SGK Ngữ văn 11 - Chân trời sáng tạo tập 1

Trả lời câu hỏi 1 trang 29

Nội dung câu hỏi: 

Giới thiệu và làm rõ giá trị của một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mà bạn yêu thích.

 

Phương pháp giải:

- Dựa vào những kiến thức đã được tìm hiểu và hiểu biết cá nhân để giới thiệu, làm rõ về giá trị của tác phẩm văn học. 

 

Lời giải chi tiết:

Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây em sẽ giới thiệu về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Đã từ lâu hình ảnh những dòng sông đã trở thành đề tài bất tận trong thi ca của biết bao nhà văn, nhà thơ. Những con sông êm đềm, dịu dàng, chảy chậm rãi hoà với vẻ đẹp nên thơ của cảnh sắc thiên nhiên  phải chăng đã làm rung động trái tim, tâm hồn nhạy cảm của những người nghệ sĩ tài hoa, yêu thích cái đẹp. Chính bởi lẽ đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường  đã viết lên bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, bằng ngòi bút tài hoa lãng mạn của mình ông đã để lại trong lòng độc giả hình ảnh một sông Hương rất thơ mộng, trữ tình, có thể làm say đắm trái tim của bao kẻ si tình.

Cuộc đời gắn bó với xứ Huế mộng mơ từ thuở nhỏ đến khi lớn lên, đã cho nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có cơ hội tìm hiểu tường tận, am hiểu về lịch sử, văn hoá, địa lý và con người nơi đây, để từ đó viết lên bài bút ký tuyệt vời đến thế. Ông cũng được mệnh danh là nhà văn của những con sông: Từ dòng sông Hương xinh đẹp, con sông Đà hoang dại, đến dòng Cửu Long đổ ra biển lớn,… Tất cả đều nằm trong ký ức người nghệ sĩ tài hoa, sâu lắng. Điểm mới trong phong cách văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, khiến tác phẩm của ông không thể trộn lẫn với ai khác chính là: Sức liên tưởng, tưởng tượng hết sức phong phú dồi dào, lối hành văn mê đắm tài hoa, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chất trí tuệ. Những đặc điểm ấy đã tạo nên những trang bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông rất xuất sắc. Đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông được in trong tập sách cùng tên, viết tại Huế năm 1981. Đoạn trích là phần đầu của bút ký, tập trung khai thác vẻ đẹp của dòng sông Hương gắn với cả lịch sử hào hùng của mảnh đất cố đô xinh đẹp.

Tác giả miêu tả vẻ đẹp dòng sông Hương từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều khía cạnh, từ chiều dài thời gian đến chiều sâu không gian. Dòng sông Hương mang vẻ đặc biệt trước tiên đến từ góc nhìn địa lý, như tác giả nói có rất nhiều con sông đẹp mà ông từng biết duy chỉ có Hương giang là thuộc về một thành phố. Từ khi còn ở thượng nguồn, dòng sông là “một bản trường ca của rừng già”, “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy”  vượt qua những chặng đường gian nan thử thách nhưng có khi lại trở nên “dịu dàng, đằm thắm” như đoá hoa đỗ quyên rừng. Chỉ có màu đỏ rực rỡ đó mới miêu tả hết được vẻ đẹp sông Hương vừa man dại, quyến rũ lại vô cùng nồng nàn. Khi vào tới lòng Trường Sơn, sông Hương được tác giả miêu tả như “một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, có lẽ vượt qua những khó khăn, thử thách đã hun đúc cho “cô gái” ấy một tính cách mạnh mẽ, gan dạ đến thế. Nhưng cũng có khi trải qua cả nửa chặng đường đời, sông Hương đã trở thành người con gái của rừng già, kìm hãm sức mạnh bản năng của chính mình. Xuôi theo dòng chảy, rời xa thượng nguồn, Hương giang mang một sắc đẹp “dịu dàng, trí tuệ”, trở thành người mẹ của “một vùng văn hoá xứ sở”. Bằng ngòi bút tinh tế, khéo léo của mình tác giả nhân hoá dòng sông như một người mẹ , “người mẹ ấy” đã nuôi sống những đứa con bằng tất những tinh tuý mình có, bồi đắp phù sa, nuôi lớn đứa con trở nên trù phú, rộng lớn, bao la.

Sông Hương là dòng sông duy nhất thuộc thành phố Huế, nó đã trải qua biết bao thăng trầm gian truân nhưng lại chẳng muốn bộc lộ cho ai thấy, nó muốn giữ kín cho riêng mình nên đã đóng kín cửa tâm hồn lại và “ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Chính lẽ đó, sông Hương mang vẻ đẹp vang bóng một thời của cố đô Huế xa xưa, vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, nồng nàn hơn bao giờ hết. Để rồi trải qua hàng thế kỷ, “người tình trong mộng mới đến đánh thức cô gái Di-gan man dại đang ngủ say giữa cánh đồng Châu Hoá thơ mộng”. Sông Hương quả thật mang tâm tình như một người con gái trẻ đẹp khi nghe tiếng gọi của người yêu, nó vội vã “vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”, như trang điểm, tô son cho mình trước khi xuôi dòng về gặp lại thành phố Huế thân yêu của nó.

Sông Hương qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản nó đột ngột chuyển hướng Tây Bắc, vẽ một cung thật tròn về hướng Đông - Nam, ôm lấy chân núi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ đây dòng sông trở nên xanh thẳm, “mềm như tấm lụa”, có khi ánh lên những tia sáng phản quang nhiều màu sắc “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự chuyển đổi màu sắc theo từng mùa, theo từng khoảng thời gian trong ngày đã làm nên một nét đặc trưng, một vẻ đẹp không thể nhầm lẫn của dòng Hương giang với bất cứ con sông nào khác. Giáp mặt với thành phố ở Cồn Hến con sông chuyển mình thật mệt mại như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu.
Hoàng Phủ Ngọc Tường dùng những câu văn rất nhẹ nhàng, uyển chuyển tái hiện vẻ đẹp kiều diễm, e thẹn của Hương giang, qua đó ta thấy được sức liên tưởng dồi dào, phong phú của tác giả. Dưới cái nhìn của ông, dòng sông thật sự là một người con gái trẻ, có cảm xúc, có tâm hồn như người đang yêu. Những đường đường cong mềm mại , say đắm ấy đã gây cho người đọc những cảm xúc ngỡ ngàng, cuồng si, cứ thế vẻ đẹp sông Hương len lỏi vào tâm trí độc giả một cách tự nhiên, mộc mạc và chân thực nhất. Trong lòng thành phố, dòng sông trôi lững lờ chậm rãi như “bản slow của tình yêu”, tác giả nhân hoá nó như một “người tài nữ” đánh đàn lúc đêm khuya, ông đã cảm nhận sông Hương qua cái nhìn âm nhạc sâu lắng với vẻ đẹp nồng nàn không thể cưỡng lại. Rời khỏi thành phố Huế, dòng sông ôm lấy Cồn Hến rồi lại đột ngột đổi dòng rẽ ngang, tác giả cho rằng có lẽ đó là chút “lẳng lơ” âm thầm của tình yêu, nó sực nhớ ra chưa nói điều gì liền vội vã quay lại tìm người yêu. Tác giả với sức liên tưởng phong phú của mình, ông ví Hương giang như nàng Kiều chí tình quay về tìm Kim Trọng để nói lời hẹn cuối trước khi về với biển cả bao la rộng lớn.

Sông Hương là chứng nhân lịch sử, tại đây nó đã chứng kiến biết bao đổi thay của cố đô Huế , “sông Hương đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó”. Trong sách dư địa chí dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ vùng phía Nam tổ quốc, dòng sông “soi bóng kinh thành Phú Xuân”, “sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ 19”. Hương giang là thế, nó biết biến đời mình thành những trang sử biếc, lập những chiến công vang dội, để rồi khi về với cuộc sống đời thường “làm một người con gái dịu dàng của đất nước”.

Hình ảnh dòng Hương giang có lẽ đã in sâu trong lòng Hoàng Phủ Ngọc Tường , ông dành cho nó cả một tình cảm sâu nặng, sự yêu thương da diết. Tác giả cảm nhận dòng sông qua nhiều vẻ đẹp, nhiều khía cạnh khác nhau với lối viết nhẹ nhàng, mộc mạc, dòng sông cứ thế đi vào lòng người đọc theo mạnh cảm xúc dâng trào không thể dứt ra. Ông đã vận dụng thành công thể bút ký để tạo nên một tác phẩm có giá trị to lớn cho nền văn học Việt Nam.

Bài giới thiệu đến đây là kết thúc cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ mọi người để bài trình bày hoàn thiện hơn. 

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved
gift-box
survey
survey
Đặt câu hỏi