logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương ( bài 2).

Admin FQA

21/09/2023, 15:27

 

         Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc đã để lại bao nỗi ngậm ngùi cho con dân Việt Nam về sự ra đi của Người. Nỗi đau ấy đã kết thành giọt, thành hình, thành những nỗi niềm xúc động khôn nguôi qua nhiều tác phẩm nghệ thuật. Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một trong những tác phẩm xuất sắc thể hiện được nỗi niềm ấy. Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng. Nó đã được phổ nhạc, lưu truyền sâu rộng trong nhân dân. Câu thơ mở đầu cho thấy xuất xứ của bài thơ:

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

         Từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến sĩ ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Đây là cuộc hành hương của người chiến sĩ. Từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Màn sương trong câu thơ gợi lên một không khí thiêng liêng, huyền thoại. Cây tre, hàng tre "đứng thẳng hàng" trong làn sương mỏng, ẩn hiện thấp thoáng, mang màu sắc xanh xanh. "Hàng tre xanh xanh" vô cùng thân thuộc được nhân hóa, trải qua "bão táp mưa sa" vẫn "đứng thẳng hàng" như dáng đứng của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong bốn nghìn năm lịch sử:

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác,

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát,

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam,

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng".

         "Ôi!" là từ cảm, biểu thị niềm xúc động tự hào. Hình ảnh hàng tre xanh mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Tre mang phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: "mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng, bất khuất..." (Thép Mới). Có nhà thơ đã viết:

... "Bão bùng thân bọc lấy thân,

Tay ôm, tay níu, tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người..."

                                            ("Tre Việt Nam" - Nguyễn Duy)

         Miêu tả cảnh quan (phía ngoài) lăng Bác, nhà thơ tạo nên những suy nghĩ sâu sắc về phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. Khổ thơ tiếp theo nói về Bác, Bác là người con ưu tú của dân tộc, là "tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam" (Phạm Văn Đồng).

         Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời. Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày... đi qua trên lăng", và "Một mặt trời trong lăng rất đỏ" - hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Màu sắc “rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tuởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ".

         Hòa nhập vào "dòng người" đến lăng Viếng Bác, nhà thơ xúc động bồi hồi...

       Thành kính và nghiêm trang. Dòng người đông đúc, chẳng khác nào một "tràng hoa" muôn sắc ngàn hương từ mọi miền đất nước đến Ba Đình lịch sử viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" diễn tả tấm lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với Bác Hồ vĩ đại:

"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân".

       Chữ "dâng" chứa đựng bao tình cảm, bao tình nghĩa. Nhà thơ không nói "79 tuổi" mà nói: "bảy mươi chín mùa xuân”, một cách nói rất thơ: cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Qua đó, ta thấy nghệ thuật lựa chọn ngôn từ của Viễn Phương rất tinh tế biểu cảm và hình tượng.

         Khổ thơ thứ ba nói về sự vĩnh hằng bất diệt của Bác. Bác như đang nằm ngủ, một giấc ngủ "bình yên", trong một khung cảnh thơ mộng. Bác vốn yêu trăng. Thời kháng chiến, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác đã từng có những khoảnh khắc sống rất thần tiên:

"Việc quân, việc nước bàn xong,

Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm".

         Giờ đây, nhà thơ cảm thấy "Bác yên ngủ" một cách thanh thản "giữa một vầng trăng sáng dịu hiền” . Nhìn "Bác ngủ", nhà thơ đau đớn, xúc động. Câu thơ "mà sao nghe nhói ở trong tim" diễn tả sự đau đớn, tiếc thương đến cực độ. Viễn Phương có mội lối viết hàm súc, đầy thi vị; câu chữ để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.

         Khổ thơ cuối nói lên cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Biết bao lưu luyến, buồn thương. Nhà thơ muốn hóa thân làm "con chim hót", làm "đóa hoa tỏa hương", làm "cây tre trung hiếu" để được đền ơn đáp nghĩa Người, ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách biểu hiện cảm xúc " Nam Bộ". Đây là những câu thơ trội nhất trong bài "Viếng lăng Bác”.

"Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

         Điệp ngữ "muốn làm..." được láy lại ba lần gợi tả cảm xúc thiết tha, nồng hậu của nhà thơ miền Nam đối với lãnh tụ.

        "Viếng lăng Bác", bài thơ ngắn mà ý thơ, hình tượng thơ, cảm xúc thơ: sậu lắng, hàm súc và đẹp. Viễn Phương đã chọn thể thơ mỗi câu tám từ, mỗi khổ bốn câu, toàn bài bốn khổ - một sự cân đối hài hòa để biểu hiện một giọng điệu thơ nghiêm trang, kính cẩn.

         Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn Bác. Cảm ơn bài thơ, cảm ơn tiếng lòng của tác giả đã nói thay niềm xúc động của bao tâm hồn Việt. Tâm tình của nhà thơ cũng là tâm tình của mỗi người Việt Nam và của cả dân tộc. Bác Hồ ra đi nhưng hình ảnh vĩ đại của Người vẫn in dấu mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt để rồi chúng ta được tự hào về Bác và càng yêu thêm đất nước nhỏ bé này.

 

 
Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Phân tích bài thơ ‘Viếng lăng Bác’ của Viễn Phương_bài 1 Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Người ra đi năm 1969, để lại biết bao nỗi thương nhớ và xót xa cho Tổ quốc. Có nhiều nhà thơ đã viết bài thơ tưởng nhớ về Bác, và “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong những bài thơ xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng đến với bài thơ để cảm nhận được cảm xúc ấy.
Cảm nhận của em trước lòng kính yêu Bác ra đi là một sự mất mát của một dân tộc. Cho dù Bác không còn nữa nhưng Bác vẫn còn mãi mãi trong tâm trí những người dân miền Nam. Và đối với nhân dân miền Nam, Bác to lớn, vĩ đại hơn tất cả, vĩnh cửu và trường tồn mãi mãi với thời gian.
Những nét đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Bài thơ khép lại mà dư âm cảm xúc của nó còn trong tâm trí ta. Nhà thơ đã truyền cảm xúc vào lòng người đọc bao thế hệ với một ý nguyện chân thành.
Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Khổ cuối - khổ thơ thứ tư là cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Nhà thơ lưu luyến muốn được ở mãi bên lăng Bác. Lòng nhớ thương, đau xót kìm nén đến giờ phút chia tay đã vỡ òa thành nước mắt...
Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved