logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

B. Hoạt động thực hành - Bài 9B: Tình người với đất

Admin FQA

30/12/2022, 13:17

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Câu 1

Đọc lại bài Cái gì quý nhất?

Cái gì quý nhất?

Một hôm, trên đường đi học về, Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.

Hùng nói: "Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?"

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước. Quý vội reo lên: "Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì! Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!"

Nam vội tiếp ngay: "Quý nhất là thì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc!"

Cuộc tranh luận thật sôi nổi, người nào cũng có lí, không ai chịu ai. Hôm sau, ba bạn đến nhờ thầy giáo phân giải.

Nghe xong, thầy mỉm cười rồi nói:

- Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua thì không ai lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.

TRỊNH MẠNH

Câu 2

Cùng nhau hỏi – đáp theo các câu hỏi dưới đây:

1) Các bạn Hùng, Quý, Nam tranh luận về vấn đề gì? Mỗi bạn nêu ý kiến thế nào?

M: - Hùng nói rằng quý nhất là ... vì ...

2) Thầy giáo muốn thuyết phục Quý, Hùng, Nam công nhận điều gì? Thầy đã giải thích như thế nào?

3) Cách nói của thầy thể hiện thái độ tranh luận thế nào?

Phương pháp giải:

- Thầy có tôn trọng ý kiến của Hùng, Quý, Nam không? Chi tiết nào cho thấy điều đó?

- Thầy có ý kiến riêng không? Ý kiến của thầy là gì?

- Lí lẽ thầy đưa ra có gì thuyết phục?

- Lời lẽ của thầy ôn tồn hay gay gắt?

Lời giải chi tiết:

1) Hùng, Quý, Nam tranh luận về vấn đề: Cái gì quý nhất?

- Hùng cho rằng lúa gạo là quý nhất vì có lúa gạo, có thứ để ăn thì mới sống được.

- Quý cho rằng vàng là quý nhất, vì mọi người thường nói quý như vàng, có vàng là có tiền, có tiền thì sẽ mua được lúa gạo.

- Nam cho rằng quý nhất là thì giờ, vì thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng, có thì giờ thì mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc

2) - Thầy giáo muốn thuyết phục Hùng, Quý, Nam công nhận rằng: Người lao động là quý nhất

- Thầy đã lập luận như sau:

Lúa gạo, vàng, thì giờ đều quý nhưng chưa phải là quý nhất. Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua vô vị.

3) Cách nói của thầy giáo thể hiện thái độ tranh luận rất tôn trọng người đối thoại và đưa ra lập luận vừa có tình lại vừa có lí:

- Khẳng định cái đúng của ba HS (Lập luận có tình – tôn trọng ý kiến người đối thoại): Lúa, gạo, vàng, thì giờ đều rất quý, nhưng chưa phải là quý nhất.

- Nêu ra ý kiến mới sâu sắc hơn (lập luận có lí): Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị. Vì vậy, người lao động là quý nhất.

Câu 3

Tập thuyết trình, tranh luận:

Hãy đóng vai một trong ba bạn (Hùng, Quý, Nam) nêu ý kiến tranh luận bằng cách mở rộng thêm lí lẽ và dẫn chứng để lời tranh luận thêm sức thuyết phục.

M: (Hùng) Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Lúa gạo quý như vàng. Trong bài Hạt gạo làng ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi hạt gạo là “hạt vàng làng ta”. Lúa gạo nuôi sống tất cả mọi người. Có ai trong chúng ta không ăn mà sống được đâu?...

Phương pháp giải:

Dưới đây là một số câu nói cho thấy thóc gạo, vàng bạc, thời gian rất quý:

- Hạt gạo là hạt ngọc của đất,…

- Quý như vàng, hiếm như vàng, đắt như vàng,..

- Thời gian quý hơn vàng, thời gian trôi qua không bao giờ trở lại,…

Lời giải chi tiết:

- Hùng: Theo mình cái quý nhất trên đời là lúa gạo. Ông cha mình thường nói “Có thực mới vực được đạo”, không có lúa gạo con người sẽ bị cái đói hành hạ đến chết, cuối cùng sẽ chẳng làm được gì, cũng không để lại được điều gì ý nghĩa cho đời.

- Quý: Điều Hùng nói rất có lý, lúa gạo đúng là rất quý nhưng vẫn chưa phải quý nhất. Theo mình vàng mới là quý nhất. Người xưa từng nói “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo, chẳng phải lo chết đói. Lại có thể mua được rất nhiều thứ khác mình mong muốn và làm được rất nhiều việc khác.

- Nam: Theo tớ thì quý nhất là thì giờ. Hôm nay cậu chăm chỉ, cần cù cậu có thể làm ra lúa gạo. Nếu cậu biết buôn bán cậu sẽ có tiền, có vàng. Nhưng cậu thử nghĩ mà xem, thì giờ mới là thứ đáng quý nhất. Có thì giờ thì cậu mới có thể làm ra lúa gạo, vàng bạc. Lúa gạo, vàng bạc mất đi rồi sẽ lại có lại nhưng thì giờ thì không, cậu đã bỏ lỡ thì sẽ mất.

Câu 4

Trao đổi với bạn: Ở thành phố hay ở nông thôn thích hơn? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em tìm ra những lợi ích từ môi trường nông thôn hoặc thành phố đem tới để đưa vào phần lập luận của mình.

Lời giải chi tiết:

- Chọn thành phố: Ở thành phố thích hơn bởi vì ở thành phố mọi thứ đều phát triển, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin tiến bộ hiện đại. Môi trường học cũng tốt hơn ở nông thôn. Ở thành phố còn có nhiều khu vui chơi giải trí giúp chúng ta giảm căng thẳng vui vẻ hơn.

- Chọn nông thôn: Ở nông thôn cuộc sống yên ả, thanh bình, chúng ta sẽ có cuộc sống lành mạnh, hoà mình cũng với thiên nhiên. Có nhiều cơ hội được tìm hiểu, khám phá nhiều kiến thức thực tế từ trong đời sống thường ngày.

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

A. Hoạt động cơ bản - Bài 9B: Tình người với đất Giải bài 9B: Tình người với đất phần hoạt động cơ bản trang 95, 96, 97 sách VNEN tiếng việt 5 với lời giải dễ hiểu
C. Hoạt động ứng dụng - Bài 9B: Tình người với đất Giải bài 9B: Tình người với đất phần hoạt động ứng dụng trang 98 sách VNEN tiếng việt 5 với lời giải dễ hiểu
Xem thêm

Chương bài liên quan

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved