logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành”

Admin FQA

23/09/2023, 16:02

Lựa chọn câu hỏi để xem giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài: giới thiệu vấn đề

– Trong bài "Bàn luận về phép học", La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một danh sĩ thời Tây Sơn đã nêu lên phép học đúng đắn cho mọi người dựa trên cơ sở phép dạy học của Chu Tử (Chu Đôn Dư – một danh Nho đời Tống bên Trung Quốc).

2. Thân bài

a. Nội dung phép học

– Lúc đầu, học để bồi lấy gốc, sau học đến Tứ thư, Ngũ kinh, Chư sử là những kiến thức cơ bản mở đầu cho quá trình học tập lâu dài.

– Học rộng để mở mang kiến thức, sau đó tóm lược lại cho gọn, lấy những điều học được áp dụng vào thực tế (học để hành).

– Có như vậy thì nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo học có quan hệ tới lòng người, mang lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước.

b. Giải thích

– Trong phép học mà Nguyễn Thiếp đưa ra, có nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa học và hành: Thế nào là học và hành?

– Học là quá trình tiếp thu những tri thức cơ bản mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng ngàn năm, thông qua quá trình hoạt động học tập ở trường, qua sách vở và học ở ngoài đời.

– Hành là vận dụng những kiến thức đã học được vào thực tế công việc cụ thể hàng ngày.

c. Tại sao học với hành phải đi đôi với nhau?

– Mục đích tối cao của việc học là để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, nhằm phục vụ cho công việc đạt hiệu quả cao hơn.

– Vì vậy học mà không hành, chỉ nắm lí thuyết mà không vận dụng vào thực tiễn thì việc học trở nên vô ích, mất thời gian, tiền của, công sức mà không mang lại lợi ích thiết thực nào.

– Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Nếu chỉ làm việc theo thói quen và kinh nghiệm, không có lí thuyết soi sáng thì năng suất và chất lượng công việc sẽ thấp. Đối với những công việc đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật thì lại càng phải học và học không ngừng.

– Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, nếu không học ta sẽ không thể đáp ứng như cầu ngày càng cao của xã hội.

d. Bình luận

– Khẳng định ý kiến trên của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn.

– Cốt lõi trong phương pháp học của La Sơn Phu Tử là học đi đôi với hành. Giữa học và hành có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Học đóng vai trò chỉ đạo, soi sáng cho hành. Hành giúp cho con người vận dụng, củng cố, bổ sung và hoàn chỉnh lí thuyết đã học được vào thực tế.

e. Liên hệ với bản thân

- Ra sức học tập lí thuyết và thực hành trên thực tiễn để trở thành người tài.

3. Kết bài

– Học với hành phải đi đôi, không nên coi nhẹ mặt nào. Có như vậy thì hiệu quả học tập và lao động sản xuất mới được nâng cao.

– Ý kiến của La Sơn Phu Tử tuy đưa ra cách đây đã mấy thế kỷ những vẫn là kim chỉ nam cho phương pháp dạy, học trong thời đại ngày nay.

Bài mẫu

      Một trong những điều trọng yếu nhất của phương pháp học tập là "Học đi đôi với hành". Nguyên lí ấy đã được ông cha ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong bài tấu "Bàn luận về phép học" gửi vua Quang Trung, La Sơn Phu Tử cũng có viết, cần phải "theo điều học mà làm". Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta còn chưa hiểu rõ, hiểu một cách đầy đủ nguyên lí ấy, chân lí ấy.

      Vậy, thế nào là "học đi đôi với hành"? Thế nào là "theo điều học mà làm?". Học là học tập, học văn hóa, ngoại ngữ, học lí thuyết về khoa học kĩ thuật... Hành là hành động, là hoạt động. Học đi đôi với hành có nghĩa là vừa học văn hóa, lí thuyết vừa tập tành, vận dụng; lấy lí thuyết soi sáng thực hành, lấy thực hành củng cố lí thuyết; học tập phải gắn liền với sản xuất, với các hoạt động khác, nhất là hoạt động xã hội. "Theo điều học mà làm" có nghĩa là biến những kiến thức đã học được thành kĩ năng kĩ xảo, vận dụng những điều đã học được để làm ăn, phải biết làm theo những điều đã học để phục vụ lao động sản xuất, để ứng dụng vào cuộc sống. Đúng như cụ Phan Bội Châu đã chỉ rõ: "Học là bắt chước, học là cầu cho biết, học là để mà làm".

     Tại sao phải "học đi đôi với hành"? Tại sao lại phải "theo điều học mà làm”. Không học chay, học vẹt, học lí thuyết suông. Không thể học sáo rỗng, có thể đọc thiên kinh vạn quyển, "chữ chứa đầy bụng", nhưng khi bước vào đời thì ngu ngơ, rỗng tuếch, trở thành kẻ "thầy dở, thợ dốt". Vì không "học đi đôi với hành", vì không biết "theo điều học mà làm" nên nhiều người "đua học hình thức cầu danh lợi" như La Sơn đã chê trách. Cho nên học tập phải thiết thực và hữu ích.

      Học luận lí là để bồi dưỡng phẩm hạnh, để trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt. Học các môn khoa học xã hội nhân văn không chỉ để có những hiểu biết, những kiến thức về văn, sử, địa,... mà còn để bồi dưỡng tâm hồn,... Học ngoại ngữ phải tập nói, tập dịch, để đọc sách, để có thêm một công cụ mà làm ăn, mà tiến thủ, chứ đâu phải là để nói một vài câu tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Nhật... cho oai! Nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập quốc tế, cho nên "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là những phương châm giúp chúng ta cải tiến phương pháp học tập. Các môn khoa học tự nhiên là cực kì quan trọng, sẽ trang bị cho thanh thiếu niên bao kiến thức khoa học, kĩ thuật hiện đại. Phòng thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhất là phòng máy tính,... đã và đang được xây dựng, phát triển ở các trường tiểu học, trường phổ thông trên phạm vi cả nước đã cho thấy việc "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" được ngành giáo dục và xã hội quan tâm, coi trọng như thế nào. Các phong trào mang tính xã hội rộng lớn của học sinh, sinh viên những năm gần đây như "phong trào tình nguyện", đóng góp quỹ từ thiện xóa đói giảm nghèo, giúp những người khuyết tật, những nạn nhân chiến tranh... không chỉ thể hiện tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, mà còn cho thấy trường học đã gắn liền với cuộc sống xã hội, phương châm "học đi đôi với hành" được hàng chục triệu thầy cô giáo và học sinh nhiệt liệt quán triệt, hưởng ứng.

      Những hoạt động như cắm trại, tham quan, du lịch, sưu tầm văn học dân gian ở quê hương mình; những việc làm như trồng hoa, trồng cây, làm sạch trường, đẹp lớp,... là vô cùng thiết thực, đúng là "theo điều học mà làm". Quét nhà, lau nhà, nấu cơm, giặt quần áo trong gia đình là những công việc giúp tuổi trẻ trở nên tháo vát, khéo léo, biết yêu thương đỡ đần bố mẹ, sớm hình thành những đức tính tốt đẹp như siêng năng cần cù, yêu lao động và biết quý trọng người lao động.

      "Học đi đôi với hành", biết "theo điều học mà làm" là rất thiết thực, bổ ích. Nhờ đó mà lí thuyết được khắc sâu, lí thuyết được thực hành soi sáng, vừa học vừa tập, vừa ôn vừa luyện, nên dễ hiểu, dễ nhớ. Học đi đôi với hành hướng học sinh, sinh viên biết tìm tòi, nghiên cứu, phát minh. Trong những kì thi "tuổi trẻ sáng tạo” ta thấy tuổi trẻ Việt Nam đã biết "theo điều học mà làm", có nhiều phát minh, ứng dụng trong lĩnh vực tin học và công nghệ thể hiện tài năng, trí tuệ Việt Nam.

       "Học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm" là phương châm, phương pháp giúp học sinh, sinh viên phát huy tinh thần chủ động, năng động trong học tập, sớm xác định được mục tiêu học tập đúng đắn. Học để mở mang tầm hiểu biết, để trở thành người lao động có kĩ thuật, có khoa học để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

       Hiện tượng "học giả mà bằng thật", mua bán bằng giả hiện nay đâu chỉ là hội, chứng chạy theo bằng cấp, hư danh mà còn phản ánh một sự thật trong xã hội ta là nhiều người chưa hiểu "học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm".

      Con đường học tập đi tới tương lai của tuổi trẻ Việt Nam vô cùng tươi sáng và rộng mở. "Học đi đôi với hành", "theo điều học mà làm", là những bài học thiết thực, bổ ích đối với chúng ta. Những lời Bác Hồ viết trong "Thư trung thu" - 1952, ngày nay đọc lại ta càng thấy thấm thía:

"Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành;

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,

Tuỳ theo sức của mình.

Để tham gia kháng chiến

Để gìn giữ hòa bình.

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh".

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề "Tranh giành và nhường nhịn” Tranh giành và nhường nhịn là hai trong số những tính cách của con người. Đó là mặt tốt và mặt chưa tốt. Vậy tranh giành và nhường nhịn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta ?
M.Gorki từng nói: Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới. Em có suy nghĩ gi về câu nói trên M.Gorki từng nói: Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới. Em có suy nghĩ gi về câu nói trên
Nghị luận Vấn đề “Được” – “Mất” trong xã hội Nghị luận Vấn đề “Được” – “Mất” trong xã hội
Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại
Đoạn văn nghị luận có yếu tố tự sự và miêu tả - Bài viết số 2 Đoạn văn nghị luận có yếu tố tự sự và miêu tả - Bài viết số 2.
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved