Admin FQA
30/12/2022, 13:17
ĐỀ BÀI
Câu 1: (2 điểm)
Em hãy cho biết vì sao cuối thế kỉ XIX, khu vực Đông Nam Á trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây? Nêu tên các nước tư bản xâm lược các nước Đông Nam Á.
Câu 2: (3,5 điểm)
Quan sát hình ảnh bên dưới và bằng kiến thức lịch sử đã học em hãy cho biết:
a) Người trong bức hình là ai?
b) Năm 1868 sau khi lên ngôi, ông đã thực hiện một loạt cải cách tiến bộ nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu. Công cuộc cải cách đó được gọi tên là gì?
c) Nêu nội dung cải cách và nhận xét về cải cách này.
Câu 3: (2,5 điểm)
Em hãy nêu nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Chiến tranh thế giới thứ nhất gây nên hậu quả như thế nào cho nhân loại? Em có suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh đó?
Câu 4: (2 điểm)
Em hãy đọc đoạn trích dưới đây và bằng kiến thức lịch sử đã học để trả lời các câu hỏi bên dưới:
Hàng nghìn ngân hàng, công ti công nghiệp và thương mại bị phá sản. Tới mùa hè năm 1932, sản xuất công nghiệp ở Mĩ giảm hai lần so với năm 1929. Khoảng 75% dân trại (nông dân Mĩ) bị phá sản. Nạn thất nghiệp và nghèo đói lan tràn khắp các bang của nước Mĩ. Số người thất nghiệp lên tới hàng chục triệu người vào năm 1933. Các cuộc biểu tình, tuần hành “đi bộ vì đói” lôi cuốn hàng triệu người tham gia.
SGK Lịch sử 8, nhà xuất bản giáo dục
a) Đoạn văn trên đang nhắc đến sự kiện gì diễn ra ở cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỉ XX ở nước Mĩ?
b) Hậu quả của tình trạng trên được thể hiện như thế nào?
c) Nước Mĩ đã làm gì để thoát ra khỏi tình trạng trên?
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Thực hiện bởi Ban chuyên môn Loigiaihay.com
Câu 1:
Phương pháp: Xem lại quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á, sgk trang 63.
Lời giải:
* Khu vực Đông Nam Á trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây, vì:
- Vị trí địa lí: Các nước Đông Nam Á có vị trí địa lí vô cùng quan trọng.
+ Là một khu vực khá rộng, bao gồm nhiều nước trên lục địa và hải đảo.
+ Nằm trên đường hàng hải từ Tây sang Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
+ Là cửa ngõ để đi vào lục địa châu Á rộng lớn.
- Tài nguyên, thiên nhiên: là khu vực giàu tài nguyên như: lúa gạo, cây hương liệu, động vật, khoáng sản,…
- Dân cư: có nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường tiêu thụ rộng lớn.
- Chính trị - xã hội: Chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á đang suy yếu, xã hội khủng hoảng.
* Các nước tư bản xâm lược các nước Đông Nam Á:
- Thực dân Anh chiếm Mã Lai, Miến Điện; Pháp chiếm Việt Nam, Lào, Campuchia; Tây Ban Nha rồi đến Mĩ chiếm Phi-lip-pin; Hà Lan và Bồ Đào Nha thôn tính In-đô-nê-xi-a;
- Duy nhất chỉ có Xiêm thoát khỏi tình trạng là nước thuộc địa.
Câu 2:
Phương pháp: Xem lại cuộc Duy tân Minh Trị, sgk trang 66, 67, suy luận.
Lời giải:
a) Người trong bức hình là Thiên hoàng Minh Trị (1852 - 1912).
b) Năm 1868 sau khi lên ngôi, Thiên hoàng Minh Trị đã thực hiện một loạt cải cách tiến bộ nhằm đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng phong kiến lạc hậu.
Công cuộc cải cách đó được gọi tên là cuộc Duy tân Minh Trị.
c) * Nội dung cuộc Duy tân Minh Trị:
Về chính trị | - Chế độ nông nô được bãi bỏ, đưa quý tộc tư sản hóa và đại tư sản lên nắm quyền. - Ban hành Hiến pháp 1889, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. |
Về kinh tế | - Thống nhất thị trường, tiền tệ. - Xóa bỏ sự độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến. - Tăng cường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. - Xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống... phục vụ giao thông liên lạc. |
Về quân sự | - Tổ chức và huấn luyện quân đội theo kiểu phương Tây. - Thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự. - Phát triển kinh tế quốc phòng |
Về giáo dục | - Thi hành chính sách giáo dục bắt buộc. - Chú trọng nội dung khoa học - kĩ thuật trong chương trình giảng dạy. - Cử những học sinh ưu tú đi du học phương Tây |
* Nhận xét:
- Nhờ những cải cách toàn diện và đồng bộ trên, Nhật thoát khỏi số phận bị các nước tư bản phương Tây xâm lược. Đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Nhật Bản đã trở thành một nước tư bản công nghiệp.
- Cuộc Duy tân Minh Trị mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản không triệt để, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nhật.
Câu 3:
Phương pháp: Xem lại nguyên nhân, kết cục của chiến tranh thế giới thứ nhất, sgk trang 70, 72, liên hệ bản thân.
Lời giải:
* Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918):
- Nguyên nhân sâu xa: Sự phát triển không đồng đều giữa các nước tư bản về kinh tế và chính trị vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi sâu sắc so sánh lực lượng giữa các nước đế quốc. Dẫn tới mâu thuẫn về vấn đề thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt.
- Nguyên nhân trực tiếp (duyên cớ): Ngày 29 - 6 - 1914, Thái tử Áo - Hung bị một phần tử khủng bố ở Xéc-bi ám sát => Bịn quân phiệt Đức, Áo – Hung chớp lấy cơ hội này để gây chiến tranh.
* Hậu quả của chiến tranh thế giới thứ nhất:
- Chiến tranh đã gây nên nhiều thảm họa cho nhân loại: 10 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị thương, nhiều thành phố, làng mạc, đường sá bị phá hủy, … chi phí cho chiến tranh lên tới 85 tỉ đôla.
- Chiến tranh chỉ đem lại lợi ích cho các nước đế quốc thắng trận, nhất là Mĩ. Bản đồ chính trị thế giới đã bị chia lại: Đức mất hết thuộc địa; Anh, Pháp và Mĩ được mở rộng thêm thuộc địa của mình.
- Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của chiến tranh, phong trào cách mạng thế giới tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ và thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga.
* Em có suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh đó:
- Chiến tranh thế giới thứ nhất là một cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa. Đã gây nên hậu quả hết sức nặng nề đối với nhân loại.
- Nhân loại cần chung tay vì một thế giới hòa bình, không có tiếng súng, tiếng bom,... Giải quyết những mâu thuẫn quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Câu 4:
Phương pháp: Xem lại nước Mĩ trong những năm 1929 - 1939, sgk trang 94, suy luận.
Lời giải:
a) Đoạn văn trên đang nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 ở nước Mĩ.
b) Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 ở nước Mĩ:
- Cuối tháng 10 - 1929, nước Mĩ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ lĩnh vực tài chính rồi nhanh chóng lan rộng ra các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Nền kinh tế - tài chính Mĩ bị chấn động dữ dội.
+ Năm 1932, sản xuất công nghiệp giảm 2 lần so với năm 1929.
+ khoảng 75 % chủ trang trại bị phá sản.
+ Hàng chục triệu người thất nghiệp. Nạn thất nghiệp và nghèo đói lan tràn.
- Các mâu thuẫn xã hội trở nên hết sức gay gắt, đã dẫn tới các cuộc biểu tình, tuần hành diễn ra sôi nổi trong cả nước.
c) Để thoát khỏi tình trạng trên:
- Tổng thống Mĩ Ru-dơ-ven đã đưa ra Chính sách mới. Bao gồm các biện pháp nhằm giải quyết nạn thất nghiệp, phục hồi sự phát triển của các ngành kinh tế - tài chính.
- Ban hành các đạo luật về phục hưng công nghiệp, nông nghiệp và ngân hàng với những quy định chặt chẽ, đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
- Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc cải tổ lại hệ thống ngân hàng, tổ chức lại sản xuất, cứu trợ người thất nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới và ổn định tình hình xã hội.
=> Kết quả: Chính sách mới đã giúp Mĩ phục hồi nền kinh tế, ổn định tình hình xã hội. Nền dân chủ tư sản được duy trì.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2025 fqa.vn All Rights Reserved