logo fqa gpt

banner fqa app
Tải APP FQA Hỏi & đáp bài tập
Tải ngay

Mạc Đăng Dung và Vương triều nhà Mạc

Admin FQA

24/04/2024, 14:01

95

Mạc Đăng Dung là một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba, có công lao to lớn trong việc củng cố nền độc lập cho đất nước, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, việc ông phế truất vua Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc đã dẫn đến cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều kéo dài suốt 200 năm. Có thể nói, nhà Mạc - một triều đại phong kiến tồn tại hơn 150 năm, trong đó có 65 năm (1527-1592) ở Thăng Long. Trong suốt thời gian tồn tại, nhà Mạc đã có nhiều cống hiến đối với lịch sử dân tộc. Tuy vậy, theo quan điểm phong kiến thì cũng như nhà Hồ, nhà Tây Sơn, vì đã lật đổ triều đại cũ, lập nên triều đại mới cho dòng họ mình, đều bị coi là "nhuận", là "nguỵ" (nhuận Hồ, nguỵ Mạc, nguỵ Tây Sơn). Ngày nay, cùng với phương châm khoa học: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" đã giúp cho chúng ta có cách nhìn mới về các nhân vật lịch sử, trong đó có nhà Mạc và Mạc Đăng Dung.

Mạc Đăng Dung (1527-1529) Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương) là cháu bảy đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) thời Trần, bố là Mạc Hịch, mẹ là Đặng Thị Hiến. Ông bà Mạc Hịch - Đặng Thị Hiến sinh được 3 người con trai là: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Đốc và Mạc Đăng Quyết. Mạc Đăng Dung sinh ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão - 1483. Thời trẻ, Mạc Đăng Dung có sức khoẻ phi thường, tướng mạo khôi ngô. Ông xuất thân từ một thanh niên nghèo, làm nghề đánh cá, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ chuyên cầm dù đi theo vua. Mạc Đăng Dung tiến rất nhanh trên con đường hoan lộ, năm 1511 mới 29 tuổi đã được phong tước Vũ xuyên bá. Năm 1516, Mạc Đăng Dung được cử làm Trấn thủ Sơn Nam với chức Phó tướng tả đô đốc. Trải qua 3 đời vua Lê, Mạc Đăng Dung được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương. Lợi dụng lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc. Cũng như nhà Trần, tháng 12 năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh làm vua, còn mình làm Thái thượng hoàng. Lúc đó Mạc Đăng Dung mới 46 tuổi. Mạc Đăng Dung mất tháng 8 năm Tân Sửu - 1541, thọ 59 tuổi.

Trong các bộ chính sử của nước ta, kể từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đời Lê – Trịnh đến “Việt sử thông giám cương mục” đời Nguyễn, cũng như trong quan niệm chính thống của các sử gia đương thời, có ba triều đại bị đặt ra ngoài lề của dòng chính sử, bị coi là “nhuận triều” hay “nguỵ triều” chỉ vì lẽ “cướp ngôi vua, giết vua thì danh không chính, ngôn không thuận, vì lẽ nghịch mà lấy được nước, nên không chép là chính thống”. Đó là các triều: nhuận Hồ, nguỵ Mạc và nguỵ Tây Sơn.

Đối với nhà Mạc và Mạc Đăng Dung, dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến, tư sản thì thật tồi tệ. Các bộ chính sử của các triều đại sau vẫn miệt thị, lên án Mạc Đăng Dung đủ điều, nhất là tội chuyên quyền, cướp ngôi vua và đầu hàng giặc Minh. Triều Mạc được xếp vào nguỵ triều. Lê Quý Đôn, trong một vài tác phẩm của mình, hoặc xem nhà Mạc không tồn tại (Kiến Văn tiểu lục), hoặc xếp vào hàng nghịch thần (Đại Việt thông sử). Bộ sách mang tính chất Bách khoa của Phan Huy Chú – Lịch triều Hiến chương loại chí – sau này cũng chỉ bàn tới nhà Mạc như một dị biệt… 

Nhìn lại lịch sử, ta thấy vào giai đoạn cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI trong lịch sử quân chủ Việt Nam, nhà Lê sơ sau một thời kỳ thịnh trị đã bước vào giai đoạn suy thoái, ruộng đất tập trung vào các địa chủ, đội ngũ quan liêu bị tha hoá, đời sống của đông đảo nông dân ngày càng bị bần cùng. Triều đình Lê sơ lúc này, đứng đầu là Lê Uy Mục bị tố cáo: tước đã hết mà lạm thưởng không hết, dân đã cùng mà lạm thu không cùng. Phu thuế thu đến tơ tóc mà cùng của như bùn đất, bạc nhược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác.

Dưới sự thống trị của triều đình chuyên chế đồi bại đó, đời sống của nhân dân ngày càng chìm đắm trong tối tăm, cơ cực, tô thuế và lao dịch không ngừng tăng thêm, đè nặng lên cuộc sống quanh năm lao động vất vả của người nông dân. Bọn địa chủ, quan lại còn gia sức chiếm đoạt ruộng đất, đe doạ nền kinh tế nhỏ của nông dân. Đời sống của người nông dân ngày càng bần cùng, điêu đứng, kinh tế nông nghiệp lại không được chăm lo, đê điều và các công trình thuỷ lợi bỏ bê trễ, các nạn lụt, mất mùa đói kém… xảy ra quanh năm. Lúc này, khắp nơi loạn lạc nổ ra, các phe phái đánh giết nhau tranh giành quyền lợi. Đây là hậu quả do chế độ chuyên chế đẻ ra và trở thành thứ bệnh kinh niên của chế độ này khi mà nhiệm vụ thống nhất đất nước và chống giặc ngoại xâm đã được hoàn thành về cơ bản.

Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung, từ một chức Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ thời Lê Uy Mục đã khéo lợi dụng cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân để thâu tóm quyền hành vào tay mình. Sau một thời gian dài hoạt động, Mạc Đăng Dung đã thăng tới chức Vương, nắm tiết chế các dinh thuỷ lục 13 đạo, uy thế bao trùm, thu phục được nhân tâm, và đến năm 1527 phế truất vua Lê Chiêu Tông lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Mạc.

Có thể nói, việc ra đời Vương triều Mạc trong bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ là một điều tất yếu. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. Thực tế, Mạc Đăng Dung là nhân vật – bằng nội lực của mình – đã được lịch sử trao cho chiếc tay chèo. Vương triều Mạc, với vai trò là một chính quyền cai trị thực sự, chỉ tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. 

Tuy thời gian trị vì ngắn ngủi như vậy, lại luôn luôn trong tình trạng không ổn định vì phải gắng sức chống thù trong, giặc ngoài. Lúc này, một mặt nhà Mạc phải chống nhau với các thế lực thù địch của nhiều phe phái dưới danh nghĩa phù Lê, mà tiêu biểu là lực lượng của Nguyễn Kim, sau là nhà Trịnh ở Thanh Hoá – cục diện đó đã đưa lịch sử dân tộc rơi vào cuộc nội chiến Nam – Bắc triều. Trong một số công việc, nhà Mạc vẫn duy trì giống thời Lê như chế độ nhà nước vẫn sử dụng tư tưởng Tống Nho để quản lý. Song đã nhìn nhận và đúc rút kinh nghiệm từ chế độ thối nát vào giai đoạn cuối thời Lê sơ, do đó nhà Mạc đã có một số chính sách tích cực hơn, cởi mở hơn.

Mạc Đăng Dung lên ngôi, tức là vua Mạc Thái Tổ, chính thức lập ra Nhà Mạc. Nhà Lê truyền được 100 năm đến đây kết thúc, nhưng công đức vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thánh Tông làm cho nhiều người vẫn không quên nhà Lê, cho nên dù Mạc Đăng Dung có cướp được ngôi cũng không được lâu bền. Chẳng bao lâu, khắp nơi nổi lên những đội quân "phù Lê diệt Mạc" muốn diệt trừ Mạc Đăng Dung để khôi phục nhà Lê.

Có thể nói Mạc Đăng Dung là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam, nhưng rõ ràng sự xuất hiện của ông trên vũ đài chính trị, lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Hoằng Dụ đã từng có thư riêng cầu hòa với Mạc Đăng Dung khi vua sai Đăng Dung đi đánh Hoằng Dụ. Đăng Dung không đi đánh nữa. Nhưng Hoằng Dụ, sau khi thua Trịnh Tuy và Trần Chân, đã bỏ chạy về giữ Thanh Hóa. Đến khi vua bị bọn Trần Chân chống lại, cho vời ra giúp, đã không ra. Lần thứ hai vua vời ra để cùng Mạc Đăng Dung đánh Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… thì lại xuất binh đánh trước và thua trận, lui về Thanh Hóa. Như vậy đức, tài đã được thử thách và biểu lộ rõ là Hoằng Dụ thua kém Mạc Đăng Dung.

Còn Mạc Đăng Dung khi được Chiêu Tông vời ra giúp đã ra ngay, được Chiêu Tông trao cả binh quyền để đánh Hoàng Duy Nhạc. Mạc Đăng Dung đã thắng trận, trừ được bọn Lê Do (đã tiếm hiệu xưng vua) cùng Trịnh Tuy, Nguyễn Sư, lại đã quy hàng được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… nên lực lượng càng thêm mạnh.

Tài quân sự của Mạc Đăng Dung như vậy là đã rõ. Còn về đức, ông cũng là vị quan tận tâm phục vụ triều đình, nghe lời gọi của Chiêu Tông ra cứu vua, và lấy ân uy mà thu phục được Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng… Khi đưa Cung Hoàng lên ngôi, đã vì lòng trung mà cố gắng để gần ba năm vực lại ngôi vua của nhà Lê, nhưng thấy không thể vực dậy nổi, mới quyết định nghe lời các quần thần mà lên ngôi.

Công, tội của Mạc Đăng Dung đã từng gây nhiều tranh cãi trong giới sử học, nhưng rõ ràng việc Mạc Đăng Dung lên ngôi lập ra nhà Mạc đã mở ra một thời kỳ thái bình, thịnh trị cho đất nước. Chính vì thế, có không ít triều thần của nhà Lê đã quay sang theo và giúp việc cho Mạc Đăng Dung. PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng, cũng bởi nhận rõ thế sự và tài năng của Mạc Đăng Dung mà nhiều vị quan nhà Lê đã không ngần ngại giúp Mạc Đăng Dung trị vì đất nước.

Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao bởi cách đối nhân xử thế của ông. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không tiến hành một cuộc tàn sát nào đối với con cháu của nhà Lê và những người trung thành với triều đình. Đối với những di sản văn hóa, kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, ông cũng không xâm phạm hay tàn phá mà còn cho tu bổ các công trình như Quốc Tử Giám ở Thăng Long hay khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa... Những việc làm của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến.

Còn “việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh” từng bị nhiều nhà sử học trong nước phê phán gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là “chủ mưu” trong việc này bị lên án là người “không biết liêm sĩ” là kẻ phản quốc. Trong những năm cuối của thế kỷ XX, giới sử học Việt Nam đã có những cách nhìn nhận lại về Mạc Đăng Dung và vai trò của dòng họ này trong lịch sử dân tộc mà tiêu biểu là hội thảo khoa học “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” được tổ chức năm 1994 ở Hải Phòng. Đã có những đánh giá khách quan, đúng đắn và công bằng hơn. Theo như sự tìm hiểu của chúng tôi qua một số tư liệu thì đúng là nhà Mạc đã có hành động đầu hàng nhà Minh ở biên giới phía Bắc vào năm 1540. Tuy nhiên đây chỉ là nghi thức đầu hàng không ngoài mục đích làm hài lòng nhà Minh. Với sự đầu hàng này, nhà Mạc đã chấp nhận những điều kiện do nước lớn láng giềng định ra, như chấp nhận phụ thuộc dưới quyền bá chủ của nhà Minh và phải nộp cống hằng năm cho họ. Để đổi lại, nhà Mạc tránh được nguy cơ bị chinh phạt và đất nước được độc lập.

Như vậy, dù chỉ tồn tại không dài trong lịch sử dân tộc. Nhưng những hành động thiết thực của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc đáng được nhìn nhận khách quan. Thay vì, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo nặng nề khi đánh giá về vương triều này. Lịch sử cần được trả về với sự thật của nó.

Mạc Đăng Dung là một nhân vật lịch sử có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ông là một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba và có công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, nhiều nhà sử học trong và ngoài nước đã nghiêm túc đi sâu, chắt lọc sử liệu cũ và kết quả điền dã để minh oan, khẳng định những cống hiến cho đất nước, cho dân tộc của nhà Mạc và Mạc Đăng Dung trong thế kỷ XVI. Nói tóm lại, với 65 năm tồn tại ở Thăng Long, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định với lịch sử dân tộc. Công lao dựng nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận, hậu thế cần trân trọng và phát huy.

Bài viết liên quan
new
Cái nhìn tổng quát về thần thoại Bắc Âu

Thần thoại Bắc Âu là hệ thống tín ngưỡng và truyền thuyết của các dân tộc German ở Bắc Âu, bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Greenland và Quần đảo Faroe. Hệ thống này được hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ, dựa trên truyền miệng và được ghi chép lại trong các tác phẩm như Edda và Poetic Edda. Nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, nghệ thuật và văn học của người Scandinavia, và nó tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm hiện đại.

Admin FQA

15/05/2024

new
Chữ Nôm trong lịch sử dân tộc

Với chữ Nôm Việt, ở Việt Nam đã hình thành nên một nền văn chương chữ Nôm (bên cạnh văn chương chữ Hán). Và chính trong lĩnh vực sáng tạo văn học, chữ Nôm gắn liền với ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên những tác phẩm có giá trị, chiếm những vị trí cao nhất trong văn học cổ điển Việt Nam.

Admin FQA

14/05/2024

new
Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông được mệnh danh là "anh hùng dân tộc", "danh nhân văn hóa thế giới" và là biểu tượng của lòng yêu nước, thương dân.

Admin FQA

14/05/2024

new
Trần Quốc Toản - anh hùng trẻ tuổi

Trần Quốc Toản (1267-1285), hiệu Hoài Văn Hầu, là một vị anh hùng dân tộc Việt Nam thời nhà Trần. Ông nổi tiếng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chống giặc Nguyên Mông bất khuất.

Admin FQA

14/05/2024

new
Tư Mã Ý - nhà chiến lược gia tài ba

Tư Mã Ý (179 - 251) là nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông được đánh giá là một trong những chiến lược gia tài ba xuất chúng nhất thời đại.

Admin FQA

14/05/2024

new
Cao Bá Quát - nhà thơ và những hoạt động chính trị

Cao Bá Quát là một nhà thơ, nhà Nho tài hoa, lỗi lạc với những phẩm chất cao quý nhưng cũng có những khía cạnh phức tạp trong tính cách. Ông là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến Việt Nam đầu thế kỷ 19.

Admin FQA

14/05/2024

Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản miễn phí!

Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn

LIÊN KẾT

FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)

Copyright © 2024 fqa.vn All Rights Reserved