logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Đề kiểm tra học kì 1 lịch sử 9- Đề số 10

Admin FQA

30/12/2022, 13:18

Đề bài

I-TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1: Hội nghị Ianta được triệu tập vào thời điểm nào của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)?

A.  Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ

B.  Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn ác liệt

C. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc.

D. Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc

Câu 2: Hội nghị Ianta (1945) có sự tham gia của các nước nào?

A.Anh - Pháp - Mĩ.

B.Anh - Mĩ - Liên Xô.

C.Anh - Pháp - Đức.

D.Mĩ - Liên Xô - Trung Quốc.

Câu 3: Theo quy định của Hội nghị Ianta, quân đội nước nào sẽ chiếm đóng các vùng Đông Đức, Đông Âu, Đông Bắc Triều Tiên sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A.Liên Xô.

B.Mỹ.

C.Anh.

D. Pháp

Câu 4: Các vùng Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của quốc gia nào theo quy định của Hội nghị Ianta (2-1945)?

A.  Liên Xô, Mĩ, Anh

B. Các nước phương Tây từng chiếm đóng ở đây.

C. Hoa Kỳ, Anh, Pháp.

D. Anh, Đức, Nhật Bản.

Câu 5: Nguyên nhân khách quan nào đã giúp kinh tế các nước Tây Âu phục hồi và phát triển sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Được đền bù chiến phí từ các nước bại trận.

B. Tinh thần lao động tự lực của các nước Tây Âu.

C. Được sự giúp đỡ từ Liên Xô.

D. Sự viện trợ của Mĩ trong kế hoạch Macsan.

Câu 6: Thành công của Tây Âu trong quá trình khôi phục kinh tế - xã hội sau chiến tranh có ý nghĩa lịch sử như thế nào?

A. Xóa bỏ được tình trạng nhập siêu.

B. Khai thác được nguồn nguyên vật liệu, nhân công rẻ của các nước thế giới thứ ba.

C. Cơ bản ổn định và phục hồi về mọi mặt, trở thành đối trọng với khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

D. Tây Âu trở thành một trong ba trung tâm kinh tế thế giới.

Câu 7: Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các nước Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai là?

A. Củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác khu vực.

B. Đấu tranh chống lại sự thao túng, ảnh hưởng của Mĩ ở châu Âu.

C. Chạy đua vũ trang, tham gia cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa.

D. Củng cố chính quyền của giai cấp tư sản, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

Câu 8: Đâu không phải là nhân tố thúc đẩy sự liên kết giữa các nước Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai?

A. Sự tương đồng về kinh tế- văn hóa

B. Tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật

C. Nhu cầu thoát khỏi sự lệ thuộc của Mĩ

D. Giải quyết bất đồng giữa khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa

Câu 9: Chế độ chính trị của Nhật Bản hiện nay là gì?

A.Chế độ xã hội chủ nghĩa.

B.Chế độ cộng hòa tổng thống

C.Chế độ quân chủ lập hiến

D.Chế độ quân chủ chuyên chế.

Câu 10: Việt Nam học tập được điều gì từ sự phát triển “thần kì” của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay?

A. Tranh thủ các nguồn viện trợ từ bên ngoài

B. Hạn chế ngân sách quốc phòng để tập trung phát triển kinh tế

C. Đầu tư phát triển giáo dục con người

D. Tăng cường vai trò quản lý điều tiết của nhà nước

Câu 11: Năm 1969, Mĩ đã đạt được thành tựu gì nổi bật về khoa học - kĩ thuật?

A.Tiến hành cuộc “cách mạng xanh

B.Chế tạo ra công cụ sản xuất mới

C.Đưa con người lên mặt trăng

D.Tạo ra cừu Đô-li

Câu 12: Điểm nổi bật trong chính sách đối nội của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là gì?

A.Thực hiện chế độ phân biệt chủng tộc.

B.Chống phong trào công nhân và Đảng cộng sản Mỹ hoạt động.

C.Chống sự nổi loạn của thế hệ trẻ.

D.Đối phó với phong trào đấu tranh của người da đen.

Câu 13: Chính sách đối ngoại nổi bật của Mĩ trong giai đoạn 1991-2000 là

A.Cố gắng thiết lập trật tự thế giới đơn cực

B. Tìm cách tiêu diệt Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa

C. Thiết lập chế độ thực dân kiểu mới ở châu Á

D. Nới lỏng sự kiểm soát đối với Đảng Cộng sản ở Mĩ

Câu 14: Vì sao sau chiến tranh thế giới thứ hai, Cuba lại được coi là “Lá cờ đầu” trong phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh?

A.  Lật đổ được chế độ độc tài, thiết lập chính phủ dân chủ

B. Tạo tiền đề cho sự phát triển của phong trào đấu tranh của Mĩ Latinh ở giai đoạn sau

C. Sau khi lật đổ được chế độ độc tài, thiết lập chính quyền dân chủ, Cuba tiến lên xây dựng CNXH

D. Nước đầu tiên lật đổ được chế độ độc tài, lập nên chính quyền dân chủ, cổ vũ phong trào đấu tranh ở khu vực phát triển

Câu 15: Vì sao có thể khẳng định: Cuộc tấn công pháo đài Môn-ca-đa (26-7-1953) đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân Cuba?

A.  Thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh vũ trang trên toàn đảo với những người trẻ tuổi

B. Bước đầu làm sụp đổ chính quyền Batixta

C. Giải phóng được nhiều tù chính trị cho cách mạng Cuba

D. Giải phóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Cuba     

Câu 16: Điểm khác biệt cơ bản giữa phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh với châu Á, châu Phi ở đầu thế kỉ XIX là?

A. Kẻ thù

B. Phương pháp đấu tranh

C. Lực lượng tham gia

D. Kết quả.

II-Tự luận (4 điểm)

Câu 17. Phân tích tình hình thế giới sau “Chiến tranh lạnh”.

Câu 18. Chứng minh từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, “một chương mới đã mở ra trong lịch sử khu vực Đông Nam Á’.

Lời giải chi tiết

1C

2B3A4B
5D6C7D

8D

9C10C11C

12B

13A14D15A

16D

Câu 1

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh dẫn đến triệu tập Hội nghị Ianta để trả lời.

Cách giải:

Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra cho các cường quốc đồng minh. Hội nghị Ianta được triệu tập (4 – 11/2/1945) để giải quyết các vấn đề này.

Chọn đáp án: C

Câu 2

Phương pháp: Dựa vào thành phấn các nước tham gia hội nghị Ianta để trả lời.

Cách giải:

Đầu năm 1945, nguyên thủ ba cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô đã quyết định triệu tập hội nghị cấp cao ba nước tại Ianta (Liên Xô).

Chọn đáp án: B

Chú ý:

Mĩ, Anh, Liên Xô là ba nước trụ cột của khối đồng mình chống phát xít. Vì thế, đây là ba nước sẽ giành được nhiều quyền lợi nhất khi chiến tranh thế giới thứ hai phân xong thắng bại.

Câu 3

Phương pháp: Dựa vào nội dung phân chia phạm vi ảnh hưởng của hội nghị Ianta để trả lời.

Cách giải:

Theo quy định của Hội nghị Ianta, quân đội Liên Xô sẽ chiếm đóng các vùng Đông Đức, Đông Âu, Đông Bắc Triều Tiên sau chiến tranh thế giới thứ hai,

Chọn đáp án: A

Câu 4

Phương pháp: Dựa vào sự phân chia ảnh hưởng tại các vùng còn lại của châu Á để trả lời.

Cách giải:

Theo quy định của Hội nghị Ianta (2-1945), các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây từng chiếm đóng ở đây.

Chọn đáp án: B

Câu 5

Phương pháp: Dựa vào các nguyên nhân thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Âu sau năm 1945 để suy luận trả lời.

Cách giải:

Sự viện trợ của Mĩ trong kế hoạch Macsan là nguyên nhân khách quan quan trọng thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của các nước Tây Âu sau chiến tranh.

Chọn đáp án: D

Chú ý:

Tinh thần tự lực tự cường của các nước Tây Âu là nguyên nhân chủ quan quan trọng đưa đến sự phục hồi và phát triển của kinh tế các nước Tây Âu sau năm 1945.

Câu 6

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử Tây Âu sau chiến tranh để suy luận trả lời.

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tây Âu chịu hậu quả nặng nề, kinh tế kiệt quệ, đất nước gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Tuy nhiên, với kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế 1945 – 1950 và sự viện trợ của Mĩ theo kế hoạch Mac-san đã giúp Tây Âu cơ bản ổn định và phục hồi về mọi mặt, trở thành đối trọng với khối Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Chọn đáp án: C

Câu 7

Phương pháp: Dựa vào hoạt động đối nội của chính phủ Tây Âu để nhận xét

Cách giải:

Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của các nước Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai là củng cố chính quyền của giai cấp tư sản, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

Chọn đáp án: D

Câu 8

Phương pháp: Dựa vào hoàn cảnh lịch sử của sự liên kết khu vực để suy luận trả lời

Cách giải:

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Tây Âu có xu hướng liên kết với nhau vì:

- Các nước Tây Âu có chung một nền văn minh, có một nền kinh tế không cách biệt nhau lắm và từ lâu đã có liên hệ mật thiết với nhau

- Tác động của cuộc cách mạng khoa học- kĩ thuật và xu thế liên kết quốc tế

- Nhu cầu thắt chặt sự tin cậy lẫn nhau để khắc phục những nghi kị, chia rẽ trong lịch sử; đồng thời cũng là để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mĩ

Chọn đáp án: D

Câu 9

Phương pháp: Liên hệ hiểu biết thực tiễn để trả lời

Cách giải:

Chế độ chính trị của Nhật Bản hiện nay là chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên ngôi vua chỉ mang tính chất tượng trưng, không có thực quyền. Mọi quyền lực nằm trong tay quốc hội, đứng đầu chính phủ là Thủ tướng

Chọn đáp án: C

Câu 10

Phương pháp: Dựa vào nguyên nhân phát triển “thần kì” của Nhật Bản và tình hình thực tế ở Việt Nam để liên hệ trả lời.

Cách giải:

Nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển “thần kì” của Nhật Bản sau chiến tranh là nhân tố con người. Do đó Việt Nam có thể vận dụng bài học này, tập trung đầu tư phát triển giáo dục con người để tạo ra nguồn lực vững chắc cho công cuộc đổi mới hiện nay bởi đầu tư vào con người chính là đầu tư có lợi nhất.

Chọn đáp án: C

Câu 11

Phương pháp: Dựa vào sự phát triển của khoa học - kĩ thuật Mỹ trong năm 1969 để trả lời.

Cách giải:

Năm 1969, Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa được con người lên Mặt trăng.

Chọn đáp án: C

Câu 12

Phương pháp: Dựa vào chính sách đối nội của Mĩ sau năm 1945 để trả lời.

Cách giải:

Sau chiến tranh, chính phủ Mỹ đã ban hành hàng loạt đạo luật phản động trong đó có đạo luật Tap-Hác-Lây nhằm mục đích chống phong trào công nhân và Đảng cộng sản Mỹ hoạt động. Đồng thời chống lại phong trào đình công và loại bỏ những người có tư tưởng tiến bộ ra khỏi bộ máy nhà nước.

Chọn đáp án: B

Câu 13

Phương pháp: Dựa vào chính sách đối ngoại của Mĩ giai đoạn 1991 – 2000 để trả lời.

Cách giải:

Dựa vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong giai đoạn 1991-2000 và những ưu thế vượt trội của Mĩ, giới cầm quyền Mĩ đã cố gắng thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do Mĩ hoàn toàn chi phối, khống chế. Tuy nhiên, giữa những tham vọng to lớn và khả năng thực tế của Mĩ vẫn có những khoảng cách không nhỏ.

Chọn: A

Câu 14

Phương pháp: Dựa vào kết quả, ý nghĩa của cách mạng Cuba (1959) để suy luận trả lời.

Cách giải:

Ngày 1-1-1959, chế độ Batixta sụp đổ, nước Cộng hòa Cuba được thành lập. Đây là cuộc cách mạng đầu tiên ở khu vực Mĩ Latinh lật đổ được chế độ độc tài thân Mĩ, thiết lập chính phủ dân chủ. Từ đó có tác dụng cổ vũ, tạo điều kiện để phong trào đấu tranh- đặc biệt là đấu tranh vũ trang phát triển, đưa Mĩ Latinh trở thành “Lục địa bùng cháy” trong những năm 60, 70 của thế kỉ XX.

Chọn: D

Câu 15

Phương pháp: Dựa vào diễn biến cách mạng Cuba để suy luận trả lời

Cách giải:

Mặc dù thất bại nhưng cuộc tấn công pháo đài Môn-ca-đa (26-7-1953) đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân Cuba. Nó đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh vũ trang trên toàn đảo với một thế hệ chiến sĩ cách mạng mới- trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và kiên cường.

Chọn: A

Câu 16

Phương pháp: Dựa vào phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ Latinh, châu Á và châu Phi đầu thế kỉ XIX để suy luận trả lời.

Cách giải:

Khác với châu Á và châu Phi, ngay từ đầu thế kỉ XIX, nhiều nước ở khu vực Mĩ Latinh đã sớm giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha => Khác nhau về kết quả.

Chọn: D

Câu 17. Phân tích tình hình thế giới sau “Chiến tranh lạnh”.

Phương pháp: Xem lại kiến thức các quốc gia Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai để trả lời.

Cách giải:

-         Tháng 12/1989, Mĩ và Liên Xô cùng nhau Tuyên bố chấm dứt “Chiến tranh lạnh”. Từ đó, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển và diễn ra theo các xu hướng sau:

-         Một là, xu thế hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn tránh xung đột trực tiếp, đối đầu nhau. Các cuộc xung đột quân sự ở nhiều khu vực đi dần vào thương lượng, hòa bình giải quyết các tranh chấp.

-         Hai là, thế giới đang tiến tới xác lập một trật tự thế đa cực, nhiều trung tâm, nhưng Mĩ âm mưu thiết lập “thế giới đơn cực”.

-         Ba là, dưới tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật, hầu hết các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế là trọng điểm. Các nước đều đẩy mạnh sản xuất và tích cực tham gia các liên minh kinh tế khu vực để cùng nhau hợp tác và phát triển như EU, ASEAN…

-         Bốn là,  tuy hòa bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực lại xảy ra những xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái như ở Liên bang Nam Tư cũ, châu Phi và một số nước ở Trung Á, Trung Đông…

-         Tuy nhiên, xu thế chung của thế giới ngày nay là hòa bình ổn định và hợp tác phát triển kinh tế. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các dân tộc khi bước vào thế kỉ XXI.

Câu 18. Chứng minh từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, “một chương mới đã mở ra trong lịch sử khu vực Đông Nam Á’.

Phương pháp: Xem lại kiến thức các quốc gia Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ hai để trả lời.

Cách giải:

Chứng minh từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, “một chương mới đã mở ra trong lịch sử khu vực Đông Nam Á”

     - Trước những năm 90 của thế kỉ XX, quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với ba nước Đông Dương rất phức tạp (căng thẳng đối đầu).

     - Sau chiến tranh lạnh và vấn đề Campuchia được giải quyết tình hình chính trị của khu vực được cải thiện rõ rệ. Xu hướng nổi bật đầu tiên là sự mở rộng thành viên của tổ chức này. Từ ASEAN 6 phát triển thành ASEAN 10 (Năm 1992, Việt Nam và Lào chính thức gia nhập Hiệp ước Ba-li. Năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức ASEAN. Năm 1997, Lào và Mianma gia nhập tổ chức này; 1999, Campuchia được kết nạp).

- Trên cơ sở một tổ chức thống nhất, ASEAN chuyển trọng tâm hoạt động sang hợp tác kinh tế, đồng thời xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển phồn vinh. Để đạt được mục tiêu này, năm 1992, ASEAN quyết định biến Đông Nam Á thành khu vực mậu dịch tự do trong vòng 10 đến 5 năm. Năm 1994, ASEAN lập diễn đàn khu vực.

Fqa.vn

Bài giải cùng chuyên mục

Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT Châu Thành Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Phòng GD&ĐT Châu Thành với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở GD&ĐT Bến Tre Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 Sở GD&ĐT Bến Tre với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2020 - 2021 trường THCS Sao Đỏ - Chí Linh- Hải Dương Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2020- 2021 của trường THCS Sao Đỏ - Chí Linh-với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2020 - 2021 Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2020- 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng với cách giải nhanh và chú ý quan trọng
Đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 -trường THCS Tân Túc Giải chi tiết đề thi học kì 1 môn sử lớp 9 năm 2019 - 2020 trường THCS Tân Túc
Xem thêm

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved