logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

B. Hoạt động thực hành - Bài 25B: Không quên cội nguồn

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Câu 1

Chọn và viết bài văn miêu tả theo một trong những đề bài dưới đây:

Đề 1: Tả quyển sách Hướng dẫn học Tiếng Việt 5, tập 2

Đề 2: Tả cái đồng hồ báo thức

Đề 3: Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích

Đề 4: Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em

Phương pháp giải:

- Chọn đề bài mà em đã lập dàn ý ơ bài 24C. Dựa vào dàn ý đã lập, em viết thành bài văn miêu tả hoàn chỉnh. Bài văn miêu tả cần có bố cục rõ ràng, đủ ý, thể hiện được những quan sát của em; dùng từ, đặt câu đúng; câu văn có hình ảnh, cảm xúc.

- Viết xong đọc lại bài để soát lỗi.

Lời giải chi tiết:

1/ Bài tham khảo cho đề 2

                       Chiếc đồng hồ của bé

                       Thật ngoan ơi là ngoan!

                       Sáng nào cũng dậy sớm

                       Đúng hẹn giờ, chuông vang

            Mỗi lần đọc tới bài thơ này là em lại nhớ tới chiếc đồng hồ báo thức của mình. Đây là món quà mà bố tặng cho em nhân dịp sinh nhật vừa rồi. Kể từ đó đến nay nó vẫn luôn là món đồ mà em vô cùng yêu thích.

            Chiếc đồng hồ có hình  tròn, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn. Đặt trên bàn học của em thì vừa xinh. Bao quanh chiếc đồng hồ là một màu xanh mát mắt và láng bóng. Mỗi lúc học tập căng thẳng và mệt mỏi em thường nhìn vào chiếc đồng hồ để càm thấy được thư giãn và thoải mái hơn rất nhiều.

            Chiếc đồng hồ gồm có bốn bộ phận: Tay cầm và chân, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc bên trong. Mặt đồng hồ được che bởi một tấm kính trong. Điều này khiến cho các bộ phận bên trong được bảo quản, giữ được độ bền lại không bị dính bụi. Bên trong là hệ thống các kim và các con số. Bao gồm 4 kim. Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút hai kim này đều có màu đen. Kim giây dài hơn hai kim kia và có màu đỏ bắt mắt. Ngoài ra còn có một cái kim báo thức màu vàng, ngắn hơn một chút. Các con số có màu đen,nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ nhìn với 12 con số. Kim giây của đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, tích tắc đêm ngày nghe rất vui tai. Kim phút và kim giờ cũng chậm dãi nhích theo.

            Mặt đồng hồ được bao phủ bởi lớp vỏ ngoài màu xanh lam láng bóng. Ở trên đầu còn có hai chiếc chuông màu xanh nhỏ nhắn , xinh xắn. Ở giữa hai chiếc chuông là chốt báo thức. Đường nét bên ngoài bao quanh khiến cho chiếc đồng hồ trông mềm mại hơn rất nhiều. Phía trên cùng là tay cầm của đồng hồ. Đó là một vòng tròn nhỏ được uốn cong hình cánh cung, vô cùng thuận tiện để có thể xách đi mọi nơi. Phía cuối có hai chiếc chân nhỏ, ngăn ngắn xinh xinh chìa ra hai bên giữ cho đồng hồ có thể đứng được một cách vững chắc.

            Để chiếc đồng hồ có thể hoạt động được thì bên trong có chứa một bộ phận máy móc. Các nút điều khiển được nhô lên, rất tiện lợi và dễ sử dụng. Bao gồm hai vòng tròn và một chốt báo thức. Hai vòng tròn một cái là để chỉnh thời gian, một cái là để chỉnh giờ báo thức còn chốt báo thức thì để tắt hoặc mở báo thức dùng khi có như cầu. Đồng hồ được chạy bằng pin. Đây chính là nguồn năng lượng dồi dào để đồng hồ có thể chạy tích tắc đêm ngày mà không biết mệt mỏi.

            Mọi bộ phận của chiếc đồng hồ đều vô cùng quan trọng, chúng góp sức để tạo nên một chiếc đồng hồ miệt mài báo thời gian là vật dụng vô cùng hữu ích cho con người. Đồng hồ chạy tích tắc luôn nhắc nhở em làm mọi thứ phải theo kế hoạch, từ ngày có nó em đã không còn để tình trạng đi học muộn xảy ra nữa. Mỗi lần nghĩ đến nó em lại càng tự nhủ phải biết quý trọng thời gian và không được lãng phí, để thời gian trôi qua một cách vô ích.

            Em rất thích chiếc đồng hồ này. Không chỉ bởi vì đó là món quà mà bố tặng cho em mà còn bởi vì nó là đồ vật vô cùng ý nghĩa. Em luôn trân trọng món quà mà bố tặng cũng như biết rằng phải trân trọng thời gian. Em sẽ giữ gìn nó cẩn thận để nó được bền, đẹp và tuổi thọ cao.

 

2/ Bài làm tham khảo cho đề 3

               Năm nay em đã lên lớp Năm. Do em phải học bài và làm nhiều bài tập về nhà, bố mẹ đã sắp xếp cho em một góc học tập ngăn nắp, thoáng mát. Đặc biệt hơn cả là cái bàn học xinh xắn đặt kề cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh rợp bóng.

              Bàn được làm bằng gỗ tạp, chưa phải là gỗ tốt nhưng nhờ được đánh véc-ni nên rất bóng loáng, cùng màu nâu sẫm như ghế và giá sách. Bàn có kích thước nhỏ sinh vừa đủ cho một học sinh lớp 4 như em ngồi cân đối trong chiếc bàn.

              Mặt bàn hình chữ nhật, bề dài đúng một sải tay em, bề rộng vừa đủ ba gang, hơi xuôi về phía em đặt ghế, tạo tư thế thoải mái khi em ngồi viết. Độ bóng của véc-ni càng làm nổi rõ những đường vân gỗ rất đẹp. Mép bàn phía trước có một đường rảnh dài, lõm xuống giúp em đựng bút, thước, tẩy... khỏi bị lăn xuống theo độ dốc của bàn. Bên dưới mặt bàn là một ngăn hộc khá rộng, em có thể kéo ra đóng vào dễ dàng khi nắm vào cái tay cầm bằng sắt. Trong ngăn hộc này, em đựng dụng cụ học môn kĩ thuật, bộ đò dùng học toán, nhiều hộp phấn viết bảng trắng lẫn màu, thậm chí có cả mớ dây thun tết hình con rết, nắm sỏi tròn để chơi ô quan... Bốn chân bàn là những thanh gỗ vuông to và cứng cáp, các góc mép được bào nhẵn. Ba thanh gỗ dẹp hơn đóng thành hình chữ H ở chân bàn phía gần mặt đất giữ cho các chân bàn được vững vàng chắc chắn hơn.

              Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã nửa năm bàn vẫn còn mới.

              Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: "Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!".

 

3/ Bài làm tham khảo cho đề 4

                   Đầu năm học mới em cùng mẹ đi nhà sách để chuẩn bị đồ dùng học tập. Tại đây em đã thấy một chiếc bút chì xinh xắn mà em rất ưng ý. Mẹ đã mua tặng em chiếc bút chì ấy như một món quà nhỏ để động viên em trong học tập.

            Chiếc bút chì có hình dáng thon và dài.Độ dài của nó khoảng 15 xăng-ti-mét. Toàn thân được phủ một màu trắng sữa nhìn rất hài hòa và mát mắt. Nhìn bao quát thật giống một chiếc tàu vũ trụ thu nhỏ. Chỉ cần khởi động là có thể bay tới tận những hành tinh xa xôi bên kia.

            Chiếc bút chì được phân ra thành ba bộ phận nhỉ. Đầu bút chì có một chiếc nắp nhỏ xinh xắn nhìn như chiếc mũ.Mở nắp ra bên trong là một cái cục tẩy nhỏ xinh màu trắng nhỏ xinh. Chiếc cục tẩy này giúp ích em rất nhiều khi cần tẩy những thứ không cần thiết.Mẹ dặn cho cần phải rèn tính cẩn thận và sạch sẽ để hạn chế dùng tới cục tẩy. Em luôn ghi nhớ lời mẹ chỉ bảo, không để chiếc tẩy nhỏ xinh này bị mòn đi quá nhanh. Thân bút chì có hình lục giác, góc cạnh. Điều này thật tiện lợi giúp cho bút chì không bị lăn khi em đặt chú ta trên mặt phẳng.Trên thân bút được khắc một dòng nhữ tiếng Anh màu nâu. Ngòi bút chỉ thon nhọn, chì than lộ ra màu đen, nhọn nhọn. Mỗi lần chì hết em lại gọt thật cẩn thận, không gọt quá nhiều để tránh ngòi chì bị gãy.Cũng không gọt quá ít sẽ khiến ngòi bút nét không được thanh.

                  Mỗi lần sử dụng bút chì ngòi bút lại vẽ lên những nét màu đen đậm và chắc. Em rất thích dùng chiếc bút chì này vào mỗi giờ Mĩ thuật nó khiến cho mỗi nét vẽ của em thêm uyển chuyển lại vẫn đậm và chắc.

                  Em rất yêu chiếc bút chì này. Biết rằng một ngày nào đó bút chì gọt hết sẽ không thể dùng được nữa, nhưng em vẫn luôn giữ gìn một cách cẩn thận. Vì đó là món quà mẹ tặng em, cũng là người bạn thân thiết và gần gũi trong học tập của em.

Câu 2

Đọc bài văn trong nhóm, bình chọn bài văn hay nhất của nhóm. Cả lớp cùng bình chọn bài văn hay nhất.

Lời giải chi tiết:

Em làm theo yêu cầu của bài tập.

Câu 3

Nghe thầy cô kẻ câu chuyện Vì muôn dân

Lời giải chi tiết:

Nội dung câu chuyện:

Vì muôn dân

1. Năm 1235, khi Trần Quốc Tuấn mới 5, 6 tuổi, cha ông là Trần Liễu có chuyện tị hiềm với vua Trần Thái Tông. Năm 1251, Trần Liễu lâm bệnh nặng, trước khi mất có trăng trối: “Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!”. Biết cha không quên hận cũ, thương cha, Quốc Tuấn đành gật đầu để cha yên lòng, nhưng ông không cho đó là điều phải và luôn tìm cách hòa giải mối hiềm khích trong gia tộc.

2. Cuối năm 1284, nhà Nguyên lại kéo hàng chục vạn quân sang xâm chiếm nước ta.Thế giặc mạnh như chẻ tre. Vua Trần Nhân Tông (cháu Trần Thái Tông) cho vời Hưng Đạo về kinh. Vừa từ Vạn Kiếp về tới Thăng Long, đậu thuyền ở bến Đông, ông sai mời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) đến cùng bàn kế đánh giặc. Biết Quang Khải ngại tắm, ông sai nấu sẵn nước thơm và xin được tắm giùm. Ông tự tay cởi áo cho Quang Khải, dội nước thơm cho Quang Khải và thân mật đùa:

- Hôm nay, thật mau mắn, tôi được tắm hầu Thái sư.

Quang Khải cũng kìm nỗi xúc động, đùa lại:

- Tôi mới thật có may mắn vì được Quốc công Tiết chế tắm cho.

Trước tấm lòng chân tình của cả hai người, mối hiềm khích giữa hai bên được cởi bỏ.

3. Hôm sau, hai người vào cung. Vua đã chờ sẵn để bàn việc nước.

Nhà vua băn khoăn:

- Lần trước, giặc Nguyên đã bị ta đánh bại. Nhưng lần này, chúng đông và mạnh hơn trước bội phần. Các khanh xem có kế gì để giữ yên xã tắc?

Hưng Đạo trình bày kĩ mọi việc, từ trấn giữ biên thùy, cắt cử các tướng…., đoạn ông nhấn mạnh:

- Nên triệu gấp các bô lão về kinh để cùng luận bàn. Có sức mạnh nào bằng sức của trăm họ! Anh em hòa thuận, trên dưới một lòng thì giặc kia mạnh mấy cũng phải tan!

Vua y lời.

Một sáng đầu xuân năm 1285, bộ lão từ mọi miền đất nước tụ hội về điện Diên Hồng. Vua quan nhà Trần tề tựu đông đủ. Vua ướm hỏi:

- Nhà Nguyên sai sứ giả mang thư sang, xin mượn đường để đánh Chăm-pa. Ý các khanh thế nào?

Hưng Đạo tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước!

Cả điện đồng thanh:

- Không cho giặc mượn đường!

Vua hỏi tiếp:

- Ta nên hòa hay nên đánh?

Điện Diên Hồng như rung lên bởi những tiếng hô của muôn người:

- Nên đánh!

- Sát Thát!

4. Nhờ trên dưới đồng lòng, vua  tôi hòa thuận… quân dân ta đã đánh tan giặc Nguyên, giữ vững độc lập dân tộc.

Câu 4

Dựa vào tranh vẽ dưới đây, em hãy kể lại từng đoạn câu chuyện


- Nhận xét lời kể của bạn.

- Kể lại toàn bộ câu chuyện

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh, xác định những nhân vật trong tranh là ai họ đang làm gì rồi nhớ xem tranh đó ứng với đoạn nào trong câu chuyện rồi kể lại.

Lời giải chi tiết:

Tranh 1: Cha của Trần Quốc Tuấn trước khi qua đời dặn con phải giành lại ngôi vua Trần Quốc Tuấn không cho điều đó là phải nhưng thương cha nên gật đầu

Tranh 2: Năm 1284, giặc Nguyên lại sang xâm lược nước ta.

Tranh 3: Trần Quốc Tuấn mời Trần Quang Khải xuống thuyền của mình ở bến Đông để cùng bàn kế đánh giặc

Tranh 4: Trần Quốc Tuấn tự tay dội nước tắm cho Trần Quang Khải, khéo léo cởi bỏ mâu thuẫn gia tộc.

Tranh 5: Theo lời Trần Quốc Tuấn, vua mở hội nghị Diên Hồng triệu tập các bô lão từ mọi miền đất nước. Vua tôi đồng lòng quyết tâm diệt giặc

Tranh 6: Cả nước đoàn kết một lòng nên giặc Nguyên đã bị đánh bại.

Câu 5

Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện

Phương pháp giải:

Theo em truyện nhằm ca ngợi ai và ca ngợi truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc.

Lời giải chi tiết:

Ca ngợi Trần Hưng Đạo đã vì đại nghĩa mà xóa bỏ hiềm khích cá nhân với Trần Quang Khải để tạo nên khối đoàn kết chống giặc. Thấy được đoàn kết là một truyền thống đã được hun đúc từ lâu đời của dân tộc ta.

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

A. Hoạt động cơ bản - Bài 25B: Không quên cội nguồn Giải bài 25B: Không quên cội nguồn phần hoạt động cơ bản trang 79, 80, 81 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu
C. Hoạt động ứng dụng - Bài 25B: Không quên cội nguồn Giải bài 25B: Không quên cội nguồn phần hoạt động ứng dụng trang 82 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved