Admin FQA
30/12/2022, 13:16
Câu 1
Câu 1 (trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hoá có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ mục 1 phần I SGK Văn 12 tập 1 trang 4
Lời giải chi tiết:
a. Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại đã mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta, khai sinh ra một nền văn học mới. Từ đây, nền văn học phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, thống nhất về khuynh hướng tư tưởng, tổ chức và quan niệm.
b. Đất nước trải qua nhiều sự kiện lớn:
- Công cuộc xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc.
- Hai cuộc kháng chiến yêu nước vĩ đại: Kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật, đem đến cho văn nghệ sĩ chất liệu sống phong phú và cảm hứng nồng nàn để sáng tác các tác phẩm.
c. Hình thành kiểu nhà văn mới: nhà văn - chiến sĩ.
d. Hình thành những tư tưởng, tình cảm rất riêng.
Câu 2
Câu 2 (trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Văn học Việt Nam 1945 - 1975 chia làm mấy chặng đường? Gồm những giai đoạn nào? Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng đường.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ mục 2 phần I SGK Văn 12 tập 1 trang 4
Lời giải chi tiết:
Văn học Việt Xam 1945 - 1975 phát triển qua ba giai đoạn:
a. 1945 - 1954
- Chủ đề bao trùm trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập (1845 - 1946) là ca ngợi Tổ Quốc và quần chúng cách mạng. Những tác phẩm tiêu biểu: Dân khí miền Trung (Hoài Thanh), Huế tháng Tám, Bất tuyệt (Tố Hữu), Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông (Xuân Diệu), Tình sông núi (Trần Mai Ninh)...
- Sau năm 1946, văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến; hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân, thế hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.
- Các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học,... đều đạt được những thành tựu mới. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu: Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Vùng mỏ (Vò Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), tập truyện Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), tập thơ Việt Bắc (Tố Hữu), các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Báo tiệp... Tây tiến (Quang Dũng), Đồng chí (Chính Hữu), Bản báo cáo Chủ nghĩa Mác - và vấn đề văn hoá Việt Nam (Trường Chinh).
b. 1955 - 1964
- Chúng ta vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh thống nhất đất nước. Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi những đổi thay của đất nước và con người mới trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.
- Văn học đạt được nhiều thành tựu trên cả ba thể loại:
+ Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề, nhiều phạm vi hiện thực đời sống.
+ Thơ phát triển mạnh mẽ với nhiều cảm hứng lớn từ đất nước, dân tộc trong sự hài hoà giữa cái riêng và cái chung và đã có nhiều thành tựu nổi bật.
+ Kịch đã có những tác phẩm được dư luận chú ý như: Một đảng viên (Học Phi), Ngọn lửa (Nguyễn Vũ), Quẫn (Lộng Chương), Chị Nhàn và Nổi gió (Đào Hồng Cẩm)...
c. 1965 - 1975
Toàn bộ nền văn học của cả hai miền Nam, Bắc tập trung vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
- Ở tiền tuyến lớn miền Nam, những tác phẩm viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng. Văn học thành công với những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải...
- Ở miền Bắc phải kể đến những tác phẩm truyện ký của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyên Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn... và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Chính Hữu... Các tác phẩm của các nhà thơ đã phản ánh chân thực, sinh động đời sống chiến trường, sự ác liệt, những hi sinh, tổn thất... trong chiến tranh. Đặc biệt, họ đã dựng nên bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ trẻ chống Mỹ. Họ đă đem đến cho nền thơ Việt Nam một tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, sôi nổi.
- Kịch chống Mỹ cũng có những thành tựu với nhiều tác phẩm đáng ghi nhận đã tạo được tiếng vang lúc bấy giờ như: Quê hương Việt Nam, Thời tiết ngày mai (Xuân Trình); Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng cẩm); Đôi mắt (Vũ Dung Minh)...
- Nhiều công trình nghiên cứu, lý luận phê bình ra đời và có giá trị, tiêu biểu là những công trình của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...
d. Đánh giá những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn 1945 - 1975
- Dựng lên được hình tượng những con người mới trong lao động sản xuất và chiến đấu.
- Ca ngợi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà; ca ngợi sự đổi thay của đất nước và con người cùng tinh thần lạc quan, tin tưởng.
- Ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; khơi dậy được tinh thần yêu nước của toàn dân.
- Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao biểu hiện sự tìm tòi cách thể hiện mới và cách tân, đánh dấu một bước tiến mới của nền thơ Việt Nam hiện đại: tập trung thể hiện cuộc ra quân của toàn dân tộc, khám phá sức mạnh của con người Việt Nam; khái quát tầm vóc dân tộc trong thời đại mới, tăng cường chất suy tư chính luận, tạo âm vang rộng lớn mang hơi thở thời đại.
- Mang đến cho văn học tính chất trẻ trung, sôi nổi, lạc quan, yêu đời...
Câu 3
Câu 3 (trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ mục 3 phần I SGK Văn 12 tập 1 trang 10
Lời giải chi tiết:
Có 3 đặc điếm cơ bản:
a. Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước Đặc điểm này thể hiện trên các khía cạnh sau:
- Đề tài phản ánh là hiện thực cách mạng
- Nội dung tư tưởng là lý tưởng cách mạng
- Hai đề tài mà văn học tập trung thể hiện là Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
- Hình tượng chính được thể hiện là người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, những lực lượng khác của dân quân, du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, giao liên....; cuộc sống mới, con người mới, mối quan hệ giữa những người lao động.
b. Nền văn học hướng về đại chúng
Đặc điểm này thể hiện trên các khía cạnh sau:
- Nhà văn gắn bó với nhân dân lao động - những con người bình thường đang “làm ra đất nước" (Khác với văn học trước 1945).
- Để có được thái độ ấy, đầu tiên nhà văn phải có nhận thức, nhãn quan đúng về nhân dân, có tình cảm tốt đẹp với nhân dân, nhận ra công lao to lớn của họ trong lao động sản xuất và sự nghiệp giải phóng dân tộc (Đôi mắt của Nam Cao, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, hay câu nói tâm nguyện của Xuân Diệu: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi - Cùng đố mồ hôi cùng sôi giọt máu"...).
- Nền văn học của ta mang tính nhân dân sâu sắc. Điều đó biểu hiện trong tính văn học như:
+ Lực lượng sáng tác: bổ sung những cây bút từ trong nhân dân.
+ Nội dung sáng tác: phản ánh đời sống nhân dân, tâm tư, khát vọng, nỗi bất hạnh của họ trong xã hội cũ, phát hiện khả năng và phẩm chất của người lao động, tập trung xây dựng hình tượng quần chúng cách mạng.
+ Nghệ thuật: giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn, tìm đến những hình thức nghệ thuật quen thuộc với nhân dân, phát huy thể thơ dân tộc.
c. Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
- Khuynh hướng sử thi: Cảm hứng sử thi là cảm hứng vươn tới những cái lớn lao, phi thường qua những hình ảnh tráng lệ:
+ Đề cập tới số phận chung của cả cộng đồng, liên quan đến giai cấp, đồng bào, Tổ quốc và thời đại.
+ Nhận vật chính thường tiêu biểu cho lý tưởng chung của dân tộc, gắn bó số phận mình với số phận đất nước, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng.
+ Cái đẹp ở mỗi cá nhân là ở ý thức công dân, lẽ sống lớn và tình cảm lớn. Nếu nói đến cái riêng thì cũng phải hoà với cái chung.
“Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần'
(Nguyễn Đình Thi)
+ Lời văn mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và đẹp một cách tráng lệ:
“Ôi Việt Nam từ trong biển máu
Người vươn lên như một thiên thần"
(Tố Hữu)
+ Người cầm bút nhìn cuộc đời bằng “Con mắt Bạch Đằng - Con mắt Đống Đa".
Nhân vật thường đại diện cho tinh hoa và khí phách, phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc, có tính cách và tình cảm phi thường: “Còn một giọt máu tươi còn đập mãi" (Người con gái Việt Nam - Tố Hữu).
+ Một số tác phẩm mang đậm không khí núi rừng “Suốt đêm nghe cả rừng Xô man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng" (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành).
- Cảm hứng lãng mạn:
+ Là khuynh hướng tràn đầy mơ ước, hướng tới tương lai thể hiện qua những câu thơ như: “Trán cháy rực nghĩ trời đất mới - Lòng ta bát ngát bình minh" (Nguyễn Đình Thi) hoặc “Từ trong đổ nát hôm nay - Ngày mai đã đến từng giây từng giờ" (Tố Hữu); hay hình tượng nhân vật như: Chị Sứ (Hòn đất - Anh Đức); Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu).
+ Khẳng định lý tưởng của cuộc sống mới, vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Câu 4
Câu 4 (trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá, hãy giải thích vì sao văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX phải đổi mới?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ mục 1 phần II SGK Văn 12 tập 1 trang 14
Lời giải chi tiết:
- Đất nước kết thúc chiến tranh thắng lợi. Các vấn đề hậu chiến nảy sinh: nạn nhân chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế chưa phục hồi.
- Đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường: xã hội thay đổi quan điểm; góc nhìn đối với con người và nghệ thuật (cái nhìn của nhà văn không đơn giản, một chiều như trước mà đa diện hơn, linh hoạt, góc cạnh hơn...).
- Tiếp xúc rộng rãi với văn hoá thế giới.
- Nhu cầu của bạn đọc phong phú và đa dạng hơn trước.
- Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới trong quan điểm chỉ đạo văn học nghệ thuật.
- Đất nước bước vào công cuộc đổi mới thúc đẩy nền văn hoá cũng phải đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của nền văn học.
Câu 5
Câu 5 (trang 18 SGK Ngữ văn 10 tập 1)
Nêu quá trình phát triển và thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ 1975 đến cuối thế kỷ XX.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ mục 2 phần II SGK Văn 12 tập 1 trang 15
Lời giải chi tiết:
- Từ năm 1975 đến năm 1985 là chặng đường chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới. Từ năm 1986 trở đi là chặng đường văn học có nhiều đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện. Biểu hiện:
+ Đề tài văn học chuyển sang hướng nội: Bộc lộ tiếng lòng và những trắc ẩn
+ Nở rộ trường ca với mục đích tổng kết, khái quát về chiến tranh.
+ Chất nhân bản, nhân văn được đề cao hơn, đi sâu vào những nỗi đau và bất hạnh của từng thân phận con người sau chiến tranh.
- Các tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng đổi mới: Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trầu Mạnh Hảo, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Minh.
+ Một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu viết theo tinh thần đổi mới:
Đất trắng (Nguyện Trọng Oánh), Hai người trở lại trung đoàn (Thái Bá Lợi), Đứng trước biển, Cù lao chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Cha và con, Gặp gỡ cuối năm (Nguyễn Khải), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Bến không chồng (Dương Hướng) Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Cát bụi chân ai (Hồi kí của Tô Hoài), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Luyện tập
Câu hỏi (trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi viết: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc lên nền văn nghệ của chúng ta". Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.
Phương pháp giải:
Vận dụng những kiến thức ở những câu hỏi trên để nêu ý kiến của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Bàn luận ý kiến của Nguyễn Đình Thi, cần xem xét từ mối quan hệ giữa văn nghệ và kháng chiến (hiện thực cuộc sống) để thấy rõ bản chất và đặc trưng của nền văn nghệ mới của chúng ta từ Cách mạng tháng Tám 1945 - 1975. Có thể trình bày những ý sau:
a. “Văn nghệ phụng sự kháng chiến": Đây là quan điểm văn nghệ của Đảng ta, các văn nghệ sĩ tự nguyện đem ngòi bút của mình phục vụ sự nghiệp kháng chiến của toàn dân tộc.
b. “Nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới": Ý nói đến mối quan hệ giữa hiện thực cuộc kháng chiến đối với văn nghệ. Hiện thực luôn là nguồn sữa mẹ bất tận nuôi sống văn học nghệ thuật, đem đến cho văn nghệ những chất liệu sống phong phú, những cảm hứng nồng nàn để tạo ra tác phẩm. Chính cuộc kháng chiến đã đem đến cho văn nghệ một sức sống mới trẻ trung, khoẻ khoắn để văn nghệ có thể phụng sự kháng chiến tốt hơn. Nội dung này đã được hình tượng hoá và nhấn mạnh bằng vế sau: "Sắt lửa mặt trận đang đúc lên nên văn nghệ mới của chúng ta".
So sánh với văn học trước cách mạng ta thấy, văn học kháng chiến đã có một “sức sống mới", vì được hun đúc từ hiện thực kháng chiến. Văn học giai đoạn này không bất lực trước cách mạng như dòng văn học hiện thực phê phán trước cách mạng, cũng không thoát ly, xa lạ với đời sống nhân dân như thơ ca và tiểu thuyết lãng mạn trước cách mạng. Chính kháng chiến đã tạo ra nền văn học mới của cách mạng.
c. Qua so sánh, có thể thấy được bản chất và đặc trưng của nền văn nghệ mới: nền văn nghệ của nhân dân, gắn bó mật thiết với vận mệnh của đất nước, từ cuộc cách mạng của nhân dân và đất nước mà lớn lên, để rồi phục vụ cuộc sống đó của nhân dân, của đất nước. Có thể nói văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận và nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy (Hồ Chí Minh).
d. Hai ý của câu nói trên có vẻ như mâu thuẫn nhưng lại thống nhất khiến luận điểm càng thêm sâu sắc.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved