logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Phân tích và chứng minh tính nhân đạo trong “Nhật kí trong tù”

Admin FQA

30/12/2022, 13:15

Phân tích và chứng minh tính nhân đạo trong Nhật kí trong tù

   Quan niệm nhân đạo trong thơ Bác (Mở bài).

   Biểu hiện của tính nhân đạo trong Nhật kí trong tù (Thân bài).

   Cảm thông với những kiếp người đau khổ.

   Xót thương trước những kiếp sống lao tù.

   Niềm tin yêu con người và ý chí hành động vì con người.

   MỞ BÀI

      Bác Hồ có tình yêu mênh mông với thiên nhiên, với cuộc sống, với Đất Nước non sông. Nhưng cảm động và sâu sắc hơn cả vẫn là tình yêu thương con người. Nói như Hoài Thanh: “Cái ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn Bác qua những trang thơ của Bác trước hết là ánh sáng của tình thương người”. Tình thương người trong thơ Bác không phải là tình thương chung trừu tượng theo kiểu Phật giáo, cũng không phải là thứ tình cảm thương hại của bề trên ban phát xuống những thân phận thấp hèn, mà đây là tình thương mang tính giai cấp cụ thể và luôn có sự đồng cảm sâu sắc. Hơn nữa, tình thương người Hồ Chí Minh nằm trong quan niệm nhân đạo cách mạng cho nên Bác luôn tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người, luôn khẳng định quyền sống của con người và luôn hướng tới hành động vì con người.

   THÂN BÀI

     Cảm thông với những kiếp người lao khổ (hướng tới đồng bào mình, hướng tới nhân dân lao động thế giới, cụ thể là nhân dân Trung Quốc).

     Cuộc sống lao tù có biết bao đau khổ, đày đọa. Nhưng dường như Bác đã quên cảnh ngộ bi thảm của mình để trước hết hướng về đồng bào ở Tổ quốc đang sống đau thương trong cánh nước mất nhà tan.

   Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh

   Nội thương đất Việt cảnh lầm than

(Ốm nặng)

     Qua bài thơ, ta có thể nhận ra vết thương nhức nhối nhất trong lòng Bác chính là nỗi đau về kiếp sống khổ nhục của đồng bào mình, vết thương ấy còn trầm trọng hơn rất nhiều lần so với những bệnh tật thường tình mà Bác mắc phải do thời tiết Trung Hoa khắc nghiệt, thất thường xảy ra.

     Tình thương người của Bác là tình thương mang tính quốc tế vô sản. Do đó tình thương ấy mở rộng tới những kiếp người lao khổ ở khắp nơi trên thế giới. Cụ thể trong Nhật kí trong tù, đó là niềm đồng cảm, xót thương Bác dành cho những người dân Trung Quốc. Trên những con đường từ nhà lao này qua nhà lao khác Bác đã vượt, lên trên bao cực hình đau đớn để hòa chung niềm vui với người nông dân Trung Quốc trong cảnh được mùa:

   Khắp chốn nông dân cười hớn hở

   Đồng quê vang dậy tiếng ca vui

(Cảnh đồng nội)

   Và Bác cũng buồn rầu lo lắng với họ trước cảnh mất mùa:

   Nghe nói năm nay trời đại hạn

   Mười phần thu hoạch chỉ vài phần

(Từ Long An đến Đổng Chính)

     Cũng trên những con đường chuyển nhà giam, Bác đã tận mắt chứng kiến bao nỗi đắng cay, cơ cực của những người Phu làm đường:

   Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

   Phu đường vất vả lắm ai ơi!

   Ngựa xe, hành khách thương quá lại

   Biết cảm ơn ai, được mấy người?

     Bài thơ giống như một nhận xét giản dị, như lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Nhưng nếu thiếu sự cảm thông của người từng trải qua bao nhiêu gian khổ, nếu thiếu cách nhìn, cách nghĩ của một người giàu lòng vị tha thì không thể có những câu thơ đầy xót xa, thương cảm như thế.

     Xót thương những kiếp sống lao tù (trong những cảnh ngộ ngang trái thấu hiểu nỗi đau, tâm trạng tinh tế của người khác).

     Khi tình cảm nhân đạo mở rộng tới nhiều đối tượng cụ thể và có một quan niệm tư tưởng chi phối thì đó chính là chủ nghĩa nhân đạo. Chủ nghĩa nhân đạo bao la, sâu sắc của Bác thể hiện rõ nhất ở niềm đồng cảm thương xót trước bao cảnh ngộ ngang trái, oan khổ, phức tạp, éo le của cuộc sống lao tù. Ở đây, lời thơ của Bác có khi như đùa vui, hài hước, có khi chỉ miêu tả một cách khách quan. Nhưng đằng sau những lời thơ ấy bao giờ cũng là tình thương mênh mông giữa người với người. Đó là cảnh người chồng trốn đi lính, người vợ phải vào tù thay:

   Quan trên xót nỗi em cô quạnh

    Nên lại mời em tạm ở tù

(Gia quyến người bị bắt lính)

   Là cảnh người cha trốn lính, đứa con vô tội cũng trở thành tù nhân:

   Oa...! oa...! oa...!

   Cha trốn không đi lính nước nhà

  Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

  Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)

  Là cảnh những tù nhân nghèo thường xuyên bị đói khát:

  Tù cứng ngày ngày no rượu thịt

 Tù nghèo nước mắt bọt mồm tuôn

(Tủ cờ bạc)

   Và đây là cái chết thảm thương của một người bạn tù:

   Đêm qua còn ngủ bên tôi

   Sáng nay anh đã về nơi suối vàng

(Một người đi tù cờ bạc vừa chết)

     Bác từng tâm sự với một người nước ngoài: “Góp nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình thì thành nỗi đau của tôi”. Có thể nói, quên nỗi đau của mình để đau nỗi đau của người khác bao giờ cũng là lẽ sống cao đẹp của Bác. Nhiều bài thơ Bác viết trong tù đã thể hiện sâu sắc điều ấy. Có khi biết bao tưởng tượng và cảm nghĩ thiết tha được gợi ra từ một tiếng sáo:

   Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,

   Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu,

   Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,

   Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.

(Người bạn tù thổi sáo)

      Chính tình yêu thương con người đã giúp Bác thấu hiểu được những trạng thái tình cảm thật tinh tế và sâu sắc. Chỉ nghe tiếng sáo hiu hắt cất lên từ trong bốn bức tường của nhà tù mà Bác hiểu được nỗi niềm thương nhớ quê nhà cùa người thổi sáo. Hơn thế còn hình dung ra cảnh ở một nơi xa xôi nào đó, vợ của người tù cũng đang bước lên lầu cao để nghe cho rõ hơn tiếng sáo da diết nhớ thương của chồng mình.

   Có khi Bác viết như một người đang trực tiếp quan sát, chứng kiến một cảnh tượng éo le:

   Anh đứng trong song sắt

   Em đứng ngoài song sắt

   Gần nhau trong tấc gang

   Mà biển trời cách mặt

   Miệng nói chẳng nên lời

   Nói lên bằng ánh mắt

   Chưa nói lệ tuôn đầy

  Tình cảnh đáng thương thật.

(Vợ người bạn tù đến thăm chồng)

    Ở bài thơ trên, bảy câu đầu chỉ là những câu miêu tả sự việc một cách khách quan. Câu thơ cuối cùng trực tiếp bộc lộ sự xót thương của Bác. Ipxen có lần nói: “Nhờ có khả năng biết đau khổ nên tôi mới trở thành nhà thơ”. Câu nói ấy thật đúng với bài thơ này. Ở đây, chính niềm đồng cảm xót thương vô hạn của Bác với cảnh ngộ bất hạnh của đôi tình nhân đã cất thành một tiếng thơ xúc động.

2.3. Niềm tin yêu và ý chí hành động vì con người (mong muốn cải tạo xã hội phân biệt đâu là người tốt, kẻ xấu rạch ròi).

   Tình thương người của Bác luôn có cơ sở vững chắc từ niềm tin yêu tha thiết vào bản chất tốt đẹp của con người, đúng như quan niệm của người xưa “Nhân chi sơ tính bản thiện". Ở bài thơ Nửa đêm, Bác đã bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ thật giản dị, chân thành: Dường như trong giấc ngủ, tất cả mọi người đều trở về với bản chất lương thiện vốn có của mình. Như vậy, độc ác không phải là bản tính cố hữu của con người, mà chính hoàn cảnh mới là nguyên nhân chủ yếu đẩy con người vào vòng tội lỗi xấu xa. Do đó, với tấm lòng nhân ái, với quan niệm của một người cách mạng, Bác tin tưởng nếu hành động cải tạo xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn sẽ có thể đưa những người đã mắc tội lỗi trở về với bản chất lương thiện của họ.

   Ngủ thì ai cũng như lương thiện

   Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền

   Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn

   Phần nhiều do giáo dục mà nên

     Đặc biệt, trong cảnh sống hỗn độn ở chốn lao tù, Bác không chỉ giúp đỡ mọi người mà còn bày tỏ niềm biết ơn đối với những ai đã giúp đỡ mình:

   Quyển xưa sách cũ bồi thêm ấm

   Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn

(Chăn bằng giấy của người bạn tù)

    Bác còn phân biệt người tốt, kẻ xấu, người đáng mến, kẻ đáng ghét, đáng khinh. Nhờ lòng nhân ái, bao dung, Bác đã phát hiện ra nhiều người tuy đang đứng trong hàng ngũ những kẻ thống trị nhưng họ cũng có lòng nhân ái rất cao cả. Trường hợp Trưởng ban họ Mạc là một ví dụ:

   Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp,

   Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân,

   Đêm đến, cởi thùng cho họ ngủ,

 Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân.

     Bác đã vô cùng xúc động bày tỏ niềm biết ơn đối với người dã cứu mình ra khỏi nhà tù, Bác coi việc làm ấy như là sự hồi sinh của chính bản thân mình:

   Hầu Công sáng suốt, ta gặp may

   Quyền tự do nay được trả rồi

   Nhật kí trong tù bài chót quyển

   Công ơn tái tạo tạ hồn người

(Chót quyển)

     Rõ ràng, nhờ thực sự tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của con người, Bác đã viết nên được những vần thơ xúc động, tràn đầy tình nghĩa về tình người như thế.

   KẾT LUẬN

   Nhà văn Pháp Victo Hugo từng viết: “Có một cảnh tượng lớn hơn biển, ấy là trời, có một cảnh tượng lớn hơn trời, ấy là cái thế giới bên trong của tâm hồn con người, của tình người”. Khi đi vào tìm hiểu những biểu hiện cụ thể của tình cảm nhân đạo trong tập thơ Nhật kí trong tù, chúng ta cũng bắt gặp một cảnh tượng, một thế giới mênh mông như thế của tâm hồn người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

 

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Bình giảng bài Tân xuất ngục, học đăng sơn của Hồ Chí Minh. Tình yêu nước là tình yêu sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của Hồ Chí Minh. Bác có nhiều bài thơ hay nói lên một cách chân thành, cảm động tình yêu nước ấy.
Bình giảng Giải đi sớm (I và II) của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù. Bình giảng một bài thơ dịch, lại là thơ chữ Hán, làm theo thể tuyệt cú cổ điển, bài làm phải chú ý khâu dịch, ..
Phân tích và chứng minh chất thép trong tập thơ “Nhật kí trong tù” Thế nào là chất thép? Biểu hiện của chất thép trong thơ nói riêng và trong văn học nói ...
Phân tích và chứng minh thiên nhiên trong “Nhật kí trong tù” Quan niệm về thiên nhiên trong thơ Bác. Thiên nhiên đẹp, có các sự vật gắn bó hài hòa, có sự vận động.
Hãy phân tích một bài thơ của Bác trong Nhật kí trong tù có tinh thần thép. Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved