời câu hỏi 4 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 25 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
(Câu hỏi 3, SGK) Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động, còn nhân vật người anh thường được tác giả chú ý miêu tả tâm trạng. Hãy chỉ ra các chi tiết cụ thể để làm sáng tỏ điều đó. Ngôi kể có liên quan gì đến cách miêu tả hai nhân vật đó?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
- Một số hành động thể hiện rõ đặc điểm nhân vật người em và một số chi tiết miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của người anh trong truyện.
+ Nhân vật người em: được miêu tả thông qua những câu chuyện mà người anh kể lại, dưới góc nhìn và cảm xúc của người anh, tính cách của người em được bộc lộ qua những lần lén lút chế màu vẽ, thái độ và cách đối đáp với người anh vô cùng tinh nghịch, yêu thích cái tên mà anh gọi, dùng nó để xưng hô với bạn bè, hay chọn anh làm chủ đề để vẽ cho bức tranh.
+ Nhân vật người anh được miêu tả kĩ qua sự phát triển tâm lý: từ thái độ và suy nghĩ đối với người em; từ những ngày thường cho tới khi tài năng được phát hiện và cho tới lúc thấy mình được vẽ trên bức tranh đoạt giải nhất trên kia.
- Người kể chuyện là người anh theo ngôi thứ nhất (nhân vật xưng “tôi”). Ngôi kể này nói lên được tâm trạng, suy nghĩ của người kể. Còn các nhân vật khác (như người em) là nhân vật được kể qua lời kể của người anh nên chủ yếu là thể hiện qua việc làm, lời nói, hành động.
Câu 5
Trả lời câu hỏi 5 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 26 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
(Cây hỏi 4, SGK) Đọc phần (5) và trả lời các câu hỏi:
a) Tại sao người anh "muốn khóc quá"?
b) Câu nói "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!" cho em hiểu gì về người anh?
c) Điều gì đã tạo nên sự bất ngời cho kết thúc truyện?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần (5)
Lời giải chi tiết:
a) Người anh "muốn khóc quá" là vì xúc động trước tấm lòng thơm thảo, nhân hậu, vị tha của người em đối với mình (trong khi mình đối xử không tốt với em).
b) Câu nói ấy cho thấy người anh đã hiểu, đã biết trân trọng tâm hồn và tấm lòng nhân hậu của người em; cũng có nghĩa là người anh đã thay đổi, biết trân trọng cái tốt, lòng nhân hậu, vị tha.
c) Kết thúc bất ngờ ở chỗ: chính người anh thay đổi cách nhìn và tình cảm của mình đối với người em. Điều đó thể hiện ở diễn biến tâm lí của người anh: từ "ngỡ ngàng rồi hãnh diện, sau đó là xấu hổ". Chính lòng nhân hậu đã cảm hóa được những thói xấu.
Câu 6
Trả lời câu hỏi 6 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 26 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
(Câu hỏi 5, SGK) Cuối truyện, tác giả viết: " Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: "Anh trai tôi". Vậy mà dưới mắt tôi thì...". Em hiểu nội dung chưa được viết vào dấu ba chấm ấy là những gì? Điều đó thể hiện tâm trạng như thế nào của người anh? Em đã từng có tâm trạng ấy chưa?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần cuối truyện
Liên hệ bản thân
Lời giải chi tiết:
- Nội dung chưa viết ra có nhiều cách diễn đạt. Ví dụ: “Vậy mà dưới mắt tôi thì Kiều Phương / em tôi chỉ là một con bé mặt mũi luôn lem nhem” hoặc “Vậy mà dưới mắt tôi thì em tôi chỉ là một con bé đáng ghét”,…
- Câu nói dở dang ấy thể hiện tâm trạng ân hận của người anh; ân hận vì mình đã không hiểu đúng tấm lòng của em gái; ăn năn vì sự ích kỉ của bản thân mình;...
- Em đã từng có tâm trạng đó khi mẹ em mới sinh em bé, bố mẹ dành thời gian chăm sóc cho em bé nhiều hơn nên em cảm thấy bố mẹ không còn quan tâm em như trước. Em đã ghen tị với em mình. Nhưng em bé rất đáng yêu, nó lúc nào cũng quấn quít, thơm thảo với em nên em đã không còn cảm thấy ghen tị nữa mà thấy yêu thương em của mình nhiều hơn.
Câu 7
Trả lời câu hỏi 7 Bài đọc hiểu: Bức tranh của em gái tôi, SBT trang 26 Ngữ văn 6 Cánh diều, tập 2
Em hãy nêu lí lẽ làm sáng tỏ: Chủ đề của truyện Bức tranh của em gái tôi không chỉ ca ngợi tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em có tên Kiều Phương mà còn khẳng định sức mạnh cảm hóa của lòng nhân hậu.
Phương pháp giải:
Đọc và nêu lí lẽ
Lời giải chi tiết:
Chủ đề của truyện Bức tranh của em gái tôi không chỉ ca ngợi tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em có tên Kiều Phương mà còn khẳng định sức mạnh cảm hoá của lòng nhân hậu. Có thể nêu một số lí lẽ sau:
- Truyện kể lại những hành động, suy nghĩ, tình cảm và cách ứng xử của người anh đối với người em gái có tài hội hoạ. Người anh từ chỗ coi thường, ghen tị với người em đến chỗ ngạc nhiên và xúc động trước bức tranh em gái vẽ minh hay đúng hơn là ngỡ ngàng, xấu hổ trước tấm lòng và tình cảm vô tư, trong sáng, nhân hậu của người em gái.
- Chủ đề ca ngợi tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em có tên Kiểu Phương thể hiện khá rõ trong văn bản. Nhưng nếu đọc kĩ, các em sẽ thấy thông điệp chính của truyện không nằm ở đấy. Âm hưởng và chiều sâu nhân văn của truyện là sự khẳng định sức mạnh cảm hoá của lòng nhân hậu. Nói một cách khác, truyện không chỉ ca ngợi, biểu dương tình cảm trong sáng, vô tư, cao đẹp mà quan trọng hơn còn chuyển tải được một thông điệp về sức mạnh của tình cảm trong sáng, cao đẹp ấy; sức mạnh của lòng nhân hậu. Đó là sức mạnh cảm hoá, cải tạo, biến những cái ích kỉ, nhỏ nhen thành cái cao cả, thành lòng nhân ái, bao dung. Chẳng thế mà kết thúc câu chuyện, người anh bừng tỉnh như trở thành một người khác, một người anh đúng như em gái đã hình dung và vẽ trong bức tranh. Chi tiết “tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái con đấy!” cho thấy sự thay đổi của người anh, sự chiến thắng của lòng nhân hậu. Và qua đó, cho thấy người anh cũng có một tấm lòng, tình cảm thật cao đẹp. Không có tấm lòng và tình cảm ấy thì không thể nhận ra được điều đó. Chi tiết “Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì...” cho thấy người anh rơi vào tâm trạng ân hận, xấu hổ. Đó cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành. Kết thúc ấy tạo nên sự ngờ và để lại dư vị ngọt ngào, ấm áp về tình cảm anh em chân thành, bắt sâu đậm. “Vậy mà dưới mắt tôi thì...", dấu ba chấm (...) bỏ lừng ấy nhà văn không viết ra, nhưng ai cũng hiểu nội dung tiếp theo là gì. Đó chỉ có thể là những gì người anh đã từng nghĩ sai, hiểu nhầm về đứa em gái ngoan hiền, trong sáng của mình. Đó cũng là tiếng kêu thầm thảng thốt về một lỗi lầm trong nhận thức của người kể chuyện. Nó nhắc mỗi người hãy nhìn nhận cuộc sống với một tấm lòng bao dung, nhân hậu thì sẽ thấy được vẻ đẹp tâm hồn của những người xung quanh mình; sẽ không mắc phải những sai lầm để phải ân hận, xấu hổ với chính mình. Đó là chiều sâu nhân văn ẩn trong truyện.
Ngoài việc nhận thấy nhà văn ngợi ca tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của nhân vật Kiều Phương, các em cần suy nghĩ, đi tìm và trao đổi xem thông điệp chính mà văn bản muốn chuyển tải đến người đọc ở đây là gì. Mỗi HS có thể nêu lên các cách hiểu khác nhau nhưng phải có cơ sở từ văn bản. Cách hiểu nêu trên là một gợi ý để các em tham khảo.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved