logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Cách nhận biết muối trung hòa nhanh nhất

Admin FQA

15/12/2023, 13:38

Cách nhận biết muối trung hòa

     Muối là gồm một hay nhiều cation kim loại (hoặc amoni) liên kết với một hay nhiều anion gốc axit. Dựa vào thành phần của muối thì muối được phân thành hai loại là muối axit và muối trung hòa. Muối trung hòa là muối mà trong gốc axit không còn có nguyên tử hiđro có thể phân li ra ion. Một số muối trung hòa thường gặp như NaCl, KNO3, Na2CO3, CuSO4, BaCl2,… Bài viết dưới đây, sẽ đề cập đến vấn đề nhận biết muối trung hòa thường gặp.

I. Cách nhận biết muối trung hòa

- Để nhận biết các muối trung hòa, người ta thường dựa vào nhận biết gốc axit.

- Một số gốc axit của muối trung hòa thường gặp: Cl-, SO42-, NO3-, PO43-

- Cách nhận biết dựa vào gốc axit:

+ Dung dịch muối clorua (Cl-): dùng dung dịch AgNO3

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa trắng.

Ví dụ:

 NaCl + AgNO3 → AgCl↓ + NaNO3

+ Dung dịch muối sunfat (SO42-): thường dùng Ba(OH)2 hoặc dung dịch muối của bari.

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa trắng.

Ví dụ: 

Na2SO4 + BaCl2 → BaSO4 ↓ + 2NaCl

+ Dung dịch muối photphat (PO43-): thường dùng dung dịch AgNO3

Hiện tượng:  Xuất hiện kết tủa màu vàng.

Ví dụ: 

Na3PO4 + 3AgNO3 → Ag3PO4↓ + 3NaNO3

+ Dung dịch muối nitrat ( NO3-): dùng vụn kim loại Cu và dung dịch axit loãng (thường là HCl hoặc H2SO4).

Hiện tượng: Thoát ra khí không màu, hóa nâu trong không khí và dung dịch sau phản ứng có màu xanh

Ví dụ: 

3Cu + 8HCl + 2KNO3 → 3CuCl2 + 2KCl +4H2o

Khí NO không màu hóa nâu ngoài không khí.

2NO +O2 → 2NO2

- Chú ý: Nếu có hai muối trở lên tạo bởi 1gốc axit thì chúng ta sẽ nhận biết ion kim loại hoặc amoni tạo muối. Cách nhận biết 1 số ion kim loại (hoặc amoni) tạo muối như sau:

+ Nhận biết amoni (NH4+): dùng dung dịch kiềm như NaOH 

Hiện tượng: Có khí mùi khai bay ra.

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối NH4Cl

NH4Cl + NaOH → NH3↑ + NaCl + H2O

+ Nhận biết dung dịch muối của kim loại bari: dùng dung dịch muối sunfat hoặc axit H2SO4 loãng

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa trắng

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối Ba(NO3)2

Ba(NO3)2 + K2SO4 → BaSO4↓ + 2KNO3

+ Nhận biết dung dịch muối sắt (III): dùng dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH)

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa màu nâu đỏ

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối Fe(NO3)3

Fe(NO3)3 + 3NaOH → Fe(OH)3↓ + 3NaNO3

+ Nhận biết dung dịch muối sắt (II): dùng dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH)

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa màu trắng xanh

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối FeCl2

FeCl2+ 2NaOH → Fe(OH)2↓ + 2NaCl

+ Nhận biết dung dịch muối đồng (II): dùng dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH)

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa màu xanh lam

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối CuSO4

CuSO4+ 2NaOH → Cu(OH)2↓ + Na2SO4

+ Nhận biết dung dịch muối magie: dùng dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH)

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa màu trắng

Ví dụ: Nhận biết dung dịch muối MgCl2

MgCl2+ 2NaOH → Mg(OH)2↓ + 2NaCl

II. Mở rộng

- Muối trung hòa tạo bởi kim loại mạnh và gốc axit yếu, thủy phân tạo môi trường của dung dịch có tính kiềm (pH > 7,0) → làm quỳ tím chuyển sang màu xanh.

Ví dụ: CH3COONa; K2S; Na2CO3.

- Muối trung hòa tạo bởi kim loại yếu hoặc amoni và gốc axit mạnh, thủy phân tạo môi trường của dung dịch có tính axit (pH < 7,0) →  làm quỳ tím chuyển sang màu đỏ.

Ví dụ: Fe(NO3)3, NH4Cl, ZnBr2.

- Muối trung hòa tạo bởi kim loại mạnh và gốc axit mạnh, không bị thủy phân → môi trường của dung dịch vẫn trung tính (pH = 7,0) → không làm quỳ tím đổi màu.

Ví dụ: NaCl, KNO3, KI.

- Muối trung hòa tạo bởi kim loại yếu và gốc axit yếu → môi trường của dung dịch không thể xác định ngay được.

III. Bài tập nhận biết muối trung hòa

Bài 1: Cho dung dịch KOH vào ống nghiệm đựng dung dịch FeCl3, hiện tượng quan sát được là:

A. Có kết tủa trắng xanh.

B. Có khí thoát ra.

C. Có kết tủa đỏ nâu.

D. Kết tủa màu trắng.

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Cho dung dịch KOH vào ống nghiệm đựng dung dịch FeCl3 quan sát thấy xuất hiện kết tủa đỏ nâu.

Phương trình hóa học:

FeCl3 + 3KOH → Fe(OH)3↓ + 3KCl

Bài 2: Dung dịch của chất X làm xanh quỳ tím và khi cho tác dụng với dung dịch kali sunfat( K2SO4)  tạo ra chất không tan (kết tủa). Chất X là:

A. BaCl2        

B. NaOH        

C. Ba(OH)2        

D. H2SO4

Hướng dẫn giải:

Đáp án C

Dung dịch của chất X làm xanh quỳ tím → X là bazơ tan.

Mà dung dịch của chất X tác dụng với dung dịch kali sunfat( K2SO4)  tạo ra chất không tan (kết tủa) → X là Ba(OH)2.

Phương trình hóa học:

Ba(OH)2 + K2SO4 → BaSO4↓ + 2KOH

Xem thêm cách nhận biết các chất hóa học nhanh, chi tiết khác:

Fqa.vn

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved