Bảng tuần hoàn trong môn hóa là một trong những kiến thức cơ bản mà bất kỳ học sinh nào khi tiếp xúc với môn học này đều cần ghi nhớ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình giảng dạy, tôi nhận được khá nhiều những lời “kêu ca, phàn nàn” về độ khó của kiến thức này.
Để giúp các bạn học sinh có thể hiểu rõ cũng như ghi nhớ tốt nhất về bảng tuần hoàn hóa học, tôi đã tổng hợp lại các mẹo ghi nhớ trong bài chia sẻ dưới đây.
Với những ai cảm thấy môn Hóa khó nhằn, hay mới tiếp xúc với kiến thức này thì đừng bỏ lỡ các thông tin trong bài viết dưới đây nhé!
Kiến thức cơ bản về bảng tuần hoàn hóa học
Việc ra đời cũng như các thông tin về bảng tuần hoàn hóa học là điều mà nhiều người biết nhưng lại không nắm rõ. Tuy đây không phải là những thông tin quá quan trọng, song tôi nghĩ các em học sinh nên ghi nhớ những điều cơ bản để có thêm nhiều hứng thú trong việc học cũng như ghi nhớ các thông tin.
Thông tin về bảng tuần hoàn hóa học mới nhất 2022
Xin nhắc lại một chút, bản tuần hoàn các nguyên tố được nhà hóa học người Nga - Dmitry Mendeleyev biên soạn vào năm 1869. Đây là công cụ giúp người đọc có thể sắp xếp, nhận biết và hiểu các quy luật của các nguyên tố hóa học một cách thuận tiện.
Đến nay, bảng tuần hoàn này đã được cập nhật và chỉnh sửa nhiều lần khi phát hiện thêm các nguyên tố mới. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi chính là cách trình bày cơ bản vẫn giống như thiết kế ban đầu của Mendeleev.
Không chỉ dùng để sắp xếp các nguyên tố, bảng tuần hoàn còn cho chúng ta biết khả năng phân tích tính chất hóa học của một nguyên tố cụ thể dựa trên vị trí của nó trong bảng. Ngoài lĩnh vực hóa học, vật lý và sinh học cũng sử dụng chung bảng tuần hoàn này. Từ vị trí nguyên tố trong bảng tuần hoàn, có thể suy ra tính chất, vị trí của nó trong bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn
Để biết cách xem hay ứng dụng bảng tuần hoàn, điều cơ bản mà các em học sinh cần ghi nhớ chính là nguyên tắc sắp xếp. Hiện nay, các kiến thức về cách sắp xếp nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học thường được dạy ngay khi các em học và tiếp xúc cùng môn Hóa. Ở đây, tôi sẽ nhắc lại một lần để các em ghi nhớ, và hình dung lại kiến thức.
Cấu tạo sắp xếp bảng tuần hoàn
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học hiện nay được sắp xếp theo các nguyên tắc sau
- Nguyên tắc thứ nhất: Sắp xếp theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử của các nguyên tố
- Nguyên tắc 2: Sắp xếp các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử thành một hàng.
- Nguyên tắc thứ ba: Sắp các nguyên tố cùng số electron hóa trị trong nguyên tử được sắp xếp thành một cột.
Cách đọc bảng tuần hoàn hóa học lớp 8 siêu dễ nhớ
Nhìn có vẻ đơn giản, tuy nhiên việc ghi nhớ các kiến thức trong bảng tuần hoàn hóa học khiến nhiều bạn phải đau đầu. Để có thể ghi nhớ dễ hơn, hãy thử ngay theo 2 cách ghi nhớ dưới đây nhé.
Mẹo ghi nhớ bảng tuần hoàn bằng thơ
Một trong những cách nhanh nhất để ghi nhớ bảng tuần toàn là biến những ký hiệu cứng nhắc thành các cụm thơ có vần điệu. Một cách biến tấu cực hay hô và hấp dẫn. Đặc biệt,với các bạn chuyên văn thì cách này cực kỳ dễ học thuộc nhé.
Kinh nghiệm ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học
H | He | ||||||
Li | Be | B | C | N | O | F | Ne |
Na | Mg | Al | Si | P | S | Cl | Ar |
K | Ca | ||||||
Hoàng | Hôn | ||||||
Lặn | Bể | Bắc | Chợt | Nhớ | Ở | Phương | Nam |
Nắng | Mai | Ánh | Sương | Phủ | Song | Cửa | Ai |
Không | Cài |
Với cách sắp xếp trên, ta sẽ được cụm thơ ngắn gọn, xúc tích và dễ ghi nhớ như sau:
- Hoàng hôn lặn bể Bắc
- Chợt nhớ ở phương Nam
- Nắng mai ánh sương phủ
- Song cửa ai không cài
Với các nguyên tố tiếp theo có thể sắp xếp thành đoạn thơ như sau:
Sc | Ti | V | Cr | Mn | Fe | Co | Ni | Cu | Zn |
Sớm | Tối | Vui | Ca | Múa | Fải | Có | Nhạc | Có | Kèn |
- Sớm tối vui ca múa
- Phải có nhạc có kèn
(Nguồn: Ung Thanh Hải)
Sắp xếp thành các cụm từ dễ ghi nhớ
Gợi ý khác dành cho những bạn đang đau đầu về cách ghi nhớ bảng tuần hoàn là hãy biến chúng thành các cụm từ thú vị. Hiện nay, việc sử dụng những cụm từ viết tắt với nhiều ý nghĩa thú vị rất phổ biến trong giới học sinh. Chính vì vậy, ngay cả bảng tuần hoàn hóa học khô khan cũng có thể biến tấu khác đi. Một cụm từ “funny” sẽ gây cảm hứng và dễ nhớ hơn là những ký hiệu hóa học cứng nhắc.
Cách biến tấu thứ 1:
- Nhóm IA: Hai, Ly, Nào, Không, Rót, Cà, Fê (H,Li,Na,K,Rb,Cs,Fr)
- Nhóm IIA: Banh, Miệng, Cá, Sấu, Bẻ, Răng (Be,Mg,Ca,Sr,Ba,Ra)
- Nhóm IIIA: Bố, Ai, Gáy, Inh, Tai (B,Al,Ga,In,Tl)
- Nhóm IV: Chú, Sỉ, Gọi em, Sang nhắm, Phở bò (C,Si,Ge,Sn,Pb)
- Nhóm V: Nhà, Phương, Ăn, Sống, Bí (N,P,As,Sb,Bi)
- Nhóm VI: Ông, Say, Sỉn, Té, Pò (O,S,Se,Te,Po)
- Nhóm VII: Phải, Chi, Bé, Yêu, Anh (F,Cl,Br,I,At)
- Nhóm VIII: Hằng , Nga , Ăn , Khúc , Xương , Rồng (He,Ne,Ar,Kr,Xe,Rn)
Cách biến tấu 2:
- Nhóm IA: Lính nào không rượu cà phê
- Nhóm IIA: Bé Mang Cá Sang Bà Rán
- Nhóm IIIA: Cô Sinh Ghé Sang Phố
- Nhóm IV: Ông Say Sưa Táp Phở
- Nhóm V: Fải Có Bánh Ít Ăn
- Nhóm VI: Hè Này Anh Không Xuống Ruộng
(Nguồn: Công Trữ)
Ngoài 2 cách sắp xếp tạp vần điệu trên, còn có nhiều cách biến tấu khác tùy vào sự sáng tạo của từng cá nhân. Nếu muốn, các bạn có thể tự tạo thành những cụm từ của riêng mình để ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học. Hãy thử sáng tạo theo cách mình muốn và ghi nhớ bảng tuần hoàn ngay hôm nay nhé!
Học thuộc theo bài ca hóa trị
Một cách học thuộc khá thú vị khác chính là biến bảng tuần hoàn khó nhằn thành bài hát có vần và giai điệu. Thử học thuộc 2 bài hát dưới đây xem việc ghi nhớ bảng tuần hoàn hóa học có còn khó nhớ không nhé!
Bài ca Hóa trị phiên bản 1
Kali, iot, hidro (K, I, H)
Natri với bạc, clo một loài (Na, Ag, Cl)
Là hoá trị 1 hỡi ai
Nhớ ghi cho kỹ khỏi hoài phân vân
Magiê, kẽm với thuỷ ngân (Mg, Zn, Hg)
Ôxi, đồng, thiếc thêm phần bari (O, Cu, Sn, Ba)
Cuối cùng thêm chữ canxi (Ca)
Hoá trị 2 nhớ có gì khó khăn!
Này nhôm hoá trị 3 lần (Al)
In sâu trí nhớ khi cần có ngay
Cacbon, silic này đây (C, Si)
Có hoá trị 4 không ngày nào quên.
Sắt kia lắm lúc hay phiền (Fe)
2,3 ta phải nhớ liền nhau thôi
Lại gặp nitơ khổ rồi (N)
1, 2, 3, 4 khi thời lên 5.
Lưu huỳnh lắm lúc chơi khăm (S)
Xuống 2 lên 4 khi thì 6 luôn
Photpho nói đến không dư (P)
Có ai hỏi đến, thì ừ rằng 5
Em ơi cố gắng học chăm
Bài ca hoá trị suốt năm cần dùng
Bài ca Hóa trị phiên bản 2
Hidro cùng với Liti, (H, Li)
Natri cùng với Kali chẳng rời (Na, K)
Ngoài ra còn Bạc sáng ngời (Ag)
Chỉ mang hoá trị 1 thôi chớ nhầm!
Riêng Đồng cùng với Thuỷ ngân (Cu, Hg)
Thường 2 ít 1 chứ phân vân gì
Đổi thay 2, 4 là Chì (Pb)
Điển hình hoá trị của Chì là 2
Bao giờ cùng hoá trị 2
Là Oxi, Kẽm chẳng sai chút gì (O, Zn)
Ngoài ra còn có Canxi (Ca)
Magie cùng với Bari một nhà (Mg, Ba)
Bo, Nhôm thì hóa trị 3 (B, Al)
Cacbon, Silic, Thiếc là 4 thôi (C, Si, Sn)
Thế nhưng phải nói thêm lời
Hóa trị 2 vẫn là nơi đi về
Sắt 2 toan tính bộn bề (Fe)
Không bền nên dễ biến liền sắt 3
Photpho 3 ít gặp mà (P)
Photpho 4 chính người ta gặp nhiều
Nitơ hoá trị bao nhiêu? (N)
1, 2, 3, 4 phần nhiều tới 5
Lưu huỳnh lắm lúc chơi khăm (S)
Khi 2 lúc 4, 6 tăng tột cùng
Clo Iot lung tung (Cl, I)
2 3 5 7 thường thì 1 thôi
Manga rắc rối nhất đời (Mn)
Đổi từ 1 đến 7 thời mới yên
Hoá trị 2 cũng dùng nhiều
Hoá trị 7 cũng được yêu hay cần
Bài ca hoá trị thuộc lòng,
“Viết thông” công thức đề phòng lãng quên.
Học hành – cố gắng cần chuyên,
Siêng ôn chăm luyện, tất nhiên nhớ nhiều.
Kết
Cùng thử xem liệu cách này có giúp các bạn học sinh dễ “khắc sâu” những thông tin về bảng tuần hoàn hóa học vào trong đầu không nhé. Hóa học không hề cứng nhắc, hay tẻ nhạt những các bạn vẫn nghĩ. Nếu hiểu và biết cách biến tấu thì đây sẽ là môn học vô cùng thú vị.
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp ích cho các bạn học sinh đang đau đầu bở môn Hóa. Bắt tay vào thực hành ngay và cùng gửi lại phản hồi vào phần bình luận bên dưới nhé!