Admin FQA
30/12/2022, 13:17
Định hướng
(trang 31, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
a) Các em đã học mục đích, nội dung và cách thức trao đổi về một vấn đề ở Bài 2 trong sách Ngữ văn 7, tập một. Bài này tập trung vào thực hành trao đổi gắn với các vấn đề đặt ra trong phần Đọc hiểu văn bản.
b) Để trao đổi, thảo luận về một vấn đề, cần chú ý:
- Lựa chọn vấn đề cần trao đổi (đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật của một bài thơ)
- Xác định các ý kiến khác nhau về vấn đề cần trao đổi
- Chuẩn bị lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ ý kiến của mình
- Khi trao đổi, cần tôn trọng các ý kiến khác biệt
Thực hành
(trang 31, SGK Ngữ văn 7 tập 2)
Phương pháp giải:
- Xem lại nội dung hai bài thơ.
- Tìm ý và lập dàn ý bài nói.
+ Mở đầu: Nêu vấn đề cần trao đổi (có hai ý kiến khác nhau về hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông)
+ Thân bài: Nêu và phân tích các ý kiến khác nhau, từ đó, phát biểu ý kiến của em
Nêu điểm giống nhau và khác nhau của hai ý kiến
Nêu và giải thích những điểm hợp lí và chưa hợp lí của mỗi ý kiến
Ý kiến của em: có thể tán thành một trong hai ý kiến hoặc không tán thành cả hai và đưa ra ý kiến khác
Khẳng định lại ý kiến của bản thân và những điểm hợp lí trong hai ý kiến đã nêu
+ Kết thúc: Khẳng định lại ý kiến của bản thân và những điểm hợp lí trong hai ý kiến đã nêu
- Chuẩn bị dụng cụ (tranh ảnh minh họa, bút,...) để trình bày/trao đổi.
Lời giải chi tiết:
Đề (1):
Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là hình ảnh mang tính biểu tượng để lại nhiều suy tư trong tâm tưởng người đọc. Có hai ý kiến khác nhau khi đi lý giải về hình ảnh này. Có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có ý kiến khác: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.
Điểm giống nhau của hai ý kiến đó là đều nói rằng hình ảnh cánh buồm dùng để chỉ ước mơ. Có điều, nếu ý kiến thứ nhất cho rằng hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con thì luồng ý kiến thứ hai lại suy tư khác. Cụ thể, ý kiến này khẳng định hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.
Đối với ý kiến thứ nhất, người nói rất có lý khi cho rằng hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng người con. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những lời nói, hành động của cậu bé trong bài:
“Con lại trỏ cánh buồm xa nói khẽ:
Cha mượn cho con buồm trắng nhé,
Để con đi…”
Cậu dùng hành động kết hợp với lời nói nhỏ nhẹ như sợ cảnh vật giật mình, làm phá tan không gian thanh bình. Lời đề nghị rất ngây ngô, cậu muốn mượn “buồm trắng” để thỏa mong ước khám phá thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Như vậy, cánh buồm ở đây chính là phương tiện, là cánh cửa mở ra những hoài bão lớn lao của đứa con nhỏ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là luồng ý kiến thứ hai hoàn toàn không có căn cứ. Cánh buồm cũng thể hiện những ước mơ xưa cũ của người cha. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua hai câu thơ:
“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng lòng cha từ một thời xa thẳm”
Lời nói gián tiếp và câu hỏi tu từ thể hiện sự không chắc chắn nơi người cha, rằng câu nói vừa rồi là của con, của sóng hay của chính lòng mình. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là nơi chất chứa hình cha thuở trước. Như vậy, người cha đã thấy mình trong chính ước mơ của con nhỏ.
Như vậy, hai ý kiến trên đều đúng và có thể bổ sung cho nhau để hợp thành một ý hoàn chỉnh, nói lên ý nghĩa của hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Nguyễn Trung Thông.
Xuyên suốt toàn bài thơ, cánh buồm chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau. Cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão, … của bao thế hệ, bao gồm cả thế hệ cha và thế hệ con. Đó là cánh buồm của con thuyền chở ước mơ của tuổi thơ đi đến những chân trời mới, cuộc sống mới, khát vọng mới. Ngoài ra, cánh buồm cũng tượng trưng cho tinh thần, ý chí sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối mặt với sóng gió để vươn tới thành công.
Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved