Admin FQA
30/12/2022, 13:15
Dàn ý
Dàn ý tham khảo số 1
I. MỞ BÀI
Nam Cao là tác giả văn học hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930-1945. Ông chủ yếu đi vào đề tài người trí thức bế tắc và những người nông dân nghèo khổ.
Tác phẩm Chí Phèo (1941) là bản cáo trạng về cuộc sống đau thương của người nông dân dưới sự chà đạp của giai cấp thống trị. Trong đó, điển hình cho sự tàn ác là Bá Kiến.
II. THÂN BÀI
A. Lai lịch nhân vật
Nhà Bá Kiến bốn đời làm tổng lí. Con trai hắn làm lí trưởng. Bản thân hắn là lí trưởng rồi chánh tổng, ở nông thôn, hắn leo đến đỉnh cao của danh vọng; Tiên chỉ làng Vũ Đại, chánh hội đồng kì hào, Bắc Kì nhân dân đại biểu, phe cánh của hắn mạnh, luôn đối địch với bọn cường hào trong làng.
B. Bản chất Bá Kiến
1. Nham hiểm, thủ đoạn
Thủ đoạn dùng người: Họ không lợi thì cụ dùng. Sử dụng họ như công cụ không có những thằng đầu bò thì lấy ai để trị những thằng đầu bò? Mềm nắn rắn buông với triết lí: thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân: Đó là kẻ cường hào khôn róc đời.
2. Ném đá giấu tay
Bá Kiến lấn át các phe cánh khác nhờ thu dụng được những kẻ không sợ chết, không sợ đi ở tù. Lọc lừa, giả dối và xảo quyệt: Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vứt trả năm hào vi thương anh túng quá!.
Vì thế nhận ra bộ mặt thật của Bá Kiến không phải dễ dàng.
3. Đểu cáng, tàn bạo
- Bá Kiến đã từng xô đẩy bao người lương thiện vào đường cùng: Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo. Vì một chuyện ngờ ghen vớ vẩn, hắn đã đẩy Chí Phèo vào tù bảy, tám năm vì chỉ muốn tất cả những thằng trai trẻ đều đi ở tù.
Chính hắn biến Chí Phèo thành quỷ dữ, và khi cần, sẵn sàng thí mạng Chí Phèo (sai đòi tiền Đội Tảo).
- Chính hắn sống trên mồ hôi xương máu của người nghèo.
4. Dâm ô, đồi bại
Dù có bốn vợ, Bá Kiến không bỏ lỡ ngồi chung xe lên tỉnh với vợ Binh Chức. Tiền của anh lính gửi về chỉ đủ cho Bá Kiến chơi bời hành lạc.
C. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
1. Nhân vật điển hình
- Bá Kiến có nét chung của giai cấp thông trị tham lam, tàn bạo, không từ một thủ đoạn nào để bóc lột người nghèo.
- Bá Kiến có nét riêng của tên ác bá gian hùng, nham hiểm, thủ đoạn.
2. Nghệ thuật độc đáo của Nam Cao qua truyện ngắn “Chí Phèo”
Không như các nhà văn khác chỉ chú ý miêu tả ngoại hình của giai cấp thống trị (Nghị Quế của Ngô Tất Tố, Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan), Nam Cao ít chú ý đến ngoại hình xây dựng Bá Kiến. Ông khắc họa tâm địa là chính: "Cụ cười nhạt nhưng giòn giã lắm” ... “cụ hay quát để thử dây thần kinh người khác”. “Tiếng cười Tào Tháo" ấy là tâm địa của kẻ độc ác xảo quyệt. Qua đó, thấy cái nhìn sắc sảo của Nam Cao.
III. KẾT BÀI
- Bá Kiến là nhân vật tiêu biểu cho giai cấp thống trị đương thời. Bá Kiến là sự hội tụ những nét tàn bạo, xảo quyệt, đểu cáng của bọn bóc lột.
- Truyện ngắn Chí Phèo thể hiện cuộc đấu tranh một mất một còn không thể khoan nhượng giữa người nông dân và bọn ác bá phong kiến.
Bài mẫu
Trong truyện ngắn "Chí Phèo", Nam Cao đã tái hiện lại hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước cách mạng qua bức tranh làng Vũ Đại. Bức tranh hiện thực ấy không chỉ khắc họa người nông dân hiền lành bị lưu manh, tha hóa mà còn nổi bật lên những con người thuộc tầng lớp thống trị tàn ác, tiêu biểu là nhân vật bá Kiến. Bên cạnh hai nhân vật Chí Phèo và thị Nở, nhân vật bá Kiến cũng để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng riêng biệt.
Tác phẩm "Chí Phèo" được Nam Cao sáng tác năm 1941 với nhan đề là "Cái lò gạch cũ", đến năm 1946, khi in trong tập "Luống cày" tác giả lấy tên nhân vật chính để đặt lại tên cho tác phẩm. "Chí Phèo" là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy con người đến bờ vực thẳm, không còn một con đường sống để quay về với bản chất lương thiện. Đồng thời, truyện ngắn này cũng là lời tố cáo sự xảo quyệt, gian manh của tầng lớp thống trị.
Bá Kiến là nhân vật điển hình cho giai cấp thống trị ở xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Cụ bá xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm lí trưởng, chánh tổng. Chính cụ cũng làm từ chức lý trưởng, chánh tổng rồi đến chức "bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu, khét tiếng đến cả trong hàng huyện". "Thử hỏi đã có mặt nào trong cái làng hơn hai nghìn suất đinh này làm được thế"?
Uy quyền của cụ bá khiến dân lành và bọn lưu manh ai cũng nể sợ. Ngay cả Chí Phèo, khi đến nhà bá Kiến đòi món nợ máu cũng có suy nghĩ "dại gì mà vào miệng cọp". Bản chất của con người bá Kiến thể hiện qua các thủ đoạn trị dân. Thứ nhất cụ sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ "cố cùng liều thân".
Bá Kiến lấy kẻ đầu bò để trị thằng đầu bò, thực hiện chính sách "trị không được thì cụ dùng", "mềm nắn rắn buông", "nắm thằng có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu". "Cụ nghĩ bụng cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò"?
Những chính sách cai trị ấy đã bộc lộ bá Kiến là một kẻ nham hiểm, gian hùng, thâm độc. Làng Vũ Đại được ví như mảnh đất "quần ngư tranh thực", các phe cánh đối đầu nhau và cụ lấn át được những vây cánh khác bởi cụ biết "thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù" vì chúng là "những thằng được việc".
Đó còn là một kẻ ném đá giấu tay khi ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông sau đó kéo người ta lên để chờ đợi sự hàm ơn. Cụ "đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá".
Năm Thọ là tên là một thằng đầu bò "kình nhau" với bá Kiến ra mặt nhưng cụ bá chưa có chưa có dịp để trị hắn. Nhân việc hắn can dự vào một vụ cướp bị bắt giam bá Kiến ngấm ngầm vận động cho vào tù. Bá Kiến vui vì đã nhổ được cái đinh trong mắt.
Bá Kiến tàn ác và đểu cáng làm sao khi đẩy những người nông dân lương thiện vào con đường tội lỗi. Từ một anh canh điền hiền lành, Chí Phèo bị đẩy vào tù do cơn ghen vô cớ của bá Kiến. Sau khi ra tù, hắn trở thành tay sai đắc lực cho cụ và trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại để đến khi muốn quay lại làm người lương thiện chỉ còn cách tự sát.
Bá Kiến vô cùng ranh mãnh. Cụ bá đã giải quyết mọi chuyện êm đẹp khi Chí Phèo đến nhà đòi món nợ máu. Cụ giải tán dân làng đang xúm lại trước cổng để tìm cách đối phó với tên cố cùng liều thân này. Cụ hỏi thăm Chí "về bao giờ", sao không vào cụ chơi và dỗ dành ngon ngọt rằng Chí và lí Cường có họ với nhau để Chí Phèo "nguôi nguôi" rồi biến hắn trở thành tay sai cho mình.
Chỉ với những lời dụ dỗ đó và cho Chí Phèo ít tiền uống rượu mà bá Kiến có một tay sai ngoan ngoãn lại rất được việc. Bá Kiến sai Chí đi đòi tiền đội Tảo vì nếu hắn trị được đội Tảo thì tốt và nếu hắn "bị đội Tảo trị thì cụ cũng chẳng thiệt gì" vì đằng nào thì cụ cũng là người được lợi.
Không chỉ có vậy, bá Kiến còn là con người dâm ô, đồi bại. Mặc dù có đến bốn người vợ nhưng bá Kiến không thể bỏ lỡ món lợi ở trước mắt. Cụ bá ngồi chung xe và ở lại tỉnh cùng vợ Binh Chức mỗi lần chị Binh "đi lĩnh lương hay lĩnh măng đa của chồng" nhờ cụ đi nhận thực. "Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù" khi nghĩ về bà tư rồi ghen bóng gió. Bà ta "đĩ lắm", gần 40 tuổi rồi mà trông vẫn còn trẻ và "phây phây", lại đa tình.
Tiếng cười nhạt nhưng giòn giã của bá Kiến thể hiện một con người đểu cáng và thủ đoạn. "Người ta bảo cụ hơn người cũng bởi cái cười" quả không sai. Đây chính là nét riêng của bá Kiến. Nếu không phải con người thủ đoạn thì cụ bá không có những đòn trị dân thâm hiểm đến vậy. Nếu là một con người chân chính thì bá Kiến đã không có thói dâm ô và đẩy người khác vào con đường tội lỗi.
Cuối cùng, bá Kiến cũng phải trả giá cho những hành động của mình. Một kẻ "khôn róc đời" như cụ bá lại bị tên tay sai Chí Phèo dùng dao chém túi bụi. Nhưng nhân dân vẫn còn lo sợ vì quy luật "Tre già măng mọc, thằng ấy chết còn thằng khác". Bá Kiến chết đi nhưng vẫn còn những kẻ thống trị khác và cuộc sống của nhân dân vẫn lầm than, khổ cực. Cái chết của bá Kiến cũng không làm cho Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ quay trở về con đường lương thiện.
Có thể thấy bá Kiến mang tính chất điển hình cho giai cấp thống trị ở làng quê Việt Nam trước cách mạng. Đồng thời, nhân vật cũng có những nét riêng biệt, không giống các cường hào khác. Nhà văn Nam Cao không chú trọng việc miêu tả ngoại hình nhân vật nhưng thông qua những chi tiết, việc làm của bá Kiến ta có thể thấy rõ được tính cách nhân vật.
Nghệ thuật khắc họa nhân vật của tác giả đã đạt đến đỉnh cao. Vì thế mà nhà văn Lê Đình Kỵ đã đưa ra nhận định: "Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao". Qua nhân vật bá Kiến, Nam Cao đã lên tiếng tố cáo sự tàn bạo, hà khắc của tầng lớp thống trị.
Bên cạnh đó nhà văn cũng lên tiếng đòi quyền sống, quyền được làm người lương thiện của nhân dân. Những điều đó đã góp phần tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Nhắc đến giai cấp thống trị ở làng quê Việt Nam chúng ta không chỉ nhắc đến Nghị Hách, Nghị Quế mà còn nhắc đến bá Kiến - một con người mưu mô, xảo quyệt, nham hiểm, tàn ác và ranh mãnh.
Nguồn: Sưu tầm
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved